Home 2019 Tháng Chín

Thung mưa

Rộn nhịp mưa khua…tràn thung
Gà hoang gáy loạn nước non cùng
Ùn ùn sơn khí vờn chiều quạnh
Còn tôi họa thơ…

Tôi nhớ tôi đi những dặm trường
Bên thành xưa cũ đã chìm sương
Áo bào thấm thoắt luân hồi đọng
Còn thơ giữa đoạn trường…

Đàn trời hờ hững nhịp gió trời
Thung mưa đã ngập thi tứ lơi
Tôi gom ảo ảnh thành thơ cũ
Cho hồn sống lại một cuộc đời

Chân dẫm hài mưa nghe lạnh lạnh
Nghe đời đà bớt phận nổi trôi
Nghe đâu mát dịu chiều sơn dã
Nghe lòng đã lưng chừng

Tre trúc xô nghiêng một góc rừng
Thung chiều bất chợt hiện mông lung
Chập chờn hư ảnh vài trăm kỷ
Và con mắt kia cũng mở bừng

Góc rừng chiều
Mưa hạt hạt
Sấm động xiêu
Mặt trời nhạt

Tôi khoác manh bạch y
Ngóng mưa xua thế sự

Tĩnh rồi!

*Kỷ niệm một lần ở Kỳ Sơn – 2019

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Chín

Tôi đếm

Đếm đêm vương vấn thềm thu rụng
Đếm thu nay đã lỡ nhịp mùa
Đếm tôi bước qua tôi thật khẽ
Trăng rơi à trăng rơi…

Tôi thấy tôi lạc mình nơi tiền kiếp
Trúng tên rồi nghe nức nở hơi tàn
Tôi đếm nhịp sống mình đứt đoạn
Một đời đà tan hoang…

Tôi lại đi theo dấu sao vô tận
Đếm hư vô mấy lượt gọi tôi về
Tôi ôm ấp đôi mối tình hư huyễn
Chẳng cắt nổi nhân duyên…

Và đây tôi lạc loài mấy kiếp
Tôi đếm hoài chả hết phận luân hồi
Đêm nhẹ bước trùng trùng tình điệp điệp
Góc tinh cầu chớm mơ…

Tôi đêm nay đếm nụ cười thoáng quá
Như sương đọng lá
Và tan biến
Để thành sương…

đêm…

bao nhiêu…

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Chín

Homeschooling thì học cách tương tác như thế nào?

Một trong những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất khi tôi nói về chuyện con gái của tôi homeschool đó là nàng ta sẽ học cách tương tác xã hội như thế nào. Họ luôn cho rằng tương tác xã  hội sẽ chỉ được học ở môi trường nhà trường, nơi đó một đứa trẻ có những người bạn đồng lứa, và được sự chỉ dẫn của những người được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm. Tôi không đồng tình với quan điểm này, bởi vì ngay từ triết lý ban đầu của nền giáo dục hiện đại, đặc biệt là ở Việt Nam, thì nhà trường đã không phải là nơi để một đứa trẻ học cách tương tác.

Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn!

Hãy xem, trường học của chúng ta đang học được dựng lên theo mô hình như thế nào? Chúng ta được học theo một khuôn mẫu, mà trong đó những người học giỏi và được cho rằng có tư cách đạo đức tốt là hình mẫu.  Trường học là một bản sao được nén lại của xã hội. Bản sao này chứa tất cả các yếu tố làm nên một cộng đồng hạn chế tính cá nhân một cách tối đa. Trong xã hội, con người vận hành theo quy luật kiếm sống và tiêu dùng. Mọi sản phẩm được tạo ra để kiếm sống và lấy nguồn thu từ sản phẩm để mua sản phẩm khác. Sự tương tác giữa con người và con người trong xã hội hiện nay (và có thể là trong mọi hình thái xã hội cổ sơ) đều chỉ là tương tác giữa nhân công với nhân công (kể cả khi bạn ở thượng tầng trong xã hội, về bản chất vẫn là nhân công). Toàn bộ thế giới là một công xưởng, một tập đoàn khổng lồ mà chẳng ai thực sự sở hữu. Chính bản thân nó sở hữu loài người. Trong ấy, trường học giống như một trại huấn luyện.

Con vật bị đưa vào các rạp xiếc, vườn thú, được huấn luyện để đẽo gọt bản tính hoang dã của mình. Chúng được thuần hóa. Cây trồng bị tước bỏ những phẩm tính cây dại của mình để trở thành thức ăn hoặc vật trang trí. Chúng bị bứng khỏi thiên nhiên, trở nên “có văn minh” hơn, nhưng đồng thời cũng mất đi những tinh túy cần có. Chúng trở nên ngớ ngẩn và ngờ nghệch, trở nên giả dối. Nói như nhà thơ Đinh Hùng, đó là một tình trạng “lạc thiên nhiên”. Khi chúng tương tác với nhau như một hệ thống, chúng không tạo thành một hệ sinh thái đa dạng, vừa có thể cộng sinh vừa có thể cạnh tranh sinh tồn, mà trở thành “hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng”, như những con hổ trong vườn bách thú “nằm dài trông ngày tháng dần qua” hay “bọn gấu dở hơi”, “cặp báo chuồng bên vô tư lự” (những hình ảnh trong bài “Nhớ rừng” của Thế Lữ). Nói một cách khác, chúng không tương tác với nhau, chúng cố ngang hàng với nhau để thành hàng lối.

Một trong những ám ảnh tồi tệ nhất của con gái tôi khi ở trường mà luôn khiến tôi bực bội, đó là nàng ta luôn lăn tăn: “Tại sao mình khác những đứa khác thế?”. Không muốn khác người, không muốn đặc biệt, không muốn xuất chúng, và đương nhiên không muốn yếu kém hơn.  Khi có một chút vượt trội hơn, hoặc thua kém hơn, nàng ta lại có cảm giác rằng mình đang thiếu hòa đồng. Cần phải được bình thường như bao đứa trẻ khác là một nỗ lực không dễ đối với con gái tôi. Luôn ở giữa hai lựa chọn: hoặc tự tước bỏ bản thân để bình thường, hoặc cứ sống thoải mái với bản thân mình và chấp nhận cô độc. Các cô giáo trong trường cấp 1 có thể hiểu thấu tình trạng của con gái tôi, nhưng các thầy cô cấp 2 thì không. Cấp độ thấu hiểu này ngày càng ít dần đi khi lên các cấp cao hơn, bởi vì họ thực sự chỉ là “người lái đò” làm dịch vụ đưa học sinh qua sông. Những lời này có lẽ hơi tàn nhẫn với các thầy cô giáo, vì ở đâu đó vẫn có những thầy cô rất tốt bụng và yêu nghề, nhưng đó chỉ là số ít, rất ít giữa một xã hội vô cảm và trục lợi. Và dù họ có yêu nghề đến đâu, thì liệu họ có ý thức được rằng họ đang là nhân công góp phần đào tạo ra các nhân công để phục vụ một xã hội đang tước bỏ các phẩm tính tinh thần của con người?

Một đứa trẻ tương tác với nhà trường, gia đình và xã hội theo một cách không tự nhiên. Nó không thực sự tương tác. Vì nó đâu được là chính nó. Tương tác không tồn tại giữa những chiếc mặt nạ với mặt nạ, những lập trình với những lập trình. Tất cả đều được lập trình theo cách giống nhau, và chỉ hệ thống tự vận hành theo cách của mình mà mỗi con người bị đưa đẩy theo lối đó. Rồi người ta gọi đó là số phận, là định mệnh, là quy luật xã hội…  Và ngay cả những người lớn, cũng chẳng ai tương tác với ai cả. Họ có thể nói chuyện, nhưng không tương tác, bởi các nội dung không đến từ chiều sâu tinh thần mà đến từ những ham muốn, kỳ vọng ở bên ngoài, hoặc tệ hơn, sự hời hợt của nghĩa vụ quan hệ giữa người và người. Những lời chào vô nghĩa, những đon đả không thật lòng, những nghi lễ chỉ mang tính hình thức, những đua tranh thành tích chẳng để làm gì ngoài tô điểm cho cái mặt nạ… tất cả tạo ra một bầu không khí đạo đức giả từ nhà trường, đến gia đình và ngoài xã hội.

Phản ứng lại sự đạo đức giả này, nhiều đứa trẻ có xu hướng chửi bậy, cố tỏ ra “cool ngầu”, đôi khi chuyển sang phong cách “dark”. Con gái tôi đã ở trong tình trạng này và vẫn chưa thoát khỏi. Giống như nhiều đứa trẻ đồng trang lứa, nàng ta nghĩ rằng tất cả những điều ấy là sống thật. Chưa đến lúc nàng ta nhận ra rằng đó chỉ là một thái cực kia của sự giả dối, và thái cực kia không phải là sống thật, mà là một tình trạng giả dối khác. Tuy nhiên, thái cực này là cần thiết để tiếp tục tiến sang nhiều thái cực khác cho đến khi trở về cốt lõi của tinh thần.

Tôi không học được điều này từ các nhà tâm lý học, tôi học điều này từ bản thân tôi. Từ bé tôi luôn là một đứa con ngoan trò giỏi, tuân thủ tuyệt đối mọi quy định tới mức mà tự biến mình thành công cụ để thắt chặt những người bạn của mình vào các quy định ấy. Nhưng khi lên lớp 7, tôi mệt mỏi. Sự mệt mỏi hình thành từ bất mãn của tôi với cô giáo dậy văn của tôi lúc ấy. Cô ấy đã trù dập tôi suốt một năm trời chỉ vì tôi lỡ chỉ ra một kiến thức sai của cô. Cả một năm, tôi chỉ được 7 điểm văn, không hơn. Qúa nhiều điểm 7 đến nỗi tôi cứ ngỡ rằng tôi kém cỏi văn chương. Và cả năm ấy tôi chửi bậy. Cùng với bạn bè mình, tôi cười sằng sặc trước các truyện dạng “sex joke”, mặc toàn đồ đen “cool ngầu”, và chả ngần ngại đọc những thứ như “Cô giáo Thảo” hay “Chú Kim”, những truyện sex đồi bại nổi tiếng. Đó là một năm nổi loạn. Cho đến cuối năm, bài thi môn văn của tôi không được chấm bởi cô giáo dạy văn ấy, mà bởi một cô khác, tôi mới nhận ra rằng chẳng có gì để tự nghi ngờ mình và giận dữ mình. Bài thi ấy, đã rọc phách, và được 9 điểm, được xác nhận bởi cô giáo dạy văn giỏi nhất và có uy tín nhất trường, một cô giáo không thể bị mua chuộc và kỹ lưỡng trong từng câu từng chữ. Từ đó, tôi đã thoát ra khỏi thái cực kia. Lúc ấy, nhìn lại quãng thời gian lớp 7, tôi vẫn nhớ mình có cảm giác như đi ra khỏi địa ngục – trải nghiệm mà sau này tôi đã tự mã hóa vào tiểu thuyết “Điệu nhạc trần gian” tôi viết vào năm lớp 8.

Hồi đó, những mối quan hệ bạn bè dạng “cool ngầu” rất vui, rất ồn ào, nói theo ngôn ngữ bây giờ là “rất quẩy”. Nhưng trong mối quan hệ ấy không có sâu lắng. Chơi bời với nhau nhưng chẳng thể chia sẻ với nhau. Tôi cảm thấy những người bạn chẳng thể chạy theo kịp suy nghĩ của mình. Tôi vẫn thích thú cảm giác trèo lên thành bể trên nóc tầng thượng, nằm dài và nhìn trời mây trôi qua, hơn là tươi cười với họ. Ngày ấy Hà Nội không quá ô nhiễm, trời còn trong xanh và mát mẻ. Cây cối trên tầng thượng lúc nào cũng lên mơn mởn. Tôi dẫn người bạn thân nhất của mình lên tầng thượng. Cả hai nói rất nhiều, rất nhiều, nhưng nhạt nhẽo. Có thể cô bạn tôi không thấy nhạt nhẽo, nhưng tôi cảm nhận thấy sự chán nản trong tôi. Từ đó, tôi cũng không đưa cô bạn lên tầng thượng thêm lần nào nữa.

Những câu chuyện mà chúng tôi nói, không là công việc ở lớp, thì cũng là chuyện nói xấu người này người kia, hoặc mua các đồ “xịn xò”, hoặc theo dõi tình hình của các anh thần tượng. Đôi lúc, sâu sắc hơn một chút, là nghe nhau kể những cảm xúc thoáng qua của tình yêu thuở mới lớn hay những giận hờn bố mẹ.  Chúng tôi giải trí và giết thời gian của nhau nhiều hơn tương tác với nhau. Về sau, những người bạn thân khác của tôi cũng vậy. Mẹ tôi luôn chê tôi vì tôi không biết trân trọng tình bạn. Có lẽ lời mẹ tôi chê là đúng! Bởi vị tôi khó có cảm giác tình bạn tồn tại khi tôi không nhìn thấy họ thực sự là chính họ. Với họ, tôi luôn có một sự e dè nhất định, một cảm giác bất an, không do sự nghi ngờ, mà là do sự thiếu đồng điệu về tinh thần. Tôi cảm thấy rằng họ đang cố đồng hóa tôi vào mẫu hình đời sống của họ với những lời khuyên về việc phải thế nọ, phải thế kia – một điều tối kị của tôi, từ bé cho đến bây giờ.

Sáu năm ở trường tương tác theo lối ấy là quá đủ với con gái tôi, và tôi khó có thể tưởng tượng nàng ta sẽ trải qua ngần ấy năm như tôi, bởi vì sự cố chấp của nàng ta cao hơn tôi, nhưng cũng vì thế mà càng bị ám ảnh tâm lý nhiều hơn tôi. Với tôi, mọi sự rất dễ dàng. Dễ dàng để tuân thủ, dễ dàng để ồn ào, dễ dàng để xu thời, dễ dàng để nổi loạn, và cũng dễ dàng để vứt bỏ những thứ ấy chỉ trong một suy nghĩ. Tôi thuộc loại người chỉ cần một chiếc lá rơi có thể làm tôi quên phắt mọi thứ, nhưng con gái tôi lại là người khư khư với những ký ức. Và càng khư khư với chúng thì lại càng khó chịu đựng nhà trường, khó chịu đựng những tổn thương. Nhưng cũng chính sự khư khư ấy khiến con gái tôi nhớ được những trải nghiệm tự do và vui vẻ mà gia đình tôi tạo ra, để nàng ấy khó chấp nhận được môi trường giam hãm tinh thần và cả thể xác của nhà trường.

Vậy thì bây giờ, con gái tôi sẽ phải học tương tác như thế nào? Đầu tiên là tương tác với chính mình. Có nghĩa là nàng ta phải trải qua những đấu tranh trong tâm trí, sự cãi nhau và dàn hòa giữa các luồng suy nghĩ, sự xung đột và tương thích giữa các thang bậc cảm xúc, và đối mặt với nỗi sợ hãi của chính mình. Nếu không thể tương tác với bản thân mình thì làm sao tương tác và thấu hiểu người khác được? Sự tương tác hờ hững như những kẻ lướt qua đời nhau nào có để làm gì? Và muốn học cách tương tác với bản thân mình thì đầu tiên phải hạn chế tương tác với bên ngoài nhiều nhất có thể. Khi học cách tương tác với bản thân mình rồi, một lúc nào đó, nàng ấy sẽ bước ra ngoài để biểu hiện mình và giải mã các biểu hiện của người khác, nhưng không phải bây giờ.

Nói thì nói vậy nhưng không dễ. Chuyển từ trạng thái ham vui của một đứa trẻ mới lớn sang một trạng thái tĩnh lặng cần thiết luôn khó khăn. Con gái tôi vẫn cần bạn bè, không phải vì thực sự cần, mà vẫn ôm khư khư ý niệm rằng bản thân mình cần bạn và buộc phải có bạn. Khó để gỡ bỏ ý niệm ấy. Vậy thì có một cách đó là đa dạng hóa những loại bạn của con gái tôi. Vợ chồng tôi cho phép con gái lên mạng, chat với những đứa trẻ đồng trang lứa trên facebook. Nàng quen thêm bạn ở đủ cả ba miền Bắc – Trung – Nam, bạn ở Mỹ và ở Nhật. Đằng nào cũng chỉ là tán nhảm, thì tán nhảm ở trường hay ở facebook thì cũng đều độc hại như nhau. Tán nhảm online cho phép nàng thả cửa với những suy nghĩ điên rồ mà không cần phải che dấu. Và khác với những đứa trẻ khác luôn che giấu bố mẹ các đoạn hội thoại trên mạng, nàng thường chụp màn hình các đoạn hay cho vợ chồng tôi đọc. Đôi khi chồng tôi còn chat với bạn của con gái tôi để giúp giải quyết các mâu thuẫn giữa lũ trẻ và phân tích đúng sai cho chúng cũng như cho con gái tôi. Những tranh cãi được lưu ở dạng văn bản luôn rất thuận tiện để làm bằng cớ cho sự phân xử và khiến các bên tâm phục khẩu phục. Các phụ huynh thường sợ con cái mình trò chuyện trên Internet bởi vì họ sợ, họ không tương thích được với thế giới này, và khi sợ thì họ cấm. Sự cấm đoán chỉ càng khiến họ đánh mất dần quyền kiểm soát của mình với con cái. Cha mẹ và con cái cùng tự do theo cách của mình, kỳ lạ thay đó là lúc mọi chuyện được kiểm soát tốt nhất, bởi vì đó là cách người với người đang thực sự tương tác.

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Chín

Tôi và mặt trời

Nước non loạn nhịp
Hờ
Mê đắm

Một làn nước mảnh
Đã xa khơi
Tôi ngẩng đầu chẳng thấu nhịp đời
Và sẽ gục
Vệt hoàng hôn thẫm máu

Mặt trời hồng, mặt trời hồng mọi nẻo
Giật dây đời
Điên loạn
Bước theo
Và điên loạn giương cung vào vô vọng
Mặt trời cười
Nhân loại rực cháy thui

Tôi xếp cây cung vào hộc kín
Quay lưng
Chẳng ngóng mặt trời tàn
Mặt trời níu tôi lời vô vọng
Vì tôi là mênh mông

Tôi hờ nghe tàn lụi
Tôi hờ nghe tiêu tan

Tôi gối đầu điêu tàn
Chẳng cần điều vĩnh viễn

Đời tôi hờ quá nhẹ
Chẳng ghi dấu trần gian
Mặt trời hờ quá nhỏ
Tinh cầu giữa vô vàn

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Chín

Nhảm #24: Quy luật cuộc sống

Càng hiểu nhiều quy luật của cuộc sống, càng khó để tham gia cùng cuộc sống.
Nếu ta thử và phát hiện ra điều ta biết là sai, đó không phải bất hạnh, đó là hạnh phúc. Hạnh phúc vì còn gì đó để khám phá.
Nếu ta cứ đúng mãi dù cho các lựa chọn có điên rồ đến đâu, đó lại là vấn đề. Tức là khi ấy cuộc sống không còn gì để khám phá, để thử thách.
Độ bất hạnh sẽ gia tăng khi ta thậm chí còn không thể sớm chấm dứt đời mình.
Nhưng ai là kẻ hiểu được mọi quy luật?
Những kẻ thành đạt và hoàn mỹ ư? Chưa chắc, họ chỉ đơn giản đang trói mình ở một lựa chọn an toàn.
Những kẻ cứ lao vào những lối sống khác biệt và đắm chìm trong nó ư? Họ chỉ đang chơi tiếp trò chơi số phận.
Ai sẽ để cuộc đời đi qua mình và mỉm cười? Đó có phải kẻ hiểu các quy luật? Liệu họ có thể tự xóa não mình để vui thú như kẻ ban đầu?
Cuộc đời rất ít khi tươi mới, trước khi bắt đầu bất cứ lựa chọn nào, ta phải cười nhạt mà chấp nhận.

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Chín

Nhảm #23: Nói

Người ta rất dễ bắt chước những nhà thông thái, bởi người thông thái thường nói điều giản đơn.
Những kẻ ưa thích phức tạp là những đứa trẻ đang tập nói (như tôi chẳng hạn). Đứa trẻ có thể học cách giản đơn hơn để thốt ra lời thông thái trong những khoảnh khắc thâm trầm hiếm hoi của đời người. Hoặc nó có thể tiếp tục nói nhảm (như tôi). Hoặc tệ hơn, nó có thể trở thành giả dối bằng cách thốt lên những lời vờ như thông thái.
Làm sao để phân biệt?
Trước hết hãy nhớ, đây là lời của tôi, một đứa trẻ đang cố chậm lại tiến trình lớn của mình, để duy trì động lực nói ở mức độ vừa phải.
Phân biệt nhà thông thái thật và nhà thông thái giả, đừng nhìn lời nói, hãy nhìn hành động.
Hoặc nếu không? Hãy chọc tức họ cho tới khi họ có thể phát điên hoặc ta phát điên. Nếu ta phát điên còn họ vẫn bình thản, xin chúc mừng, bạn đã tìm thấy sự thông thái cho chính mình thông qua chứng kiến họ.
Còn một điều này nữa, nhà thông thái nói ngày càng ít, còn kẻ giả mạo sẽ nói ngày càng nhiều.
Đừng lên án những kẻ giả mạo, họ không biết họ đang nói gì đâu, và cũng không biết rằng mình đang giả mạo.
Trẻ con như chúng ta, rất dễ tha thứ, có phải không?

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Chín

Nhảm #22: Cắt đứt

Cắt đứt với bất cứ điều gì đều mệt mỏi, đâu có phải nhất niệm mà thành.
Cắt đứt trong ý niệm, nhưng thể xác vẫn cứ phải đi giải quyết những nghiệp chướng tồn dư.
Giải quyết rồi vẫn chưa xong, duyên nợ còn giăng ra đủ dây níu kéo…
Thế đó, người đời muốn ta nợ họ, họ nợ ta. Họ sợ trạng thái những món nợ được trả, bởi lúc ấy, họ bị tước bỏ cơ hội ràng buộc, cơ hội ăn bám.
Và ta cũng thế, cắt đứt mọi ràng buộc thì chỉ có cái chết. Chấp nhận cái chết, thế thôi.
Thử nghĩ khác xem nào?
Quay cuồng điên loạn trong trùng trùng duyên kiếp. Quay đến khi duyên nợ vào guồng. Đó cũng là một cách. Ôi, thế thì ta chóng mặt đến nỗi không đứng nổi mất. Mà cần gì đứng nhỉ!
Chóng mặt đến khi ngã xuống, và ngắm nhìn duyên nợ lả tả rụng xuống ta. Thật là một hình ảnh đẹp. Nhưng, chúng vẫn có đó. Và nếu ta chết đi, chúng vẫn còn đó.
Một cái chết không còn gì ràng buộc và một cái chết vẫn quay cuồng níu kéo, ta sẽ chọn gì, người đời sẽ chọn gì?

Home 2019 Tháng Chín

Nhảm #21: Quằn quại

Quằn quại không có nghĩa là sâu sắc.
Đó là trạng thái của những con sâu bị xéo tới mức ngoài quằn ra thì chẳng còn có thể làm gì khác. Tội nghiệp lũ sâu bất lực.
Thích thú chiêm ngưỡng sự quằn quại lại càng không phải là sâu sắc.
Đó là thú vui bệnh hoạn.
Đó thậm chí còn không phải đồng cảm và thấu hiểu, mà là sự đói khát quằn quại của những con sâu chẳng bao giờ được ai để tâm đến mà dày xéo.
Khi người ta quá hèn yếu để hành hạ người khác hay hành hạ bản thân, người ta thường chọn cách ngồi lì và chứng kiến một đối tượng khác xa vời, có thể là hư cấu đang đau đớn, vật lộn.
Thế rồi, trở thành sâu sắc, thành nhân văn.
Con sâu bị xéo không thể thành bướm, và những kẻ chứng kiến nó cũng thế. Chẳng có nổi một chút ngắn ngủi đẹp đẽ. Ôi, thật là sâu sắc, thật là nhân văn.

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Chín

Nhảm #20: Nhạt nhẽo

Sau rất nhiều nỗ lực để làm mình trở nên thú vị hơn, tôi bắt đầu chuyển sang thái cực khác: Khiến mình trở nên nhạt nhẽo.
Để trở nên thú vị, rất dễ. Tâm trí con người thích bị kích động, mà tôi thì vẫn là con người.
Nhưng để trở nên nhạt nhẽo thì khó khăn vô cùng. Đâu dễ chấp nhận một tình trạng não không kích thích. Đâu dễ để sống trong sự lãng quên của mọi người. Đâu dễ để tịch mịch với chính mình.
Đây là một cuộc cai nghiện, tôi đã nghiện chính mình. Không, chính xác là nghiện những thứ nội tiết tố mà não tôi tiết ra khi tôi thú vị. Nghiện một thứ tính từ mà người đời quy định. Nghiện một cái mặt nạ!
Nhạt nhẽo có thể khiến tôi nghiện theo cách tương tự như thế. Nhưng tôi chưa thử, nên không dám chắc. Và có lẽ cũng ít người dám thử.
Vì nhạt nhẽo không phải là đời thường lặp đi lặp lại của các bạn. Đời thường ấy không nhạt nhẽo, mà hổ lốn.
Nhạt nhẽo là cái gì đó khác với hổ lốn và thú vị.
Nhạt nhẽo có thể đơn giản là một giấc ngủ ngon lành không mộng mị.

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Chín

Nhảm #19: Sở hữu

Người đời luôn cần sở hữu cái gì đó, không hữu hình thì cũng phải vô hình. Họ dành gần hết cuộc đời để sở hữu những thứ không thật sự thuộc về mình, và thực ra là không thuộc về ai cả. Nào thì thành đạt, tài sản, nhan sắc, danh tiếng, tình yêu…ôi đủ thứ có thể gọi tên.
Vì quá mải mê sở hữu, họ quên mất tận hưởng trải nghiệm chúng. Và bởi thế, họ bị chính những thứ mình sở hữu sở hữu mình. Họ thành công cụ, thành nhân tố để thúc đẩy những kẻ khác lại ham muốn đủ thứ như họ.
Sở hữu thực sự là một cái bẫy…
Có duy nhất một thứ đáng để sở hữu, đó chính là bản thân mình. Ấy thế mà, khi có quyền sở hữu chính bản thân mình, họ lại sợ hãi! Quả là kỳ quặc!
Một người nhận ra họ không có gì ngoài chính bản thân họ khi họ mất tất cả, mà không phải, có gì thực sự là của mình đâu. Nghịch lý ở chỗ, người đời thích sở hữu ngoại thân nhưng lại muốn bản thân được sở hữu, vì luôn kỳ vọng bản thân mình tồn tại một cách có giá trị với ai đó.
Thế rồi, sở hữu thật là một tình trạng vô vọng, ngay cả sở hữu chính bản thân mình.
Vô sở hữu còn khó thực hiện hơn, vì người đời càng không thể chấp nhận rằng hóa ra mình chả là cái quái gì! Hoàn toàn vô giá trị, thậm chia có thể còn không thực tồn tại.
Thế thì sở hữu hay vô sở hữu đều đi đến kết luận rằng chúng ta chả là cái thá gì, và không chắc là chính chúng ta. OK???

Hà Thủy Nguyên