Home 2019 Tháng Chín / page 2

Nhảm #18: Phá lồng

Tự do là thứ chưa ai từng có nhưng ai cũng thích đòi, thật kỳ lạ…lại còn đi tìm nữa chứ…
Ý thức rằng mình đang không tự do quan trọng hơn tìm thấy tự do. Bất hạnh cho những ai thấy rằng mình đang tự do. Họ tự đang nhốt mình đấy.
Người khác nhốt mình: ngục tù. Mình tự nhốt mình: tự do.
Không ai tước bỏ tự do của ai cả, bởi vì không ai tự do. Những kẻ muốn giam hãm kẻ khác chẳng qua là bởi chúng quá sợ hãi, quá cô đơn, tới mức muốn nhốt hết đám đông vào một cái lồng chật hẹp. Càng chật càng yên tâm.
Nhưng mà kẻ đã quen ở lồng rộng rồi, đâu quen ở lồng hẹp, thế là hùa nhau phá cái lồng chật đi, rồi lôi hết những kẻ đã quen trong lồng hẹp bước chân vào cái lồng rộng hơn.
Hóa ra rộng hơn chả đáng kể, cuối cùng vẫn hẹp thôi… Lại đập… Lại rộng… Lại chật… Đám đông thì cứ mỗi ngày một to hơn.
Dần dần, họ chẳng biết làm gì khác ngoài phá lồng. Nghề chính của nhân loại đó.
Không phá lồng thì làm gì nhỉ? Chấp nhận rằng mình đang sống trong lồng không phải là một cách tốt.
Hay là thử tưởng tượng những cái lồng không có thật? Đó là thứ ảo tưởng nguy hiểm nhất về tự do.
À, có thể nghĩ mình không có thật…
Mà thôi, đến đây thì nhảm quá rồi. Càng nói, tôi càng thấy tôi đang chui sâu vào một xó lồng và dựa vào chấn song rung đùi nhìn đám đông đập, đập, và đập. Càng đập, họ càng thấy họ vẫn ở trong một cái lồng y như tôi, chưa ai thoát đi đâu cả…

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Chín / page 2

Nhảm #17: Chẳng gì thay đổi

Thay đổi chính quyền không tạo ra thay đổi xã hội. Chính quyền là đại diện cho người dân, thế nên thay đổi chính quyền chẳng khác nào lắp hoa giả trên một cái cây đã mục ruỗng.
Sự thay đổi xã hội thực sự đến từ các thành tố trong xã hội, tức con người.
Nhưng làm sao để thay đổi con người, và con người là gì, đó lại là nan đề lớn của thay đổi.
Chẳng từ ngữ định tính nào định nghĩa được con người. Con người là vô giới hạn. Tức là cùng một lúc con người có thể biến chuyển xấu đi hoặc tốt lên, tùy từng khía cạnh và góc nhìn. Và con người chẳng thể thay đổi được gì tích cực với con người ngoài tiếp tục làm tổn thương nhau và giam hãm nhau trong những tuyên ngôn nhất thời. Nói một cách khác, họ lại cài hoa giả để trang trí cho nhau, còn bên trong chúng ta đều thối rữa.
Thối rữa là một quá trình cần thiết để đổi thay! Đúng không nào! Sau thối rữa sẽ là hồi sinh. Nhưng cái mới sẽ khác cái cũ ở điểm nào? Hay lại là một sự sao chép?
Tóm lại thì con người có thể thay đổi được không? Có lẽ không! Nhưng ta có thể thay đổi bề mặt xã hội để môi trường sống của con người trở nên tốt hơn.
Sự thay đổi bề mặt xã hội, hãy nhớ, chỉ là bề mặt. Dưới lớp mặt nạ ấy, con người vẫn đang thối rữa từng ngày như lộ trình sự sống vẫn diễn ra.
Tóm lại, sự thay đổi có thực sự cần thiết? Cần! Để con người không phải đối mặt với sự thối rữa của mình ấy mà…

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Chín / page 2

Nhảm #16: Thay đổi

Con người, tự chúng ta gọi chúng ta để phân biệt với loài vật, để tự huyễn rằng mình cao quý hơn muôn loài khác.
Người dân, chúng ta khiêm tốn tự gọi mình và đồng loại của mình để mong được kẻ khác chấp nhận sự sinh tồn.
Không có mâu thuẫn giữa khái niệm con người và người dân, vì chỉ là những từ khác nhau để chỉ cùng một dạng đối tượng.
Khi một người dân trở thành kẻ làm việc trong chính quyền, tự dưng bị “đột biến” và trở thành giống loài khác. Tự chính quyền và người dân đều cư xử với nhau như những kẻ không chung chủng loài. Thật kỳ quặc!
Điều gì đã tạo ra đột biến này?
Quyền lực!
Khi người dân trao quyền cho một nhóm người để nhóm người ấy thay họ định đoạt, thì họ đã tự xà xèo bớt quyền lực của mình để trao cho nhóm ấy (tức chính quyền). Đời truyền đời, họ quên mất dần chính họ đã gây ra sự đột biến chủng loài ở chính quyền. Thực ra, họ cũng bị đột biến, mà thực ra là suy thoái.
Chính quyền là một chủng loài đột biến từ người dân, có thể nói như vậy, và chúng sở hữu nhiều sức mạnh hơn dù số lượng thành viên ít hơn ( nực cười là chính người dân đã mang đến sức mạnh ấy cho chính quyền).
Mô hình của chính quyền luôn thay đổi, để thích nghi với người dân, nhưng dù mô hình nào thì vẫn luôn tồn tại mâu thuẫn giữa hai chủng loài này.
Người dân muốn làm giảm quyền lực của chính quyền, không phải bằng cách thay chính quyền này bằng chính quyền khác. Mà thay vì đó, phải trở nên có nhiều sức mạnh hơn, và hạn chế trao sức mạnh ấy cho chính quyền.
Một xã hội tốt đẹp không đến từ chính quyền tốt, mà đến từ việc người dân sở hữu sức mạnh vượt trội hơn chính quyền, tới mức ép buộc chính quyền vận hành để phục vụ mình chứ không phải biến mình thành công cụ của chính quyền.
Thêm một điều nữa về những kẻ trong chính quyền. Bản thân họ cũng chẳng hiểu gì về sức mạnh cũng như hệ thống chính quyền họ đang làm việc. Họ chỉ như lũ trẻ con sở hữu sức mạnh và tự đắc coi mình như một chủng loài vượt trội. Họ không nhận ra rằng họ đang bị sự đột biến, tức quyền lực điều khiển.
Nhưng cái quyền lực ấy bản chất là gì? Đó là tập hợp những sức mạnh mà mỗi người dân tự tước bỏ khỏi mình vì sự lười biếng, vô trách nhiệm và hèn nhát. Và bởi vì bị tách lìa một cách thờ ơ bởi người dân, nên quyền lực ấy luôn tạo ra những cơ chế kìm hãm thay vì giải phóng, phá hủy thay vì kiến tạo, tàn ác thay vì bao dung, giả dối thay vì minh bạch. Thực tế là, bất cứ ai ở trong chính quyền đều phải tự biến đổi để thích nghi với cơ chế quyền lực này. Chúng có thể được cải thiện đâu đó khi người dân tỏ rõ sức mạnh của mình và đòi hỏi, nhưng về bản chất chúng không thay đổi.
Đừng mơ mộng chính quyền ngay từ ban đầu sẽ vì người dân. Không có đâu! Làm sao một thứ nảy sinh từ sự lười biếng, vô trách nhiệm và hèn nhát của người dân lại có thể vì quyền lợi của người dân được? Chúng sẽ tìm mọi cách để nô dịch chứ, phải không nào? Chính quyền khôn ngoan thì dẫn dắt người dân vào một công xưởng khổng lồ, sang chảnh được đắp bởi các chính sách phúc lợi và các quyền lợi rỗng tuếch, vô giá trị. Chính quyền dốt nát thì để mặc cho dân sinh và dân trí tồi tệ.
Thế nên thay đổi chính quyền không thực sự mang lại thay đổi bản chất của xã hội. Nó làm mỗi người dân ngủ quên trong nhà tù mới tinh tươm hơn, và dễ dàng trao niềm tin và thứ chính quyền tân thời giỏi tô vẽ bằng lời hứa và lý tưởng.
Nhắc lại một lần nữa, khi và chỉ khi người dân có nhiều sức mạnh hơn, ít lệ thuộc hơn vào những hệ thống mà bất cứ dạng chính quyền cung cấp như quốc phòng, an ninh, kinh tế, giáo dục, y tế…thì lúc ấy sự thay đổi cán cân mới đáng kể.
Nghịch lý là người dân cứ tiếp tục trao quyền lực, và tiếp tục thù ghét chính quyền, tiếp tục không cải thiện mình rồi tiếp tục tạo ra những cuộc soán đoạt mà sau đó mình vẫn là nô lệ. Đây là một dạng yếm thế, một dạng thức tinh vi của sự lười biếng, vô trách nhiệm và hèn nhát đã được che dấu trong kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn khi có kẻ khác sở hữu chính quyền.
Kỳ vọng luôn mang lại tuyệt vọng…Và tôi viết những điều này trong cơn tuyệt vọng, nhưng là cơn tuyệt vọng cần thiết để thấu rõ.

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Chín / page 2

Nhảm #15: Nhìn

Có những thứ tri thức được sử dụng để che mắt khiến sự thật không thể hiển lộ.
Có những lời kêu gào tự do không dẫn đến tự do mà chỉ đường dẫn lối tới gông cùm vĩnh viễn.
Có những cứu rỗi đẩy nạn nhân chìm sâu vào hố thẳm khôn cùng.
Có những tình yêu hành hạ người bị yêu nhân danh sự hi sinh.
Có nỗi đau có thể quy đổi thành bạc cắc.
Có nụ cười thiếu vắng niềm vui mà thuần túy là điên loạn và giả dối.
Có thứ gần gũi với thiên nhiên bằng tàn phá thiên nhiên.
Có…mà…
Những gì tưởng như đẹp đẽ, sâu kín hay lý tưởng…đều đáng tởm lợm nếu ta nhận ra sự mạo nhận trong chúng.
Và chúng phản ứng lại cái nhìn thấu rõ bản chất của ta bằng cách quy kết những cái nhìn ấy là cực đoan, u ám, và thiếu hiểu biết sự đời. Một lần nữa, ta thấu rõ bản chất phản ứng của chúng, đơn giản là sự hèn nhát. Không hơn!
Chúng tìm cách bịt tai che mắt người đời bằng cách thao túng họ trong các định kiến, các niềm tin xác quyết mà chính bản thân họ không hiểu. Đó là cách chúng cô lập ta, để cái nhìn của ta không có mức độ ảnh hưởng đáng có.
Có hề gì, ta vẫn nhìn chằm chằm vào chúng để chúng biết rằng chúng không thể làm mù lòa thị kiến của ta. Nhìn cho đến khi chúng không còn tự tin với cái vỏ của mình, cho đến khi chúng lụi tàn.
Nhìn đích thực là một cách để thay đổi thế giới. Thế nên trước khi mở miệng, hãy mở mắt. Hãy học các nhìn trước khi học cách bày tỏ. Nếu không, bạn sẽ mãi mãi bị thao túng bởi sự giả mạo.

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Chín / page 2

Phác thu

Thanh như thuỷ, đạm như thu
Huýt sương động phố không mùa
Hàng hàng cổ tự rêu chẳng bám
Lòng tôi có bện mưa buông

Vẩy thu phác nền trời nhạt nhạt
Đề dăm câu gói gọn một tình thơ
Đời ai hiểu lòng ta từ vạn thuở
Đêm nay vừa mở với vô cùng.

Đời náo động chẳng dung làn gió nhẹ
Quen vô mùa chẳng chịu nổi thu sang
Người nông nổi chẳng quen hồn lãng đãng
Hạnh phúc hờ chẳng nhượng bộ đa mang.

Người đã quên bởi chăng đời không thu?
Hay thu quên bởi linh hồn chật hẹp
Sao chứa nổi bảng lảng khói sương
Hay một chút tang thương nơi cọng lá…

Ta gọi nơi đây mùa thu
Khuyết đâu âm vận sương mù
Ảo hoá chập chờn mộng cũ
Đầu tỉnh mà tim vẫn chần chừ…

Ngắt một chùm thu cúc
Hương hồ vô vị
Ép một vần thơ
Điệu hồ vô duyên
Thở một nhịp sống
Hơi hồ cận tử
Ồ ta đà chạm thu!

Ta đêm nay hồ như
Thu chuyển
Phác mầu sầu u mờ nhạt
Vào cõi người mang mang.

 

Hà Thủy Nguyên