Home 2016 Tháng Mười

Đối thoại với Lý Công Uẩn về kiến tạo

Phạm Thiên Thư có câu thơ:

“Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ quên”

Phạm Duy phổ thành bài hát “Đưa em tìm động hoa vàng”. Đó là giấc mơ lớn nhất đời ta. Ta mơ có một đời sống thanh nhàn, sáng dậy nằm dài ngắm hoa, có rượu ngon vị thanh thoát, có thức ăn mang hương vị tuyệt đỉnh, có những giấc ngủ dài không mộng mị. Nhưng “nhiều khi giấc mơ chỉ là mơ ước”, sự hoan lạc đích thực ấy bị quấy nhiễu bởi những loài ruồi nhặng, gián chuột,… rặt những thể loại như một chất nhầy đen bám vào tất cả…

Ta điên tiết tiêu diệt chúng, nhưng những loại sinh vật ấy nhiều vô kể, biết tiêu diệt đến bao giờ. Đang điên tiết thì Lý Công Uẩn xuất hiện trong một giấc mơ của ta. Lý Công Uẩn đến, đám nhầy nhụa ký sinh vội dạt ra trước uy mãnh của vua.

Ta chợt bật cười. Lý Công Uẩn nhíu mày:
– Người đúng là kẻ rối loạn cảm xúc lưỡng cực! Vừa tức giận đó, vừa buồn đó rồi lại cười như điên được!
Ta cười cười trả lời:
– Ta thấy buồn cười cái việc trong lịch sử, ghi chép về ông chỉ có mấy dòng, nhưng đi đến đền chùa nào cũng thấy kể ông nằm mơ thấy nói chuyện với thần nọ thần kia. Xong giờ đến lượt ông chui vào giấc mơ của ta để nói chuyện với ta. Một kẻ nằm mơ bây giờ đã trở thành kẻ trong giấc mơ của kẻ khác.

Lý Công Uẩn nghiêm giọng:
– Thế giờ ngươi muốn ta dậy ngươi các tiêu diệt kẻ địch hay ở đó mà cười?
Ta đành phải nhịn cười nghe Uẩn nói. Uẩn tiếp lời:
– Kẻ địch tồn tại dựa trên đám đông. Chất nhầy đen mà ngươi thấy đó là cách kẻ địch kiểm soát đám đông. Những kẻ hèn yếu thì biến thành bầy ruồi, bầy gián, bầy chuột… Những kẻ đỡ hèn yếu hơn thì biến thành bầy người. Chất nhầy đen ấy được nhiều kẻ tôn sùng như Chúa, như lẽ tự nhiên, như chân lý. Ta bảo cho ngươi biết lẽ tự nhiên hay chân lý là gì. Ngươi thấy không, tất cả các động vật khi nằm ngủ đều nằm sấp. Chỉ có loài người mới là loài có thể nằm sấp, ngưa, nghiêng thế nào tùy thích. Một số giống loài khác thích sự cô độc thì cũng có khả năng nằm ngủ như người. Chỉ có loài người và những giống loài đẹp đẽ và mạnh mẽ mới cố thoát khỏi sự ràng buộc của chất nhầy đen. Bản chất của loài người không sống bầy đàn, những con vật đẹp đẽ và mạnh mẽ cũng không sống bầy đàn. Bởi nếu đủ trí tuệ thì không cần trí tuệ của kẻ khác, nếu đủ mạnh mẽ thì không cần kẻ khác bảo vệ mình, nếu đủ đẹp đẽ thì không cần bầy đàn trang trí thêm cho mình.

Ta gật gù:
– Ông nói có lý! Nhưng ông đã tiêu diệt những loài ký sinh ấy như thế nào?

Lý Công Uẩn chỉ tay cho ta về phía xa xôi. Trước mắt ta hiện lên khung cảnh thành Thăng Long tráng lệ thời Lý. Đền đài miếu mạo trang nhã, ẩn chứa những bí mật sâu thẳm; người dân bước đi lả lướt như múa trong một điệu nhạc vô thanh, hương thơm thức ăn quyện vào hương rượu lan tỏa khắp không gian. Uẩn tiếp lời:
– Ngươi có thể dùng bình xịt khử trùng để tiêu diệt hết chúng, ngươi có thể thiêu đốt chúng trong ngọn lửa toàn cầu… nhưng các biểu tượng của chúng vẫn còn. Những biểu tượng ấy là biểu tượng của chính trị, những tuyên ngôn nhân danh chân lý, hòa bình, bác ái và thứ tự do nửa vời trong kiểm soát. Các công trình kiến trúc của chúng vẫn còn ngự trị trên thế giới như các thánh đường. Những đám đông đi lại trên đường kia, những đám đông gào thét đòi quyền lợi kia… nhìn chúng xem, giống lũ kiến, lũ gián không? Chúng bị điều khiển bởi một thứ giai điệu hành khúc hoặc một thứ nhạc chảy nhớt với “đau nỗi đau chó cắn, buồn nỗi buồn mất tiền” để tẩy não hàng ngày.

– Ông có gặp chuyện đó ở Thăng Long không?
Lý Công Uẩn gật đầu:
– Không có mới là chuyện lạ. Cách thức ta làm đó là phá vỡ cấu trúc kiểm soát ấy bằng một cấu trúc của sự hoan lạc. Hãy thay thế thứ kiến trúc nhà tù của kẻ địch bằng một kiến trúc dễ chịu, trang nhã, hoặc một dạng kiến trúc vui nhộn, tươi sáng. Hãy thay thế thứ thức ăn cho bầy đàn vô vị, nhạt nhẽo bằng thứ thức ăn ngon lành được nấu từ tài năng và tâm hồn của người nghệ sĩ, hãy thay thứ âm nhạc ngu xuẩn ấy bằng thứ âm nhạc đích thức có thể khiến chúng ta thăng hoa tinh thần, thứ âm nhạc mà con người có thể tìm thấy chính mình. Hãy thay nỗi sợ bằng niềm vui, thứ chất nhầy đen ấy không thể chịu nổi nụ cười ngây thơ, không chịu nổi thứ ánh sáng đích thực tỏa ra từ trái tim con người. Hãy kiến tạo những gì có thể đánh thức trái tim con người: một ca khúc, một bài thơ, một hình vẽ, một câu chuyện… tất cả những gì ngươi có thể làm được từ trái tim thần thánh của ngươi.

– Nhưng ta bây giờ không thể được như ông ngày xưa – Ta chống cằm chán nản – Ta không có quyền lực, ta không có tiền.

– Không có gì là dễ dàng. Nếu muốn kiến tạo một cấu trúc, ngươi phải bắt đầu từ từng viên gạch nhỏ. Ngươi không thể kiến tạo một cấu trúc của niềm vui bằng các viên gạch sợ hãi được, đúng không? Ngươi phải kiến tạo bằng những viên gạch mới, do chính ngươi và những kẻ như ngươi tạo ra.

Nghe cụm từ “những kẻ như ngươi” mà Lý Công Uẩn nói, ta facepalm chán nản. Ngẫm đến cảnh đồng bọn của ta toàn những kẻ có tài mà nhảm nhí: một kẻ ngu xuẩn chỉ biết lao đầu vào chém giết, một kẻ lúc nào cũng câng câng với sự cao quý giả tạo của mình, một kẻ biết tất cả nhưng cố tình từ chối tất cả, một kẻ ích kỷ chỉ mong muốn hạnh phúc của riêng mình, một kẻ suốt ngày đuổi theo cái bóng của chính mình, một kẻ đắm chìm trong tình yêu tuyệt vọng, một kẻ còn chưa thức tỉnh và ý thức được bản thân, còn một kẻ khác thì sẵn sàng liều chết làm mọi thứ nhưng lại tự giết mình bằng những câu hỏi ngớ ngẩn. Lý Công Uẩn dường như đọc ra tâm sự của ta, ông vỗ vai an ủi:
– Đừng quá chán nản! Hãy vứt bỏ kẻ khác ra khỏi đầu. Ngươi nhớ chứ, loài người về bản chất là cô độc. Có đồng bọn thì càng vui, không có chúng, ngươi cứ một mình. Rồng vàng chỉ xuất hiện đơn độc, không đi theo bầy. Ngươi hãy nỗ lực hết sức ngươi có thể, rồi những kẻ khác sẽ thức tỉnh. Những ai có đẳng cấp ngang ngươi, ngươi có thể đi với họ như bạn bè trong suốt cuộc chiến. Những ai không cùng đẳng cấp thì chỉ là công cụ cho ngươi trong một giai đoạn, đừng tiếc nuối khi đến lúc ngươi phải vứt bỏ chúng.

– Nhưng như thế có phũ phàng quá không?
– Ngươi thấy đấy, với những kẻ chỉ khư khư biết bản thân mình thì giữ cũng để làm gì. Một ngày nào đó chúng sẽ bị chất nhầy đen đồng hóa, chúng sẽ tiêu diệt ngươi. Ta biết ngươi không thể tiêu diệt bạn bè mình, ngươi có thể bắt đầu bằng việc nhận thức ra rằng chúng một khi đã bị đồng hóa thì không còn là bạn ngươi, không cùng đẳng cấp với ngươi. Ngươi muốn những viên gạch mới của ngươi lẫn những chất uế tạp từ sự hèn kém của kẻ khác sao?

Những điều Lý Công Uẩn nói như kiếm đâm xoáy vào trí não ta, đau đớn nhưng hữu ích. Ta thà sống trong đơn độc, chết trong đơn độc nhưng gìn giữ được sự trong sạch của dòng năng lượng tuyệt mĩ còn hơn nhiễm chất màu ô uế hèn mạt của bầy đàn. Điều mỉa mai là, muốn gìn giữ dòng năng lược có thể đánh thức trái tim người khác, ta lại phải là một kẻ đơn độc.

Hà Thủy Nguyên

Home 2016 Tháng Mười

Quyền lực của phe trung lập đang hình thành

Thế giới trong nhiều thế kỷ luôn bị phân cực, hoặc Thiện hoặc Ác, hoặc cực Tả hoặc cực Hữu, hoặc Độc tài hoặc Dân chủ… Sự phân cực này tạo ra những trạng thái tâm lý phân cực, hoặc rất cuồng tín hoặc rất bài trừ, và thường tạo ra một vòng lặp trong hành vi: Vì rất cuồng tín nên bài trừ những gì khác biệt với niềm tin của mình. Hiện trạng này xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới và trong mọi lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là chính trị và tôn giáo. Những người nằm ở giữa 2 phân cực này được mô tả bằng một trạng thái vô cùng khó khăn: “Đi thăng bằng trên dây”. Trước đây, những diễn viên xiếc “đu dây” này luôn chịu sự chèn ép của 2 cực, nhưng đến nay, khi thông tin trở nên đa chiều hơn, trật tự này đã dần thay đổi.

Một thế giới đa chiều đang hình thành

Ở những thời đại trước, việc luân chuyển thông tin rất khó khăn, con người hoàn toàn phụ thuộc vào cộng đồng mà họ gắn bó như quốc gia, tôn giáo, Đảng phái… Bởi thế, việc cá nhân gắn kết với một cực nào đó trong xã hội không chỉ tạo cho con người sự ổn định về tâm lý mà còn cho họ sự an toàn trong việc sinh tồn. Con người luôn cảm thấy an toàn hơn khi ở trong một cộng đồng với những người giống nhau – một trạng thái mà chúng ta vẫn gọi là “sự đoàn kết”. Nhà kinh tế học được giải Nobel người Ấn Độ Amartya Sen đã có một cuốn sách rất thú vị đề cập đến vấn đề này có tên “Căn tính và bạo lực” (Identity and Violence). Trong đó, ông cho rằng, chính sự bảo vệ căn tính của mình đã gây ra những hỗn loạn và bạo lực trong xã hội. Trong khi ấy, con người có thật sự được sinh ra trong trạng thái phân cực ấy hay không?

Từ sau thế kỷ 17, nhu cầu chinh phạt những vùng đất mới của người phương Tây đã dần xóa nhòa những phân tách về địa lý, tuy nhiên, với tâm lý của người chinh phạt, họ luôn có mong muốn áp đặt văn hóa của mình lên các vùng đất thuộc địa. Tâm lý này lập tức gặp phải sự chống đối của văn hóa địa phương các nước thuộc địa. Đó thực sự là cuộc chiến của các căn tính. Tình trạng này tiếp tục kéo dài đến hết thế kỷ 20 và vẫn còn rơi rớt lại đến ngày nay. Đứng trước một thế giới phân cực như vậy, các học giả, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ… thực sự  đều là những lớp người “đi trên dây” , bởi họ hiểu rằng sự phân biệt chính là gốc rễ của mọi bạo lực đang diễn ra. Nhưng cũng chính nhờ nhu cầu cần mở rộng sự chinh phạt và thâu tóm thế giới của các cường quốc như Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nga… mà các phương tiện giao thông và truyền thông trở nên hiện đại hơn. Một thế giới kết nối nhanh hơn, mạnh hơn, đa chiều hơn đã được mở ra nhờ các tuyến giao thông toàn cầu và Internet.

Ở một thế giới như vậy, các cá nhân, đúng như Amartya Sen đã nhận định, đột nhiên tham gia vào cùng một lúc nhiều hệ thống hơn trong xã hội, có nhiều căn tính hơn và vì thế, chúng ta trở nên đa nguyên hơn. Như vậy, ta có thể thấy, con người hoàn toàn có thể đa nguyên một cách nội tại chứ không nhất thiết phải ở trong một cực nào đó. Nếu đã ở trong một cực và yêu cầu họ chấp nhận những cực khác là một điều gần như không thể bởi bị ràng buộc bởi ý thức hệ, quy định, trật tự của hệ thống đó. Ví dụ như, nếu ai đó là một Đảng viên Đảng Cộng Sản sẽ không dễ dàng gì chấp nhận và đối thoại với một người hoạt động Dân chủ, và ngược lại. Cuộc giằng co này hoàn toàn có thể gây ra tình trạng xung đột kéo dài thậm chí là chiến tranh. Mặc dù con người hoàn toàn có thể đa nguyên nhưng hầu hết các nhóm người, các tổ chức đều không thể chấp nhận điều này ở các thành viên của mình và luôn tìm cách lôi kéo thành viên tiếp tục bám víu vào tổ chức, các nhóm người mà họ lựa chọn làm căn tính chính thống. Và giờ đây, cuộc chiến không phải là của các cực với nhau mà trở thành cuộc chiến của các hệ thống đơn cực để tiêu trừ đi tính đa nguyên nội tại của cá nhân.

Phe trung lập đang trở nên mạnh hơn

Trạng thái trung lập có thực sự là một trạng thái đu dây hay không, đúng về mức độ nguy hiểm nhưng không hoàn toàn đúng về bản chất. Những người giữ thái độ trung lập đều là những người có mong muốn giữ được sự đa nguyên nội tại của mình. Một chính phủ trung lập thật sự chỉ có thể được hình thành bằng các tiềm lực nội tại của chính mình, và nhờ thế tránh được tình thế phải lệ thuộc chủ yếu vào một cực nào đó trong bản đồ chính trị thế giới. Một tổ chức trung lập được xây dựng nên bởi năng lực đa dạng của các cá nhân và tư tưởng đa chiều của nhóm lãnh đạo.

Với sự kết nối đa chiều của kỷ nguyên thông tin, phe trung lập đang thoát khỏi vị trí thiểu số và bị thôn tính của mình mà chủ động khẳng định vị trí quyết định của mình trong cuộc chiến của các phe được phân cực rõ ràng. Ở tầm cỡ quốc gia, một ví dụ điển hình cho sức mạnh của trung lập là Ấn Độ. Quốc gia này đang đứng giữa 2 trục tranh chấp ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là Liên minh Nga – Trung chống lại các Đồng minh của Hoa Kỳ bao gồm Singapore – Nhật Bản – Hàn Quốc. Trong cuộc chiến này, Ấn Độ hiện đang giữ thái độ trung lập và vị thế trung lập cùng với các tiềm lực của mình có thể cho phép đất nước này “đu dây” an toàn. Nhưng sẽ thế nào nếu số lượng các nước trung lập có thể liên kết với nhau một cách công bằng hơn thay vì để rơi vào tình trạng bị các nước lớn tranh nhau thao túng. Trước đây, Liên minh EU, Asean ra đời nhằm mục đích tạo ra các liên minh Trung lập, nhưng sau một thời gian, hầu hết các tổ chức này đều dần bị mua chuộc và chèo kéo từ các phe đang xảy ra xung đột và tranh chấp. Có thể rằng, để các quốc gia trung lập có khả năng giữ vững sự trung lập của mình thì trước hết mô hình nhà nước của họ phải được thiết kế dựa trên nguyên tắc đa nguyên và hợp tác chứ không phải sự phân cực.

Các quốc gia trung lập hiện nay đều có 2 hình thức chính thể: Hoặc dân chủ đa đảng, hoặc chuyên chế toàn trị. Cả 2 hình thức này đều đưa người dân vào tình trạng bị phân cực theo các cách khác nhau. Với hình thức dân chủ đa đảng, việc các cường quốc lôi kéo bằng việc hỗ trợ cho các Đảng đối lập nhau sẽ trở thành một cuộc chiến (có thể đổ máu hoặc không). Với hình thức chuyên chế toàn trị thì việc thâu tóm thậm chí còn trở nên dễ dàng hơn, và sự phân cực sẽ trở thành cuộc chiến của chính quyền và người dân, hoặc may mắn hơn, với các phe nhóm chống đối.

Trong khi ấy, số lượng các công dân, đặc biệt là các công dân trẻ, ôn hòa hơn và có sự đa nguyên nội tại sẽ không muốn lựa chọn một cực nào đó cố định, giống như Ấn Độ hiện nay, đang ngày càng gia tăng. Không còn gói gọn trong giới học giả, nghiên cứu khoa học, văn nghệ sĩ, lớp người này thậm chí có thể xuất thân từ rất nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội như học sinh – sinh viên, công nhân – nông dân, doanh nghiệp… Những tầng lớp này đều là những người tạo ra nền tảng cho xã hội và đặc tính công việc của họ, thậm chí còn không nhất thiết phải phân cực. Trước giờ, những người trung lập này, hoặc bị coi là đám người không có chính kiến, hoặc bị coi là đám cừu để các chính trị gia chăn dắt, thì thời điểm hiện giờ chính là thời điểm của họ.

Nếu ý thức được sức mạnh của kẻ đứng ngoài các cuộc chiến của mình, những người trung lập sẽ nhận thấy rằng chính họ là người quyết định xu hướng của xã hội chứ không phải nhà nước hay các tổ chức lãnh đạo. Sự trung lập cả trong tư tưởng và vị thế sẽ khiến họ biết cách lựa chọn thật sự những quyết sách đúng đắn và thiết thực thay vì bị dẫn hướng theo các quyết sách mang tính chất lợi ích nhóm. Sự lớn mạnh của phe trung lập sẽ làm giảm thiểu dần nền chính trị bị dẫn dắt bởi các chính khách mà thay vào đó là một nền chính trị ít tính chính trị.

Hà Thủy Nguyên

Home 2016 Tháng Mười

Hãy cười vang cho kỷ nguyên bất định

“Có những thứ quá nghiêm túc đến mức chúng ta phải phì cười vì chúng”
(Neil Bohr – Nhà vật lý lượng tử thế kỷ 20)

“Why so serious?”
(Joker – Tên sát nhân điên rồ trong “The dark knight)

Chúng ta đang ở trong một thế giới hoàn toàn bất định, và dù hàng nghìn năm nay các chính trị gia, các lãnh tụ tôn giáo, các nhà khoa học, triết học … có cố biến thế giới thành đối tượng có thể xác định một cách rõ ràng thì nó vẫn cứ bất định. Thậm chí, càng cố xác định nó, nó càng trở nên bất định hơn, và vì nó càng bất định thì chúng ta càng phải cố xác định nó một cách nghiêm túc (Biết bao thế kỷ chúng ta đã phải cố tỏ ra nghiêm túc để tự lừa mình rằng thế giới là xác định). Đã bao giờ bạn thấy mỏi mệt về vòng lặp điên rồ này của thế giới?

Chấp nhận thế giới là bất định, không có nghĩa là ngồi im một cách lười biếng hay cầu giải thoát một cách hèn nhát. Nhưng cũng thật là ngu xuẩn khi chúng ta cố gắng vạch rõ ra cái nào là sai, cái nào là đúng, cái nào là tốt, cái nào là xấu, cái nào mới thật sự có giá trị còn cái khác là vô giá trị… ở một thế kỷ mà sự chuyển dịch đang diễn ra nhanh chóng (Tệ hại hơn, trên thế giới này, người ta chửi rủa nhau, mạt sát nhau, giết hại nhau, thậm chí là hủy diệt nhau chỉ để cố xác định cái thế giới này theo cách họ muốn thấy) Bạn có thấy mệt mỏi với một thế giới nghiêm túc thái quá đến vậy không?

Đang có rất nhiều người cố gắng thay đổi thế giới theo cái thước đo đầy tính xác định của họ. Quyền lực của thước đo sẽ phán xét và trừng phạt bất cứ ai đó khác biệt. Quyền lực của thước đo sẽ biến thế giới của chúng ta, cuộc sống của chúng ta thành những cuộc chiến. Nếu bạn không bẻ gãy các thước đo này, chúng sẽ đập nát trái tim và trí não của bạn. Nhưng không thể lấy thước đo để bẻ gãy thước đo, không thể lấy thứ xác định để phá hủy một thứ xác định khác. Một cách đơn giản hơn: hãy cười, cười thật to, cười thật vang, cười rung động mọi tế bào…

Nếu bạn bị người yêu bỏ, hãy cười! Nếu bạn thất nghiệp và cháy túi, hãy cười! Nếu bạn thấy mình cô đơn và lạc lõng, hãy cười! Nếu bạn thấy ai đó đã qua đời, hãy cười! Nếu bạn thấy nguy cơ cho một tương lai chính trị bất ổn, hãy cười! Nếu bạn thấy ngày mai có thể là tận thế thì càng phải cười, cười lớn hơn nữa! Làm mọi điều bạn phải làm trong niềm vui và sự hứng khởi, vì quá mải vui bạn sẽ không còn thời gian để phán xét và phá hoại thế giới nữa… Và chỉ khi vui cười, dù có điên rồ, bạn mới đang tận hưởng cảm giác được là chính mình.

Bạn có biết với một thế giới bất định, khi bạn quan sát một hiện tượng thì tức là bạn đã tác động vào thay đổi nó. Các nhà vật lý lượng tử đã làm một thí nghiệm dùng nhiệt kế đo nhiệt độ của cốc nước. Bạn có tin đó là nhiệt độ thực của cốc nước lúc đo? Một phần nhiệt đã được tiêu thụ để làm nóng và nở thủy ngân trong nhiệt kế. Chúng ta chỉ nhận thức được thế giới vĩ mô nhưng lại hoàn toàn mù mờ về thế giới lượng tử đang chi phối chúng ta. Thế nên hãy cười đi, bạn sẽ là một cốc nước nóng bỏng, làm nhiễu động mọi thước đo thay vì để thước đo nhiễu động chúng ta.

Đừng tin vào những lời hứa hẹn, đừng tin vào sự kích động, đừng tin vào những bài phân tích dài dằng dặc… hãy tin vào niềm vui bất tận. Nếu niềm tin là hành trang của kỷ nguyên tôn giáo, trí tuệ là hành trang của kỷ nguyên khai sáng, thì nụ cười và niềm vui là những hành trang tốt nhất cho chúng ta khi bước vào kỷ nguyên bất định.

Hà Thủy Nguyên

Home 2016 Tháng Mười

Những tên đầy tớ của định mệnh

Chúng ta – những tên đầy tớ của Định Mệnh

Gia nhập mọi cuộc chơi

Nhưng không thuộc về đâu cả

 

Khi băng đá tan dần trong màu đỏ

Và lửa rực rỡ sắc xanh vĩnh cửu

Khi sự sống và cái chết thành một

Ranh giới giữa Thật và Ảo cũng biến mất

Chúng ta – những tên đầy tớ của Định Mệnh

Chọn lấy cho mình một Định Mệnh

Tiếp tục mơ mộng trong tầng tầng lớp lớp các giấc mơ…

 

Không thể chọn cho mình điểm kết

Cũng không biết được đâu là điểm khởi đầu

Chúng ta cứ mỗi lần định hình

Lại một lần vô cấu trúc

Chúng ta- những tên đầy tớ của Định Mệnh

Đã được Định Mệnh sắp đặt quá nhiều định mệnh

Và mọi sự xê dịch của các vì tinh tú

Cũng chỉ là ảo ảnh nơi tận cùng giấc mơ

 

Chúng ta – những tên đầy tớ của Định Mệnh

Gia nhập mọi cuộc chơi

Nhưng không thuộc về đâu cả…

(2013)

Home 2016 Tháng Mười

Phúc âm say

Trang Tử nằm mơ thấy mình hóa bướm, rồi thì cả Trang Tử và bướm cũng không phân biệt được thực ảo
Người ta bảo mọi thứ đều là ảo tưởng, nhưng ảo tưởng có thật không thì không ai biết

Kẻ nào tìm thấy bản thân giữa mê cung phản chiếu của chính mình?
Những kẻ tạo ra ảo tưởng về thực tại rồi cũng lạc trong hành lang của mê cung thực tại mà thôi
Hãy chạm vào thực tại bằng nhịp đập thổn thức
Hãy khiến thực tại quay cuồng bằng nhạc điệu cảm xúc bất tận của vũ trụ
Trong lễ hội hân hoan, mọi thực tại đều đồng nhất
Rượu! Rượu! Rượu nữa!

Hãy để thơ ca vút lên khỏi vực xoáy thực tại
Như lão dê già say khướt dưới miệng vực, ngửa cao cổ ngắm nhìn vũ điệu phản chiếu trùng trùng

Đừng sợ thực tại này hay thực tại khác
Đừng sợ mê cung gương lấp lóa bóng âm hồn
Trong cơn say ta sẽ đập tan tất cả
Trong cơn say sẽ quên mất chính mình bởi mình là tất cả mọi thứ
Trong cơn say ảo tưởng đều có thật và mọi điều thật biểu hiện khía cạnh ảo tưởng của nó
Say! Say! Say điên cuồng!

Cơn điên kéo hàng vạn năm lịch sử
Tưới rượu lên bá quyền
Tưới rượu lên tư tưởng ngạo mạn của đám triết gia nhân bản
Tưới rượu lên đám tu sĩ mạo danh
Đốt! Đốt! Đốt hết!

Lả tả tro tàn cuốn theo chiều tận thế
Rồi ta lặng lẽ như đám mây chiều thả mưa nồng nàn trên đỉnh núi trinh nguyên.

(2015)

Home 2016 Tháng Mười

Sự suy tàn của cái đẹp

Có một thứ được gọi là lý tưởng. Lý tưởng thường hoàn hảo, đẹp đẽ và dường như không thể chạm tới. Lý tưởng không thể chạm tới sở dĩ bởi nó không được biểu hiện bằng vật chất. Người nghệ sĩ luôn tìm cách tạo ra từ vật chất hiện hữu những tạo tác hoàn hảo nhưng dường như bất lực.

Như một kẻ điên, người nghệ sĩ vung búa đập tan mọi tạo tác hiện hữu. À không, nghệ sĩ điên thật! Chỉ có kẻ điên mới nhìn thấy lý tưởng, còn người bình thường dễ dàng cúi đầu trước sự bất toàn của các tạo tác. Những kẻ bình thường mới biết cúi đầu, những kẻ điên thì nhớ mãi cái cảm giác được bay vút lên cao và vươn tới sự vô cùng.

Đó là một bản bi hùng ca đánh thức mọi khát khao trong con người, của chàng Ikaros muốn vươn tới Mặt trời, của Lý Bạch lao xuống đáy nước để vớt bóng Trăng, của Pharaoh muốn với tay chạm đến sao Bắc Đẩu… Sự điên rồ lý tưởng đã khiến họ từ bỏ thế giới vật chất để đạt tới tuyệt đích.

Nhưng bản bi hùng ấy cũng dần bị lãng quên. Người ta dễ dàng quỳ lạy trước những tượng đài không hoàn hảo mà vẫn được gọi là cấu trúc, các chủ nghĩa, các chuẩn mực. Sự biểu hiện không hoàn hảo của lý tưởng nay lại trở thành lý tưởng của các linh hồn thiếu vắng sự điên rồ.

Một linh hồn thiếu vắng sự điên rồ, linh hồn ấy không sống, linh hồn ấy đã bị cấu trúc, bị định hình, linh hồn ấy bị điều khiển. Với những chuẩn mực có sẵn về cái đẹp, một quyền lực vô hình đã được thiết lập và bao trùm nhân loại một cách tinh vi. Không lộ liễu như chính trị, không mê muội như tôn giáo, không thô thiển như kinh tế, chuẩn mực nghệ thuật giam hãm linh hồn con người trong cái lồng dát mạ vàng của những nàng Muses… Nhưng mọi sự giam hãm đều độc ác, kể cả bằng sự dễ chịu…

Những nàng Muses luôn sợ Dionysus, bằng vòng xoáy men say của mình, Dionysus khiến các Muses loạn trí. Những chiếc lồng mạ vàng bong đi lớp sơn lấp lánh giả dối, trơ ra những khung thép gai ứa máu.

Hỡi người nghệ sĩ thức tỉnh! Bẻ gẫy từng sợi thép gai! Hãy đối mặt với sự sụp đổ của thứ lý tưởng giả dối. Trái tim nghệ sĩ không thể bị giam hãm, dù cho đó là cái đẹp.

Hãy nhìn kìa, đám Muses đang giận dữ! Họ đã đánh rơi chiếc mặt nạ mạ vàng của cái đẹp. Họ bắt đầu đẻ ra thứ chuẩn mực kỳ quái, một thứ cấu trúc phá vỡ cấu trúc, một loại chất thơ phi thơ, thứ người ta gọi là hậu hiện đại.

Nhưng trái tim của người nghệ sĩ đích thực là một trái tim nồng men rượu. Lý tưởng trở nên vỡ vụn. Mọi cấu trúc của các nàng Muses chỉ là thứ hư ảnh tầm thường. Với Dionysus, cái đẹp chỉ là bãi hoang tàn của ngày tận thế. Với Dionysus, cái đẹp đến tự nhiên như ánh mặt trời rực rỡ buổi hoàng hôn, đến từ giọt mưa đọng trên cánh hoa vàng, đến từ nụ hôn ngọt ngào của thiếu nữ tuổi trăng rằm…và đến từ giai điệu sâu thẳm xuyên thấu trùng trùng duyên kiếp…

Thức dậy tinh thần Dionysus trong mỗi nghệ sĩ… Đã đến lúc mọi cấu trúc suy tàn, cái đẹp suy tàn… Đã đến lúc thức dậy thứ nghệ thuật của con tim. Chỉ nghệ thuật từ con tim mới vĩnh cửu với thời gian.

Và người nghệ sĩ Dionysus không quan tâm đến lý tưởng hay cái đẹp. Họ chỉ viết nên những gì tới từ sâu thẳm bên trong: mọi niềm vui, nỗi đau, sự điên rồ hay hoan lạc … tất cả đều bùng cháy. Và dù cho tất cả đều quay lưng, dù cho thế gian cười nhạo hay sợ hãi, thì người nghệ sĩ cũng đã bùng cháy và thiêu rụi tất cả những cái lồng.

Hà Thủy Nguyên

Home 2016 Tháng Mười

Người kể chuyện buồn

Ai bảo sinh ra làm kiếp ôm chân thần Venus

Hỡi anh chàng ra vẻ phớt buồn đau…

(Gío đầu ô – Chu Hoạch)

 

… Tiếng guitar lững thững dạo chơi qua những quãng tâm trạng… Tiếng réo rắt như dao đâm vào tim. Tiếng mơn man xoa dịu những cơn dằn vặt dày vò tâm trí ta. Từ lúc nào ly cà phê đã gắn liền với thứ âm nhạc lãng du ấy.

… Ngồi ở góc khuất của một quán guitar café, trước mắt là những người câm lặng, đờ đẫn… say đắm chìm trong tiếng nhạc. Tiếng guitar dẫn dụ hồn ta ra giữa một thảo nguyên mênh mông đầy nắng và gió, xanh mướt cỏ non… Nơi ấy, ta như một con Nhân Mã tung vó bay trong tự do… Rồi tiếng guitar lại dẫn ta về một góc phố Hà Nội, một quán trà đá đêm với ngọn đèn dầu khuya tù mù. Nơi ấy, ta hòa vào đám người đêm lưu lạc ngóng đợi ánh sáng mặt trời… Khắc khoải… Khắc khoải… Một tiếng rao đêm đánh thức ta… Ta đi theo vào một ngõ nhỏ vắng quanh co… Nơi ấy, tiếng guitar cũng quanh quất, u buồn.

… Dân nghiền guitar không ai mà không nhớ tới bộ phim về anh chàng sát thủ chơi guitar. Sau những phút tàn sát, anh ta lại quay về vói cây đàn guitar, tự tình trong cô đơn và khao khát tự do… Bóng dáng của những guitarist trong lúc “phiêu” thường gợi cho ta cái cảm giác cô độc như vậy. Một anh chàng lãng tử, khoác cây guitar đi lang thang một mình… Anh ta lúc nào cũng cười… cười vì tự do và cô độc. Một bi kịch không hiểu nên cười hay nên khóc. Loài người biết hang ngàn năm nay chạy đi tìm tự do, khao khát tự do… mà không chịu hiểu rằng muốn tự do thì phải cô độc. Đánh đổi để lấy tự do phải chấp nhận nỗi buồn, nỗi cô đơn… Mà loài người cũng sợ cô đơn… Chao ôi, một loạt những mâu thuẫn phức tạp trong cái sự muốn của loài người.

… Suy cho cùng, buồn thì đã sao, cô đơn thì đã sao… Xưa nay chỉ có nỗi buồn mới cứu được nhân loại, niềm vui vẫn làm người  ta ngộ nhận và lãnh cảm… Nỗi buồn sinh ra thơ ca, văn chương, hội họa và… âm nhạc… Âm nhạc gom những nỗi buồn, gắn kết những tâm hồn buồn, hòa tan cái buồn… và rồi cái buồn được chưng cất thành một hơi rượu tinh khiết…

…Tâm trạng của mỗi người trong quán guitar café cũng vậy… Người nhắm mắt đong đưa theo tiếng nhạc, người gục đầu suy nghĩ gì chẳng biết, người nhìn vào vô định tiếc nhớ về điều gì đó… Thế nhưng sau mỗi nhạc khúc, nét mặt họ dãn ra, thư thái… Nỗi buồn vơi đi..

Còn anh chàng nghệ sĩ, anh thế nào? Anh có thấy cô đơn? Anh lấy cô đơn như một niềm tự hào. Giữa cõi người, anh chỉ biết đến cây đàn, chỉ có anh và âm nhạc. Tiếng guitar cũng cô đơn như anh, cũng phóng khóang như anh. Đừng bao giờ thôi lang thang, đừng bao giờ thôi cô đơn, đừng bao giờ thôi buồn chán…

Tháng 6, năm 2009

  • Phụ:

Nỗi buồn là một thứ rất đẹp, không như những gì người ta vẫn nghĩ… Con người thường tìm kiếm niềm vui đâu đó để chạy trốn nỗi buồn nhưng vô hiệu, và người ta tìm đến tôn giáo, đến tiệc tùng, đến đám đông, thậm chí là đến những cuộc chinh phục cả thế giới. Có thể trốn hôm nay, ngày mai, ngày kia… nhưng không trốn được cả đời…

Niềm vui, hạnh phúc, bình an… ừ, nghe thì cũng hay! Nhưng sẽ không thể dùng những thứ đó để đến với trái tim người khác. Nó có thể tiếp thêm cho chúng ta năng lượng, nhưng nó không tạo cho chúng ta sự đồng cảm, và đôi khi nó còn khiến chúng ta chống chếnh, bất an và lạc lõng.

Có những con người chọn cách đi vào nỗi buồn và thăng hoa nó thành một điều gì đó lung linh, huyền ảo… Nó không phải dòng nước, không phải ngọn lửa, không phải hòn núi mà nó như một cơn gió nhẹ thoảng qua và trôi đi làm dịu lại những lo toan tầm thường nhỏ nhen, xóa đi sự hưng phấn vô nghĩa… Và bởi vậy nỗi buồn có thể cứu rỗi được nhân loại, và cũng từ đấy văn chương, thơ ca, âm nhạc, hội họa, triết học được cất tiếng, và với những kẻ tự do phiêu lãng, nỗi buồn trở thành một tôn giáo vô cùng bí hiểm.

Hà Thủy Nguyên