Home 2019 Tháng Năm / page 2

Thị trường sách Việt Nam (6): Cộng đồng đọc sách và quyền lực của độc giả

Trong suốt dòng lịch sử của sách, các độc giả luôn đóng vai trò như “người tiêu dùng” cho các sản phẩm và tác phẩm của các tác giả, dịch giả. Họ bị định hướng bởi các nhà phê bình, nhà báo – những người chỉ cho các độc giả biết cuốn sách nào là hay, cuốn sách nào là dở. Do đó, các độc giả chỉ là thần dân trong vương quốc tri thức mà họ chỉ có nghĩa vụ tuân thủ các chỉ dẫn, thể hiện sự tôn trọng với các tác giả và dịch giả được ca tụng trên truyền thông bất kể đúng sai và chìa túi tiền để mua sách. Đây là tình trạng chung của thị trường sách kiểu cũ trước khi Internet hình thành, khi những độc giả bị chia rẽ bởi mặt địa lý và vòng kết nối của bản thân không thể chia sẻ các trải nghiệm đọc và các đánh giá của mình. Tiếng nói của độc giả nếu không được gắn nhãn mác là các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu… sẽ không được người khác lắng nghe và không có giá trị tham khảo.

Internet đã thay đổi thế giới bằng cách nỗ lực xoá nhà các khoảng cách địa lý và mở rộng vòng kết nối giữa người với người, vô tình đã thay đổi cơ cấu của thị trường, khiến cho tiếng nói của người tiêu dùng trở nên có giá trị hơn, quyết định đáng kể đến lượng tiêu thụ sản phẩm. Thị trường sách cũng nằm trong số ấy, khi những phản hồi có chất lượng từ cộng đồng độc giả lại được lắng nghe hơn các nhà phê bình và nhà báo. Tại sao tiếng nói có chất lượng của một độc giả có gu đọc sách lại có uy tín đến vậy? Bởi vì một độc giả không bị gắn các nhãn mác đã kể trên không bị ràng buộc bởi các quyền lợi và trách nhiệm, do đó tiếng nói của họ là độc lập, không vụ lợi và chân thật với chính mình ở mức độ nào đó. Đây là những tố chất mà các độc giả khó tìm kiếm được ở các nhà phê bình và nhà báo có danh tiếngKhông ít lần chính bản thân tôi khi đọc điểm sách của các nhà phê bình và nhà báo đã băn khoăn về tính khả tín của các bài giới thiệu này, rằng họ có thực sự đọc sách, có thực sự công tâm không vụ lợi trong đánh giá, có chân thực khi chia sẻ các nhận định của mình…

Amazon và Goodreads có thể nói là hai cộng đồng phổ biến nhất cho phép độc giả bình phẩm sách. Các độc giả sau khi mua sách hoặc đọc các tác phẩm được đăng tải online có thể đưa ra nhận xét về chất lượng nội dung và chất lượng in ấn, bên cạnh đó có thể xếp hạng nội dung theo cảm nhận của mình. Một người mua sách thay vì tham khảo bài giới thiệu trên báo chí có thể xem các xếp hạng và bình phẩm từ những người lạ không quen biết. Lượng độc giả người Việt tham gia binh phẩm trên cả hai kênh này đều rất ít do các rào cản về ngôn ngữ và thói quen sử dụng. Tương tự như Amazon và Goodreads, tại Việt Nam, kênh bán sách Tiki cũng cho phép độc giả bình phẩm. Tuy nhiên, các độc giả của Tiki dường như không thực hiện được quyền lực của mình một cách hiệu quả. Nguyên nhân có thể đến từ việc chất lượng độc giả Việt Nam chưa đủ cao để đánh giá chi tiết một cuốn sách, hoặc tình trạng phản hồi giả nhằm mục đích hạ bệ hay quảng bá cho sách vẫn chưa bị hạn chế. Quyền lực của độc giả Việt Nam hiện nay không thực sự nằm ở các kênh bán hàng mà nằm ở các cộng đồng đọc sách trên facebook.

Rất dễ dàng để tạo một group hoặc fanpage trên facebook để một cộng đồng độc giả nho nhỏ thoải mái tương tác và trình bày ý kiến, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm đọc. Các cộng đồng này đều có quy tắc làm việc riêng và cộng đồng nào có ý thức trong tuân thủ “luật giang hồ” do nhóm đặt ra đều sẽ thu hút các cá nhân độc lập tham gia. Một độc giả không bị ràng buộc trong sự gắn kết với một nhóm cụ thể mà có thể cùng lúc tham gia nhiều nhóm khác nhau và đối chiếu các nhận định trước khi đưa ra kết luận cuối cùng của mình về một cuốn sách. Các cộng đồng online thảo luận về sách này đã không ít lần chứng minh quyền lực của mình bằng việc bóc mẽ những vụ đạo văn, những bản dịch sai, những nội dung kém chất lượng… Đáng kể phải nói đến sự việc đinh đám của fanpage Ngôn tinh Ném đá Confession đã lật tẩy sự việc đạo văn nghiêm trọng chưa từng thấy trong cuốn tiểu thuyết dã sử “Thành Kỳ Ý” vào năm 2016. Trong thời điểm sự việc bị phanh phui, các nhà báo và nhà phê bình đã hết lời khen ngợi cuốn sách và kỳ vọng một hướng đi mới cho tiểu thuyết dã sử. Khi fanpage Ngôn tinh Ném đá Confession mới đăng tải một vài đoạn đạo văn, rất nhiều người vẫn cho rằng đó là một cuộc công kích cá nhân vào cô nhà văn trẻ đam mê đề tài lịch sử. Nhưng chỉ sau đó không lâu, khi cộng đồng đọc sách Book Hunter bắt đầu đăng tải một bài viết dài tổng hợp tất cả các điểm đạo văn mà page Ngôn tình Ném đá Confession đã chỉ ra. Ngay sau đó, một cuộc vận động hơn 1000 chữ ký đã được phát động bởi Book Hunter và page Ngôn tình Ném đá Confession để yêu cầu Cục xuất bản thu hồi cuốn sách. Mặc dù Cục xuất bản làm lơ trước yêu cầu này nhưng cuốn sách rơi vào tình trạng ế ẩm và đơn vị phát hành phải bán hạ giá 80% trong các hội sách. Trước đó, năm 2014, facebooker Thiên Lương, một độc giả độc lập đã thực hiện một cuộc bắt lỗi các lỗi dịch của dịch giả Dương Tường khi ông dịch cuốn “Lolita”. Sự việc đã trở thành một cuộc tranh luận báo chí kéo dài và thúc đẩy sóng truyền thông liên quan đến chất lượng của dịch giả. Sau đó, Thiên Lương công bố bản dịch của mình dù không được phát hành chính thức và nhanh chóng được cộng đồng độc giả chuyền tay nhau với lời đánh giá về độ chính xác của bản dịch. Đôi khi cộng đồng độc giả còn thách thức cả thẩm đinh của các nhà phê bình nếu cho rằng sự phê bình ấy là không xác đáng. Năm 2017, khi nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Phúc Anh đưa ra lời phê binh nặng nề đối với cuốn sách “Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn” của Tạ Đức thì ngay lập tức đã bị cộng đồng sách Book Hunter phản đối cách phê bình thiếu cơ sở, thiếu bằng chứng của Nguyễn Phúc Anh. Những phản ứng của cộng đồng độc giả cho thấy các độc giả đang bắt đầu học cách thực hiện quyền của mình, và có thể tạo thành một sức ép để thúc ép các tác giả và dịch giả buộc phải làm việc một cách có trách nhiệm hơn.

Đúng vậy, đó là một cơ hội để thị trường sách trở nên sôi động hơn và có nhiều tiếng nói đa chiều hơn, tránh được tình trạng thị trường bị thao túng bởi một hoặc vào thế lực nào đó, tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ các độc giả chưa hoàn toàn ý thức được những quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với cộng đồng. Các độc giả Việt Nam đa phần đều không được trang bị một nền tảng kiến thức tốt cùng với các kỹ năng phân tích, kỹ năng tranh biện và thảo luận. Bởi vậy, rất ít trong số các cộng đồng độc giả có thể đưa ra tiếng nói phản biện hoặc quan điểm riêng hay viết các bài phân tích sách có chất lượng. Một số cộng đồng sách trở thành nơi PR sách cho các đơn vị phát hành sách mà không hề có chuẩn mực trong thẩm định chất lượng bài giới thiệu. Hoặc đôi khi, cộng đồng độc giả lại trở thành fan cuồng cho một nhà phê bình hoặc một nhà báo nào đó và rất dễ dàng bị lái hướng.

Trên thực tế, thị trường đọc sách Việt Nam đang ở giữa một giai đoạn chuyển đổi giữa mô hình bị định hướng sang mô hình tự định hướng. Do đó, song song tồn tại cả tình trạng độc giả đọc sách theo sóng truyền thông và độc giả tự xây dựng gu đọc riêng cho mình. Cuộc giằng co này có thể sẽ kéo dài bởi người dân Việt Nam vẫn có thói quen trọng vọng các nhân vật nổi tiếng với bằng cấp và thành tích mà chưa luyện được thói quen phân định đúng sai; nhưng sự phát triển của mạng xã hội dường như không thể cưỡng lại nổi và các cộng đồng độc giả vẫn cứ gia tăng về chất lượng cũng như số lượng. Tôi cho rằng, trong tương lai, sự lớn mạnh của các cộng đồng độc giả là không thể cưỡng lại được và điều đó đòi hỏi ở các đơn vị quản lý xuất bản, các đơn vị báo chí, các tác giả, dịch giả, nhà phê bình, nhà báo phải làm việc nghiêm túc hơn, chỉn chu hơn, tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc học thuật và pháp luật. Đó là sự phát triển tất yếu của thời đại thông tin khi con người dễ dàng hơn để kết nối và lên tiếng.

Hà Thủy Nguyên

Bài đã đăng trên tạp chí Văn hóa Nghệ An số tháng 7/2018

Home 2019 Tháng Năm / page 2

Mệnh và cải mệnh

Con người ta ai cũng có “mệnh” của mình! Họ thường nói vậy. Nhưng cái mệnh này là do ai sắp đặt, ai bày vẽ nên? Tất cả đều vô hình. Có tôn giáo cho là Thượng Đế, có tôn giáo cho là các vị thần, lại có niềm tin cho rằng những sự việc xảy đến với một người là một chuỗi xác suất của tự nhiên. Dù tin hay không, ta vẫn bị chi phối bởi một định mệnh mà không dễ để thay đổi nó theo ý mình. Và liệu rằng cái ý mình ấy cũng là một số mệnh đã được sắp xếp hay chẳng? Thế nên con người mãi cứ nghịch lý… Nhận thức rằng mình chỉ là diễn viên trên sân khấu của số phận nhưng lại không làm cách nào mà thoát được. Ấy là bởi người đời ít ai hiểu được cơ chế của mệnh quy định lên chúng ta.

Chúng ta thường tin rằng chúng ta chỉ có một thứ mệnh, thứ mệnh ấy quy định suy nghĩ, hành vi, các vận may cũng như tai họa đến với chúng ta. Dần dần, chúng ta đồng nhất mệnh được quy định cho chúng ta với chính bản thân chúng ta, rồi tin chắc chắn rằng đó là cuộc đời ta phải sống, phải tuân thủ, không thể thay đổi. Nhưng cơ chế của mệnh phức tạp hơn thế. Mệnh được chia ra làm ba loại, tạm gọi là Thiên mệnh – Địa mệnh – Nhân mệnh.

Nhân mệnh chính là các thói quen, các kỹ năng, các sở thích, các quan niệm được lưu lại từ các kiếp trước và được xây đắp thêm ở kiếp này. Nhân mệnh này là thứ chúng ta tin rằng đó là cá tính của chúng ta, là điểm riêng biệt là ta có thể nhận diện mình với đám đông. Điều này cũng không sai. Thế nhưng, nó là thứ mà ta có thể dễ dàng thay đổi thông qua quá trình quan sát tâm và rèn luyện tâm.

Địa mệnh là duyên nợ của các mối quan hệ mà chúng ta đã tương tác từ kiếp trước và kiếp này. Những duyên nợ này bằng một cách bí ẩn nào đó đã trở thành các sự kiện xảy ra với cuộc đời của ta. Thế nhưng, không phải tất cả các mối quan hệ kiếp trước đều sẽ tái hiện trong kiếp này, mà nó được chọn lọc để tạo nên số phận.

Thiên mệnh có cơ chế phức tạp hơn. Người nào phụ thuộc vào một hệ thống tôn giáo và tín ngưỡng thì những thứ ấy trở thành thiên mệnh của họ. Hoặc khi họ tin tưởng một điều gì đó là tốt đẹp để hướng tới thì điều đó cũng là thiên mệnh chi phối họ. Có thể có một hệ thống thiên mệnh chi phối con người. Thiên mệnh này có thể ảnh hưởng đến địa mệnh và nhân mệnh. Tuy nhiên một số ít người đặc biệt với sức mạnh tinh thần to lớn, không chịu khuất phục, tự do tự tại, có thể tạo ra thiên mệnh riêng cho mình và tự đặt cho mình cái sứ mệnh đến với thế giới. Nhưng thiên mệnh không phải lúc nào cũng tốt, lựa chọn thiên mệnh sai lầm (hoặc bị một thiên mệnh sai lầm chi phối) có thể đưa ta vào một chuỗi các suy nghĩ, hành vi tệ hại và nhận những hậu quả đáng buồn.

Một điều đáng chú ý là, nhân mệnh – địa mệnh – thiên mệnh không phải lúc nào cũng đồng nhất với nhau như người ta vẫn tưởng. Đôi khi một người có nhân mệnh và thiên mệnh tốt nhưng lại bị rơi vào địa mệnh rất tệ hại. Lại có lúc những người nhân mệnh chẳng ra sao, tiểu nhân, hèn hạ, bỉ ổi lại được một thứ thiên mệnh đang thắng thế dẫn dắt vào thứ bố cục địa mệnh tốt đẹp. Điều này không phải đơn thuần do “ăn ở” như người ta vẫn nói mà đơn giản là một thủ thuật sự phân bố phúc và họa trong chuỗi duyên nợ mà thế lực vô hình nào đó đã sắp xếp. Nếu bạn tin có thế lực vô hình, bạn sẽ hiểu rằng thế lực ấy can thiệp vào vận mệnh của ta.

Khi xem các loại tử vi từ Đông sang Tây, chúng ta chỉ xem được một phần nhân mệnh và địa mệnh mà thế lực vô hình đã sắp đặt cho ta. Thường khi làm con người, một xu hướng tính cách nào đó trong nhân mệnh sẽ được đẩy lên để đồng bộ với địa mệnh đã sắp đặt. Do đó, xem tử vi không cho ta thấy được toàn bộ nhân mệnh và càng không thể thấy được thiên mệnh. Khi xem kinh Dịch hay Tarot cũng chỉ cho ta thấy được cái địa mệnh của ta. Biết như vậy thì biết để làm gì?

Phàm là người, ai chẳng có ham muốn cải mệnh của mình để tránh họa gặp phúc. Thứ mà họ muốn thay đổi ấy là thay đổi địa mệnh, thứ được một thế lực vô hình nào đó sắp xếp nên dựa trên chuỗi duyên nợ nhiều kiếp của chúng ta. Thế là họ khấn vái thần thánh những mong thần thánh can thiệp được, tức là họ mượn lực từ thiên mệnh để thay đổi địa mệnh. Những trò cúng sao giải hạn, nghi lễ trả nợ tiền duyên, di tinh hoán số đều là như vậy cả. Lại có người những mong tu luyện để có thể thay đổi được số mệnh của mình, mang đến điều tốt đẹp cho người thân và xung quanh, điều này tức là họ gia tăng sức mạnh của nhân mệnh với sự hỗ trợ của thiên mệnh để mong cải được địa mệnh. Thế nhưng, đến Mục Kiền Liên, đại đệ tử của Đức Phật cũng không cải được địa mệnh của ông ta, tại sao bạn nghĩ rằng bạn có thể?

Cố gắng mở rộng nhân mệnh của mình, thoát khỏi sự áp đặt một xu hướng tính cách của bản thân do số phận quyết định, chỉ là bước đầu của cải mệnh. Khi ta hành xử khác đi so với quy định, các chuỗi duyên nợ cũng dần dần theo đó mà thay đổi. Đây là lý do khiến cho một số người tu hành bậc cao rất khó đoán biết sự kiện đến với họ. Thế nhưng, cho dù họ thay đổi bản thân mình đến đâu, họ vẫn cứ bị chi phối bởi các duyên nợ. Muốn cải mệnh thật sự, người tu luyện còn phải chủ động khuyến khích những người trong mối quan hệ của mình cũng phải thay đổi nhân mệnh của họ. Như vậy cũng không đủ, họ còn phải tự tạo thiên mệnh cho mình chứ không chấp nhận sự chi phối thiên mệnh của kẻ khác. Thế nên, con đường cải mệnh dài lâu và khó khăn, cũng ít người dám bước chân và đi trên con đường ấy.

Nhưng cải mệnh đến đâu thì cũng khó thoát được cái chết, chỉ là chết sớm hay chết muộn mà thôi. Cái chết là sự chấm dứt của địa mệnh nhưng nhân mệnh thì còn mãi, thiên mệnh là thứ ta có thể lựa chọn lại. Cái chết, đôi khi là cách để ta trưởng thành hơn, để ta trở về với con người thực của mình, vượt ra khỏi vòng chi phối của các thế lực vô hình. Nên nhìn cái chết như một cơ hội chứ không phải sự đau đớn.

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Năm / page 2

Tự khúc cái chết

(Tôi viết cho bố ngày bố qua đời)

Ngày lại ngày… ta thấy cái chết ở mọi ngóc ngách của cuộc sống… Một bản nhạc hay đi đến phần kết… Một tấn kịch hay đã khép hồi… Một vần thơ đi đến kiệt cùng cảm xúc… Cái đẹp của bông hoa bỗng úa tàn… Cái chết luôn hiện diện. Những kẻ không thể cảm nhận được sự bi thương trong từng khoảnh khắc của sự sống thì không thể hiểu được cái chết.

Người ta nói cái chết là để bắt đầu cho một sự tái sinh. Những người nói vậy không hiểu gì về cái chết. Chết là chết, tái sinh là tái sinh. Chết là con đường duy nhất đưa ta đến với hư vô. Một sự hư vô tưởng chừng như miên viễn. Tại đây, ta được một mình đối diện với chính mình, được tự do không ràng buộc, được trút khỏi linh hồn mọi sự ô trọc của cõi đời đã khoác lên ta. Hư vô là tột đỉnh hạnh phúc của sự chết.

Những kẻ còn sống khóc thương người đã khuất không phải vì tình thương mà vì sự níu kéo, vì sợ cảm giác trống trải, vì mơ hồ không thể tiếp nhận nổi nỗi cô đơn sung sướng của hư vô. Kẻ còn sống mông muội như những ngôi nhà trơ trọi khư khư bám lấy nền móng của mình, hiểu sao thấu sự bay bổng không giới hạn của gió, chịu sao nổi những trận mưa liên hồi của bi thương, và không thể bình an như vầng trăng ung dung dát bạc khắp bốn phương lồng lộng. Bởi thế, kẻ còn sống đôi khi chỉ là vật thể chết, mà người đã chết lại thổi bừng lên sức sống mãnh liệt. Sống chết bởi thế, chỉ là khái niệm.

Khi nghe một bản nhạc, đọc một bài thơ, xem một tấn kịch, ngắm vẻ đẹp của hoa… , kẻ hiểu về cái chết không yêu thích khoảng thời gian “còn sống” của chúng, mà yêu thích cái cảm giác những tạo tác tuyệt diệu ấy đã thay đổi ta, tái tạo ta thành một khối linh hồn hoàn mỹ hơn. Một người chúng ta yêu quý ra đi, ta có thể quên đi rất nhiều ký ức về họ nhưng ta lại say đắm với những gì của họ ở trong ta. Cái chết của một người yêu quý khiến ta yêu bản thân mình hơn, bởi ta nhận ra rằng sự hiện diện của ta là hiện thân cho sự tồn tại của ho trên thế giới điên đảo này. Bằng cách ấy, ta gần gũi với họ hơn bất cứ sự khóc thương nào khác. Và cũng bằng cách ấy, ta gắn kết với họ ở cõi hư vô mà không ràng buộc níu kéo họ.

Tại nơi chốn hư vô ấy, khi tất cả đều im bặt và tĩnh lặng, người đã khuất có thể nhìn lại vận mệnh của mình trong kiếp vừa trôi qua, hoặc xa xưa hơn thế. Nhưng nếu ta xâm phạm sự tĩnh lặng ấy bằng việc đưa linh hồn người đã khuất vào một “cõi” nào đó mà chúng ta tin rằng ở “cõi” ấy linh hồn sẽ được an ủi, thì ta đã sai lầm. Các “cõi” chỉ là những cái bẫy lừa bịp của loài ác quỷ giăng ra để bãy những linh hồn kém cỏi và sợ hãi. Tại các “cõi” này, linh hồn lại phải khoác lên mình những chiếc áo và lại bị đưa vào những nơi chốn đầu thai phù hợp với cái áo vừa khoác lên. Thế rồi người ta gọi đó là … “siêu thoát”.

Sự siêu thoát thật sự chỉ đến với những tinh thần hoàn toàn tự do, tự do khỏi chiếc áo, tự do khỏi ham muốn sự sống, tự do khỏi mọi định mệnh. Sự tái sinh chỉ diễn ra khi định mệnh được lựa chọn một cách tự do chứ không phải sự áp đặt. Đó là sự siêu thoát đích thực chứ không phải những cái bẫy nhân danh “siêu thoát”. Và bởi ta để người ta yêu quý tự lựa chọn cho bản thân con đường ở cõi chết, họ sẽ chọn định mệnh quay trở về bên ta. Bởi một phần của họ luôn hiện diện trong ta giống như âm vang cảm xúc của khúc nhạc, những thang bậc tình cảm của thi ca, những chiêm nghiệm sau một vở kịch, ấn tượng đẹp đẽ của bông hoa… đều đã hòa quyện cùng tinh thần ta.

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Năm / page 2

Cơ chế của những lời tiên tri

Nhu cầu biết trước về một tương lai có thể xảy ra luôn kích thích trí tò mò của con người, bởi thế quyền năng tiên tri là điều được ngưỡng vọng vào bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Thế nhưng, cơ chế để hình thành nên một lời tiên tri không giống nhau, hay nói một cách khác cơ cấu của từng hệ thống quyền năng tiên tri khác nhau rất nhiều.

“Tiên tri” có nghĩa là “biết trước”. Chữ “tri”, theo Từ điển Thiều Chửu, có nghĩa là khả năng phân biệt, phán đoán, ghi nhớ, nhận biết của con người. Luận về chữ “tri” này, có lẽ sẽ cần đến một cuốn sách triết học, nhưng ở đây ta có thể hiểu “tri” như một cách nhận thức về thế giới. Như thế, “tiên tri” có thể hiểu là khả năng nhận thức thế giới nhanh hơn và đi trước thiên hạ, nhà tiên tri là người có thể nhận thức được những điều mà người khác chưa thể nhận thức được, mà tương lai là một phần trong đó. Khái niệm “nhà tiên tri” trong tiếng Anh là “prophet” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “prophetes” có nghĩa là “người phát ngôn của các vị thần” hay “bậc thầy truyền cảm hứng”, trong đó “pro” có nghĩa là “trước”, cụm “phetes” có xuất phát cổ xưa hơn, từ “phanai” có nghĩa là “nói”. Vì thế, khái niệm “prophetes” ở phương Tây mang tính truyền tin, rao giảng nhiều hơn khái niệm “tiên tri” ở phương Đông. Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, tôi không có ý định chọn một trong hai nghĩa để phân tích về loại quyền năng vừa kể trên, mà sẽ bao trọn cả hai nhóm nghĩa  và gọi chung là “tiên tri”.

Xét về quyền năng tiên tri, ta có thể phân loại theo các cơ sở của dự đoán như sau:

#1. Tiên tri dựa trên dữ liệu

Những ai tìm hiểu về “big data” sẽ hiểu về cơ chế này. Khi người nào đó biết được càng nhiều dữ liệu trong quá khứ và hiện tại, lại có cơ chế xử lý và phân tích những dữ liệu ấy nhằm nhìn ra quy luật, người đó sẽ đoán trước được xu hướng những gì có thể xảy ra trong tương lai. Đây là lối “tiên tri” được các nhà xã hội học, kinh tế học yêu thích dù bước vào con đường này thì thử sai thất bại nhiều hơn là thành công. Tuy nhiên, trên thực tế, các cách tiên tri này còn có độ phổ rộng hơn nhiều, ở cả nhiều lĩnh vực của đời sống.

Sau này, người ta ghi chép lại những quy luật thành các hệ thống như astrology, numerology, tử vi, dịch số, xem tướng,… để cung cấp một bộ công cụ mà những người có ít dữ liệu hơn vẫn có thể sử dụng được, đỡ mất công đi khảo sát. Có thể nói, các bộ môn ấy chính là các hệ thống mô hình hóa một lượng dữ liệu khổng lồ (từ dữ liệu về các thành phần của xã hội, các chuỗi sự kiện, cấu tạo của con người cả về tinh thần và vật chất, và thậm chí là cả các biến động tự nhiên như thời tiết hay bầu trời sao…) một cách thông minh. Nền văn minh loài người bị tiêu hủy nhiều trong chiến tranh, thế nên người ta chỉ còn giữ được những thứ lập tức ứng dụng ngay chứ không hiểu được cơ chế mô hình hóa từ khối dữ liệu khổng lồ ấy cụ thể là như thế nào. Sau này, có thể khoa học phát triển, các ngành nghiên cứu vật lý lượng tử, công nghệ gene, khoa học não bộ… biết đâu lại có thể giải thích được cơ chế mô hình hóa ấy chăng? Nhưng đó là chuyện của tương lai. Tuy nhiên, loại công cụ ứng dụng tức thời dựa trên ghi chép cổ xưa này sẽ gặp phải vấn đề trục trặc khi có quá nhiều sai số do lượng dữ liệu bị tăng đột biến mà không theo các quy luật đã được định sẵn trong đó. Thế nên, người sử dụng chúng để tiên tri phải nhận biết được giới hạn của chúng và vừa sử dụng vừa lấy thêm dữ liệu từ bên ngoài rồi tạo nên các mô hình mới. Vấn đề là, không hiểu được cách mô hình hóa cổ xưa, làm sao có thể tạo ra cách mô hình hóa mới được. Thế nên, e rằng các hệ thống này sẽ bị lung lay trong thời gian tới.

Loại tiên tri này là nguồn cảm hứng cho không ít các nghiệp vụ điều tra đang thịnh hành trong điện ảnh Holywood hiện nay cũng như các hình mẫu quân sư trong tiểu thuyết và phim truyền hình Trung Quốc. Để có khả năng tiên tri dựa trên dữ liệu, chúng ta phải dựa trên sự hiểu biết, phân tích, phán đoán, không dễ dàng gì thực hiện được đối với những ai lười biếng.

#2. Tiên tri nhờ vào thế lực cõi vô hình

Một trong các nghĩa của “tiên tri” theo tiếng Hy Lạp, như đã nói ở trên, là “người phát ngôn của các vị thần”. Trong bài về muôn vẻ nhập đồng, tôi đã nhắc đến họ (Đọc thêm tại đây: https://nghiencuutongiao.info/2017/05/15/muon-ve-nhap-dong-hay-nhung-cai-bay-tam-linh/ ). Do một sự kết nối vô tình hay hữu ý, tâm trí của họ bị điều khiển bởi một thế lực tâm linh nào đó. Thế lực tâm linh này, có thể thiện hoặc ác, cho họ thấy những thông điệp hoặc viễn ảnh. Ví dụ như trong Kinh Thánh, Thượng Đế cho Noeh biết trước về trận đại hồng thủy; hoặc trong thần thoại Hy Lạp, những cô đồng Pithy của đền Delphi làm nhiêm vụ chuyển trao ý của thần Apollon và các vị thần Olympus; gần gũi hơn với chúng ta là các bà đồng xem bói hoặc các thày phù thủy nuôi vong hồn để lấy thông tin từ cõi âm… Những nhân vật lớn như Nostradamus, Vanga, Edgar Cayce … đều thuộc dạng này.

Thường thì, những người nói ra các thông điệp hoặc viễn ảnh này không ý thực được tại sao các thế lực tâm linh lại cho họ biết những điều ấy. Họ chỉ biết tuân phục hoặc trục lợi mà thôi. Thế tức là nếu các thế lực tâm linh vô hình mượn họ để thực hiện kế hoạch của mình, họ cũng không thể biết. Ví dụ như những lời tiên tri loại này đã hủy hoại các anh hùng Hy Lạp như Hercules, Oedipus và phần nào gây nên cuộc chiến thành Troy. Chúng ta thường chấp nhận lời tiên tri hoặc hướng dẫn từ thế lực thần thánh để giải quyết lợi ích trước mắt nhưng ít khi nào có thể tính toán được những diễn biến lâu dài có thể xảy ra từ những lời tiên tri ấy.

Nếu các bạn quan sát kỹ các kiểu bói lá, xóc quẻ hay bài tây, tarot, các bạn sẽ thấy rằng chúng bị chi phối bởi thế lực tâm linh nào đó, có thể thiện hoặc ác, thấp hoặc cao, mạnh hoặc yếu, tùy sự kết nối của người xem. Đa phần, chính những người bói cũng không ý thức được điều này. Một số người ý thức được, họ sẽ tạo ra sự đàm phán giữa bản thân và thế lực ấy hoặc chọn lựa thế lực phù hợp với mình, hoặc thậm chí là không tùy tiện bói toán nữa.

Những cách bói dựa vào thế lực vô hình này rất “hên xui”. Thường thì khi nào thế lực tâm linh vô hình ấy đủ mạnh để kết nối thì các thông điệp hoặc viễn ảnh sẽ chính xác, nếu không thì người tiên tri phải tự bịa ra thông điệp hoặc viễn ảnh. Trường hợp bị “mất kết nối” dẫn đến “mất linh” xảy ra khá thường xuyên. Thế nên, một áp lực không nhỏ đối với những người xem bói kiểu này là giữ sự kết nối ấy bằng việc tuân thủ một số luật lệ nhất định hoặc thường xuyên chủ động tạo sự kết nối bằng tiếp xúc biểu tượng hoặc cầu nguyện. Nếu không, họ sẽ phải từ bỏ nghề này hoặc bịa đặt các thông điệp theo kiểu dân gian ta vẫn nói đùa là  “thày bói nói dựa”.

#3. Tiên tri bằng phát ngôn

Zarathustra, Moses, Jesus, Mohammed… đều được gọi là ngôn sứ hoặc “nhà tiên tri” mặc dù họ không đưa ra tiên đoán nào về vận mệnh nhân loại. Trong thần thoại Hy Lạp, nhân mã Chiron cũng được gọi là nhà tiên tri mặc dù ông ta chỉ làm mỗi việc là dạy dỗ cho các anh hùng. Vậy thì cách họ “tiên tri” là gì? Họ tiên tri bằng việc biến lời nói của mình thành hiện thực. Họ có một ý tưởng để cải tạo và thay đổi con người hoặc thế giới, họ tạo các ám thị trong tâm trí người nghe, khiến người nghe bị thuyết phục. Cứ thế, nhân rộng lên, họ tạo ra sự ảnh hưởng đối với thế giới và thay đổi thế giới. Tức là bằng lời rao giảng, họ thúc đẩy thế giới theo cách họ mong muốn.

Các nhà chính trị, nhà triết học, nhà văn đều có khả năng thực hiện điều này. Một khi lời nói ấy chứa đựng trong nó nhiệt huyết và niềm tin tưởng tuyệt đối, nó có thể thuyết phục được số đông quần chúng đi theo. Khi số đông quần chúng bị thôi miên bởi lời nói, họ sẽ hành động để biến lời tiên tri ấy thành hiện thực. Thế nhưng, thường thì lời tiên tri loại này có ảnh hưởng tích cực chẳng được bao lâu, và thường bị lợi dụng để tạo ra một thể chế toàn trị. Một số nhà giáo dục hay các nhà tâm lý học cũng thường đưa ra những lời tiên tri dạng này như một liệu pháp tâm lý và hậu quả là chúng tạo nên một cái tôi khác cho người được giáo dục hoặc điều trị. Cái tôi này nếu ở trong môi trường thích hợp sẽ ngày càng lớn tới mức người ấy ngày một xa rời bản thể của mình và trở thành robot vận hành theo đúng thứ lời tiên tri ấy đã cài đặt.

Lời tiên tri loại này có thể bị biến thành nguyền rủa khi có người dùng nó với mục đích xấu. Một lời nguyền rủa được tung ra với lòng thù hận sẽ trở thành một chuỗi các ám thị lên người xung quanh và đối tượng bị nguyền rủa . Họ bị lời nguyền thôi miên đến mức càng cố thoát khỏi lời nguyền rủa thì lời nguyền rủa càng phát tác. Nếu chúng ta không cẩn thận trong phát ngôn, một câu nói vô tình có chứa cảm xúc của chúng ta hướng tới một đối tượng nào đó cũng có thể trở thành lời nguyền rủa tới mức đối tượng ấy bị triệt hạ. Bởi thế, một khi ta càng có sức ảnh hưởng lớn thì ta càng phải cẩn thận lời nói của mình.

Tiên tri bằng lời nói cũng có thể trở thành những điềm báo ngụy tạo để làm chao đảo nhân tâm. Những điềm báo ngụy tạo này thường được tung ra khi người ta có ý định tiêu diệt một triều đại hay một tổ chức hay lật đổ một cá nhân nắm quyền nào đó; cũng có thể dùng để làm dư luận nhằm ủng hộ một người nào đó nắm trọng trách. Đây là một thủ thuật chính trị tầm thường, rất dễ phát hiện nhưng người ta lại thường dễ bị lừa gạt, nguyên nhân là do sự ngụy tạo ấy mang lại lợi ích cho người tiếp nhận nó, vì thế người ta sẵn sàng bỏ qua sự nghi ngờ và tính xác thực. Những điềm báo ngụy tạo này thường đóng vai trò như “giọt nước tràn ly” trong các tình huống mang tính thay triều đổi đại.

***

Mặc dù phân chia ra 3 loại cơ cấu tiên tri như thế, nhưng trên thực tế ba loại này đan xen với nhau khá phức tạp. Một người tiên tri bằng dữ liệu không chính xác lại có thể vô tình tạo ra loại tiên tri dựa trên lời nói. Một người tiên tri dựa trên lời nói có thể biết các dữ liệu nhưng vì muốn thay đổi tình thế nên cố tình tạo ra một lượng lớn các dữ liệu mới để gây sụp đổ hệ thống cũ. Một người tiên tri nhờ vào thế lực vô hình cũng có thể trở thành tác nhân dẫn đến việc cả nhân loại bị ám thị mà làm theo; hoặc lời tiên tri từ thế lực vô hình ấy cũng là dựa trên dữ liệu chúng ta không có khả năng tiếp cận được mà chỉ các vị thần mới có thể…v…v…

Ngoài ra, về cùng một sự việc diễn ra trên Trái Đất hoặc về số phận của một con người, từ rất nhiều hệ thống và cách thức khác nhau người ta có thể đưa ra các lời tiên tri khác nhau. Nếu tin vào một hệ thống thì chẳng phải chúng ta chỉ là vai diễn của vở bi hài kịch mà hệ thống ấy mong muốn ư? Nếu tin tất cả các hệ thống đưa ra tiên tri khác nhau ấy thì chẳng thà chúng ta không tin gì cả, mà chỉ ghi nhận có hơn không? Bạn muốn rơi vào trò chơi tâm trí ngớ ngẩn ấy ư?

Tóm lại, tiên tri là một trò chơi nguy hiểm mà loài người không nên lạm dụng và cũng không nên quá tin tưởng. Bởi lẽ, thế giới chúng ta đang sống là một thế giới của rất nhiều khả năng và con người có thể có rất nhiều lựa chọn nếu biết động não suy nghĩ. Thế thì tại sao phải biết trước tương lai để rồi bỏ qua vẻ đẹp của hiện tại?

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Năm / page 2

Nhận thức bản thân hay chiếc mặt nạ hoàn hảo

Bản tính hay cá tính của một người là một cái gì đó rất mơ hồ trong định nghĩa. Tất cả loài người đều khó có thể nhận diện được đúng bản thể của mình, kể cả họ có là những nhà hiền triết hay các bậc chứng ngộ. Bản thân mình là ai? Điều gì đã định hình nên tâm trí của chúng ta? Cách chúng ta nghĩ về mình có thực sự trung thực hay đã bị tô vẽ theo một cơ chế nhận thức nào đó?… Những câu hỏi như vậy sẽ luôn khiến chúng ta cảm thấy bối rối về tính cá nhân của mình? Đã cả ngàn lần, tôi luôn băn khoăn về   mình có đang thực sự sống cuộc đời của mình hay không, hay đang sống cuộc đời của kẻ khác áp đặt lên mình – cái thứ mà chúng ta vẫn gọi là định mệnh. Nhưng thôi, bàn về số mệnh thì chúng ta sẽ đi vào một ngõ cụt khác. Bây giờ, tôi sẽ chỉ viết về vấn đề nhận thức bản thân.

Bởi vì “bản thân” là một thứ mơ hồ, nên “nhận thức bản thân” cũng là một hành trình đi tìm kho báu ở một vùng đất xa xôi nhưng không ai biết kho báu ấy thực sự là cái gì. Các trường phái tôn giáo tâm linh chân chính đều đưa ra rất nhiều những chỉ dẫn để hướng dẫn con người đi tìm bản thể hay bản tính của mình. Nếu có thể vượt qua khỏi các ảo giác về bản thân mình, càng đi, ta sẽ càng thấy hư vô. Và một cách kỳ diệu, các bậc chứng ngộ nhận thấy rằng con đường vào hư vô ấy lại là con đường đúng đắn. Họ đã thấy kho báu, nhưng họ không thể nói cho chúng ta biết kho báu ấy là gì, lại không thể cầm tay dắt chúng ta đi tới kho báu. Họ chỉ để lại bí quyết duy nhất của những nhà phiêu lưu chuyên nghiệp: Vứt dần những gì không cần thiết.

Vậy đấy, để bước trên con đường nhận thức bản thân, bạn phải vứt bỏ những cái tôi giả dối mà cộng đồng và chính chúng ta đã tạo nên. Hết lần này đến lần khác như thế, bạn thấy một phần của con người mình chết đi. Đó là những cá tính không còn cần thiết cho cuộc hành trình. Nhưng vứt bỏ cái tôi nào đó không cần thiết nữa không đồng nghĩa với phủ nhận quá khứ đã trải qua của bạn. Qúa khứ đã qua, dù tồi tệ hay hạnh phúc, chúng đều là những dữ liệu cho bản đồ dẫn đến kho báu của bạn. Một sai lầm lớn của những người bước trên con đường tâm linh đó là phủ nhận quá khứ của mình, coi quá khứ ấy là một thời mông muội, vô minh. Nhưng chúng ta xuống thế giới này không phải để thức tỉnh. Chúng ta xuống đây trong sự thiếu nhận thức để tận hưởng và dấn thân, nhưng rồi sẽ đến lúc, chúng ta học cách quay trở lại trạng thái sáng suốt để đánh giá, để ghi nhớ, và để chuẩn bị cho những cuộc dấn thân lớn hơn, những tận hưởng lớn hơn. Một người không nhớ quá khứ thì không thể nhận thức được bản thân mình, họ chỉ sống như con rối được giật dây bởi ai đó vô hình. Họ đã bị “tẩy não”, và được nhồi sọ về một con người mới – con người mà kẻ khác cố thuyết phục họ rằng đó mới là con người thật.

Tôi đã gặp nhiều người tu tập tâm linh lâu năm. Qúa khứ của họ là một chuỗi mờ ảo. Hoặc họ lẫn lộn về ký ức của mình, hoặc họ kể đi kể lại một câu chuyện đầy kịch tính đến nằm lòng với một giọng vô cảm. Những người ấy đã bị tẩy não. Họ không còn thật sự nhận thức được bản thân mình. Họ đang diễn vai là một người thức tỉnh và họ tin rằng họ thức tỉnh. Thế là, bất cứ chi tiết quá khứ nào chứng minh rằng họ cũng bình thường như những con người khác, hoặc tệ hơn thế, tầm thường đến mức khốn nạn, họ liền bỏ qua chúng hoặc cố tình phóng đại.

Tôi có quen một người Pháp tu tập tâm linh 20 năm và nổi tiếng ở Việt Nam với một khóa học về Lãnh đạo bản thân. Khóa học này là nguồn thu nhập chính của anh ta đồng thời cũng là cách anh ta tuyên truyền về các lý thuyết tâm linh của mình. Một phần rất quan trọng của khóa học đó là bài học về nhận thức bản thân. Sau khi làm một loạt trắc nghiệm để phân tích các thói quen và định kiến cá nhân, bạn sẽ được dẫn dắt rằng bạn là một người rất tốt đẹp, bạn là các giá trị hoàn hảo như yêu thương, dũng cảm, bình an…v…v… Đây là cách mà giáo phái Brahma Kumaris dạy đệ tử của họ và khóa học này được những người đệ tử xuất sắc nhất của giáo phái phát triển.  Cách đi này của họ đã truyền cảm hứng cho không ít các khóa học kỹ năng sống mà các doanh nghiệp tổ chức, dù rằng không bài bản bằng. (Đọc thêm về Brahma Kumaris tại đây: https://nghiencuutongiao.info/2017/05/31/brahma-kumaris-tu-con-duong-tam-linh-den-day-ky-nang-song/ ) Phải thừa nhận, cách nhận thức bản thân kiểu này rất thuyết phục. Nó thuyết phục bởi vì sau khi con người phải đối mặt với sự hư vô, với quá khứ bẩn thỉu của mình, họ cần một cái mặt nạ mới, một cái tôi mới được mạ vàng. Sự bẩn thỉu trong họ không mất đi mà được tô son điểm phấn bằng các đức hạnh thần thánh. Sự sợ hãi với hư vô đã đẩy họ trở thành những nô lệ vô nhân tính của mớ giáo lý sai lầm. Đây là sai lầm mà nhiều lớp dậy Thiền, nhiều giáo phái mới, hay thậm chí những tôn giáo lớn cổ xưa như Kito giáo, Tịnh độ tông… mắc phải. Đương nhiên, có thể đây chưa chắc đã sai lầm, mà có thể tôi đã sai lầm. Bởi vì, có khả năng lớn rằng họ những giáo phái ấy không muốn con người thức tỉnh, không muốn con người tự do mà  có một động cơ khác mang tính chính trị hoặc doanh thu hơn. Nhưng thôi, đó là việc của họ.

Khi đối mặt với hư vô, ta không còn biết chắc chắn rằng đâu là con người thật của ta nữa. Lúc này, ta sẽ đứng giữa hai lựa chọn: Hoặc tiếp tục đi vào hư vô ấy. Hoặc vẽ ra một con người tốt đẹp giả dối rồi đồng nhất con người ấy với bản thân. Đa số chọn ở lại với sự giả dối. Đi vào hư vô đòi hỏi nhiều dũng khí hơn bất cứ sự mạo hiểm nào. Bởi vì lúc ấy, ta tự trở nên xa lạ không phải chỉ với cộng đồng mà còn với cả chính mình. Nhưng đó là con đường đúng đắn của nhận thức bản thân.

Ừm… còn một vấn đề nữa rất trừu tượng mà những người rất thông minh thường mắc phải. Họ nhận thức được rằng không nên vẽ ra những cái tôi đức hạnh để nuôi dưỡng vị thế của mình trong cộng đồng. Họ nuôi một cái tôi khác tinh vi hơn. Cái tôi này khoác vỏ “Hư vô”. Họ coi họ là “Hư vô”, họ chọn cho mình lối sống vô vi, bất chấp tất cả. Họ thường đóng vai tiêu dao hoặc vai “trí tuệ điên”, như thể họ đã vượt xa khỏi thế giới tầm thường này. Đó cũng chỉ là một cái mặt nạ khác. Sai lầm của họ ở đâu? Đó là họ đã tự định nghĩa mình bằng chữ “Vô”. Chính điều ấy giới hạn hành động của họ trong những chuỗi phá chấp. Chấp vào phá chấp thì vẫn là chấp mà thôi. Ở đây, họ cũng đã hèn nhát bỏ hành trình đối mặt với hư vô mà tạo ra một thứ hư vô giả để vờ rằng mình đã đến đích, đã hoàn thành cuộc hành trình.

Nhận thức bản thân mình không biến chúng ta trở nên quyền năng hơn hay vĩ đại hơn. Nhận thức bản thân chỉ khiến bạn nhận ra những cái xích đang trói buộc bạn, những mặt nạ cuộc đời mà bạn tự đồng nhất. Vậy nên, nếu thấy chưa đủ dũng khí để đối mặt với hư vô, tốt nhất bạn cứ dấn thân và tận hưởng, thay vì mê muội chạy theo các ảo tưởng vĩ đại xa vời.

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Năm / page 2

“Giặc xấu” bắt đầu tàn phá Hội An?

Bài viết lên án dự án Công viên Ấn tượng và chương trình thực cảnh Ký ức Hội An

Những ngày tháng 4 vừa qua, dư luận báo chí xôn xao về sự tàn phá môi trường và cảnh quan của dự án Công viên Ấn tượng và chương trình thực cảnh Ký ức Hội An trong khu vực Phố Cổ Hội An.

Ở bài viết này tôi sẽ không đề cập đến vấn đề pháp lý hay những nguy hại về môi trường mà bàn đến vấn đề bấy lâu nay chúng ta dường như đã bỏ quên trong công cuộc xây dựng một nước Việt Nam văn minh và hiện đại: Đó là tính thẩm mỹ của cảnh quan đô thị. 

So với những vấn đề khác thì vấn đề tính thẩm mỹ không được coi trọng bởi vì ở một quốc gia mà người dân còn có trình độ dân trí thấp và coi trọng miếng ăn hơn giá trị tinh thần thì đòi hỏi về cái đẹp vẫn là quá xa xỉ.

Tuy nhiên, nếu chúng ta thay đổi cái nhìn về cái đẹp, mà cụ thể hơn là tính thẩm mỹ trong cảnh quan đô thị, thì chúng ta sẽ thấy rằng vai trò chính trị của cái đẹp cũng quan trọng không kém các quyền tự do.

Một quốc gia, một dân tộc, một cộng đồng người không thể tạo ra các tác phẩm hay sản phẩm có tính thẩm mỹ cao thì quốc gia ấy, dân tộc ấy, cộng đồng ấy cho thấy một sự suy thoái về tinh thần và sự kém cỏi về trí tuệ, nói một cách khác đó là dấu hiệu cho thấy sự man rợ và lạc hậu.

Xã hội loài người đã từng chứng kiến sự thăng trầm của những nền văn minh rực rỡ, từ Ai Cập cổ đại, Hi Lạp và La Mã cổ đại, Trung Quốc cổ và trung đại, Kỷ nguyên vàng Islam, Phục Hưng ở Châu Âu…

Những gì còn lưu lại đến nay đều là những tạo vật đẹp đẽ mà những người nghệ sĩ đã dành nhiều tâm huyết để chế tác.

Động lực thúc đẩy sự sáng tạo của nghệ sĩ chính là một xã hội biết thưởng thức cái đẹp và tôn trọng cái đẹp. Những nền văn minh này đã lụi tàn theo thời gian do quy luật thành bại của lịch sử nhưng những dấu vết để lại với tính thẩm mỹ cao đều cho chúng ta thấy khả năng tư duy hoàn hảo, tinh thần trách nhiệm, sự chuyên nghiệp trong tài năng cá nhân, sự khai phóng tinh thần trong sáng tạo và cả tư tưởng thời đại của các tiền nhân.

Chẳng ai nhớ đến các tác phẩm hay các sản phẩm xấu xí và tệ hại. Sự xấu xí chỉ tồn tại trong những cộng đồng người man dã khi khả năng tư duy còn hạn chế và kỹ thuật còn thô sơ. Đây là những đặc điểm về thẩm mỹ điển hình trong các xã hội man dã. Những đồ tạo tác của xã hội man dã không phải vô dụng, chúng có giá trị về mặt khảo cổ. Rất ít trong số chúng có độ tinh xảo nhất định thì mới có thể được đánh giá là đẹp, và cái đẹp ấy là đại diện cho sự tiến bộ.

Nhưng lịch sử có những trớ trêu khó cưỡng, đó là trong một số hoàn cảnh, người ta đứng về phía cái xấu thay vì chọn cái đẹp. Để chế tác hoặc sáng tạo một tác phẩm hay một sản phẩm xấu, người ta không cần sự kỳ công, không cần sự tính toán kỹ lưỡng, không cần sự hiểu biết, không cần đạo đức nghề nghiệp. Họ chỉ cần sự tằn tiện trong chi phí sao cho lợi nhuận tối đa.

Bởi thế, họ chọn cái xấu không phải vì họ không nhận thức được rằng nó xấu mà đơn giản rằng nó tiện lợi cho họ. Nhưng tiếc rằng, đúng như nhà văn Oscar Wilde, nhà văn duy mĩ hàng đầu của Anh quốc đã kết luận:

“Người ta thường nói như thể cái đẹp đối nghịch với cái hữu dụng. Nhưng chẳng có gì đối nghịch với cái đẹp ngoại trừ cái xấu: mọi thứ đều hoặc là đẹp hoặc là xấu, và cái có ích luôn ở về phía cái đẹp, bởi vì sự điểm trang đẹp đẽ luôn ở về phía cái đẹp, bởi vì sự điểm trang đẹp đẽ cho một vật luôn là biểu hiện của tính năng và giá trị của vật đó.

Không người thợ nào trang trí đẹp cho một sản phẩm tồi, và bạn cũng không thể có những người thợ hoặc nghệ nhân tốt mà lại không có những thiết kế đẹp. Bạn nên chắc chắn về điều đó.

Nếu bạn có những thiết kế nghèo nàn và vô giá trị, dù trong nghề thủ công nào, bạn cũng sẽ chỉ có được những người thợ nghèo nàn và vô giá trị, nhưng khi bạn có những thiết kế đẹp đẽ và tao nhã, bạn sẽ có những người với đủ sức mạnh và trí tuệ làm việc cho mình.

Có được một thiết kế tốt, bạn sẽ có những người thợ làm việc không chỉ bằng đôi tay, mà bằng cả trái tim và khối óc nữa, ngược lại, bạn sẽ chỉ có được những kẻ ngu xuẩn và lười nhác làm việc mà thôi.”

(Trích tiểu luận “Nghệ thuật và thợ thủ công”. Bản dịch của Minh Hùng, đăng trên Book Hunter)

Ở thời đại của Oscar Wilde, nước Anh phải trải qua một thời kỳ phát triển của tư bản hoang dã trong cơn hưng phấn của Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất.

Sự phát triển công nghiệp nặng, sự lên ngôi của thói thẩm mỹ trọc phú đều là những đối tượng Oscar Wilde lên án trong các tiểu luận và bài giảng về nghệ thuật của mình.

Ông đã dành toàn bộ tài năng của mình để tạo ra các áng văn chương tuyệt đẹp với tinh thần duy mỹ để chống lại sự tràn lan của cái xấu xí trong xã hội Anh thế kỷ 19.

Trước Oscar Wilde, rất nhiều nhà thơ lãng mạn của Anh dưới thời Victorian như Lord Alfred Tennyson, William Wordsworth… cũng chọn tinh thần duy mỹ và sự ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên như một sứ mệnh chính trị của mình.

Họ từ chối các đặc quyền chính trị khi trở thành nhà thơ hoàng gia ca ngợi công cuộc đổi mới để quay về với sự cô độc cá nhân trong sự đắm chìm vào thế giới đẹp đẽ của ngôn từ. Đó là thái độ bất tuân dân sự của người duy mĩ.

Những nhà làm chính trị thực tiễn thường cho rằng các nhà thơ, nhà văn duy mỹ là những kẻ thoát ly thực tại nhưng trên thực tế, họ đang tiếp tục thông qua sáng tác cá nhân để nâng cao thị hiếu người dân. Bởi vì, chừng nào họ còn sáng tác những áng văn chương tuyệt mỹ thì chừng đó cái đẹp còn tồn tại.

Ở Việt Nam, đã từng có thời tính duy mĩ được coi trọng, tuy nhiên do yếu tố man dã vẫn còn phổ biến nên những thời đại rực này đã sớm lụi tàn ngay khi bắt đầu.

Lần gần nhất được ghi dấu trong giai đoạn đầu thế kỷ 20 ở các đô thị lớn. Xu hướng này chấm dứt khi phe Nghệ thuật vị nhân sinh chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận những năm 1940s. Các cây bút của phong trào Nghệ thuật vị nhân sinh mà dẫn đầu là Hải Triều đã có một cuộc tổng tấn công vào các nhà văn, nhà thơ lãng mạn có xu hướng duy mĩ ở Việt Nam và đả kích họ là không thực tế và thoát li hiện thực.

Quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh này đã biến tướng thành một sự cổ vũ lối thẩm mỹ đại chúng xa rời cái đẹp còn kéo dài đến tận bây giờ. Và hậu quả là tính thẩm mỹ bị lơ là trong quy hoạch đô thị nói riêng và chiến lược phát triển văn hóa – giáo dục nói chung.

Đặc biệt, từ sau khi mở cửa kinh tế và cho phép các tập đoàn tư nhân được đầu tư kinh doanh bất động sản thì sự tàn phá thẩm mỹ xã hội lại còn nhanh chóng hơn và tệ hại hơn trước đó. Xu hướng tăng trưởng kinh tế để giúp đất nước phát triển đã tạo ra một xã hội tư bản hoang dã dựa trên một nền tảng tri thức thấp kém do chính sách phát triển văn hóa sai lầm.

Trường hợp Công viên Ấn tượng Hội An của tập đoàn Gami chỉ là một trong số những ví dụ của chuỗi tàn phá không biết bao giờ kết thúc mà công cuộc xây dựng kinh tế sau Đổi Mới đã gây ra.

Quá trình đô thị hoá bừa bãi, không, chính xác phải gọi là bê tông hoá đã tàn phá những cánh đồng quê êm ả, những vùng núi hùng vĩ, những con sông xanh mát, những bờ biển cát trắng, những cánh rừng huyền bí và cả những đô thị cổ còn lưu lại dấu vết của một thời văn minh đã xa…

Cái đẹp đã mất ở Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Sapa … và bây giờ liệu có mất thêm Hội An? Một công trình của Gami chỉ có thể tàn phá một góc Hội An nhưng nó sẽ là bắt đầu cho chuỗi tàn phá của các tập đoàn khi ai cũng có thể xây dựng vô tội vạ với sự lơ là của các cơ quan ban ngành quản lý.

Thế đấy, cùng với “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm” thì người dân Việt Nam còn phải đương đầu với “giặc xấu”, thứ giặc mà trước giờ ít người nhận ra dù sự phát triển của loại giặc này đã và đang ngày một phổ biến do sự xuống cấp của giáo dục và sự tàn phá văn hoá trong nhiều thập kỷ liên tiếp.

Nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của bản thân cũng như của xã hội là trách nhiệm vô cùng quan trọng của văn nghệ sĩ và trí thức để đưa xã hội Việt Nam hướng tới sự văn minh đồng thời gột rửa dần các tố chất man dã.

Bởi vì chỉ có văn nghệ sĩ và trí thức mới có cơ hội cũng như khả năng để tiếp cận tri thức và trang bị cho mình các nền tảng mỹ học đủ để thẩm định và sáng tạo cái đẹp.

Văn học nghệ thuật không đơn thuần chỉ là sự phát biểu cái tôi cá nhân của văn nghệ sĩ mà đó còn là một sự tạo dựng nền tảng thẩm mỹ cho xã hội mà trong đó văn nghệ sĩ trí thức được khám phá và hoàn thiện chính mình.

Home 2019 Tháng Năm / page 2

Gửi các mẹ: Đọc sách có quan trọng đến thế?

Sáng nay lên mạng, một bức thư thống thiết của một bà mẹ gửi tới đứa con lười đọc sách của mình hiện lên Newsfeed của tôi.

Ngay khi click vào đọc, tôi đã biết được bức thư này có thể lâm li bi đát đến cỡ nào. Bởi vì, cứ thỉnh thoảng phong trào cổ vũ văn hóa đọc lại rộ lên những trò thú vị mà có lẽ chỉ Việt Nam mới có.

Nào thì chụp ảnh khoe tủ sách, nào thì chạy việt dã để nâng cao văn hóa đọc (chả hiểu liên quan ở đâu), nào thì người nổi tiếng chụp selfie cùng sách, nào thì thử thách đọc 10-20 cuốn sách một ngày…v…v…

Và đến giờ là một bức tâm thư (không rõ thật lòng hay không) của một bà mẹ mong muốn con mình hãy cầm cuốn sách lên và đọc.

Lợi ích và tác hại của sách đến đâu, khó có thể nói rõ hết được.

Ngày xưa, người Trung Quốc có cái tích kể về anh chàng thư sinh mọt sách, nhờ đọc sách mà thấy từ sách hiện ra cả nhà cửa, kho báu và gái đẹp.

Câu chuyện ấy đại diện cho giấc mơ của một lớp người từ xưa đến nay chỉ nhìn thấy khía cạnh thực dụng và vật chất của sách.

Trước hết, tôi phải “rào trước” rằng tôi không phải là một người ghét sách.

Từ nhỏ, tôi loanh quanh với thế giới sách vở, cũng chẳng dám nhận là thiên kinh vạn quyển hay bác học thâm sâu, nhưng cũng tự hào rằng mình nghe ai đó khoe sách thở vài câu là biết họ ở tầm cỡ nào của công phu đọc sách.

Thế nên, cứ mỗi khi đến cái mùa khoe sách, cùng lúc với cái mùa hội chợ sách giảm giá, tôi lại được phen vừa buồn cười vừa khó chịu, rồi cuối cùng chỉ biết thở dài với tất cả các chiêu trò truyền thông được đẩy lên.

Tôi không dám chắc bức thư của bà mẹ kia là một thao tác truyền thông hay là những lời thật lòng, nhưng tôi dám chắc đó là một phần của thứ trào lưu cổ vũ văn hóa đọc cực đoan trong nhiều năm gần đây.

Sách rất hữu dụng, sách ẩn chứa kho tàng tri thức của nhân loại, đúng vậy, nhưng sách không phải chìa khóa vạn năng trong cuộc sống, cũng không phải chìa khóa duy nhất cho cuộc sống.

Nếu đứa con của bà mẹ ấy lười đọc sách, hẳn nhiên bà mẹ ấy sẽ đổ lỗi cho giáo dục, cho môi trường Internet tệ hại, cho tính lười biếng của đứa con.

Bà mẹ ấy không chịu tìm hiểu và quan sát xem ẩn sâu trong tiềm thức của đứa bé, điều gì dẫn đến việc nó lười đọc sách. Nguyên nhân có thể đến từ rất nhiều. Hoặc là do nó quá mệt mỏi với chương trình học của nhà trường nên lúc về nó chỉ muốn được thư giãn, muốn thoát khỏi chữ nghĩa.

Hoặc là do nó thấy mẹ nó cuồng sách quá nên nó có phản ứng ngược để chứng minh bản thân rằng mình phải có một đời sống khác.

Hoặc là đơn giản hơn, tủ sách của bà mẹ sở hữu không có loại sách mà đứa bé cảm thấy phù hợp.

“Nếu ai đó hỏi mình rằng mình có thích sách không? Mình chắc chắn trả lời là KHÔNG. Mình thích sự hiểu biết”.

Tóm lại, có hàng trăm hàng ngàn lý do sâu xa hơn dẫn đến việc một đứa trẻ lười đọc sách. Những lời tâm thư ấy liệu có lọt vào tai đứa trẻ hay không? Hay nó chỉ cười khẩy một cái: “Lại trò truyền thông của mẹ” hay “Lại giọng điệu của mẹ”.

Sách, về bản chất, là một công cụ để lưu trữ thông tin. Thông tin đó có thể bao gồm kiến thức, các chiêm nghiệm, các cảm xúc. Thông tin đó có thể có hại hoặc có ích, thậm chí là vô dụng, tùy với từng người.

Nếu các thông tin đó không được lưu trữ trong sách mà được lưu trữ trên website, video, hay game… thì có vấn đề gì không nếu đứa trẻ không lựa chọn sách như một công cụ?

Mỗi công cụ đều tạo ra các kiểu tư duy khác nhau để tiếp nhận và xử lý thông tin. Tức là nếu bạn tiếp nhận qua website, video hay game sẽ có một lối tư duy khác với đọc qua sách (đặc biệt là sách giấy).

Nếu một đứa trẻ không thích đọc sách không có nghĩa rằng đời nó thế là vứt đi. Nó hoàn toàn có thể đạt được sự hiểu biết qua các công cụ khác.

Sách là một công cụ lưu trữ vĩ đại của nhân loại, nhưng không phải cái gì được lưu trong đó cũng là tinh hoa.

Cái thứ bà mẹ kia muốn nhồi vào đầu con mình qua sách, chẳng rõ là có giá trị hay toàn rác rưởi. Nếu là rác rưởi thì thật bất hạnh cho đứa trẻ. Nếu là tinh hoa thì cũng phải tùy căn cơ của đứa trẻ, đâu phải người nào cũng ăn được nhân sâm dù nhân sâm là thuốc quý.

Tôi luôn cho rằng người lớn không nên ép buộc con cái. Người lớn cũng có đầy đủ các kiểu ngu xuẩn và chúng ta chẳng có tư cách gì để dậy dỗ thế hệ đi sau.

Người lớn chỉ có thể chia sẻ các kinh nghiệm của bản thân và để con thế hệ sau tự quyết định. Những cuốn sách hay đều ghi chép lại kinh nghiệm của những người đi trước, chúng không dạy dỗ người khác phải làm gì.

Chúng ta đọc chúng cũng giống như những đứa trẻ tiếp nhận các kinh nghiệm của người đi trước vậy, chúng ta và những đứa trẻ đều có lựa chọn của riêng mình.

Vì thế, hãy để cho con trẻ cái quyền được sống theo cách của mình và hãy hiểu rõ hơn về lựa chọn của con cái.

Nếu đứa trẻ lựa chọn không đọc sách mà xem video, hãy hướng dẫn cho nó xem những video có giá trị.

Nếu nó lựa chọn chơi game, hãy giúp nó chọn những game lành mạnh thay vì cấm nó chơi game. Và nếu ông bố bà mẹ nào không đủ năng lực để giúp con lựa chọn thì đó là lúc nên học hỏi thêm cho bản thân mình.

Ừ, thế còn phong trào nâng cao văn hóa đọc thì sao, nó có giúp cho người ta đọc sách tốt hơn không?

Nó có thể kích thích lượng mua sách tăng lên, nhưng nó không giúp người ta mở mang trí não hơn.

Không phải tôi không muốn ngày càng có nhiều người đọc sách có chất lượng, mà là việc này không cưỡng ép bằng truyền thông được.

Để giải quyết việc nâng cao văn hóa đọc thì dễ thôi, chừng nào các NXB có trách nhiệm hơn trong việc chọn bản thảo, chừng nào các tác giả có trách nhiệm với chữ nghĩa của mình, thì lúc ấy chất lượng độc giả cũng được nâng cao.

Còn nếu không thì thà mù chữ còn hơn đọc sách nhảm!

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Năm / page 2

Giáo dục Việt Nam, sai lầm bởi mặc thời đại xô đẩy

Trong 10 năm gần đây, ngành giáo dục tại Việt Nam gặp phải nhiều sự lên án: từ chương trình học nặng nề thiếu thực tế, đến đề thi thiếu tính chuyên môn, sách giáo khoa có nhiều sai phạm, giáo viên ý thức kém… Mới đây, sự việc 231 cái tát lại càng dấy lên sự lo lắng về một nền giáo dục đang còn lạc hậu so với thế giới. Nhiều bài viết đã chỉ ra những điểm yếu kém cũng như đã lý giải nhiều nguyên nhân dẫn đến sự lạc hậu này, tuy nhiên, các bài viết thường chỉ đưa ra các nguyên nhân trực tiếp.

Trong bài viết này, tôi muốn đề cập đến một khía cạnh khác, đó là thế đứng của giáo dục Việt Nam – một thế đứng chập chờn giữa những giao thoa về mô hình giáo dục, để rồi không thể đưa ra một chiến lược phát triển tổng thể trong tương lai, mà mặc cho sự xô đẩy của thời đại.

Truyền thống một nền giáo dục bị động

Một nền giáo dục bị xô đẩy bởi thời đại không phải chỉ là câu chuyện đương đại ở Việt Nam. Nhìn lại lịch sử, ta có thể dễ dàng nhận thấy liên tục trong 2000 năm, người Việt hiếm khi nào tự chọn cho mình một hướng giáo dục phù hợp với các đặc tính của dân tộc, mà chỉ sao chép một cách thụ động từ sự giáo dục mang tính cưỡng chế do các chính quyền đô hộ.

Cho đến nay, các sử gia chưa chứng minh được cách thức giáo dục trước khi nhà Hán đô hộ nước ta, nhưng nền tảng Nho giáo do các đô hộ sứ người Hán áp đặt đã trở thành sự lựa chọn mặc nhiên trong suốt chiều dài lịch sử phong kiến nước ta. Chính quyền các triều đại phong kiến dường như không mấy để tâm đến việc giao lưu tri thức với các nền văn hóa khác. Điều này rất khác biệt, thậm chí với Trung Quốc, vốn được xem như bản mẫu để Đại Việt học tập theo. Thậm chí, ý chí học tập không thể sánh với các nước Á Đông khác như Nhật Bản và Triều Tiên (thời phong kiến). Nhật Bản và Triều Tiên (thời phong kiến) mặc dù cũng tiếp thu Nho giáo nhưng họ không để mình rơi vào thế bị động mà chủ động nghiên cứu, học hỏi, khảo sát và chọn lựa các yếu tố tốt cho phát triển dân tộc. Vậy nên, cùng từ một nguồn ảnh hưởng nhưng các nước Á Đông nhưng nước ta, ngay cả trong thời kỳ độc lập, lại tiếp thu một loại Nho giáo khắc nghiệt, thiên nhiều về nghi lễ và giáo điều để làm tư tưởng

Đến thời Pháp thuộc, cơn bão phương Tây đã đánh bật vị trí thống trị của Nho giáo trên toàn bộ xã hội và thay vào đó một nền giáo dục kiểu mới: giáo dục phổ thông và phổ cập. Nền giáo dục này không phải một nền giáo dục lâu đời ở phương Tây mà chỉ mới xuất hiện trong thời kỳ công nghiệp. Tính đến nay, tuổi thọ của nền giáo dục phổ thông phổ cập mới chỉ 200 năm. Chính hệ thống giáo dục này cũng được chính quyền nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam lựa chọn để tạo ra những “công dân mới”, đúng như tôn chỉ của mô hình giáo dục phổ thông phổ cập khi mới ra đời.  Nếu tư tưởng giáo dục Nho giáo chủ trương tạo ra các Nho sinh để “tải đạo” thì mô hình giáo dục phổ thông và phổ cập ngay từ cốt lõi đã hướng tới việc tạo ra những người công dân làm việc trong các công xưởng và văn phòng phục vụ nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, mô hình giáo dục phổ thông và phổ cập ở phương Tây đã có những bước tiến rất xa về thành tựu nhờ vào kho tri thức khổng lồ được tích trữ trong nhiều nghìn năm lịch sử và một truyền thống học thuật lâu đời. Đây lại chính là thành phần mà Việt Nam không hề tiếp thu trong quá trình ứng dựng chương trình giáo dục phổ thông và phổ cập.

Như vậy, sự bị động trong việc tiếp thu hai mô hình giáo dục lớn, một phương đông cổ xưa và một phương tây hiện đại, đã khiến cho chúng ta không tiếp thu được những yếu tố xuất sắc nhất, mà ngược lại chỉ sao chép được các công thức cứng nhắc và lấy đó như tiêu chuẩn của nền giáo dục. Trong khi đó, một làn sóng giáo dục kiểu mới của thời đại công nghệ cao đã thành hình trên thế giới và Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận dù chưa đủ các cơ sở căn bản về cơ sở vật chất cũng như chuyên gia trong các chuyên ngành. Một hậu quả dễ nhận thấy đó là giáo dục lập tức bị rơi vào tình trạng “loạn chuẩn”.

Không gặp nhau ở đỉnh cao mà chỉ giao thoa sự lạc hậu

Mọi mô hình giáo dục một khi đã được áp dụng rộng rãi luôn có những điểm ưu việt và những hạn chế. Các quốc gia có nền giáo dục phát triển luôn biết cách kết hợp các điểm ưu việt phù hợp với tình trạng của quốc gia, giống như trường hợp của Nhật và Hà Lan; hoặc cho phép nhiều mô hình được song song tồn tại và chuyển biến giống như Mỹ và Tây Âu. Còn các quốc gia chỉ biết khiên cưỡng sao chép đóng kín trong một mô hình lại dễ dàng xảy ra sự chồng lấn lên nhau giữa các giao thoa giữa giáo dục kiểu cũ và giáo dục kiểu mới mà tình trạng giáo dục Việt Nam chính là một ví dụ điển hình.

Mô hình giáo dục phương Tây hiện đại theo kiểu phổ thông và phổ cập vốn dĩ là một mô hình giúp người học nhanh chóng có được các kỹ năng và kiến thức toàn diện phục vụ đời sống hiện đại, thế nhưng ở Việt Nam, các kỹ năng thực tế không được quan tâm. Thay vì đó, cách dạy và học từ cấp 1 cho đến đại học vẫn theo lối giáo điều của mô hình Nho giáo, tức là thày đọc trò chép và thi cử theo lối thuộc lòng. Thay vì thói quen tư duy theo quy trình, một kết quả dễ nhận thấy của nền giáo dục phổ thông phổ cập thì các học sinh và sinh viên ở Việt Nam khi ra trường dễ bị rơi vào lối tư duy rập khuôn, bắt chước và thiếu chủ động khi bắt nhịp vào quy trình làm việc của xã hội hiện đại.  Thâm chí, tình trạng thầy cô giáo thích quát mắng hoặc bạo hành học trò cũng là do những tàn dư lạc hậu của mô hình Nho giáo vốn quen “gõ đầu trẻ” gây ra dù rõ ràng chúng ta đang ở trong một nền giáo dục hiện đại mà quyền trẻ em là vấn đề được coi trọng… Tình trạng này không phải lỗi của mô hình giáo dục Nho giáo hay mô hình phổ thông phổ cập, mà là do sự bị động đã trở thành cố hữu ở nước ta trong suốt hai ngàn năm lịch sử. Và ngay cả khi các mô hình giáo dục đương đại khác du nhập vào Việt Nam thì các mô hình ấy vẫn không hề giúp Việt Nam cải thiện tình trạng giáo dục. Mọi sự cải cách dù lớn hay nhỏ đều không đến từ sự chủ động mà đến từ sự bị động thì đều lãng phí tiền bạc, nhân lực và gây ra các xáo trộn đối với học sinh – sinh viên nói riêng cũng như toàn bộ xã hội nói chung.

Những thực trạng tồi tệ của nền giáo dục như tham nhũng, năng lực cán bộ giảng dạy yếu kém, điều kiện vật chất không đầy đủ, đạo đức học đường xuống cấp, chương trình học lạc hậu… tất cả, theo tôi đều là biểu hiện của một nền giáo dục chắp vá được tạo bởi phần lạc hậu nhất của các mô hình giáo dục lớn. Chừng nào, Việt Nam không thể đưa ra một chiến lược giáo dục thực thụ dựa trên các khảo sát của những chuyên gia hàng đầu để tạo ra một hệ thống giáo dục vừa căn bản, vừa phù hợp với thực tiễn của thời đại, vừa tôn trọng học sinh – sinh viên, lại vừa dựa trên các lợi thế của Việt Nam thì chừng ấy, nền giáo dục Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục trì trệ như hiện nay. Tuy nhiên, việc đưa ra một chiến lược lâu dài không phải việc dễ dàng, không đơn giản là các cuộc cải cách hàng loạt vội vã, mà đòi hỏi sự nghiên cứu nghiêm túc, đầy đủ, kỹ lưỡng không chỉ các mô hình giáo dục và văn hóa của thế giới mà cả các đặc tính văn hóa của người Việt.

Hà Thủy Nguyên

Bài đã đăng trên báo Pháp Luật Việt Nam

Home 2019 Tháng Năm / page 2

Người trẻ muốn làm việc tốt cần quên những thứ học ở trường đi

Học, thi cử, rồi lại học, cho đến khi có được bằng cấp, và khi đi làm, những điều học được ở nhà trường không hẳn là thích hợp với yêu cầu công việc thực tiễn. Đây vốn không phải là một thực tế quá gây shock với người Việt Nam.

Mỗi người Việt chúng ta đều chấp nhận thực tế ấy như một chân lý hiển nhiên và miễn là con cái chúng ta cố học để có đủ các bằng cấp, điều kiện thiết yếu để xin việc, thì bất kể việc chúng không đủ kỹ năng để đi làm, cũng đều được chấp nhận. Điều này dẫn đến kết quả là hết thế hệ này kế tiếp thế hệ khác những lực lượng trẻ thiếu thốn các kỹ năng căn bản để sinh tồn trong xã hội đương đại. Và đương nhiên, không tránh khỏi sự tụt lùi trong việc tạo ra một đời sống có chất lượng cao mà mỗi người đều mong muốn.

Trước hết, chúng ta phải xác định rõ với nhau rằng, hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông và phổ cập không nên chỉ là cách thức để đào tạo ra những cỗ máy chỉ biết làm việc kiếm tiền.

Hệ thống giáo dục cần phải cung cấp những nhận thức toàn diện bao gồm ý thức công dân, kỹ năng tương tác xã hội, kỹ năng làm việc, kỹ năng tư duy và thỏa mãn các nhu cầu kiến thức của mỗi người trẻ. Bây giờ chúng ta sẽ cùng xem xét đến các khía cạnh mà tôi vừa đề cập:

Mỗi đứa trẻ lớn lên, đều sẽ trở thành mỗi công dân. Và mỗi công dân cần biết gì? Họ cần biết về quyền và trách nhiệm của người dân trong xã hội, biết các kỹ năng hành chính căn bản. Bất kể trở thành ai trong xã hội thì vai trò đầu tiên của mỗi người đều là một công dân. Và sẽ thật tệ hại khi một công dân không biết đầy đủ về quyền và trách nhiệm của mình.

Môn giáo dục công dân ở Việt Nam, xét về mặt giáo trình đã có một bước tiến đáng kể trong việc đưa các vấn đề quyền và trách nhiệm của công dân vào chương trình học. Tuy nhiên, những gì học sinh học được là lý thuyết. Ngay chính trong môi trường học đường, những thực hành thiết yếu về quyền và trách nhiệm của ban giám hiệu, thầy cô, học trò, phụ huynh… đều không hề có. Điều này dẫn đến sự gia tăng bạo lực học đường và những xung đột giữa nhà trường và gia đình mà gần đây báo chí thường nhắc đến.

Thứ những đứa trẻ cần học, theo tôi, không phải chỉ đơn giản là những bài học đạo đức giáo điều, mà là ý thức tôn trọng pháp luật mà mỗi người trưởng thành xung quanh chúng cũng đều phải thấm nhuần.

Ở một khía cạnh khác, mềm mại hơn, chính là tương tác xã hội giữa người với người. Việc lúc nào cũng chăm chỉ lên lớp và phải hòa đồng với cộng đồng chung không hề giúp cho mỗi đứa trẻ trở nên tử tế hơn hay có tính người hơn.

Thậm chí, áp lực hòa nhập mà các nhà trường đang cố áp đặt lên mỗi cá nhân cũng đã lỗi thời so với thời đại mà yếu tố cá nhân được đặc biệt coi trọng như ngày nay. Áp lực này chỉ khiến cho những mâu thuẫn theo lối tẩy chay ngày càng gia tăng, và hơn thế nữa, hệ thống giáo dục không giúp học sinh, sinh viên tương tác mà biến họ thành các cỗ máy vận hành theo tập thể.

Kỹ năng làm việc, kỹ năng tư duy và các nhu cầu kiến thức là những gì dễ nhận thấy nhất ở hệ thống giáo dục của chúng ta. Trong suốt quá trình học ở bậc phổ thông, học sinh chỉ được học những kiến thức trong Sách giáo khoa theo lối thầy đọc trò chép và mỗi học trò phải cố gắng làm sao để hoàn thành các bài thi rồi tốt nghiệp. Việc này chiếm quá nhiều thời gian của một đứa trẻ. Chúng phải học chính khoảng 4-5 tiếng, rồi sau đó phải học phụ đạo khoảng 3-4 tiếng. Như vậy, một đứa trẻ phải mài đũng quần trên lớp từ 7 đến 9 tiếng, cứ như người lớn đi làm công ăn lương. Đó là còn chưa kể những lịch học dầy đặc ở nhà riêng của các giáo viên choán hết cả thời gian cá nhân.

Thực tế là, nếu những đứa trẻ không thể đạt mục tiêu điểm chác mà chúng mong muốn bằng việc tập trung học trong quãng thời gian học chính (chứ không phải bao gồm cả phụ đạo, học thêm, và học ở nhà) thì lỗi là do cách thiết kế chương trình học và trình độ giáo viên chứ không phải lỗi tại những đứa trẻ.

Tôi xin được nói thẳng, chương trình học phụ đạo là một hình thức giam cầm học sinh ở trường để bù lấp cho sự quá tải của một chương trình học thiết kế thiếu tính giáo dục, sự kém cỏi của giáo viên, và sự thờ ơ của phụ huynh trong việc giúp những đứa con có được kiến thức và kỹ năng hữu ích.

Tại sao phải mất chừng ấy thời gian để giam cầm những đứa trẻ trong bốn bức tường trong khi chúng có thể học hỏi từ Internet, các thư viện, các cộng đồng sở thích… Tình trạng này có giảm bớt khi trở thành sinh viên, nhưng các sinh viên vốn đã được đào tạo suốt 12 năm trong một môi trường hạn hẹp lại không thể thích ứng được với việc chuyển tiếp từ lối học phổ thông sang lối học đại học vốn cần tập trung vào các kỹ năng làm việc. Và ngay cả vậy, thì các kỹ năng này cũng lỗi thời nhanh chóng trong một xã hội mà cái mới được tạo ra từng ngày.

Nhà trường, với sự chậm tiến như tôi đã đề cập ở trên, thực sự đã trở thành một lực cản lớn đối với xã hội. Nhà trường, đáng lý phải là nơi tạo ra những công dân tốt, những nhân tài sẵn sàng cống hiến cho xã hội thì lại ở mãi trong ảo tưởng các thành tích số lượng học sinh giỏi và giáo viên dạy giỏi. Và thật nực cười, khi một đứa trẻ bước vào đời, muốn làm việc tốt, lại cần… quên những gì được học ở trường đi.

Hà Thủy Nguyên
Bài đã đăng trên Pháp Luật Việt Nam Online

Home 2019 Tháng Năm / page 2

Soi trọc phú (3) Đã dốt còn ghét chữ

Chẳng biết từ bao giờ, các trọc phú lại nuôi một lòng chán ghét với chữ nghĩa, có lẽ là từ… ngàn xưa rồi. Bởi vì có chữ nghĩa vào đầu, hay nói cách khác là có kiến thức, thì các trọc phú sẽ cảm thấy khó kiếm tiền hơn. Làm sao có thể xây những tòa cao ốc vô tội vạ nếu biết lấn biển, san núi, chặt rừng… có thể gây ra hậu quả gì… Làm sao có thể ngang nhiên bán thực phẩm bẩn nếu biết hết những hậu quả thực phẩm bẩn có thể gây ra với người tiêu dùng… Làm sao có thể dễ dàng làm việc xấu nếu biết rằng đó là xấu.

Dốt nát là điều kiện căn bản để để các trọc phú đeo đuổi giấc mộng làm giàu không giới hạn của mình. Họ chỉ cần duy trì tình trạng dốt nát và đắp lên đó các mỹ từ như “làm giàu cho đất nước”, “giúp cải thiện vật chất xã hội”… hay “vượt khó”… đại loại thế. Sự dốt nát giúp họ không tự đặt câu hỏi với bản thân, và sẵn sàng cãi cày cãi cối với mọi góp ý về cách làm bẩn thỉu của mình. Để duy trì sự dốt nát, họ đương nhiên phải chối bỏ mọi thứ được gọi là … “kiến thức” hay “tri thức”, chối bỏ tới mức khinh miệt đám người có chữ nghĩa.

Đợt rồi, Book Hunter bọn tôi đang tất tả chuẩn bị để phát hành 1 cuốn sách có tên là “Sự chiến thắng của đô thị” (tác giả Edward Gleaser). Cuốn sách này bàn nhiều về các mô hình quy hoạch đô thị hiện đại và các vấn đề của chúng. Sách được viết dễ hiểu chứ không quá học thuật. Tôi cho rằng với trình độ không được cao lắm của các đại gia bất động sản chắc cũng đọc được cuốn này. Thế là, chúng tôi gọi điện cho một chú em. Cậu này còn trẻ nhưng đã sớm thành đại gia ngành xây dựng, chi nhánh toàn quốc, tiền tiêu như nước, lại suốt ngày mồm năm miệng mười: “Anh chị cần em giúp đỡ gì thì cứ gọi em, em giúp”. Mỗi lần cậu ấy mời vợ chồng tôi đi ăn uống nhậu nhẹt, ít thì 1-2 triệu, nhiều thì cả chục triệu. Việc in sách không được dư dả lắm, lại được ông em sẵn sàng hứa hẹn giúp đỡ, sẵn sàng vứt cả triệu vào bàn nhậu mà không tiếc, nên vợ chồng tôi liền ngỏ lời xin hỗ trợ funding. Tiền in quyển sách rất cần thiết cho dân xây dựng ấy, cộng lại chắc bằng 2 bữa tiệc, đã thế sau khi sách in xong chúng tôi sẽ đưa tên tập đoàn non trẻ của cậu ấy vào trong sách như một nhà hảo tâm yêu tri thức. Đó cũng là một cách truyền thông chẳng mất mấy tiền, lại sang trọng. Nhưng không, khi cậu ấy chỉ trả lời rằng bây giờ giới xây dựng với bất động sản có ai đọc sách đâu. Rồi đòi hướng dẫn chúng tôi về cách kinh doanh. Tôi cho rằng loại trọc phú từ trẻ đến già theo cái lối này… phổ biến lắm. Mời chúng tôi nhậu nhẹt không tiếc, nhưng in sách ấy hả, tăng thêm kiến thức ấy hả… quên đi!

Nhà chồng tôi còn có một ông đại gia Thanh Hóa. Ông này thời Việt Nam mới vào WTO, nhờ biết trọ trẹ mấy câu tiếng Anh, nên thường đứng giữa thu mua máy cắt kính và bán cho Eurowindow. Lâu dần, thành nhà giàu, giàu rồi thường thích tụ tập đám em họ để giúp các em làm giàu như ông ấy. Các em họ phải chúc tụng rượu mỗi khi tiệc tùng. Đương nhiên, nhà tôi không hành xử theo cái lối ấy, tiệc tùng chẳng bao giờ chúc rượu ai. Ông anh họ tức lắm, liền cả buổi ngồi chửi bọn đọc sách là vô dụng, chả biết làm gì, chả biết kiếm tiền.

Một lần khác tôi được mời ghé qua Vinpearl Nam Hội An. Đó thực sự là một thảm họa quy hoạch của Vingroup. Giống như nhiều đại gia bất động sản khác, ông Phạm Nhật Vượng cũng cứ đển Vinpearl Nam Hội An lấn biển Cửa Đại, làm hỏng hết cảnh quan. Vinpearl Nam Hội An là một công trình tổ hợp resort, khu vui chơi, khu làng văn hóa Việt… Khoan hẵng bàn đến kiến trúc xấu tệ hại của khu resort và khu vui chơi, tôi chỉ xin được nói về khu làng văn hóa Việt. Đó là một sự lố bịch. Người ta đưa tất cả các mô hình nhà cả các dân tộc và vùng miền ra giữa bãi biển đã bị bê tông hóa, rồi nói đó là… giữ gìn bản sắc dân tộc. Người ta dẹp làng chài ven vùng biển miền Trung này với những nét đặc thù để thay bằng một loạt các mô hình không có sức sống của văn hóa Việt. Những người thiết kế khu làng văn hóa này (cho phép được giấu tên), theo như tôi được biết thì chẳng ai có chuyên môn gì về nghiên cứu văn hóa cũng như kiến trúc cả. Sau khi tôi phàn nàn về cách “yêu Việt Nam” của Vin thì có người nói với tôi là không sao cả, khách vẫn tới ầm ầm ấy mà, chẳng ai quan tâm đâu.

Mô hình dựng thành Cổ Loa ở Vinpearl Nam Hội An (trông giống cái gì nhỉ)

(2 hình ảnh chụp tại Vinpearl Nam Hội An. Hình 1 là mô phỏng thành Cổ Loa, hình 2 là ảnh chụp khu mô phỏng nhà của các dân tộc thiểu số Việt Nam)

Những loại trọc phú như tôi vừa kể trên nhan nhản khắp các vùng miền của Việt Nam, từ thành phố lớn đến thành phố nhỏ. Họ đưa người ở quê lên, vào làm trong công ty hoặc tập đoàn của họ, và lan truyền sự dốt nát ấy tới các nhân viên của họ. Họ tự nhủ với nhau, kiến thức chẳng bằng kinh nghiệm thương trường của họ. Nên chỉ có kinh nghiệm làm giàu là có thể giàu được, biết nhiều có để làm gì đâu. Đương nhiên rồi, vì những người có hiểu biết đâu dễ bán thân cho trọc phú để tiếp tay tàn phá từng mảnh đất, từng nét văn hóa. Mà để có thể yên tâm kiếm tiền từ trọc phú, các nhân viên này dần dần cũng phải duy trì tình trạng dốt nát của mình, họ phải “cai chữ” một cách vừa tự nguyện vừa không tự nguyện. Có như thế, mới an phận trước mọi sự ngu dốt của ông chủ.

Nhóm Book Hunter của tôi có một bạn, có bằng cao học, tiếng Anh và tiếng Pháp đủ cả. Chưa kiếm được việc làm thích hợp nên cũng đăng ký đi dậy tiếng Anh cho một trung tâm luyện IELTS cũng đông học viên lắm. Đọc giáo trình xong, thấy giáo trình sai nhiều quá, trong lúc dậy có nhắc các học viên về lỗi sai của giáo trình rồi cũng góp ý cho giám đốc. Thế là liền bị đuổi việc. Thế đấy, trọc phú ấy mà, chẳng ai thích bị chỉ trích là ngu đâu, dù dốt nát rõ rệt ra rồi. Nếu họ thừa nhận bản thân dốt nát thì chả hóa ra Việt Nam thành đế chế của lũ dốt hay sao? Như thế thì còn vênh vang được với ai nữa.

Theo tôi thấy rằng đế chế của các trọc phú dốt nát này không thể tồn tại được lâu, nếu chính quyền Việt Nam thắt chặt bằng các quy định chặt chẽ về chuyên môn sâu. Tuy nhiên, một thực tế cản trở đó là, Việt Nam chẳng có nhiều chuyên gia đến thế để đưa ra một quy định chặt chẽ để kiểm soát các trọc phú. Và cứ cho là nếu có đủ chuyên gia, thì liệu các trọc phú có dễ dàng để chuyên gia đưa ra quy định hay không? Tôi e là khó!

Thế nên, những người như chúng tôi, chỉ có thể tự cứu mình khỏi trọc phú bằng cách, không dùng hàng của họ, không đi làm cho họ và không trở thành họ. Được như vậy cũng đủ tốt lắm rồi!

Hà Thủy Nguyên