Home 2019 Tháng Năm

Yên ca hành kỳ 1: Thu Phong – Tào Phi

Thấy bạn Nguyễn Hoàng Dương dịch cả chùm thơ Tào Tháo, mình cũng hứng chí dịch thơ Tào Phi. Người đời khen thơ Tào Thực, nhưng với mình tài thơ của Thực không thể so với Phi: So về tình không lai láng bằng, so về hình ảnh thơ không đẹp đẽ bằng, so về thủ pháp để lại cho đời sau cũng còn thua xa. Có lẽ người ta yêu thích thơ Tào Thực chỉ vì ông này thường ngày thích rượu chè với các văn nhân, chứ không đau đáu đại nghiệp như Tào Phi. “Tam quốc diễn nghĩa” chê bai Tào Phi và ghen tài đố kị với Tào Thực, nhưng xét về tài thì Phi hơn hẳn Thực cả về văn chương lẫn chính trị.

Bài Yên ca hành- Thu phong này là bài thơ thất ngôn đầu tiên trong lịch sử văn học Trung Quốc trung đại. Tản Đà dịch bài này sang tiếng Việt bằng thơ lục bát, đọc cũng hay, nhưng làm mất đi vị trí quan trọng trong lịch sử văn học của bài thơ. Mình bèn dịch lại, lúc dịch không khỏi không nhớ đến “Chinh phụ ngâm khúc” của Đặng Trần Côn.

Thu phong tiêu sắt thiên khí lương,
Thảo mộc dao lạc lộ vi sương.
Quần yến từ quy nhạn Nam tường,
Niệm quân khách du tứ đoạn trường.
Khiểm khiểm tư quy luyến cố hương,
Quân hà yêm lưu ký tha phương.
Tiện thiếp cung cung thủ không phòng,
Ưu lai tư quân bất cảm vong.
Bất giác lệ hạ chiêm y thường,
Viện cầm minh huyền phát “Thanh thương”.
Đoản ca vi ngâm bất năng trường,
Minh nguyệt hạo hạo chiếu ngã sàng.
Tinh Hán tây lưu dạ vi ương,
Khiên Ngưu, Chức Nữ dao tương vọng,
Nhĩ độc hà cô hạn hà lương.

Dịch thơ:

Gió hiu thu lạnh khí bạc màu
Cỏ cây rơi rụng đọng sương thâu
Én kêu trời nam nhạn chao mình
Nhớ chàng rong ruổi lòng đứt đoạn
Dằng dặc lòng chàng nhớ quê xa
Cớ sao trôi nổi kiếp không nhà.
Thiếp phận đơn côi căn phòng trống
Buồn dâng nhung nhớ chẳng nguôi lòng
Nào biết lệ rơi đầm xiêm áo
Mượn khúc “Thanh thương” nguyện tỏ lòng
Đoản khúc sao thỏa lòng nhung nhớ
Vằng vặc đầu giường trăng vãi vương
Dòng Hán trời tây đêm còn tuôn
Chàng Ngưu nàng Chức còn xa ngái
Duy chàng thơ thẩn nhịp cầu chi?

Dịch nghĩa:
Gió thu hiu hiu lạnh khí trời bạc màu
Cây cỏ tiêu điều móc giăng thành màn sương
Chim én gọi bầy nhạn chao liệng về Nam
Nhớ chàng phương xa mà lòng thiếp đớn đau
Lòng chàng nhớ quê dằng dặc
Thế mà vẫn phải tha phương
Tiện thiếp một mình nơi phòng trống
Nỗi buồn nhớ chàng không thể nguôi ngoai
Nào biết lệ đã rơi ướt đầm xiêm áo
Chỉ biết mượn khúc Thanh Thương để tỏ nỗi lòng
Nhưng khúc nhạc ngắn quá không thể giãi bầy
Đầu giường thiếp trăng sáng vằng vặc
Dòng sông Hán trên trời còn đổ về tây thì đêm còn dài (*)
Sao Ngưu Lang và sao Chức Nữ còn chưa gặp nhau
Thế mà chàng vẫn đứng trên cầu một mình ngẫm ngợi điều gì?

(*) Trong câu này, khi Tào Phi nhắc đến “Tinh Hán” ý muốn nhắc đến Thiên Hà ám chỉ bầu trời đêm. Tuy nhiên, từ “Hán”, vừa có ý chỉ dòng sông Hán, vừa chỉ nhà Hán, lại vừa chỉ Thiên Hà, nên mình nghĩ rằng ở đây tác giả chơi chữ, vừa muốn nói đến nhà Hán, vừa muốn ám chỉ bầu trời đêm.

Home 2019 Tháng Năm

Lời của lặng im

Chạm vào đám đông

Lá không rụng

Trăng mông lung

Nụ cười quên tắt

 

Chạm đơn độc

Độc xuôi nước chia hai

Trăng vụn rồi

Lá tơi bời

Không lời thổn thức

 

Lắc rắc mưa không chạm áo

Chạm một ngôi sao

Đêm tà hắt bóng

Hồn ma cười nhạo

Ta im lìm

 

Tiếng đời xôn xao dội

Một cái tôi, lại một cái tôi, và tôi, và tôi, và tôi…

Chỉ tôi thôi

Những mảnh vỡ cuộc người

 

Nghe gì không đêm

Trái tim nay đã im lìm

Mây chuyển vần

Này là khắc kiếm tìm

Vô ảnh

 

Có chuyển dời bất động

Đang đọng

Nơi mây

Ta say không men rượu

Phút này

Hay!

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Năm

SONNET 070: VẺ ĐẸP ĐẮM SAY – WILLIAM SHAKESPEARE

 

Điều tiếng ấy nào phải đâu tội lỗi
Thị phi kia nào đâu lẽ công bằng
Cạm bẫy nhan sắc đều nghi hoặc
Cánh quạ kia chao liệng đắm trời xanh

Nàng tuyệt đẹp, và những lời phỉ báng
Càng tôn thêm vẻ tuyệt diệu muôn đời
Quằn quại nỗi đau, tình yêu say đắm
Kìa nàng hiển hiện tinh khôi.

Nàng đi qua những vất vả ngày xanh
Nào những tấn công, nào là chiến thắng
Những lời tụng ca đều dần vô nghĩa
Còn điều tiếng kia, nàng thây kệ lan truyền

Nếu nghi hoặc của người đời không vướng bận
Cả thế gian đều quy thuận dưới chân nàng

 

*Bản gốc:

That thou art blamed shall not be thy defect,
For slander’s mark was ever yet the fair;
The ornament of beauty is suspect,
A crow that flies in heaven’s sweetest air.

So thou be good, slander doth but approve
Thy worth the greater being wooed of time;
For canker vice the sweetest buds doth love,
And thou present’st a pure unstained prime.

Thou hast passed by the ambush of young days
Either not assailed, or victor being charged;
Yet this thy praise cannot be so thy praise,
To tie up envy, evermore enlarged,

If some suspect of ill masked not thy show,
Then thou alone kingdoms of hearts shouldst owe.

 

Hà  Thủy Nguyên dịch

Home 2019 Tháng Năm

Hoa hạ túy – Lý Thương Ẩn

Tầm phương bất giác tuý lưu hà,
Ỷ thụ trầm miên nhật dĩ tà.
Khách tán tửu tỉnh thâm dạ hậu,
Cánh trì hồng chúc thưởng tàn hoa.

*Bản dịch của mình:

Say ánh chiều tà bãi cỏ thơm
Tựa cây chìm bóng giấc hoàng hôn
Nửa đêm sực tỉnh người đâu tá
Đuốc rọi tàn hoa bước cô đơn.”
———
Đang viết Thiên địa phong trần Tập 2, chợt nổi hứng dịch bài thơ này!

 

Hà Thủy Nguyên dịch

Home 2019 Tháng Năm

HÃY ĐẾN TRÀN CUNG MÂY – OMAR KHAYYAM

(Chán quá, lôi thơ Omar Khayyam ra dịch)

Hãy đến, tràn cung mây, nơi ngọn lửa xuân tươi
Tấm áo choàng đông vương hận tuột rồi
Hỡi chim thời gian nào tung cánh
Và chim đà bay bổng trên trời

Bản tiếng Anh của Edward FitzGerald:

Come, fill the cup, and in the fire of spring
Your winter garment of repentance fling.
The bird of time has but a little way
To flutter – and the bird is on the wing.

Hà Thủy Nguyên dịch

Home 2019 Tháng Năm

Bạn có nghe…

Bạn có nghe thế giới chuyển mình
Để lộn về mông muội
Trong cơn điên huyễn tưởng

Bạn có nghe tiếng triệu hồi tuyệt vọng
Một con quỷ đang gào
Để diệt trừ con quỷ khác
Rồi mong đợi thiên đàng

Bạn có nghe tiếng thiên thần rũ cánh
Nơi nóc cao đợi chết
Mặc lũ người mông muội
Rạp mình hôn chân quỷ dữ
Xin phúc phận dư thừa

Bạn có nghe phận người tuyệt vọng
Chút cần sa mê sảng tinh thần
Hềnh hệch cười cho quên trái đắng
Giống trái cấm chốn địa đàng đã đổ

Bạn có nghe tiếng con người cô độc
Dẫm lên máu thiên thần nào có hiểu gì đâu
Này là bánh mì và vũ khí
Này là vứt bỏ linh hồn cho chút ít bình an
Và lại say trong cần sa phúc lạc

Tôi, tên phù thủy già đi qua nhiều địa ngục
Chẳng màng thuật triệu hồi
Chỉ đợi cái chết thôi
Tiếng đời câm nín cả

 

Hà Thủy Nguyên

Video đọc thơ:

Home 2019 Tháng Năm

Tôi đã đi qua giấc mơ

Tôi rã rời giông gió tàn chưa?
Ly rượu hơi đã bay xa
Chỉ đắng mùi dâu bể
Những người xưa hứng giọt mưa này
Thấy long lanh ký ức
Khoảnh khắc mờ hơi hóa hư không

Quanh tôi
Nói nói
Cười cười
Khóc khóc
Chơi vơi
Tôi chỉ thoáng trôi qua đời
Hay đời đã trôi qua tôi
Một trái tim khép cửa

Một vầng trăng lệ huyết ngân
Cũng chìm trong khuất bóng
Một vầng dương huy hoàng
Cũng một mình tỏa rạng
Tôi đắm khắc này cơn say bất tuyệt
Ly rượu vãi vung đổ tràn
Ai ơi chẳng rượu mà say
Một khắc nhỏ nhoi tàn ngày
Tàn những vì sao mệnh số
Ai ơi êm êm mùa đơn độc
Thời thời thế thế thịnh thịnh suy suy
Kìa ly rượu cũng bay mùi cay đắng

Đêm qua một giấc mơ đi qua tôi
Vết chân hằn rõ bùn đau khổ
Hay tôi đi qua giấc mơ ai đó
Và lạc hồn giữa khổ đau
Những bám chấp ngục tù
Những cuộc đời không dừng bước
Và trăng sao cứ đổi dời trật tự
Mà tôi say điệu này mờ ảo trăng sao

Quanh tôi
Chỉ bóng hình không tiếng động
Những chuyển động đa màu
Cũng nhạt nhòa như nhau
Tôi đã quên ly rượu đời mình đâu đó
Mặc ai uống cạn
Cạn rồi thì sao

Tôi im hơi cô tịch
Tựa hồ khắc thời trôi
Vị giấc mơ còn đọng đầu môi
Cũng phai mờ theo gió
Mà trăng sao
Ti tỉ khối hình đơn độc
Bám víu nhau chẳng nguôi được cô đơn
Tôi nực cười nhếch môi lặng lẽ
Cuộc đời ai hiểu cười đâu!

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Năm

Lời mưa – Walt Whitman

 

Mi là ai? tôi thốt lên dưới làn mưa mềm mại
Mà, lạ lùng sao, trả lời dùm tôi, như chuyển ngữ:
Tôi là Bài thơ của Đất, lời mưa cất tiếng,
Tôi bất diệt êm ái vùng lên từ đất và biển sâu không đáy
Hướng tới thiên đường, khởi nguyên, hư ảnh, dù đổi thay, đều thế cả
Tôi hạ phàm gột rửa những cơn gió nam khô hạn, những hạt nguyên tử, những phong trần thế gian,
Và thăm thẳm bên trong nơi chưa từng có tôi đều là những hạt giống, tiềm ẩn, chưa chào đời
Và mãi mãi, ngày lại đêm, tôi mang lại sự sống nơi cội nguồn chính tôi, thanh tẩy và tô điểm;
(Cho khúc ca, nảy lên nơi tôi khởi sinh, và thành toàn cuộc viễn du
Băn khoăn hay không băn khoăn, đều đáng khi tình yêu trở lại.)

Nguyên tác:
THE VOICE OF RAIN

And who art thou? said I to the soft-falling shower,
Which, strange to tell, gave me an answer, as here translated:
I am the Poem of Earth, said the voice of the rain,
Eternal I rise impalpable out of the land and the bottomless sea,
Upward to heaven, whence, vaguely form’d, altogether changed, and yet the same,
I descend to lave the drouths, atomies, dust-layers of the globe,
And all that in them without me were seeds only, latent, unborn;
And forever, by day and night, I give back life to my own origin, and make pure and beautify it;
(For song, issuing from its birth-place, after fulfilment, wandering,
Reck’d or unreck’d, duly with love returns.)

Trích tập thơ Leaves of Grass của Walt Whitman

Hà Thủy Nguyên dịch

Home 2019 Tháng Năm

Qua sông Bạch Đằng

Trắng sóng xương anh hùng rục
Chẳng qua một kiếp phù sinh
Nào sân hận
Nào vì nước vì dân
Mờ mờ ảnh ảo mịt mùng
Ai ơi hiến tế ngàn ngàn sinh mạng
Cho tranh đoạt của kẻ điên

Lửa nguội tắt sóng bạc đầu
Ta vẫn còn xanh mái tóc
Nực cười thay…
Nào những kẻ tụng ca máu đổ
Nào những kẻ tham luyến cơ đồ
Ta thay hồn oan
Dẫm lên cọc nhọn
Máu ứa hồng tẩy rửa bi thương

Chớp mắt nhìn xuyên thế kỷ
Chẳng qua một điệu bi ai
Kẻ thành người bại
Chẳng qua oán hờn
Rồi sao?

Gió nhuốm màu bạc trắng
Sông lồng lộng
Khí thiêng nào hun đúc
Khí thiêng quần nát đời người đỏ máu
Ai nghe tiếng đau
Nơi gót chân ta dẫm lên cọc nhọn
Cứu chuộc cơn điên thế kỷ
Những thể kỷ tàn sát thỏa vui
Thỏa một cơn say kẻ điên đêm trăng máu
Cắn cổ người hút cạn chút bình an

Hỡi khí thiêng
Có nghe buồn tràn
Nơi gót chân ta ứa máu

Hà Thủy Nguyên

 

Home 2019 Tháng Năm

Thị trường sách Việt Nam (7): Khi văn hóa đọc thiếu nền tảng học thuật và pháp luật

Có lẽ chưa bao giờ văn hóa đọc lại nở rộ như ngày nay, đặc biệt là sự hỗ trợ từ chính quyền và các kênh báo đài chính thống. Không khí tấp nập nhộn nhịp trong các hội trợ sách, các hội thảo sách, các cuộc chạy đường trường cổ vũ phong trào đọc dường như làm sống dậy cái không khí Đông Kinh nghĩa thục: “Buổi diễn thuyết người đông như hội/Kỳ bình văn khách đến như mưa”. Chứng kiến cảnh “trăm hoa đua nở” của các đơn vị xuất bản, các cộng đồng đọc sách, các cá nhân cổ vũ đọc sách…v…v… chúng ta dễ lầm tưởng rằng một tương lai tươi sáng cho công cuộc nâng cao dân trí đang diễn ra. Tuy nhiên, nếu nhìn cận cảnh văn hóa đọc ở Việt Nam sẽ thấy một nguy cơ của tình trạng nhiễm độc “tinh thần” đang là vấn đề nan giải.

Một điểm dễ thấy ở thị trường sách Việt Nam đó là sự vượt trội về doanh số của các đầu sách dạy làm giàu, dạy kỹ năng sống, tiểu thuyết tình yêu…v…v… so với các đầu sách khác. Những cuốn sách này thường khá dễ đọc, giải quyết các nhu cầu trước mắt của người đọc, và thường được những độc giả thiếu nền tảng kiến thức ưa thích. Ở phương Tây hay Trung Quốc, những cuốn sách dạng này cũng được số đông độc giả ưa thích nhưng chúng không có vị trí thống soái như ở Việt Nam. Dù cho chúng có thể là “best seller” nhưng người dân vẫn ý thức được rằng vẫn có những cuốn sách tầm cỡ cao hơn thế, có tính học thuật hơn và sách hàn lâm vẫn giữ một vị trí thống soái dù số lượng bán ra không bằng. Nhưng ở Việt Nam, sách hàn lâm cứ như thể là một thế giới vô cùng biệt lập đối với độc giả đại chúng.

Đặc biệt là các sách dạy làm giàu, dạy kỹ năng sống luôn xuất hiện ở các giá sách của các quán café sách như một phần của phong trào nâng cao văn hóa đọc. Đây cũng là các cuốn sách ưa thích trong các chương trình đào tạo nhân viên của các tập đoàn, các công ty bán hàng đa cấp…v…v… Đến nay, sự đúng – sai của các cuốn sách này vẫn gây nhiều tranh cãi trên thế giới và ở Việt Nam, tuy nhiên, nếu đưa số sách này vào làm một phần chiến lược của phong trào nâng cao dân trí thì chẳng khác nào vứt vào tay người dân những “cái cần” chẳng biết có “câu được cá” hay không? Và nếu các cuốn sách này không thực sự giúp được người dân cải thiện cuộc sống mà chỉ được sử dụng để khích lệ ham muốn kiếm lợi thì đó không phải là nâng cao dân trí mà là làm giảm đi khả năng làm việc có chuyên môn để thay bằng các phương pháp làm giàu nhanh chóng.  Trong khi ấy, các cuốn sách có tính chuyên môn sâu hay tính hàn lâm vẫn thiếu vắng trên thị trường sách và được in với số lượng rất ít.

Tiểu thuyết tình yêu hay còn có tên gọi mới là tiểu thuyết ngôn tình không chỉ xuất hiên nhan nhản ở các nhà sách, các trang bán sách online mà còn cả ở Thư viện Quốc gia, nơi vốn dĩ là tập hợp của những cuốn sách có tính hàn lâm hoặc hữu dụng. Nếu ai đã từng một lần tới phòng đọc của Thư viện Quốc gia Hà Nội hẳn sẽ ngạc nhiên khi thấy tiểu thuyết ngôn tình chiếm một vị trí lớn trong thư viện: không chỉ có ngôn tình Trung Quốc mà còn có đủ cả ngôn tình Anh, Pháp và Việt Nam. Trong khi ấy, thư viện lại thiếu vắng các tác phẩm văn học kinh điển của thế giới mà các dịch giả từ đầu thế kỷ 20 đến nay vẫn tiếp tục dầy công chuyển ngữ. Thậm chí, nhiều tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam cũng không thể tìm thấy tại Thư viện Quốc gia Hà Nội. Những bạn trẻ đến thư viện có thể thoải mái ngồi đọc tiểu thuyết ngôn tình bên cạnh những nhà nghiên cứu đọc các cuốn sách dầy cộp. Đây có lẽ là một cảnh khá hi hữu tại một Thư viện công có tầm cỡ quốc gia với nền tảng lưu trữ học thuật hơn 100 năm. Cùng lúc ấy, các tác giả trẻ viết tiểu thuyết tình yêu mang tính thị trường và các tác giả sáng tác văn chương mang tính nghệ thuật cũng rất khó để phân định được ranh giới dẫn đến một tình trạng loạn chuẩn trong nền văn học, và người đọc có thể hoàn toàn sẽ bị dẫn hướng bởi truyền thông. Ví dụ như các độc giả trẻ sẽ không thể phân biệt được sự chênh lệch về chất lượng giữa một cuốn tiểu thuyết ngôn tình sử dụng yếu tố lịch sử (như trường hợp “Thành kỳ ý” của Lê Ngọc Linh hay “Đại Nam dị truyện” của Phan Cuồng) với một cuốn tiểu thuyết lịch sử công phu (như “Hồ Qúy Ly” của Nguyễn Xuân Khánh hay “Vạn xuân” của Yveline Féray).

Tình trạng “vàng” không được coi trọng bằng “thau” này đã khiến cho nền văn hóa đọc của Việt Nam ở thời sung sức của giai đoạn đầu nhiễm những tạp chất khó có thể tẩy rửa khỏi thói quen đọc sách của thế hệ trẻ. Đây là hệ quả của sự thiếu nền tảng học thuật và pháp lý trong chiến lược của phong trào nâng cao văn hóa đọc. Trong “ĐỀ ÁN Phát triển Văn hóa Đọc trong cộng đồng Giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030” của Thủ tướng chính phủ được thảo ra từ năm 2010, việc xây dựng nền tảng học thuật và pháp lý làm chỗ dựa cho xuất bản gần như không được đề cập đến mà hầu như chỉ nhấn mạnh vào công tác tuyên truyền nhằm gia tăng lượng độc giả. Trên thực tế, nếu không thể xuất bản ra những cuốn sách có chất lượng cao, đảm bảo tính chính xác của kiến thức, đạt các chuẩn của tiếng Việt và không có các sai phạm về bản quyền thì nền văn hóa đọc ấy sẽ chỉ gây hại cho độc giả mà thôi. Vấn đề chính yếu của văn hóa đọc hiện nay không phải là tình trạng giảm sút của số lượng độc giả mà tình trạng lỏng lẻo trong quản lý chất lượng sách.

Ngăn ngừa đạo văn có lẽ là vấn đề pháp lý quan trọng nhất của một nền văn hóa đọc. Tuy nhiên, cho đến nay, khung pháp lý xử lý đạo văn vẫn còn lỏng lẻo, không có cơ quan giải quyết các khúc mắc về đạo văn một cách chuyên nghiệp, cũng không có mức phạt nghiêm khắc thực sự để ngăn ngừa đạo văn. Hầu như trong các vụ đạo văn bị phanh phui trên truyền thông, những tác phẩm đạo văn không hề bị thu hồi và tác giả cũng không phải chịu một mức phạt nào, thậm chí nhiều trường hợp còn không xin lỗi một cách công khai. Qúy cuối năm 2015 cho đến quý I năm 2016, độc giả được chứng kiến hai vụ đạo văn đình đám: Một là sự việc nhà thơ Phan Huyền Thư đạo thơ của Phan Ngọc Thường Đoan. Hai là sự việc Lê Ngọc Linh trong tiểu thuyết ngôn tình có yếu tố lịch sử “Thành Kỳ Ý” đã đạo rất nhiều đoạn văn từ cuốn sách “Tứ thư bình giải” cùng nhiều bài báo từ các trang online của báo Dân Trí, Vietnamtourism…v…v… Cả hai trường hợp đạo văn này, sách đều không bị tịch thu và không bị nhận mức phạt nặng, cùng lắm chỉ là bị ép xin lỗi hoặc như nhà thơ Phan Huyền Thư chỉ cần trả lại giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội là đủ. Như trường hợp “Thành Kỳ Ý”, mức độ sai phạm trầm trọng hơn khi tác giả của cuốn sách này kêu gọi độc giả ủng hộ cô ta số tiền lên đến hơn 200 triệu đồng trước khi cô ta ra mắt sách. Số tiền này không hề được hoàn trả cho người ủng hộ khi cuốn sách được chứng minh là đạo văn, và cũng không có khoản phạt tài chính nào với sai phạm này. Cho đến nay, Lê Ngọc Linh vẫn không hề bị xử phạt dù cho đã có hơn 1000 chữ ký từ các độc giả vận động trên mạng và gửi thư khiếu nại đến Cục xuất bản. Hai ví dụ trên thật sự đã cho ta thấy sự quản lý lỏng lẻo của các đơn vị quản lý văn hóa. Đây chỉ là hai vụ scandal nổi tiếng trong số rất nhiều những sự vụ khác ít đình đám hơn và rất nhiều những vụ chưa được phanh phui vì chưa có ai phát hiện. Sẽ ra sao nếu Việt Nam có một nền văn hóa đọc mà ai ai cũng có thể đạo văn mà không phải chịu trách nhiệm gì? Đó là một nền văn hóa đọc không bảo vệ sự sáng tạo mà chỉ dung túng cho thói quen viết lách thiếu trách nhiệm và trình độ.

Không chỉ là một nền văn hóa đọc thiếu sự khuyến khích sáng tạo mà nền văn hóa đọc Việt Nam còn thiếu sự chính xác và tinh thần khoa học. Tình trạng nội dung sách không đảm bảo chất lượng ngôn ngữ hay khoa học là khá phổ biến. Gần như năm nào người đọc cũng được chứng kiến các sự việc sách dịch không chính xác ( như “Lolita” do Dương Tường dịch, “Sapiens, lược sử về loài người” do Nguyễn Thủy Chung và Võ Minh Tuấn dịch, “Căn tính và bạo lực – Huyễn tưởng về số mệnh” do Trần Tiễn Cao Đăng và Lê Tuấn Huy dịch…). Những cuốn sách này hoặc là thiếu chính xác trong chuyển ngữ, hoặc là diễn giải không đúng với văn phạm tiếng Việt. Bên cạnh đó còn phải kể đến không ít các cuốn sách nghiên cứu, khảo cứu, hướng dẫn… thiếu tính chính xác trong việc sử dụng kiến thức. Tôi sẽ không đề cập đến ví dụ về tình trạng sách nghiên cứu, khảo cứu sử dụng sai kiến thức bởi vì sẽ rất dài dòng để giải thích. Thay vào đó, tôi sẽ sử dụng một cuốn giáo trình tiếng Anh làm ví dụ. Đây là cuốn giáo trình tiếng Anh do trung tâm Elight phát hành, cấp phép bởi NXB Thanh Niên, có tên “Tiếng Anh cơ bản”. Một giáo viên dậy tiếng Anh rất nổi tiếng người Mỹ có tên là Dan Hauer đã chỉ ra rất nhiều lỗi sai ngữ pháp và từ vựng nghiêm trọng ở cuốn giáo trình này cùng với hơn 300 chi tiết đạo văn từ các giáo trình tiếng Anh khác. Cuốn sách được bán với giá 299 ngàn, một mức giá khá cao. Video nhanh chóng được lan truyền trên mạng với hơn 660 ngàn lượt xem và đến nay cũng chưa có dấu hiệu của đơn vị quản lý văn hóa và giáo dục xử lý các lỗi sai về kiến thức cũng như đạo văn trong cuốn sách này. Việc cung cấp sai kiến thức là một lỗi nghiêm trọng không kém gì đạo văn bởi những cuốn sách ấy phát tán các nhận thức sai lệch cho độc giả. Một nền văn hóa đọc mà trong đó độc giả dễ dàng bị nhồi nhét những nhận thức sai lệch thì đó là một nền văn hóa không lành mạnh. Sở dĩ có tình trạng như vậy là do thiếu một đội ngũ có trình độ học thuật cao tham gia các khâu thẩm định chất lượng nội dung và một nền xuất bản thiếu các tiêu chuẩn khoa học.

Mặc dù vậy, ở góc khuất của nền văn hóa đọc nhốn nháo ngày nay vẫn có những cộng đồng đọc sách nghiêm túc những mong tuyển chọn các cuốn sách hay giới thiệu cho bạn đọc, vẫn có những tác giả và dịch giả miệt mài ngày đêm âm thầm cống hiến cho tri thức, vẫn có những độc giả khôn ngoan biết tìm đến các nguồn sách có chất lượng cao. Tất cả những yếu tố này tạo nên một ốc đảo tri thức nằm giữa biển sách ngổn ngang của thị trường. Tuy rằng biệt lập nhưng họ vẫn luôn cố gắng để duy trì ngọn lửa tri thức. Và dù cho xã hội không có một khung pháp lý hay một khung học thuật để quản lý chất lượng sách trên thị trường thị họ cũng tự xác lập cho mình những chuẩn mực riêng trong ốc đảo tri thức ấy.

Hà Thủy Nguyên

Bài đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An số ra ngày 10 tháng 4 năm 2018