Home 2017 Tháng Mười

Sự mông muội vĩ đại

Qúa nhiều những lời khuyên bảo tôi nên tìm về với tôn giáo để tìm sự bình yên. Nực cười! Thực ra chưa bao giờ tôi thèm muốn sự bình yên. Cái tôi đói khát là sự điên rồ lớn lao mà chẳng bao giờ có được. Mọi thứ cứ nhàn nhạt trôi qua. Những thứ mọi người coi là đau khổ, trong đầu tôi chỉ hiện lên cách đưa tình huống ấy vào tiểu thuyết thế nào. Những thứ mọi người hưng phấn, tôi chỉ thấy “cũng tạm được”. Tôi khát khao một cái gì đó mang tính sử thi… nhưng làm gì có giữa thế giới bị xé vụn này…

Có lẽ tôi quá hẹp hòi, tôi không thể chịu nổi những kẻ sùng tín tôn giáo.Sự ngu xuẩn của sùng tín nằm ở chỗ họ cần ai đó để cứu giúp chính mình, cần một điều gì bên ngoài để cứu giúp chính mình. Tôi không phủ nhận điều thiêng liêng, nhưng tôn giáo là sự suy thoái của điều thiêng liêng. Chỉ khi con người mất đi khả năng nhận biết điều thiêng liêng của tồn tại, họ tìm về đủ các thể loại tôn giáo để lấy lại cảm giác rằng mình còn có thể kết nối, mình còn vĩ đại, mình còn hơn cái lũ người mông muội không biết trích lấy vài ba câu kinh câu chú làm thứ đầu môi chót lưỡi. Ừ thì cũng đúng, dù sao đi nữa cũng hơn đám người duy vật tưởng rằng có thể đem Chúa, đem Phật lên bàn mổ và phẫu thuật.

Tôn giáo có thể thu hút đám đông không phải vì nó thiêng liêng, mà vì đám đông cần sự thiêng liêng, và tôn giáo mang cho họ sự thiêng liêng giả tạo. Đừng nhầm lẫn với việc tôi phủ nhận những người thiêng liêng như Đức Phật, Đức Jesus, thánh Ala hay bất cứ bậc nào đã nhập làm một với toàn thể. Họ chưa bao giờ là người thành lập tôn giáo, chỉ đám đệ tử còn đang mông muội của họ lập đên các tôn giáo và đưa cả thế giới này vào một sự mông muội vĩ đại. Họ ra tay cứu giúp nhân loại, cảm thương với người nghèo, rao giảng lời hay ý đẹp… tất cả chỉ để xóa đi cái mặc cảm họ là những kẻ mông muội. Việc của họ là tu chứ không phải là chối bỏ chính mình.

Cuối thiên niên kỷ trước, chúng ta đối mặt với một cuộc chiến: Cuộc chiến của các tôn giáo và những con người đi tìm điều thiêng liêng đích thực, cuộc chiến của đám đông sùng tín và những con người đích thực là con người. Có thể là cuộc chiến bạo lực hoặc không, đám đông sùng tín có thể thắng, nhưng cho dù có vĩ đại thì họ vẫn là những kẻ mông muội.

Hà Thủy Nguyên

(7/7/2014)

Home 2017 Tháng Mười

Nhớ rừng…

Hôm nay là một ngày làm việc điên rồ từ lúc mới mở mắt và đôi khi cảm giác không muốn nhắm mắt vì các dòng suy nghĩ như nước chảy, một khi đã trôi qua rồi sẽ không thể quay trở lại. À không, chính xác thì khi dừng tay, tôi cứ bị ám ảnh bởi các chấn song…

Càng ngày càng thấy mình hèn đi, đeo trên mình cái mặt nạ với nụ cười thường trực, nhưng bên trong là tiếng gầm gừ tức giận của con hổ bị giữ trong chuồng, phải “chịu ngang bầy với bọn gấu dở hơi/ với cặp báo chuồng bên vô tư lự”. Một khi đã ở trong chuồng, giá như có thể biệt giam, để không phải nhìn ra xung quanh và chịu đựng những thứ điên loạn diễn ra trước mắt.

Một đám người tự cao tự đại, tự cho mình có khả năng chuyển núi dời sông, biến chì thành vàng và chỉ vẩy tay một cái sẽ đảo lộn cả thế cuộc

Một đám người tự cho mình là những anh hùng cứu độ, những kẻ đấu tranh vì lẽ họ cho là phải, rồi khoe khoang cuộc chiến của mình mong muốn nhận được lời tán thưởng từ quần chúng ngây thơ. Tự nhiên mình nhớ đến phim Watchmen với câu nói nổi tiếng “Who watch the watchmen?”

Một đám người cầm quyển sách lên và chọn chỗ nào đông người nhất để khoe cái bìa chằng chịt tựa đề và tác giả nổi tiếng

Một đám người hãnh tiến ngoại lai, cúi rạp mình trước tiền tài, vũ khí và quyền lực. Bất cứ là cúi rạp trước phe nào thì cũng là cúi rạp. Đây là những kẻ dễ đẩy thế giới này đến chỗ diệt vong.

Một đám ảo tưởng lảm nhảm tự độc thoại với mình trong cơn vô thức, và thế là thành tác phẩm. Cũng tiếng tăm! Cũng vĩ đại! Cũng được tôn thờ!

Tất cả những thứ ấy vẫn chỉ là

“Dòng nước đen giả suối chẳng thông dòng

Len dưới nách những mô gò thấp kém

Dăm vừng lá hiền lành không bí hiểm

Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu

Của chốn ngàn năm cao cả thâm u”

Tôi chỉ muốn gào lên, gào thật to! Gào đến mức tất cả những thứ tầm thường này, tất cả những chấn song này đều biến mất. Và không ít lần trong cơn mơ điên rồ tôi thấy mình lao vào xé xác, say men máu, nhìn đám người này trơ ra hộp sọ trắng hếu.

Nhưng thời gian thì quá ngắn, những kẻ đáng chết lại quá nhiều… Nên thôi, tôi nhường việc đó cho Tồn Tại, cho Tự Nhiên, cho Thượng Đế… Còn tôi… vẫn ngày này qua ngày khác, chỉ biết “gậm một khối căm hờn trong cũi sắt”

Hà Thủy Nguyên

(25/8/2014)

Home 2017 Tháng Mười

Tự ngôn của Đông Phương giáo chủ về lẽ tự nhiên

Đông Phương Sóc nằm lăn lóc trên một phiến đá ven con suối dưới ánh trăng. Lão Tử như cơn gió bay ngang qua, thấy Sóc bê tha quá thể, vội đậu xuống cạnh Sóc. Sóc cũng chẳng thèm bận tâm, vẫn tiếp tục nghêu ngao một điệu hát thô tục chốn nhân gian.

Lão Tử hít vào thở ra thiền định, những mong dòng năng lược Thái Cực của Lão có thể khiến Sóc thôi không hát mấy lời thô tục nữa. Nhưng vô hiệu. Lão Tử lại càng hít vào thở ra một cách tĩnh lặng hơn.

Đông Phương Sóc đột nhiên phá lên cười như thằng điên, Lão Tử ti hí mắt nhìn, nhưng về căn bản vẫn thở ra hít vào.

Sóc nói:
– Ngày trước ta cảm thấy không phải ông viết Đạo Đức Kinh đến nay mới thực biết là ông ăn cắp bản quyền.

Lão Tử vẫn trầm ngâm:
– “Trời đất trường cửu. Trời đất sở dĩ trường cửu được là vì không sống riêng cho mình. Bậc thánh nhân đặt mình ở sau mà thành ra trước, đặt thân mình ra ngoài nên thân mới còn. Chẳng phải không vì việc riêng mà thành được việc riêng?” Sách của ta viết hay không phải của ta viết thì có khác gì nhau!

Sóc phì cười:
– Thật là một lối nói khôn ngoan để né tránh câu hỏi của ta. Những bậc “đắc đạo” như ông thường tỏ ra nguy hiểm để lòe bịp con người vốn hoang mang. Vừa nói là có, vừa nói là không có, điều ấy khẳng định cho việc không có. Người biết thì không nói, ngươi đã nói ra, quả thực ngươi chả biết gì.

Lão Tử mấp máy môi:
– “Đạo mà có thể diễn tả được thì không phải là đạo vĩnh cửu bất biến; tên mà có thể đặt ra để gọi nó [đạo] thì không phải là tên vĩnh cữu bất biến”.

Sóc đập tay lên trán facepalm:
– Thật nực cười, nhận danh xưng của thiên hạ cho mình là đắc đạo, là thánh nhân, thế mà còn duy thuyết về một thứ không thật là đạo. Đạo là gì, ta chắc rằng đến ngươi cũng không thể biết.
– Đạo là Lẽ tự nhiên!

Sóc tức giận gầm lên dưới ánh trăng như một con mãnh thú hoang dã.
– Thế nào là lẽ tự nhiên? Có một cái gì đó vô hình không thể gọi tên ra chi phối mọi sự vật, sự việc trên đời ư? Đã gọi là chi phối thì không còn tự nhiên nữa. Đã là tự nhiên thì không gì có thể chi phối. Lẽ tự nhiên, thuận mồm ai cũng nói, nhưng đó chỉ là lời của những kẻ chấp nhận mình thành con gián thấp hèn chui rúc nơi xó xỉnh. Con gián hàng triệu năm không tiến hóa, lúc nào cũng đông đảo, trong điều kiện độc hại đến mấy, con gián vẫn sống được. Ấy gọi là “thuận theo lẽ tự nhiên” sao?
Các ngươi nói nhập làm một với tự nhiên là lối sống đỉnh cao của khoái lạc. Nhưng nhập làm một tức là không còn “mình” nữa, không còn mình nữa thì đâu còn sự khoái lạc. Không có sự khoái lạc, không còn “mình” nữa thì nhập làm một với lẽ tự nhiên cũng để làm gì đâu.

Các ngươi nói lẽ tự nhiên không thể mô tả, nhưng ta nói lẽ tự nhiên đích thực là không có cái “lẽ” nào được dán mác “tự nhiên” cả. Những quy ước âm dương, phải trái, đúng sai, “vi” và “vô vi” của các ngươi chỉ là một cái bẫy tâm trí. Với người thường, tâm trí phân biệt nhị nguyên dẫn họ vào phán xét và tiêu diệt nhau, ấy là một cái bẫy thô thiển. Với những kẻ tự cho mình đứng trên nhị nguyên lại rơi vào cái bẫy khác lớn hơn, cái bẫy của ảo tưởng thức tỉnh và đắc đạo. Với cái bẫy này, chúng không thể mở tròn hai con mắt để tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống mà suốt ngày chỉ nhìn đời qua đôi mắt gián nhấm với sự thiểu năng về thị giác.

Hoặc ngươi nhắm hẳn mắt lại, chết hoàn toàn, tan biến vào lẽ tự nhiên mà ngươi rao giảng. Hoặc ngươi hãy mở to mắt ra mà chứng kiến mọi hỉ nộ ái ố của nhân gian rồi nhận ra rằng mọi khoảnh khắc của cuộc sống đẹp đẽ biết bao nhiêu.
Ta không cần sống dai như loài gián, ta không cần chặt đầu đi mà vẫn sống sót được vài ngày vô nghĩa. Ta chẳng quan tâm tới vi hay là vô vi, không quan tâm đến đạo hay là vô đạo, không quan tâm đến nhị nguyên hay vượt trên nhị nguyên, cũng chả cần biết mình có mắc bẫy hay không.

Lẽ tự nhiên của ta dành cho chính ta và do ta đặt ra. Ta không bắt bất cứ loài nào phải chịu sự chi phối của ta và cũng đừng có kẻ nào bắt ta phải làm gì. Kẻ nào bắt ta phải tuân phục theo hắn, bắt ta không còn là chính ta, kẻ đó sẽ tự hủy hoại bản thân mình cho đến khi chỉ còn là hư vô.
——-
Lão Tử mờ dần, mờ dần rồi tan biến vào hư vô. Chúc mừng Lão Tử, sau mấy ngàn năm lải nhải theo một quyển sách trộm được trong kho sách của nhà Chu, hắn đã thực sự đạt đến cảnh giới “vô”.

Lão Tử biến mất, Sóc cũng thôi không hát mấy điệu thô tục. Đông Phương Sóc là giáo chủ của một giáo phái mà Sóc là tín đồ còn Đông Phương là giáo chủ.

Hà Thủy Nguyên

Home 2017 Tháng Mười

Tiểu thuyết “Hồ Qúy Ly” và bài học Canh Tân

Trong số các nhà văn dã sử của nền văn học hiện đại Việt Nam không thể không nhắc tới nhà văn Nguyễn Xuân Khánh với tiểu thuyết lừng danh “Hồ Qúy Ly”. Có thể nói Nguyễn Xuân Khánh là một cây đại thụ! Người ta chỉ nhận ra một cây đại thụ khi nó đã đủ lớn. Người đọc cũng chỉ biết đến ông từ sau khi “Hồ Qúy Ly” được xuất bản.Giữa lúc tình trạng văn học nước nhà vào những năm 90 đang rơi vào cảnh èo uột, không có tác phẩm nào đáng kể thì “Hồ Qúy Ly” như một cơn địa chấn lớn khiến độc giả bừng tỉnh.

book_hunter_ho_quy_ly

Canh tân qua góc nhìn của những nhân vật cùng thời đại

“Hồ Qúy Ly” không đơn thuần kể lại câu chuyện của thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15 mà nhà văn đang “ôn cố tri tân”. Cuốn sách không viết về nhân vật lịch sử Hồ Qúy Ly mà viết về thời đại của Hồ Qúy Ly. Chúng ta ai cũng biết Hồ Qúy Ly là một nhà cách tân thời kỳ phong kiến. Khi nắm quyền lớn trong tay, dưới một người mà trên muôn người, Hồ Qúy Ly đã đưa ra các cách tân quan trọng trong xã hội đương thời. Ông đề xuất giảm bớt những chính sách ưu đãi về phân chia điền địa với quý tộc nhà Trần. Trong hai thời đại Lý- Trần, Phật giáo được tôn vinh, nhiều thanh niên quy y cửa Phật, Hồ Qúy Ly bắt họ hoàn tục, cắt giảm quyền lợi của nhà chùa, và bắt đầu có những biểu hiện đầu tiên của “độc tôn Nho giáo” mà sau này nhà Lê đã thực thi một cách thành công. Ông thực hiện rất nhiều cách tân, nhưng cách tân quan trọng nhất chính là sử dụng tiền giấy. Với một loạt những cách tân đầy tiến bộ nhưng lại dồn dập trong thời gian ngắn ngủi và thời điểm không thích hợp có lẽ đã trở thành nguyên nhân thất bại của triều đại nhà Hồ.Tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh không những khắc họa chân thực không khí thời đại mà còn đưa ra rất nhiều điểm nhìn đối với cuộc cách tân.

“Hồ Qúy Ly” có một cấu trúc đặc biệt. Mỗi chương viết về một nhân vật lịch sử trong thời đại ấy: Trần Nghệ Tông, Hồ Nguyên Trừng, Trần Khát Chân, công chúa Huy Ninh… và đương nhiên là có Hồ Qúy Ly. Cùng một cuộc cách tân ấy, mỗi người có một cách nhìn nhận, một thái độ và một phản ứng.

Câu chuyện được kể bằng ngôi thứ nhất – “tôi”, chính là Hồ Nguyên Trừng. Đây thật sự là một phương pháp đặc sắc trong dòng văn học dã sử. Trong các tiểu thuyết dã sử của cả phương Tây (“Ai-van-hô”, “Robinhood”, “Chiến tranh và hòa bình”…) hay phương Đông (“Thủy Hử”, “Tam Quốc diễn nghĩa”, “Nho lâm ngoại sử”…), các nhân vật thường ở ngôi thứ ba nhằm mục đích thể hiện tính khách quan trong các sự kiện. Nhưng ở tác phẩm này, mọi sự kiện, xung đột đều được nhìn nhận và đánh giá qua con mắt của Hồ Nguyên Trừng, tác giả “Nam ông mộng lục”. Bằng phương pháp này, tác phẩm tạo được một hiệu ứng khác so với những tác phẩm văn học dã sử trước đó. Người đọc cảm nhận thấy mình như người trong cuộc, cũng được chứng kiến tận mắt cuộc cách tân thời ấy. Cũng qua nhân vật Hồ Nguyên Trừng, nhà văn gửi gắm được suy tư, nỗi đau thân phận của người trí thức trước bao biến thiên của lịch sử.

Hồ Nguyên Trừng là một nhân vật tài hoa ở thời kỳ ấy. Theo sử sách ghi chép lại, ông là người toàn đức toàn tài, văn võ song toàn. Bản thiết kế thành Tây Đô (Thanh Hóa) chính là của ông. Ông còn sáng chế ra “Thần Cơ hỏa sang”, một loại súng trường đầu tiên ở đất Việt. Khi quân Minh xâm chiếm Đại Việt, cha con Hồ Qúy Ly bị áp giải về Trung Quốc chịu phạt, Hồ Nguyên Trừng nhờ tài năng xuất chúng mà vẫn được cất nhắc làm quan, đến chức Công bộ thượng thư. Những năm tháng ở đất Bắc, ông đã viết tác phẩm “Nam ông mộng lục” nổi tiếng. Trong lời tựa của “Nam ông mộng lục”, tác giả có viết: “Những nhân vật trong sách, một thời phồn hoa, rồi thời cuộc biến đổi không còn để lại vết tích, chỉ còn một mình tôi biết được và kể ra, như vậy chẳng phải mộng là gì”. Hồ Nguyên Trừng trong “Hồ Qúy Ly” không những có đầy đủ tài năng ấy mà còn chấp chứa biết bao tâm sự ưu thời mẫn thế, thân phận của tài năng bị chèn ép giữa các thế lực chính trị.

Ấn tượng sâu đậm nhất mà người đọc cảm nhận được ở Hồ Nguyên Trừng đó chính là một sự chán nản triền miên trước thời cuộc. Trong khi Hồ Qúy Ly, Hồ Hán Thương, Nguyễn Cẩn… thậm chí là cha con Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi lao theo cuộc cách tân viển vông; phía bên kia là Trần Khát Chân và quý tộc nhà Trần ráng hết sức chống đối, thủ cựu và tìm mọi cách để kéo dài triều đại… thì Hồ Nguyên Trừng đắm mình trong nghệ thuật, trong những mối tình say đắm. Cả hai mối tình, thứ nhất với quận chúa Quỳnh Hoa, thứ hai với cô kỹ nữ Thanh Mai, đều bị bao vây bởi những âm mưu, thủ đoạn chính trị. Thế lực thủ cựu của quý tộc nhà Trần những mong có thể dùng “mỹ nhân kế” để gây ảnh hưởng và ràng buộc ông. Nhưng bằng trái tim đa cảm của nghệ sĩ và tấm chân tình tha thiết, ông đã lôi kéo hai người đẹp về phía mình, để họ thoát khỏi những âm mưu thâm độc và cũng đáp lại ông bằng một tình yêu cao cả, thiêng liêng. Hồ Nguyên Trừng đã phải đau đớn mà thốt lên rằng: “triều đình cũng bị chia rẽ thành hai phe: phe Tôn thất nhà Trần và phe của cha tôi. Và hậu quả tất nhiên là những sự lôi kéo. Trong đám cưới của tôi, tôi hiểu rằng tôi là một con mồi mà cha tôi quăng ra giữa dòng nước, họ nhà Trần như một con cá lớn đớp lấy tôi, và cha tôi cầm chiếc cần câu. Tôi là kẻ đứng giữa, và hai bên cùng co kéo.” Suy cho cùng, thân phận chung bậc trí giả cũng chỉ là như vậy. Kẻ đọc sách thời nào cũng mong được mang tài kinh luân của mình ra để giúp thiên hạ, nhưng thực ra họ trở thành những con cờ cho các thế lực chính trị lớn nắm quyền bính trong tay điều khiển. Khi cần chúng trọng dụng, khi phật ý chúng bạc đãi. Trong lịch sử có biết bao ví dụ như thế: Hán Cao Tổ giết Hàn Tín, Chu Nguyên Chương diệt Minh giáo, Nguyễn Trãi bị oan ở Lệ Chi Viên… chẳng phải là những chứng nhân quá rõ ràng sao? Là kẻ đọc sách, thiết nghĩ nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cũng thấu hiểu điều ấy. Ở thời của ông, không ít nghệ sĩ, trí thức tài năng những mong dùng tài năng của mình dành độc lập, tự do cho dân tộc, xây dựng một đất nước dân chủ, văn mình… Để rồi, khi thành công, họ nhận được những gì? Chẳng gì cả ngoài hai bàn tay trắng.Thế lực chính trị đã từng giương cao lá cờ chính nghĩa lúc này mới bộc lộ sự vị kỷ và bảo thủ mà vụ án Cải cách ruộng đất và Nhân văn – Giai phẩm chẳng phải là minh chứng rõ ràng đó sao. Vừa là người trong cuộc, lại vừa là người đứng ngoài mọi tranh chấp xấu xa, Hồ Nguyên Trừng chỉ còn biết giữ một tâm trạng là “buồn” – cái buồn của lũ người “lạc loài”, bị “quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh”. Không chỉ có Hồ Nguyên Trừng mà biết bao tài năng trong thời ấy cũng có chung tâm trạng như Trần Khát Chân, Phạm Sinh, hay thậm chí là ông vua già Trần Nghệ Tông, ông vua trẻ Trần Thuận Tông… Tâm trạng của Hồ Nguyên Trừng cũng chính là tâm trạng của ông Nguyễn Xuân Khánh và nhiều trí thức, văn nghệ sĩ thời đại đứng trước những xung đột của các thế lực chính trị và một xã hội bất công, nghèo nàn, lạc hậu mà chỉ biết buông tiếng thở dài bất lực.

Bài học cải cách từ cuộc Canh tân của Hồ Quý Ly

Giá trị lớn nhất của tác phẩm “Hồ Qúy Ly” nằm ở bài học lịch sử : “Canh tân”. Có thể xem cuộc “Canh tân” của Hồ Qúy Ly là cuộc canh tân táo bạo nhất cho đến thời điểm đó. Những cải cách của ông được ghi lại trong cuốn “Minh đạo” (dịch Nôm là “Con đường sáng”).

Đối với “Minh đạo” cũng như cả cuộc canh tân, trí giả thời đó, kẻ chê, người khen, cũng có kẻ bằng mặt mà chẳng bằng lòng… Nhưng rõ ràng, tại thời điểm đó, một cuộc cải cách là cần thiết. Trong câu chuyện, tác giả để Hồ Qúy Ly nhấn mạnh về một “phương thuốc lớn”. Việc làm chính trị chẳng khác gì y đạo, cũng có bắt bệnh, cũng có kê đơn. Nhưng người làm nghề y mỗi lần chỉ có thể bắt bệnh kê đơn cho một người, còn kẻ làm chính trị thì phải bắt bệnh, kê đơn cho cả một dân tộc.Để bắt được bệnh đã khó, không khéo không có bệnh lại chẩn đoán thành có bệnh, có bệnh lại cứ tưởng rằng vô sự; nhưng bắt được đúng bệnh rồi thì kê đơn ra sao đây, âu cũng là việc khó. Cái căn bệnh ấy, chính ông vua già Trần Nghệ Tông là người nhận thức được hơn ai hết. “Chính ông là bà đỡ cho những cải cách của Quý Ly, đã giúp Quý Ly tiêu diệt những đối thủ, ngay cả khi đối thủ ấy là con cháu ông. Lại cũng vẫn chính ông là người muốn kéo dài đến vô hạn cơ nghiệp của nhà Trần, tổ tiên ông, mặc dầu ông biết điều đó không thực tế, mặc dầu ông biết các tôn thất, các cựu thần nhà Trần ở mọi nơi hiện đang thối ruỗng. Vậy ông đang tự chống lại bản thân. Ông có miếng thịt thối, muốn cắt đi, nhưng vì nó là cơ thể ông nên không đành lòng. Đó chẳng phải cũng chính là căn bệnh thời đại của chúng ta hay sao? Miếng thịt thối ấy ai là người dám cắt bỏ để giữ cho cơ thể được khỏe mạnh?Hay cứ để nó đấy vì tiếc xương thương thịt rồi hoại tử mà chết? Đứng trước vận mệnh của dân tộc: hoặc là đổi mới hoặc là bại vong, việc từ bỏ những quyền lợi của một tổ chức cầm quyền để thực hiện một cuộc Cách mạng toàn diện là điều cần thiết. Nhà Trần đã không dám dũng cảm thực hiện sứ mạng ấy và chuốc lấy bại vong, là điều đương nhiên.

Bài học Canh tân trong “Hồ Qúy Ly” còn là bài học về lòng dân. Đối lập với phe Canh tân là phe thủ cựu, đáng tiếc rằng phe thủ cựu lại nắm phần đông. Nhưng tại sao những biện pháp của Hồ Qúy Ly là cần thiết mà triều nhà Hồ vẫn thất bại thảm hại? Trước hết phải nói rằng vì Hồ Qúy Ly quá nôn nóng. “Minh đạo” là hướng đi tiến bộ, nhưng không thể một sớm một chiều có thể thực thi. Điển hình nhất là việc sử dụng tiền giấy. Người dân ta thời ấy chưa ý thức được giá trị của tiền tệ và chưa có một nền tài chính hoàn thiện, việc sử dụng tiền giấy thực là chuyện viển vông. Nhưng sai lầm nghiêm trọng hơn là việc xây thành Tây Đô.Giữa lúc ngân sách quốc gia thiếu hụt trầm trọng, người dân còn sống lầm than, chiến tranh với Chế Bồng Nga vừa mới kết thúc và sắp sửa đương đầu với quân Trung Hoa, thành Tây Đô chẳng khác nào được xây lên bằng xương bằng máu của dân khiến người dân oán than. Quan trọng hơn cả, chính tầng lớp trí giả thời ấy cũng không đồng tình với các biến pháp của Hồ Qúy Ly. Thái độ của Trần Khát Chân, Phạm Sinh, Sử Văn Hoa và thậm chí cả Hồ Nguyên Trừng thể hiện rõ điều ấy. Tại sao vậy khi nhà Hồ luôn thực hiện các chính sách chiêu hiền đãi sĩ? Ấy là bởi Hồ Qúy Ly quá cố chấp, không muốn nghe lời can gián, luôn đàn áp phe bất đồng quan điểm mà không hề tiếp thu hay thuyết phục họ. Bởi vậy mà người đời quay lưng với biến pháp hay nói đúng hơn là quay lưng với nhà Hồ, khởi nghĩa của nông dân nổi lên khắp nơi, bên ngoài thì giặc phương Bắc dòm ngó, cha con Hồ Qúy Ly cuối cùng vẫn chung một kết quả với nhà Trần.

Qủa thực, phương thuốc lớn cho một dân tộc không dễ kê đơn. Hồ Qúy Ly bắt mạch được căn bệnh của thời đại mình, kê được đơn thuốc rồi nhưng vì không biết dùng đúng thời điểm và liều lượng mà dẫn đến thất bại. Không chỉ thế, việc dùng thuốc sai cách ấy ảnh hưởng tới sự tồn vong của dân tộc. Nếu như thời ấy hai gia tộc Trần – Hồ cùng bắt tay nhau để thực hiện Duy tân thì triều đình nhà Minh đã chẳng giương lá cờ “Phù Trần diệt Hồ” ngụy tạo, đưa hàng vạn quân lính vào xâm lược nước ta được. Đó là bài học xương máu cho chúng ta trong công cuộc cải cách và thực hiện tiến trình dân chủ ở hiện tại và tương lai.

Hà Thủy Nguyên

(*) Ông Nguyễn Xuân Khánh bắt đầu sự nghiệp viết lách từ năm 1955, cùng thời với Nguyên Ngọc, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng… Khi tên tuổi Nguyễn Xuân Khánh mới chớm xuất hiện nhờ vài truyện ngắn thì sự kiện “Nhân văn giai phẩm” khiến ông “chìm xuồng” cùng biết bao cây bút khác. Sau khi bị treo bút, ông phải bươn chải đủ mọi nghề để kiếm sống, nào thì làm thợ may 7 năm, bán máu 3-4 năm, thợ khoá, dịch sách, hợp tác xã mua bán và lao động cải tạo cùng với lưu manh đĩ điếm 1 năm. Khi bắt đầu xuất bản “Hồ Qúy Ly”, ông Xuân Khánh vẫn chỉ là ông thợ cạo ở vỉa hè Hà Nội. Cho đến bây giờ, ông có tất cả 4 tác phẩm là “Hồ Qúy Ly”, “Trư cuồng” và “Mẫu Thượng Ngàn” và mới đây là “Đội gạo lên chùa”. Riêng “Trư cuồng” được viết bằng một hình thức đặc biệt của văn học Nam Mỹ – văn học hiện thực huyền ảo. “Trư cuồng” bị cấm xuất bản ở Việt Nam vì tác phẩm phản ánh xã hội Việt Nam trong thờ kỳ bao cấp. Mặc dù sau này ông viết “Mẫu Thượng Ngàn”, “Đội gạo lên chùa” cũng thu hút được nhiều độc giả, nhưng tác phẩm tâm huyết cả cuộc đời ông chính là “Hồ Qúy Ly”, mới thực sự ám ảnh người đọc.

Home 2017 Tháng Mười

Thu vô hình

Vô hình – Gió

Lay ta đổ lá

Lay ta rụng mưa

Lay ta say xiêu thành mất nước

 

Vô hình – Thơ

Ám người chiều tàn

Ám người đêm lan

Ám người mơ tan danh vỡ nghiệp

 

Xoáy cung đàn mưa rụng rụng

Nhịp nhịp phách mây rơi

Hư không âm âm

Loạn lặng

Bi ngưng

Cung đàn vô thanh

Người đi vô lộ

 

Vạn trạng vô thường

Say vô hình thu

Say vô hình thơ

Ta uống rượu không đáy

Ta say không hơi men

 

Ta say ta thành không

Mặc đời quay cuồng loạn

Ta vô hình ám thu

Thu vô hình ám đời

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2017 Tháng Mười

Long Điểu truyện – Chương 10: Quạ đưa tin

Trời đã tờ mờ sáng. Sương vẫn phủ trắng nên bầu trời không được sáng rõ. Càng gần cuối thu, thành Trấn Tây càng lạnh lẽo. Lá vàng rụng từng chiếc, từng chiếc hiu hắt xuống nền đá lạnh.

Hoàng Tế Thiên hôm nay mới có một chút thư thái để ngắm nhìn cảnh sắc xung quanh. Những ngày qua mọi chuyện diễn ra quá nhanh. Chỉ thoáng chốc nghĩa quân rừng Bạch Tùng đã tan rã. Chỉ mới đây thôi chàng đã không thể gặp lại người anh kết nghĩa sinh tử Chúc Thịnh Lai của mình. Chàng bỗng nhiên cảm thấy ngày tháng đoàn tụ với vợ và người con trai của mình xa vời vợi. Đưa Thần Cơ và Thái Sơn tới được phủ Trấn Tây, thỉnh cầu được Điểu Thiên Hoàng cứu chữa cho Thái Sơn, chàng coi như đã hoàn thành sứ mệnh với họ Chúc. Nhưng bây giờ, chàng lại mang nợ Điểu Thiên Hoàng.

Bên trong thư viện, Điểu Thiên Hoàng đang chữa trị cho Thái Sơn, không ai được làm phiền. Hoàng Tế Thiên cũng chỉ có thể ở bên ngoài cảm nhận dòng năng lượng tác động đến xung quanh mà đoán định tình hình.

Năng lượng định tâm của Điểu Thiên Hoàng thật đáng ngưỡng mộ. Dòng năng lượng ấy tạo ra một luồng sóng khiến vạn vật xung quanh chìm vào sự tĩnh lặng. Những suy nghĩ buồn rầu của Tế Thiên cũng mờ dần mờ dần, và lắng xuống. Dạng năng lượng này chỉ có ở những người có thể năng lượng phượng hoàng nhưng phải được rèn luyện nghiêm ngặt, tránh mọi xao động về cảm xúc. Hèn gì, Thiên Hoàng không bao giờ lộ buồn vui, giận dữ trên khuôn mặt, luôn thư thái thoát tục.

Dòng năng lượng này đưa Thái Sơn vào trạng thái yên định. Cậu bé vơi bớt nỗi đau, hơi thở bình ổn trở lại, tim đập đều hơn. Cơn bi thương đêm qua khi uống máu Thiên Phụng bất chợt lại dội lên. Cơn bi thương ấy lại đưa Thái Sơn rơi vào những ảo ảnh mà cậu không thể hiểu. Trong ảo ảnh ấy, mọi thứ đều chỉ còn là sự sụp đổ và cái chết. Cơn bi thương tạo thành một sóng năng lượng dồn dập, đẩy lùi năng lượng của Điểu Thiên Hoàng, nhưng đồng thời cũng đưa Thái Sơn vào cơn đau đớn khiến cậu ngã vật xuống.

Thiên Hoàng giật mình, mở mắt, ra khỏi trạng thái định tâm. Dòng máu của Thiên Phụng đã đi vào người của Thái Sơn. Máu Thiên Phụng tuy cũng là máu phượng hoàng, nhưng không giống của Thiên Hoàng. Máu của cô bé có chứa nhiều bí ẩn mà nếu ai tiếp xúc với dòng máu này sẽ bị chi phối bởi những cảm xúc khó hiểu và mãnh liệt. Tuy rằng cảm xúc cũng tạo ra nguồn năng lượng lớn, nhưng người không biết sử dụng nó sẽ bị nó hại lại. Thiên Phụng vì sốt ruột cứu Thái Sơn và không muốn Thiên Hoàng phải mất đi một lượng lớn năng lượng của mình, nên đã cho Thái Sơn uống máu mà không tính đến những biến động cảm xúc mà Thái Sơn sẽ trải qua.

Thiên Hoàng cất tiếng:

– Thái Sơn, có phải con cảm thấy đau buồn lắm không?

Thái Sơn gượng dậy, gật đầu:

– Dạ vâng… Con không kìm chế được cảm giác ấy… con không muốn phải chịu cảm giác ấy thêm nữa…

Thiên Hoàng cười buồn:

– Đời người khó tránh những xúc cảm đau thương… Con càng cố tránh thì cảm xúc ấy sẽ càng lớn. Ta sẽ dậy con cách gác chúng lại một bên để có được định tâm. Nhưng chúng sẽ không mất đi, một lúc nào đó con sẽ phải quay lại để giải quyết.

Đoạn, Thiên Hoàng ngồi xếp bằng. Thái Sơn cũng ngồi theo. Thiên Hoàng hướng dẫn:

– Con hãy giữ hơi thở cho đều. Hãy lắng nghe dòng năng lượng chạy trong người con… Có phải lúc thì cảm thấy, lúc thì không? Đó là do kinh mạch của con có nhiều chỗ không hoạt động tốt nên không thể cảm thấy. Khi đau buồn, con thấy năng lượng ở ngực sẽ bị đè nặng. Hãy tập trung tinh thần của con vào đó, cảm nhận tận cùng nỗi đau. Nếu những ảo ảnh xuất hiện, hãy kệ chúng, tiếp tục tập trung tinh thần vào ngực. Con thấy không, khối năng lượng đè nặng ấy đang tản ra khắp cơ thể và dịu dần, dịu dần.

Thái Sơn làm theo. Cậu bé nhanh chóng học được cách và điều tiết cảm xúc của mình ổn định trở lại. Thiên Hoàng nhìn cậu bé đã tự mình định tâm được, gật đầu hài lòng. Chàng ngồi xuống đối diện với Thái Sơn. Chàng áp tay phải của mình lên ngực cậu bé.

Ngực chàng cũng sáng rực như bốc lửa. Dòng lửa ấy chạy theo mạch máu của Thiên Hoàng đi vào trái tim của Thái Sơn. Dòng lửa ấy chính là năng lượng do máu Thiên Hoàng tạo nên. Hơi nóng của lửa đi vào cơ thể Thái Sơn, bung phá những kinh mạch bị tắc nghẽn, nối lại những đoạn bị tổn thương. Một quầng năng lượng vàng rực bao quanh hai người. Quầng năng lượng ấy đi vào từ đỉnh đầu của Thái Sơn, như một dòng thác tẩy rửa những bệnh tật tồn đọng trong cơ thể của cậu. Những lời đồn về sức mạnh cải tử hoàn sinh của năng lượng phượng hoàng quả thật không sai.

Thái Sơn cảm thấy sức sống căng tràn trong từng thớ thịt, mạch máu của cậu. Cậu bé tiếp tục để những dòng năng lượng chảy vào cơ thể. Làn da trắng xanh của cậu bé giờ đã hồng hào hơn. Nhưng Thiên Hoàng thì lại trở nên nhợt nhạt. Dòng năng lượng cũng nhạt màu dần, không còn được rực rỡ như trước. Dòng lửa trên mạch máu cũng tắt dần cho đến khi tắt lịm ở chính giữa ngực Thiên Hoàng. Thiên Hoàng từ từ mở mắt ra, lảo đảo suýt ngã, nhưng chàng chống tay được.

Thái Sơn vội đỡ lấy Thiên Hoàng:

– Tướng quân… người có sao không?

Thiên Hoàng lắc đầu, chỉ nói:

– Lấy cho ta cốc nước!

Thái Sơn nhanh nhẹn lấy cho Thiên Hoàng cốc nước. Cậu không còn cảm thấy mệt mỏi và uể oải như trước nữa. Thiên Hoàng uống nước rồi dặn tiếp:

– Con nhớ lời ta dặn cho thật kỹ… Tuy bây giờ con đã khỏe mạnh như người khác, nhưng không vì thế mà cảm giác bi thương kia mất đi, những nỗi đau trong đời cũng thế. Những lúc đau khổ xuất hiện, con sẽ không thể điều tiết được năng lượng trong mình, có khi sẽ còn gây hại. Vậy nên con phải nhớ luyện tập thường xuyên mới giữ được định tâm.

Thái Sơn gật đầu, đáp một tiếng “Vâng ạ!”.

Đột ngột, cánh cửa thư viện mở toang. Thiên Phụng chạy ùa vào phòng. Đằng sau là Điểu Âu và Thần Cơ đang lật đật chạy theo, hớt hơ hớt hải gọi:

– Quận chúa! Không được vào mà!

Thiên Phụng quát:

– Ta thích thì ta cứ vào thôi!

Thiên Phụng thấy Thiên Hoàng ngồi không vững, vội chạy đến, gạt Thái Sơn ra, ôm chầm lấy cha mình. Cô bé ứa nước mắt:

– Cha… con không thích cha bị yếu… Tất cả là tại mấy người này ép cha…

Thiên Hoàng vuốt tóc Thiên Phụng, âu yếm:

– Không có ai ép cha được hết… Cha bị ốm, chẳng phải sẽ tha hồ ở Hoàng Hoa Cung cùng con, không phải ra chiến trường nữa hay sao?

Thiên Phụng nghe đến đó, dụi mắt, ngưng khóc:

– Đúng rồi nhỉ…

Hoàng Tế Thiên và Điểu Tùng cũng theo lũ trẻ bước vào thư viện. Hai người chắp tay, cúi đầu hành lễ. Điểu Tùng nói:

– Ơn nghĩa của tướng quân Điểu Thiên Hoàng chúng ta sẽ không bao giờ quên!

Thiên Hoàng gật đầu:

– Không sao!

Hoàng Tế Thiên tiếp lời:

– Để ta đỡ tướng quân về phòng nghỉ ngơi.

Thiên Hoàng không phản ứng gì. Để mặc cho Tế Thiên dìu chàng đứng dậy.

Điểu Âu chạy lại, níu áo Điểu Tùng giật giật:

– Cha… lần đầu thấy Thái Sơn khỏe mạnh, con phải dẫn em ấy đi chơi… Cha cho con dẫn Thần Cơ và Thái Sơn vào thành chơi đi…

Điểu Tùng lườm Điểu Âu:

– Không được nghịch phá nghe chưa?

Điểu Âu reo lên, cầm tay Thần Cơ và Thái Sơn lôi đi xềnh xệch. Nhưng Thái Sơn giằng tay lại:

– Còn quận chúa…

Điểu Âu bĩu môi:

– Ai mà hầu được loại đỏng đảnh đó!

Thần Cơ chạy lại, cầm tay Thiên Phụng. Thiên Phụng giật mạnh tay lại, nói sẵng:

– Ta không thích người khác động vào ta…

Thần Cơ tiện tay, véo má Thiên Phụng khiến cô bé la lên oai oái. Thần Cơ nói to:

– Ta ra lệnh cho quận chúa đi chơi cùng bọn ta… Không là ta véo cho sưng má!

Thiên Phụng đau điếng đến chảy nước mắt, gật đầu. Thần Cơ được thể:

– Và phải cho ta cầm tay!

Thiên Phụng cũng gật đầu. Chưa bao giờ cô bé bị bắt ép kiểu đó. Thái Sơn và Điểu Âu nhìn cảnh Thiên Phụng bị Thần Cơn bắt nạt cũng phì cười.
Bốn đứa trẻ được quân lính của Điểu Tùng bảo vệ, đưa vào thành chơi. Phủ Trấn Tây trở nên yên tĩnh hẳn. Thiên Hoàng nằm nghỉ ngơi trong phòng. Tế Thiên và Điểu Tùng túc trực ở ngoài không rời. Thiên Hoàng mặc dù nằm tĩnh dưỡng nhưng không ngủ.

Bây giờ, chàng đã tìm lại được Thiên Phụng, mạng của Thái Sơn đã được cứu, nhưng vận mệnh của Điểu tộc lại trở nên nguy hiểm. Trấn Đông mất người phòng thủ, nếu Long tộc men theo đường biển đánh vào phía đông, Điểu tộc khó bề đỡ được. Dã Quốc nghe tin có biến loạn trong triều đình Điểu tộc, thế nào cũng đục nước béo cò, gây hỗn loạn. Tuy không thể vượt qua được thành Trấn Tây của Điểu Tùng nhưng cũng khiến Điểu tộc tổn hao. Phòng thủ ở phía Nam tại thành Vũ Cầm do chàng trấn thủ rất vững vàng, nhưng nếu Long tộc có nhân tài phá vỡ được vòng phòng thủ ấy thì chẳng mấy chốc mà đánh tới Điểu Kinh. Nhưng giờ đây, chàng đang ốm yếu thế này, căn bản cũng không thể bảo vệ phía Nam chu toàn được. Thiên Hoàng gác tay lên trán thầm nghĩ: “Nòi giống Điểu tộc ngày một suy yếu, người tài trong thiên hạ lại ngày một nhiều. Một sự thay đổi trong quá trình chuyển kiếp mà ta không thể hiểu được. Nhưng ta phải tìm những người tài này về, thuyết phục họ làm việc dưới trướng con trai ta, cùng ta đánh bại Long tộc và Dã quốc, tạo nên một thời đại thịnh trị mới! Ta đã mất quá nhiều thời gian cho những ngày tháng chán nản dưới trướng Điểu Linh Hoàng…”

Nghĩ tới đó, Thiên Hoàng gượng đứng dậy, tìm giấy bút, tới bàn và bắt đầu viết. Đó là “Sách lược kết thúc loạn thế”. Chàng viết miên man không dứt, không quan tâm đến cơn đau mỏi đang dày vò thân xác của chàng. Sách lược này đưa ra từng điểm mạnh yếu trong cách thiết lập xã hội trong mỗi nước và cả thể năng lượng của quý tộc cũng như dân cư của mỗi nước. Sau đó, chàng sẽ viết về cách đánh vào chỗ yếu và học những điểm mạnh để tạo ra một thời thịnh trị.

Nhưng chưa viết tới đó thì có tiếng gõ cửa. Thiên Hoàng giấu vội sách lược vào áo giáp của mình rồi mở cửa. Đó là Hoàng Tế Thiên. Tế Thiên cầm theo một con quạ, đưa đến cho Thiên Hoàng.

– Con quạ này đậu ở cổng phủ Trấn Tây suốt buổi trưa, ta nhận ra đó là quạ của Ô Thị, chắc hẳn có tin gửi đến tướng quân.

Thiên Hoàng nhíu mày. Chàng nhìn vào mắt con quạ, lầm bầm đọc những chuỗi âm thanh nào đó, rồi quát to: “Nói”. Con quạ tự nhiên nói được như người, nhưng bằng một giọng rè rè:

– Dã quốc đã dùng bướm đen đột nhập thành Trấn Tây.

Hoàng Tế Thiên nghe xong, thất sắc:

– Bướm đen vô cùng nguy hiểm. Loài bướm này có thể hút năng lượng, gây chết người. Chúng đi theo đàn. Chúc Thịnh Lai đã bỏ mạng vì bướm đêm.

Thiên Hoàng nói:

– Ngươi mau đi báo cho Trấn Tây tướng quân, mời ông ấy đến phòng ta bàn chuyện!

Nhưng không cần Tế Thiên phải đi mờ. Từ bấy tới giờ, Điểu Tùng vẫn đứng ở ngoài để canh chừng Thiên Hoàng. Chàng lo lắng cho tình trạng sức khỏe của Thiên Hoàng. Điểu Tùng thấy nhắc đến mình, liền đi vào.

– Ta ở ngoài có nghe câu chuyện hai vị nói! Loài bướm đen này ta có nghe nói tới. Loài bướm này do đich thân Dã vương luyện năng lượng mà thành.

Dã vương dùng năng lượng đen của mình đào luyện, biến những đàn bướm nhiều sắc màu thành màu đen. Những con bướm đen này bay khắp nơi, hút năng lượng của người sống rồi bay về với Dã vương. Dã vương lại hút năng lượng từ những con bướm ấy để gia tăng sức mạnh cho mình.

Tế Thiên cũng biết về bướm đen nhưng chàng không biết rằng chúng do trực tiếp Dã vương điều khiển. Nay nghe Điểu Tùng nói, chàng mới biết.

Chàng nói:

– Nhưng thành Trấn Tây đâu dễ xâm nhập. Đàn bướm đen đó nếu gặp phải trường lực của thành thì chúng cũng tan thành tro. Đây rõ ràng là có kẻ trà trộn dân thường vào thành, nuôi kén bướm ngay trong thành. Chỉ cần tìm được kén bướm và sớm tiêu diệt thì sẽ không lo chúng phát triển thành bầy.

Thiên Hoàng trầm tĩnh đưa ý kiến:

– Tìm chỗ tập trung nhiều kén bướm không khó. Chỉ cần tướng quân Điểu Tùng xem xét những khu vực có cái chết bất thường trong thành Trấn Tây ba ngày trở lại đây. Bướm một khi thành hình ra khỏi kén, sẽ phải tấn công ngay con mồi gần nhất.

– Được, để ta đi xem lại sổ sách ở cấp dưới nộp lên cho ta! – Điểu Tùng đáp – Phiền Tế Thiên đưa Chinh Nam tướng quân tới mặt hồ, chúng ta phải xem tình hình của toàn thành Trấn Tây.

Điểu Tùng bước ra khỏi phòng. Tế Thiên đỡ Thiên Hoàng đến hồ nước trong ngay giữa phủ. Hồ nước này không lớn như hồ nước ở thư viện, nhưng trong vắt. Tại đây có bày một bàn trà trên bộ bàn ghế bằng đá được chế tác tinh xảo.

Tế Thiên đỡ Thiên Hoàng ngồi xuống. Lúc này Thiên Hoàng mới nhìn xuống dưới mặt hồ. Đó là khung cảnh toàn bộ phố xá, nhà cửa, sông núi của thành Trấn Tây. Nhìn xuống hồ, Điểu Tùng có thể quan sát mọi biến động diễn ra trong thành Trấn Tây. Vừa hay lúc ấy, Điểu Tùng cầm một xập giấy tờ đi đến.

Điểu Tùng ngồi xuống rót trà rồi nói:

– Đây là tất cả những vụ có người chết bất thường ở thành Trấn Tây. Tất cả bọn họ đều cạn kiệt máu mà chết, gồm mười sáu người. Trong đó có ba gia đình, ba người vô gia cư. Ba gia đình đều sống gần Tụ Linh Phong. Còn ba người vô gia cư thì chết ngay dưới chân Tụ Linh Phong.

Ba người dõi mắt về vị trí của Tụ Linh Phong trên mặt hồ. Quanh Tụ Linh Phong là rừng rậm, một dòng suối tuôn dài đổ xuống từ đỉnh núi. Cách đó không xa là ba ngôi nhà nghèo nàn, xơ xác nằm cách nhau một quãng rất rộng. Trên con đường mòn dẫn đến cánh rừng bao quanh Tụ Linh Phong, hai con ngựa đang phi nước đại, hướng về phía núi. Điểu Tùng thốt lên:

– Nguy rồi! Bọn trẻ này thật không biết nghe lời!

Đó chính là Điểu Âu, Thần Cơ, Thái Sơn và Thiên Phụng. Chúng chia nhau ngồi trên hai con ngựa, trốn thoát khỏi đám lính canh mà Điểu Tùng phái đi. Không ngờ thế nào chúng lại phi đến Tụ Linh Phong.
Hà Thủy Nguyên 

Đọc các chương của Long Điểu truyện tại đâyhttps://hathuynguyen.com/tag/long-dieu-truyen/

Home 2017 Tháng Mười

Đắm mưa

Thôi đã hết mơ rồi

Mưa chưa dứt, mưa ơi

Tình vẫn động, tình ơi

Sợi tơ trời lơi lơi…

 

Thôi đã hết mơ rồi

Đôi cánh tình đã khép

Lẳng lặng nhìn đời trôi

Mưa rơi rơi, chưa dứt

 

Ta lang thang trong mơ

Mơ lang thang trong đời

Đời lận đận dưới mưa

Mưa lận đận nên thơ

 

Đắm mình, căn phòng trống

Mơn man vuốt tơ tình

Thơ rơi rơi là mưa

Thơ lơi lơi là mơ

 

Người thơ lạc trong mơ

Đời thơ đắm trong mưa

Đôi cánh tình lơi lả

Uốn mây xoay điệu mưa

 

Mưa trời có lúc dứt

Mưa thơ dứt đâu mà

Mưa tình miên man kiếp

Mưa mơ thành cõi mưa

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2017 Tháng Mười

Đeo mặt nạ

Đeo mặt nạ

Ta là Chúa

Vung vẩy tình yêu khắp thế gian

Ngôi lời lan man

Mặc thế giới tàn

 

Đeo mặt nạ

Ta là Thánh

Thẳng tay phán xét loài người

Cứu độ hết đời

Mặc tim chai sạn

 

Đeo mặt nạ

Ta là Vua

Khư khư níu giữ ngai vàng

Phận nước hoang mang

Hồn ta lang thang

 

Đeo mặt nạ

Ta là Thiên Tài

Ôm ấp ảo mộng ngày mai

Tài hay là Tai

Chỉ còn bi ai

 

Đeo mặt nạ

Ta là Hiệp Sĩ

Rong ruổi chinh chiến miền xa

Máu thấm ngực ta

Một vùng xương trắng

 

Đeo mặt nạ

Ta là Nghệ Sĩ

Đắm đuối tuôn trào kiệt tác

Ngàn kiếp ép xác

Nặn giọt tinh thần

 

Đeo mặt nạ

Ta là Kẻ Tốt

Cười cười đạo đức trên môi

Rao bán cái tôi

Đổi thành phúc đức

 

Đeo mặt nạ

Ta là Người

Chấp mê bất ngộ trò đời

Hư vô đang đợi

Nấm mộ chào mời

 

Đeo mặt nạ

Ta là Qủy

Sằng sặc nhạo đời ngu dốt

Thiên đường bị đốt

Mặt đất tan hoang

 

Đeo mặt nạ

Ta là Không

Không sinh không diệt không ta

Ru mình thanh tịnh

Mặc đời như sông

 

Mặt nạ ơi

Hết thời

Ngươi nhớ ta

Hay ta nhớ ngươi

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2017 Tháng Mười

Ngạc nhiên với “Điệu nhạc trần gian”

Khi nhà sách Đông Đô đưa bản thảo Điệu nhạc trần gian (*) nhờ đọc, tôi đã ngạc nhiên. Đó là câu chuyện tưởng tượng pha trộn huyền thoại, dã sử và hình như cả… chưởng nữa! Đến khi gặp tác giả tôi càng ngạc nhiên. Nguyễn Thị Phương Thảo (bút danh Hà Thủy Nguyên) khi viết những dòng đầu tiên cho tác phẩm đầu tay này chỉ mới 14 tuổi.

Điệu nhạc trần gian là tiểu thuyết viết theo lối chương hồi một cách phóng túng. Cuốn tiểu thuyết cuốn hút người đọc theo những bước chân phiêu lãng, những cuộc tình đắm say của những chàng trai, cô gái từ trên trời xuống làm việc thiện, việc nghĩa; chấp nhận những thử thách đến từ cái ác, cái xấu.

Tìm hiểu thêm về Tiểu thuyết “Điệu nhạc trần gian”: https://hathuynguyen.com/tieu-thuyet-dieu-nhac-tran-gian/ 

Tôi không nghĩ là Thảo không bị ảnh hưởng của những gì em đọc. Nhưng tôi muốn chia sẻ cùng các bạn cảm giác ngạc nhiên khi đọc tiểu thuyết này. Bố cục, lớp lang liền mạch, nhân vật rõ ràng, tả người có dáng, tả cảnh có hình, tả tình có điệu. Cô nữ sinh Hà Nội gốc Nghệ An (học Trường phổ thông cơ sở Marie – Curie, rồi trung học Hồ Xuân Hương) khiến người đọc phải tự hỏi: từ đâu ở độ tuổi của mình em đã thâu nạp được nhiều kiến thức văn chương cổ và biết vận dụng chúng linh hoạt đến vậy? Và trên hết là một óc tưởng tượng kỳ thú.

Vậy tác giả muốn gửi đến mọi người điều gì? Đó là tình yêu. Gia tộc yêu long bị các loài thần long trong đại dương xua đuổi nên căm thù muôn loài trong trời đất. Nhưng tám nàng công chúa tuyệt đẹp của gia tộc yêu long lại đem lòng yêu tám chàng trai tuấn tú trên dương thế. Và tám đứa con ra đời từ cuộc tình này phải trải qua một kiếp khác để được trở lại là mình. Trên hành trình ấy, tình yêu và lòng nhân hậu đã giúp họ chống chọi và chiến thắng bao hiểm nguy, thù địch.

Hiểu như vậy người đọc sẽ đỡ băn khoăn rằng vì sao một học sinh nhỏ tuổi lại viết truyện ma quái, mà không viết những chuyện thực quanh mình. TrongĐiệu nhạc trần gian có một phần tác giả lồng câu chuyện nước Đại Việt xưa, bên cạnh nước Đại Hoàng hư cấu. Nhưng không chỉ có thế. Xin lưu ý hoàn cảnh thôi thúc Thảo cầm bút. Em ham viết, nhưng em còn muốn viết cho bạn bè của mình, và em đã chọn cách viết mình thích mà các bạn cũng thích.

Chuyện là chuyện tiên, ma nhưng đời là đời thực, tình là tình thực. Có thể liên hệ trường hợp Harry Potter. Theo tôi, cái hấp dẫn của Harry Potter là ở chỗ vào thời đại tin học nhưng tác giả đã đưa con người trở lại thế giới phù thủy. Con người càng phát triển về trí tuệ thì càng lo âu về lẽ huyền bí trong sự sinh tồn. Đồng thời cuộc sống nếu mất hết mọi bí ẩn thiêng liêng thì rất đáng chán! Văn học phải chở che con người trong nỗi bí ẩn đó.

Không thể chắc Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ trở thành nhà văn Hà Thủy Nguyên sau cuốn tiểu thuyết đầu tay này (Thảo đang viết một cuốn mới, vẫn là khai thác xứ Đại Hoàng) nhưng tôi tin em đủ “lực” để đi tiếp hướng đi của mình. Tác giả Điệu nhạc trần gian có một vốn từ tiếng Việt khá dồi dào mà ở lứa tuổi em (và có khi nhiều người lớn) lại thiếu hụt.

Phạm Xuân Nguyên (2004)

Bài viết là Lời giới thiệu của Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên dành cho tiểu thuyết đầu tiên của Hà Thủy Nguyên có tên “Điệu nhạc trần gian”. Bài viết mang tính “tiên tri” cho con đường viết của Hà Thủy nguyên. Bài viết này được đăng lại trên báo Tuổi Trẻ Online.

Link báo: https://tuoitre.vn/ngac-nhien-voi-dieu-nhac-tran-gian-62149.htm 

Home 2017 Tháng Mười

Độc thoại sau mưa

Khi cơn mưa đã dứt và những dòng suy tư triền miên cũng cạn nguồn, tôi bỗng giật mình nghĩ: Tại sao mình lại yêu thích trời mưa đến vậy. Mỗi lần nghe tiếng mưa rơi, một cái gì đó trong tội lại cựa quậy, thổn thức, khát khao và nó nhanh chóng chiếm lĩnh tôi.

Nó không đơn thuần chỉ là ham muốn và đam mê, nó mang dáng điệu của một nỗi buồn xa vắng. Đã nhiều lần tôi tìm xem mình đang nhớ gì? Một người nào đó không ở bên tôi, một kỷ niệm nào đó chỉ tồn tại trong ký ức… hay là một hồi tưởng về một cõi miên viễn mà người ta vẫn gọi là “sầu vạn cổ”… Nhưng tất cả hình như đều không phải. Bởi khi nghĩ đến những điều ấy, trái tim tôi vẫn đập một cách đều đều tựa chiếc đồng hồ nhích kim giây từng nhịp vô cảm.

Nhưng tiếng mưa thì đứt nối, lúc ào ào như tuôn xả, lúc lưa thưa mơn man trong cõi nhân gian. Vậy thì chắc rằng tôi đang nhớ một điều gì sinh động, đẹp đẽ, lung linh và huyền diệu hơn vậy chứ.

Và tôi bắt đầu nhớ đến những ngày nắng đẹp, tôi hớn hở mở toang cánh cửa, bước chân ra ngoài quay cuồng theo cuộc sống. Tôi cần mọi sự ngu xuẩn và điên rồ của thế giới này như một thứ men say nông cạn. Nhưng tôi cũng cần cả sự nông cạn để củng cố chắc chắn niềm tin rằng tôi hoàn toàn có thể tồn tại ở đây chứ không phải ở một nơi xa xăm nào khác. Những ngày đó nếu tôi giam mình trong không gian riêng, tôi sẽ bị lôi kéo vào sự sâu sắc và nó hành hạ, dằn vặt tôi ghê lắm. May sao, sự ồn ào của nắng đã cứu tôi và tôi bỏ chạy thật xa. Tôi lạnh lùng, tàn nhẫn bỏ mặc phần sâu thẳm nhất của mình trong nỗi cô đơn, buồn vắng.

Thế rồi mỗi khi trời mưa, cái “tôi” sâu thẳm ấy trỗi dậy mạnh mẽ. Nó được tiếp thêm sức mạnh bởi thanh âm giao hòa của đất trời bởi nó chỉ rung cảm bởi những gì có giai điệu đẹp đẽ. Hóa ra tôi đang nhớ “tôi”, và chỉ khi “tôi” xuất hiện tôi mới có được cái cảm giác say sưa trong trầm lắng, trong sự giao cảm với vạn vật và chỉ cần một giọt nước rơi cũng khiến trái tim lay động.

Nhưng tại sao tôi lại chạy trốn “tôi” nhỉ? Vì khi cái “tôi” hiện diện, nó lôi tuột tôi ra khỏi nơi mình đứng và khiến tôi nhận ra mình chẳng thuộc về đâu. Trong khi con người, nhảm nhí thay, vẫn cần mình thuộc về một nơi nào đấy. Còn “tôi”, có lẽ mãi mãi đến ngày cuối cùng của vũ trụ này, vẫn cứ là một kẻ trôi trôi dạt trong vô định… Và thật chẳng dễ dàng gì để chấp nhận rằng định mệnh đã sắp xếp để Tôi mãi mãi là một kẻ vô gia cư lạc lõng.

Hà Thủy Nguyên