Home 2021 Tháng Hai

Say rượu một cõi mù mờ nơi thơ

Nhà thơ tìm đến say để gỡ bỏ lớp lý trí. Ái tình mang đến say đau đớn, thuốc phiện mang đến say mộng ảo, nhưng rượu mang đến say cuộc đời. Trong muôn loại say, say rượu có đủ muôn hình vạn trạng, bởi say rượu là một cách để tách khỏi đời sống mà không bước ra khỏi đời sống, trải nghiệm mọi thang bậc của đời sống mà không tầm thường theo nó. Nhà thơ say rượu như một trạng thái tự xóa mình khỏi tồn tại (mà bất thành), còn kẻ tầm thường say để cố thoát khỏi sự tầm thường.

Omar Khayyam trong một lần say giữa chốn hoang vu, hẳn đã vỗ nhịp:

“Một Ổ Bánh Mỳ dưới tán cây

Rượu đầy vò, Thánh Kinh của ta đây

Cùng nhau điệu Hoang Vu ta hát

Chợt thấy Thiên Đàng giữa điệu say.”

Rượu tách nhà thơ khỏi cõi đời cơm áo gạo tiền, giữ nhà thơ chìm đắm trong thế giới tinh thần. Trong cơn say rượu, nhà thơ quên mất những cơn đói vật vã và những vọng tưởng về địa vị trần gian. Nhà thơ không giống như Jesus hay Thích Ca, chối bỏ ngôi báu trần gian vì sẵn biết địa vị tối cao của bậc chứng ngộ giữa muôn trùng vũ trụ, họ biết mình vẫn đang đứng trên mặt đất và mù mờ về vũ trụ. Sự mù mờ ấy khiến họ không cam tâm bước một chân vào cõi đời, nhưng cũng chẳng dám bước chân kia ra ngoài thế giới. Giằng co trong mù mờ là giằng co quằn quại nhất. Rượu khiến nhà thơ an tâm tận hưởng trạng thái mù mờ, tìm được khoái cảm trong cơn quằn quại. Và bởi thế, nhà thơ một phần vừa tự mắc kẹt, một phần trải nghiệm được tận cùng cõi giới mù mờ.

Trong cõi giới mù mờ ấy, sự hòa trộn của bản năng hoang dã và trùng trùng nỗi niềm nhân sinh đã tạo nên một nhân cách hoàn toàn khác của nhà thơ (có lẽ khi ấy không còn là nhà thơ nữa). Trong trạng thái say rượu, cái danh “nhà thơ” biến mất, chỉ còn thơ tồn tại. Thơ cũng là một dạng thức của mù mờ, nơi thực và ảo không thể phân định và không tồn tại đúng với những định danh. Không còn người say, chỉ còn thơ say. Giữa mù mờ ấy, thơ say say thơ là phúc lạc Thiên Đàng – thứ phúc lạc của những thiên thần sa ngã khổ đau lạc lối bỗng chốc nhân thấy phẩm tính Thiên Đàng chưa bao giờ rời bỏ bản thân, bởi bản thân chính là Thiên Đàng. Và bởi thế, sự đau đớn hay niềm vui nơi say thơ thơ say đều đẹp tuyệt.

Rumi – bậc thầy của say đã thơ lên thế này:

“Rượu chúng ta uống chính là máu ta.

Cơ thể ta lên men trong thùng rượu

Ta đánh đổi tất cả để lấy ly rượu này

Ta đánh đổi lý trí để nhấp một ngụm say.”

Sự đánh đổi ấy về bản chất là đánh đổi cuộc đời thế tục vốn được coi là tỉnh táo để lấy được khoảnh khắc bất thường, nếu không muốn nói là điên rồ trong con mắt người thường. Thơ say tương đồng với cơn khủng hoảng tiền tâm linh điên rồ (thuật ngữ dùng của Roberto Assagiolie), khi một người biết mình không thuộc về thế tục nhưng cũng chẳng thuộc về thế giới thần thánh cao với, khi một người chấp chới bay chẳng muốn đậu xuống bất cứ đâu, và trong trạng thái bay ấy – hay còn gọi là say, họ cảm thấy tự do. Bởi thế say rượu trở thành một chứng nghiệm tâm linh mạnh mẽ, khi nhà thơ chưa phải là toàn thể mà chỉ ngắm nhìn và ngất ngây trước toàn thể bằng một con mắt, còn con mắt kia vẫn chứng kiến thế giới thực méo mó và quái đản. Nhà thơ trong trạng thái say rượu đã nhìn thế giới bằng hai con mắt, trong khi người phàm thì đui mù còn các bậc thánh thì chẳng cần dùng tới mắt.

Và bởi thế, nhà thơ đã phát điên:

“Tôi đã chứng kiến những bộ não vĩ đại của thế hệ mình bị hủy hoại trong sự điên rồ, bị bỏ lại trần truồng trong loạn trí,

tự chôn vùi bản thân trên những con phố nhem nhuốc vào buổi bình minh để tìm kiếm sự cứu rỗi đầy phẫn nộ

những thiên thần cuối cùng thiêu rụi mối dây nối thiên đường cổ xưa với cỗ máy lốm đốm sao sáng trong động cơ ban đêm

những người khốn khổ và rách rưới với đôi mắt trống rỗng phì phèo điếu thuốc trong bóng tối siêu nhiên đang trôi chảy như dòng nước mát lạnh trên nóc thành phố theo điệu jazz

những người mở rộng trí não tới Thiên đường dưới sự che chở của Đấng Duy Nhất và thấy các thiên thần của Mohammed chấp chới thắp sáng trên những mái nhà

những người dạo chơi giữa vũ trụ với đôi mắt rạng rỡ với ảo tưởng bi kịch Arkansas và ánh sáng của Blake giữa các học giả thời chiến

những kẻ bị trục xuất khỏi viện hàn lâm vì sự điên rồ và rêu rao khúc du ca khiêu gợi xuyên thấu qua cửa sổ trí não,

những kẻ khỏa thân tự thu mình trong phòng trống, đốt tiền trong thùng rác và lắng nghe nỗi khủng khiếp trên tường,

những kẻ thất bại trong xã hội lề thói quay lại Laredo bằng một điếu cần sa ở New York

những kẻ nuốt lửa trong khách sạn và uống nhựa thông ở Paradie Alley, chết, hay tự thú tội hết đêm này sang đêm khác

với cơn mơ, ma túy, thức tỉnh khỏi ác mộng, rượu và tiếng gà và quả bóng lăn vô tận

những con phố tối tăm rùng rợn phủ đầy mây và ánh sáng trong tâm trí dẫn dắt đến mũi Canada và Paterson, thắp sáng thế giới Thời gian ngưng đọng…”

Allen Ginsberg đã “Tru” trong cơn say cùng với Beat Generation vào một đêm Jazz rượu lẫn lộn ma túy. Tru để gọi bầy – những kẻ say giữa cuộc đời. Tru để giải phóng cơn say. Tru để kéo dài cơn say, bởi chỉ cần mặt trời lên, hơi rượu đã hết, ma túy cũng nhạt, thì đã tỉnh – mà tỉnh ở đây, chẳng qua là thực tại trói buộc trong thế giới hiện đại với dãy phố đông nghịt người cùng với thứ công việc mưu sinh nhàm chán và những mối quan hệ lờ nhờ. Nên say chính là thơ. Con mắt chứng kiến cõi đời ấy mở quá to, đến mức phải tru, tru lên, tru nữa để đi sâu vào vô trí, gượng đóng con mắt ấy lại nhưng nó vẫn nheo nheo thấy vạn vật. Bi kịch! Bạn biết đấy, hãy thương cho những nhà thơ hô hào kẻ khác hãy say, thực ra họ khao khát cơn say tột độ, khi mà hai con mắt đều trừng trừng mở về hai cõi giới mà chẳng thiên lệch bên nào. Lúc ấy, hình thù đổi muôn vạn vẻ, xúc cảm nhào nặn hỗn hợp, thực tại đa chiều trùng biến.

Tôi là một kẻ khó để say, đặc biệt là say rượu. Trong cơn say rượu, tôi chỉ thấy lòng mình lạnh lẽo. Tôi bị kéo tụt về phía u tịch, nơi đau đớn lên ngôi. Trong cơn say tôi hoài nghi tất thảy, kể cả cõi đời và cõi tinh thần. Mở hai con mắt đưa tôi vào một trạng thái tỉnh đáng sợ: đối diện với mọi bóng tối trong mình, mọi nỗi đau mình đi qua, mọi ký ức rõ ràng tái hiện.

“Rút đao chém nước nước vẫn chảy,

Nâng chén tiêu sầu sầu thêm sầu,

Sống giữa cõi đời không đắc ý

Mai này xõa tóc cưỡi thuyền chơi.”

Lý Bạch hiểu cơn say của tôi… à không, tôi đã say cùng cơn say với Lý Bạch, … nên tôi có thể thấy được cái danh ngàn chén không say của Lý Bạch chẳng qua là bởi say quá hóa tỉnh, tỉnh quá hóa đau, đau quá hóa thơ. Các nhà thơ Á Đông luôn đi qua một chặng đường tâm lý trúc trắc này, không còn là khủng hoảng tiền tâm linh, mà là một thứ khủng hoảng của người giời bị đầy xuống trần gian – của con người tâm linh – người giời bỗng chốc bị vứt vào đời sống hữu hạn, nhận thức được hư vô để đắm đuối thêm cuộc hư vô.

 “Giàu sang trước mắt tựa khói mây

Đời nay chỉ cười đời xưa thôi

Người xưa mộ đã ngổn ngang đầy

Xưa nay hiền ngu trơ nấm đất

Tử sinh ai vượt ải này đây

Khuyên người uống rượu chơi cho đã

Cửa tây vầng dương đã xế rồi.”

Nguyễn Du đa sầu đa cảm đó. Sầu ấy, cảm ấy, thiếu rượu làm sao mà chịu đựng nổi. Rượu là chất dẫn để nhà thơ đến gần cuộc đời mà không phải đưa tay che mắt thương xót cho phận người trầm luân đau khổ. Dưới ánh nhìn của rượu, ngay cả khổ đau rồi cũng chỉ là một cuộc chơi.

Mà không chỉ thi tiên, thi thánh Đỗ Phủ cũng tìm say. Người đời mải với cơn say của tiên thi vì bị ám ảnh với câu chuyện Lý Bạch say rượu bỡn Đường Minh Hoàng, lại còn đổi thơ lấy rượu, mà sau này nghe đâu cũng trong một đêm say nhảy xuống ao ôm vầng nguyệt, mà người đời không biết rằng trong thơ của thi thánh cũng sực nức mùi rượu nồng men ủ từ cơn lạ lùng với cuộc đời:

“Một mảnh hoa bay xuân đã phai

Gió bay vạn nẻo khách sầu ai

Tàn hoa cứ ngắm cho lòng thỏa

Say rượu chớ từ kẻo đau hoài

Trên sông nhà nhỏ chim làm tổ

Bên vườn mả cũ ngựa nằm dài

Ngẫm đời phải lẽ nên hành lạc

Cớ gì danh lợi vướng thân đây.”

Cái say của thi thánh khiến ông chỉ còn là thi thôi, không còn là thánh. Này thì Khổng Tử, này thì danh lợi, này thì chí khí tang bồng, chẳng qua cũng chỉ là gió bay hoa rụng. Cơn say rượu  bỗng chốc trở thành thứ duy nhất có ý nghĩa trong cuộc đời – cơn say cùng khoảnh khắc bình an này, để tạm quên vạn sự đang đuổi nhau chốn quan trường khốc liệt. Trận say của Đỗ Phủ, ô kìa lại cùng với trân say của Allen Ginsberg, nhưng Đỗ Phủ không tru lên, chỉ đơn giản là say thôi. Cần gì phải tru gọi bầy khi vạn vật đã cùng ông say trong khoảnh khắc này.

Đấy, cứ thế, hết thế hệ nhà thơ này đến thế hệ khác, từ Tây sang Đông, bao giờ chả có kẻ say. Nhà thơ say nối đuôi nhau, liêu xiêu muôn vẻ, tụng gọi nhau trong  những đêm tịch mịch đơn côi, mời bạn rượu quá cố ngàn đời cùng nâng chén.

“Hồn hỡi hồn!

Nào đâu xứ cô đơn hồn ngự?

Nào đâu nơi lữ thứ hồn đi?

Phóng tâm ta đón hồn về

Đắm say mỗi sớm, điên mê từng chiều

Hồn hỡi hồn!

Hồn bắc nhịp phù kiều trong rượu

Hồn gợi câu “tiến tửu” bên hoa

Hồng tô sắc mặt dương hoà

Tiếng cười rạn cốc, lời ca nghiêng bình

Hồn ngồi với Lưu Linh cuồng khách

Hồn nhập vào Lý Bạch trích tiên

Hồn xoay đổ núi ưu phiền

Đốt tình cháy lửa cho quên Dáng Tình

Hồn nhốt trí phù sinh vào hũ

Hồn khép tay thế sự trong vò

Gào to một tiếng: ô hô!

Của ai này những cơ đồ không tên!”

Một thiên “Thần tụng” của Đinh Hùng ấy mà. Trong cuộc ngả nghiêng, Đinh Hùng nhập vào cõi khác, nơi những tiên thánh thơ ca ha hả cười trong cơn khoái cảm quằn quại giữa mù mờ. Có lần uống rượu mãi chẳng say, tôi đứng giữa bốn bề gió lộng trên cầu Long Biên, ngâm thiên “Thần tụng”, lúc ấy mới cảm giác thấy cơn say. Hóa ra say là say thơ chứ nào đâu say rượu.

Lại quay về cái sự không thể say của tôi. Đồ chừng tại bởi tôi quá thảm hại không bứt mình ra khỏi tục lụy. Mà có khi tại bởi tôi không đủ quằn quại để đạt được cơn khoái cảm trong cõi mù mờ. Lạc quan hơn, có lẽ vì tôi sống một đời sống say toàn bộ, chưa bao giờ tỉnh, nên làm gì còn tồn tại cơn say giữa một đời sống say miên viễn. Đây có thể chỉ là một trạng thái tự sướng.

Hôm nay tôi lại uống chén rượu không thể say mà tâm tư thì vạn vạn lớp đồng hiện. Ngôn ngữ tù túng mà ý lại triền miên, chẳng khác nào cố rót cả thùng rượu to vào một ly nhỏ (mượn tứ của Rumi ấy mà), thế thì cơn say cũng thế, sao phải trói mình vào trạng thái say rượu của cổ nhân, có khi từ lâu tôi đã có cơn say của chính mình.

“Rượu này a…say sao mà

Này trời a … phố nghiêng đèn đổ

Ta này a… nhạt mãi chẳng thành cơn

Ta điên a… cười mặt nạ mất màu”

Thơ tôi đấy! Ngàn chén không say thơ vậy thôi!

Hà Thủy Nguyên

*Các bài thơ trong bài đều do Hà Thủy Nguyên dịch.

*Tranh minh họa của Y Xuy Ngũ Nguyệt

Home 2021 Tháng Hai

Lễ bái xuân

Mây mẩy mầm trăng nhú
Sữa trời đượm mây giăng
Thiều ca vừa chuyển khúc
Sóng thiên hà ngân loang

Cựa quậy giọt tình
Vừng dương nhấp nhô
Bén hơi
TÌNH đọng

Bốn bề tinh cầu khua loạn
Rập rình
Em vừa nẩy
Anh vừa mênh mông

Xịch động tầng không
Ái ân nhịp này say mộng
Muôn trùng thế giới váng tâm tư
Luân hồi chuyển bước nào định trước
Nhịp mới chân tâm trót dẫm hờ

Hà Thủy Nguyên

*Viết khi xem “The Rite of Spring” của Igor Stravinski

“The Rite of Spring” (Le Sacre du printemps) là một vở ballet và bản giao hưởng của nhà soạn nhạc Nga Igor Stravinsky. Ngay từ lần đầu được biểu diễn vào ngày 29 tháng 5 năm 1913 tại Théâtre des Champs-Élysées ở Paris, vở ballet này đã trở thành một trong những tác phẩm biểu diễn nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20 với màn ra mắt đầy kích động và nổi loạn. Tác phẩm được chia thành hai phần: “The Adoration of the Earth” (Sự tôn thờ Đất Mẹ) và “The Sacrifice” (Sự hiến tế). Tác phẩm tái hiện các nghi lễ cổ xưa của văn hóa Slavic vào mùa xuân, bao gồm sự chào đón mùa mới và sự hiến tế thương tâm để đảm bảo sự màu mỡ cho mùa màng. Âm nhạc và vũ đạo phản ánh sự dã man, nguyên thủy và mạnh mẽ của các nghi lễ này. Buổi biểu diễn đầu tiên của “The Rite of Spring” đã gây ra một phản ứng gay gắt từ khán giả, với những tiếng la ó và bạo lực trong rạp hát lúc bấy giờ. Sự phức tạp và sự mới lạ của nhịp điệu, cũng như sự dữ dội và tính cách mạng của vũ đạo do Vaslav Nijinsky đạo diễn, đã khiến nhiều người không chấp nhận được. Tuy nhiên, theo thời gian, “The Rite of Spring” đã được công nhận là một kiệt tác, ảnh hưởng sâu rộng đến cả âm nhạc và ballet. Âm nhạc của Stravinsky cho vở này đã mở đường cho sự phát triển của âm nhạc hiện đại, với việc sử dụng những kỹ thuật mới mẻ trong việc sắp xếp nhịp điệu và hòa âm.

Bài thơ của tôi không phải là một sự tái hiện lại vở ballet bằng ngôn ngữ thơ ca, mà chỉ là một tứ thơ nảy lên khi xem lại vở ballet này. Tình yêu và những lạc thú của tình yêu, với tôi chính là sự hiến dâng đẹp đẽ nhất khi xuân về, một sự hiến dâng không mong cầu bất cứ đáp trả nào, nó thực sự rất khác sự hiên tế nhục dục để mưu cầu bội thu vật chất. 

 
Home 2021 Tháng Hai

Ni sư Jeong Kwan: “Tôi nấu thức ăn cho tâm trí”

Bạn là những gì bạn ăn, cũng như bộ quần áo nói lên con người bạn. Bạn cũng là những gì bạn tạo tác.

Đối với ni sư Jeoung Kwang, người được New York Times vinh danh là “đầu bếp triết gia”, sáng tạo các món ăn thể hiện “cấp độ thiền định”. Và với thiền định, bà không tĩnh tọa hay chiêm nghiệm, mà là khám phá: khám phá con người và vạn vật xung quanh.

“Tôi không phải đầu bếp”, Jeong Kwan cho biết trong cuộc phỏng vấn của Thời báo Hàn Quốc tại am của bà ở Chùa Baekyangsa phía nam tỉnh Jeolla ngày 29 tháng 5 năm 2017, khi được hỏi về biệt danh mà những người nước ngoài đặt cho bà. “Tôi là một người tu hành. Tôi bất biến. Đây là nơi tôi thuộc về”

Trà hoa sen của ni sư Jeong Kwan

Bà cũng phủ nhận những tin đồn rằng bà mở nhà hàng ở nước ngoài.

“Tôi không có năng lực và cũng chẳng quan tâm đến làm kinh tế. Nơi chốn của tôi là tại đây,” bà nói một cách cương quyết.

Jeong Kwan nổi tiếng cả ở trong và ngoài nước như một đạo sư về ẩm thực. Bạn đạt được sự công nhận của quốc tế sau khi được mời tới New York để nấu ăn cho một nhóm nhà báo tại nhà hàng Le Bernardin của đầu bếp ba sao Michelin, Eric Ripert. Sau khi các nhà phê bình ẩm thực tán dương những món của bà, tên bà đã được lan truyền. Vào tháng Hai năm nay (tức năm 2017), bà lần đầu được mời với tư cách là một ni sư tới Liên hoan phim quốc tế Berlin, nơi tập phim về bà trong TV series “Chef’s Table” được trình chiếu.

“Nếu đầu bếp nấu ăn cho cơ thể, tôi nấu ăn cho tâm trí”, Jeong Kwan nói.

“Thức ăn nhà chùa kết nối cơ thể và tâm trí, năng lượng vật lý và năng lượng tinh thần. Bởi vì điều này rất quan trọng trong thiền định, nó không nên trở thành cản trở. Ăn đồ ăn tốt rất quan trọng. Nó cần được nấu từ nguyên liệu đúng mùa, với sự giản đơn, và giảm thiểu tối đa gia vị”

Theo Jeong Kwan, thiền định bao gồm toàn bộ hành trình từ thu hoạch, nấu nướng và thưởng thức chúng.

“Con người tạo ra hương vị. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần biết phẩm tính của các nguyên liệu. Chúng ta cần biết khi nào một quả dưa chuột hay một quả cà tím vào độ ngon nhất. Chúng ta cần biết khi nào thu hoạch, làm sao để bảo quản, thái nó ra như thế nào, cho bao nhiêu muối thì đủ. Hương vị khác nhau ra sao khi ta cắt chúng với các kích cỡ khác nhau? Chúng ta cần liên tục quan sát cây cối và khám phá đặc tính tự nhiên của chúng”, Jeong Kwan giảng giải.

“Dưa chuột xuất xứ từ đâu, nó lớn lên như thế nào, nó đã qua miệng ta thế nào? Khi nó bị tiêu đi trong dạ dày của ta, chúng ta cần trồng lại những lô dưa chuột mới. Chúng ta sẽ làm thế bằng cách nào? Chúng ta sẽ ăn, tiêu hóa và tái tạo ra sao? Sự quan sát những nguyên liệu và trạng thái thiền định luôn song hành. Bạn càng thiền định nhiều, bạn càng khám phá nhiều.”

Cấp độ khám phá phụ thuộc vào độ sâu của thiền định.

“Giống như các đầu bếp tạo ra những vũ trụ trên đĩa của mình, sự thay đổi trong thức ăn chúng ta nấu phụ thuộc vào cấp độ thiền định”. Bà nói.

“Nếu một đầu bếp nấu nướng để kiếm sống, thật khó để sáng tạo. Nhưng khi chúng ta nấu nướng để thiền định, sự sáng tạo là vô hạn. Năng lượng hôm nay và năng lượng ngày mai khác nhau. Tri giác về thức ăn và nguyên liệu phụ thuộc vào sự trong sạch trong trái tim và tâm trí bạn.”

Thức ăn nhà chùa có thể mang đặc trưng cơ bản thuần chay, nhìn từ bên ngoài. Các thầy tu Phật giáo không ăn thịt hay sản phẩm bơ sữa. Họ hiếm khi ăn trứng, nhưng đó dường như là tất cả những gì có trong ẩm thực chay. Và như nhiều người đã biết, họ không ăn tỏi hay các loại gia vị bởi vì chúng mang đến năng lượng dư thừa gây kích thích cơ thể.

“Chúng tôi không ăn thịt bởi vì đức tin về tái sinh. Bò, lợn hay gà mà chúng ta giết có thể là bố mẹ, con cái hay bạn bè của ta. Cũng có thể là chúng ta khi chúng ta chết đi. Chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào vì những hậu quả từ việc giết hại chúng? Chúng ta sẽ làm gì với năng lượng tiêu cực được tạo ra trong quá trình đó?”

Nhưng điều đó không có nghĩa rằng thịt bị cấm hoàn toàn đối với những người theo đạo Phật.

“Có ba nguyên tắc cần tuân thủ khi tiêu thụ thịt: 1/ Bạn không tự giết thịt; 2/ Bạn không chọn từ khu chăn nuôi; 3/ Bạn không yêu cầu người khác giết động vật được nuôi cho bạn. Điều này có nghĩa là bạn có thể ăn thịt động vật đã bị giết và bán ở chợ.” Jeong Kwan nhắc nhở.

“Dù vậy, có nhiều cách để nạp protein và chất béo mà  không cần ăn thịt. Nó có nguồn gốc thực vật, như đậu, dầu được chiết xuất từ cây cối hoặc rau lên men. Khi rau tiếp xúc với nhiệt và không khí, chúng được chuyển hóa hoàn toàn về tính chất.”

Bữa ăn chay ni sư Jeong Kwan nấu tại Amsterdam

Trở thành một người ăn chay, dù sao đi nữa, không nên là một xu hướng hay một nguyên tắc, mà phải là một thứ gì đó thật tự nhiên để nó thành một phần trong bạn.

“Chế độ chay giúp một người quay lại với tự nhiên. Nó giúp con người tìm thấy tự tính của mình mà không hề bị biến dạng. Những người ăn chay thường có tính cách ôn hòa hơn”, bà cho hay.

“Đó là một chế độ ăn được khuyến khích nhưng mọi người nên quên đi thực tế rằng mình là người ăn chay. Họ không nên bị ám ảnh với các nguyên tắc. Nó phải đến một cách tự nhiên, và họ sẽ thích ứng với tự nhiên.”

Bà than thở rằng con người hiện đại đang đi ngược lại tự nhiên.

“Con người bị bệnh bởi vì Trái Đất đang bệnh. Họ cần tìm cách cứu Trái Đất và tự cứu chính mình. Họ cần khám phá logic của tự nhiên. Thực phẩm tự nhiên, đó là khỏe mạnh và hạnh phúc,” vị ni sư nói.

Bà khuyên thị dân hãy ra ngoài với tự nhiên để khám phá trật tự của nó.

“Họ cần phải ra ngoài dù chỉ một lần trong tuần hoặc tháng để trải nghiệm. Họ cần biết họ đang ăn gì. Thực phẩm chính là thuốc. Nếu bạn ăn đồ ăn đóng gói, nó không có tính năng chữa lành. Trước khi ai đó chọn lựa liệu rằng mình có nên ăn chay hay không, họ cần nhận thức rằng tại sao điều đó lại cần thiết.”

 Yun Suh-young

Hà Thủy Nguyên dịch

Home 2021 Tháng Hai

Vò đôi vần thơ

Ướt lạnh mi đêm sầu úa tóc
Bụi vàng lấm tấm tứ thơ bay
Chén trà đã nhạt tình chợt lặng
Chữ vò tâm nát bởi ai đây

Ai hay lưu vết hài cõi mộng
Cả một dòng sông tuột cõi mờ
Chân không chạm đất mây ôm ấp
Sóng lòng xô lệch tứ thơ trôi

Viễn cảnh xa xôi chân trời ảo
Lý tưởng cũng tàn tứ thơ tan
Chim ngàn bay lạc đêm hoang lạnh
Trầm cạn hương rồi ta bỗng phai

Còn ngày mai, thơ nhen mầm nơi tôi

Hà Thủy Nguyên

Home 2021 Tháng Hai

Mài bút đêm…

Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.

Đặng Dung

Vẩy chữ run đêm
Vẩn mây váng trời vừa xáo động
Vẫn ta đây, vẫn ta đây, ta đây
In bóng tường nam một vệt dầy
Nét thủy mặc phác sầu đêm nay
Vắng một điệu nhạc
Lặng một chòm thơ

Vuốt sợi mực dài bạc bi ai
Niềm đêm thăm thẳm kiếm ai mài
Trăng tà đâu nhỉ, hoa chợt rụng
Rũ nhàu cánh mỏng xác ai đau

Này là điệu cũ ta gượng gảy
Môi gượng nụ hoa hàm tiếu xuân
Lòng khô in bóng xưa vằng vặc
Cạn một dòng sâu tóc điểm màu

Bấm đốt thời gian đi lặng lặng
Sơn hà nhen khói trống vang vang
Ải xa hồn lính say trận cuối
Ngóng giời biến ảo lượt siêu sinh

Cành đào năm cũ thay hoa mới
Cả một mùa xuân cũng vừa thay
Vẩy vệt loang loang
Loang loáng bóng trăng trôi
Lịm một ánh đao hân nguội rồi.

Hà Thủy Nguyên

Home 2021 Tháng Hai

“Lịch sử các lý thuyết truyền thông”: thao túng hay khách quan?

Tôi muốn mượn cuốn sách “Lịch sử các lý thuyết truyền thông” (Armand & Michèle Mattelart – dịch giả Hồ Thị Hòa, Trần Hữu Quang hiệu đính) để trò chuyện đôi chút về vấn đề truyền thông (communication). Truyền thông trong suốt thế kỷ 20 đã đóng vai trò quan trọng ngang ngửa với năng lượng hạt nhân trong sự tác động đến thế giới và sức mạnh cũng như sức hủy diệt của nó vẫn chưa thực sự lường tính được.  Sự phát triển của các phương tiện truyền thông (media) một mặt vừa giúp con người giao lưu thuận tiện hơn, một mặt lại khiến nhân thức con người lạc lối trong bãi rác thông tin khổng lồ. Từ sự hỗn loạn này, các chuyên gia đã thi nhau “lập thuyết” để định hướng truyền thông xã hội vào một trật tự và vô tình lại gây ra những hỗn loạn khác.

Cuốn sách “Lịch sử các lý thuyết truyền thông” (Armand & Michèle Mattelart – dịch giả Hồ Thị Hòa, Trần Hữu Quang hiệu đính)

Từ giả định xã hội là một cơ thể

Thế kỷ 19, thế giới bắt đầu bước vào cuộc chạy đua truyền thông của báo chí, truyền thanh, nhiếp ảnh, điện thoại… đặt nền móng đầu tiên cho sự leo thang quyền lực ở thế kỷ 20 và sự bùng nổ của thế kỷ 21. Đây cũng là giai đoạn các học thuyết truyền thông được xây dựng. Theo sách “Lịch sử các lý thuyết truyền thông” thì những học thuyết truyền thông đều được xây dựng dựa trên giả định rằng “xã hội như một cơ thể, như một tập hợp các bộ phận đảm nhiệm những chức năng nhất định.” (trang 15).

Trong tiếng Pháp, “communication” không chỉ có nghĩa là giao tiếp như nghĩa phổ thông trong tiếng Anh mà hiện nay chúng ta vẫn quen thuộc, mà bao hàm cả nghĩa “giao thông”, “liên lạc” và “truyền thông”. Do đó, khi hai tác giả người Pháp bàn về các học thuyết truyền thông thì cũng xem xét đến vấn đề phương thức giao thông và liên lạc. Đương nhiên, truyền thông không tách rời yếu tố giao thông và liên lạc, hay nói một cách khác giao thông và liên lạc là thành tố nền tảng thúc đẩy sự phát triển của truyền thông.

Thế kỷ 19 là tiền đề cho truyền thông đại chúng.

Hai tác giả mở đầu thống kê những diễn ngôn liên quan đến truyền thông bằng nhận định của Adam Smith (1720 -1790) về vai trò của giao thông/liên lạc trong  tổ chức lao động tập thể ở các phân xưởng và cấu trúc không gian kinh tế. Theo Adam Smiths, trong xã hội thương mại tự do, sự phân công lao động và các phương tiện giao thông chính là nhân tố chủ chốt mang lại sự thịnh vượng và tăng trưởng. Tại nước Anh, một cuộc “cách mạng lưu thông” đã diễn ra trong lòng cuộc cách mạng công nghiệp. (trang 16)

Khác với Anh, Pháp là một quốc gia “trọng nông” và “duy ý chí” đang “loay hoay” tối ưu hóa không gian thương mại nội địa, họ đã lựa chọn lý thuyết hóa các vấn đề giao thông/liên lạc dựa hoàn toàn trên giả định về “thể thống nhất” của xã hội. Francois Quesney (1694 -1774) đã mô hình hóa sự vận động của thế giới kinh tế như “hệ tuần hoàn máu hai chiều trong cơ thể người”. Từ đó, John Stuart Mill (1806 – 1873) của Anh đã đưa ra dự đoán về “một mô hình điều khiển học về các lưu chuyển vật chất với các dòng lưu chuyển phản hồi (feedback) của tiền tệ xét như là thông tin”. Những khái niệm này đã kích thích  Charles Babbage (1792 – 1871) phác thảo những dự án cơ khí hóa hoạt động phân tích mà chúng ta biết đến ngày nay như tiền thân của những chiếc máy tính. (trang 17)

Một khái niệm khác được phát triển bởi Claude Henri de Saint Simon (1760 – 1825) là “xã hội mạng lưới” (trang 19). Với nhãn quan nhìn thế giới như những mạng lưới, các tín đồ của Saint Simon đã đua nhau tạo ra những mạng lưới vật chất và tinh thần: đường sát, nhà băng, công ty, hàng hải, thiết chế hòa bình… Nhãn quan “mạng lưới’’ này là đại diện cho tinh thần kinh doanh của nửa cuối thế kỷ 19. Kết hợp nhãn quan “lưu chuyển” của Quesney và “mạng lưới” của Saint Simon, Herbert Spencer (1820-1903)  đã đề xuất những tư tưởng về giao thông/liên lạc”  như một “hệ thống hữu cơ”.  Ông hình dung về một xã hội – cơ thể ngày càng cố liên kết chặt chẽ và hợp nhất, “các bộ phân ngày càng phụ thuộc lẫn nhau”, và do đó sự giao thông/liên lạc là thành tố căn bản của “bộ máy phân phối” (kết nối trung tâm tới ngoại vi) và “bộ máy điều hành” ( truyền bá ảnh hưởng của trung tâm). (trang 20)

Xã hội đại chúng & truyền thông đại chúng

Sự gia tăng đông đúc dân cư tại các đô thị và các khu vực công xưởng đã tạo ra tầng lớp thị dân mới và được định danh bằng cái tên “đại chúng” (mass), đi kèm với nó là những phương tiện truyền thông đại chúng. Đại chúng hay đám đông luôn bị xem như “mối đe dọa thực sư hay tiềm ẩn đối với toàn bộ xã hội”, và đây là cái cớ để chính quyền thiết lập cơ chế kiểm soát bằng tư pháp và đo lường. Trong đó, khoa học về sự đo lường xã hội đóng vai trò quan trọng trong tính toán xác suất và quá trình duy lý hóa truyền thông đại chúng. Thuyết “con người trung bình” được đưa ra bởi nhà toán học người Bỉ Adolphe Quételet (1796-1874) đã được ứng dụng rộng rãi để đo lường trong mọi lĩnh vực. (trang 27-28)

Bên cạnh đó, tâm lý đám đông, qua lý thuyết của các chuyên gia như nhà xã hội học người Ý Scipio Sighele và bác sĩ tâm thần học người Pháp Gustave Lebon được đồng nhất với “các bạo lực tập thể của tiện dân”. Có thể nói, họ đã thay thế sự nghiên cứu tâm lý cá nhân bằng sự “ngoại suy” về tập thể với những giả định rằng đám đông hay đại chúng dễ bị lây nhiễm, bị dẫn dắt bởi các ảo tưởng giống như những “người mộng du”. (trang 30-31)

Ngược lại với cách nhìn nhận này Gabriel Tarde (1843 – 1904), một vị pháp quan, cho rằng một cá nhân không phải chỉ thuộc về một đám đông mà cùng lúc thuộc về nhiều đám đông, hay còn gọi là các nhóm công chúng. Như vậy, thay vì kêu ca về sự hung bạo của đám đông, các cá nhân cần được xem xét cùng một lúc trong quan hệ của những nhóm công chúng khác nhau.

Đặc biệt, phân tâm học của Sigmund Freud (1856 – 1939) với những nghiên cứu về chứng nhiễu tâm khi một người cố hòa hợp với đám đông thực sự đã làm thay đổi cái nhìn về đám đông. Đám đông – đại chúng không còn là một khối điên loạn và hung bạo, mà là các tập hợp nhiều cá nhân cố tìm cách tương tác với những người xung quanh mình. (trang 32-33)

Tới đây, tôi nghĩ rằng dường như tính đám đông hay tính đại chúng mà không ít người vẫn tỏ ra miệt thị tại Việt Nam cần phải được xem xét nghiêm túc. Có hay không một đám đông thống nhất? Con người cá nhân vùng vẫy như thế nào trong cộng đồng nơi họ phải tương tác? Để vừa lòng đám đông quanh mình, con người có thể mắc những chứng bệnh tâm thần nào? … Một loạt những câu hỏi ấy có thể gợi cho chúng ta những nghi vấn lớn về vai trò thực sự của truyền thông đại chúng. Liệu truyền thông đại chúng sẽ coi người dân như một tập thể ngu dốt cần được dẫn dắt bằng loại ảo giác nào đó, hay truyền thông đại chúng sẽ đảm bảo tính đa dạng của các nhóm cá nhân với nhiều đặc tính khác nhau? Và “con người trung bình” liệu có phải trở thành một mô hình tiêu chuẩn với các chỉ số áp đặt lên đám đông đồng thời gạt bỏ tính cá biệt của cá nhân nằm trong đám đông ấy?

Thế kỷ 20, với các phương tiện đại chúng, truyền thông đại chúng thực sự nở rộ.

Tại Mỹ, đất nước non trẻ nhưng lại có ngành công nghiệp vững chắc và lượng dân đông đúc tập trung ở các đô thị, vấn đề nghiên cứu và vận dụng truyền thông đại chúng trở nên thiết yếu hơn so với Châu Âu. Trường phái Chicago, mà đại diện quan trọng nhất là Robert Ezra Park (1864 – 1944), với phương pháp sinh thái học nhân văn có nền tảng từ giả định thành phố như “phòng thí nghiệm xã hội” và như một “trạng thái tinh thần” (theo quan niệm của Georg Simmel) đã khảo sát sự tương tác của dân nhập cư và các cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa tại Mỹ để đặt ra các câu hỏi về chức năng đồng hóa của báo chí nói riêng và các phương tiện tuyên truyền xã hội và quảng cáo cộng đồng. Theo trường phái Chicago, truyền thông đóng vai trò như một phần quan trọng cấu tạo nên cấu trúc văn hóa của cộng đồng, bởi vì truyền thông vừa mang tính điều tiết các quan hệ xã hội lại vừa tạo ra sự kết nối cá nhân với xã hội. (trang 36-37).

Hai cuộc Thế chiến lần I và lần II mà trong đó truyền thông đóng vai trò như chất dẫn thiết yếu của chiến tranh. “Các phương tiện truyền bá thông tin là công cụ không thể thiếu cho việc chính phủ quản lý các luồng dư luận, dư luận của nhân dân các nước đồng minh cũng như của người dân các nước đối địch…“(trang 45) Do đó, thế kỷ 20 chứng kiến một cuộc chạy đua phương tiện truyền thông chóng mặt bởi vì truyền thông là chiến lược dễ thu phục đám đông và “tiết kiệm hơn so với bạo lực hay tham nhũng”. Những cuộc chiến dư luận trong chiến tranh làm sống lại nỗi ám ảnh về đám đông ngu dốt và hung bạo mà LeBon nhắc đến. Từ đó, nghiên cứu về ngành truyền thông đại chúng trở thành một phong trào tại Mỹ, đánh dấu bằng sự ra đời của Tạp chí The Public Opinion Quartely – tạp chí đại học đầu tiên về truyền thông đại chúng (trang 49).

Cuộc chiến truyền thông song song với cuộc chạy đua vũ khí chính là là đối tượng của Harold Lasswell. Trong tác phẩm “ World Politics and Personal” – (Các nền chính trị thế giới và sự mất an toàn cá nhân), ông đã gợi ý các chỉ mục để nhận diện các “xu hướng” trong khảo sát The World Attention thuộc tạp chí The Public Opinion Quartely, nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách.  (trang 48-49). Lasswell còn đưa ra công thức: Ai nói gì? Bằng cách nào? Cho ai? Hiệu quả ra sao? “Công thức này đã khiến Lasswell trở nên nổi tiếng và là một công thức có vẻ như không còn có gì mơ hồ nữa, và qua đó, vào năm 1948, Lasswell đã trang bị một bộ khung khái niệm cho môn xã hội học chức năng luận về các phương tiện truyền thông đại chúng, một bộ môn mà cho đến lúc đó, chỉ có một loạt các cuộc khảo sát mang tính chất chuyên khảo” với “phân tích sự kiểm soát”, “phân tích nội dung”, “phân tích các phương tiện truyền thông và thiết bị”, “phân tích khán thính giả”, “phân tích hiệu quả”(trang 50). Trong đó, phân tích hiệu quả và phân tích nội dung  được ưu tiên bởi chúng “mang lại cho nhà nghiên cứu các yếu tố có khả năng định hướng sự tiếp cân đối với công chúng”. Xu hướng này ngày càng gia tăng trong xã hội hiện đại bởi nhu cầu lượng hóa hiệu quả của một chiến dịch tuyên truyền hay quảng cáo là tối quan trọng đối với chính phủ và doanh nghiệp. Theo Lasswell, truyền thông đảm nhiệm 3 chức năng chủ yếu trong xã hội học bao gồm:

  • Thứ nhất: “giám sát môi trường xung quanh bằng cách phơi bày tất cả  những gì có thể đe dọa hay làm ảnh hưởng đến hệ thống giá trị của một cộng đồng hay các thành phần tạo nên cộng đồng đó”.
  • Thứ hai: “kết nối các thành tố xã hội nhằm tạo ra sự phản ứng đối với môi trường xung quanh.”
  • Thứ ba: “lưu truyền di sản của xã hội”

(trang 52)

Một chức năng mới đã được bổ sung bởi hai nhà xã hội học Paul F. Lazarsfeld (1901 – 1976) và Robert K.Merton là “giải trí”. Với chức năng này, khung chức năng của truyền thông trở nên phức tạp hơn khi họ nhận diện ra sự hình thành của các “phản chức năng” hay có thể hiểu là nảy sinh khả năng gây rối loạn chức năng. Chẳng hạn như hiệu ứng “ru ngủ” của phương tiện truyền thông đại chúng làm “nảy sinh sự thờ ơ vô cảm về mặt chính trị của các khối dân chúng rộng lớn”. (trang 52-53) Phương pháp “điều tra lập lại trên cùng một mẫu để khảo sát các giai đoạn kế tiếp nhau của quá trình ra quyết định” (trang 64) của Lazarsfeld và các đồng nghiệp đã được ứng dụng trong phân tích tác động của truyền thông đến ứng xử của người tiêu dùng trong các lĩnh vực thời trang, giải trí và phim ảnh. Những nghiên cứu kiểu này cho thấy “truyền thông như một tiến trình bao gồm hai giai đoạn mà vai trò của những người lãnh đạo dư luận nổi lên một cách quyết định” :

  • Cấp độ 1: tiếp xúc thông tin trực tiếp ở các kênh truyền thông nên tiếp nhận tin tương đối tốt.
  • Cấp độ 2: tiếp xúc với thông tin qua nguồn trung gian do không tiếp xúc trực tiếp với kênh truyền thông tin.

(trang 61)

Sự khám phá ra các nhóm sơ cấp trung gian đã giúp Kurt Lewin (1890 – 1947) khảo sát về “quyết định của nhóm” và “hiện tượng của người lãnh đạo” cũng như các “phản ứng của mỗi thành viên trong nội bộ trước một thông điệp được truyền thông theo những con đường khác nhau”. Nhóm ở đây có thể hiểu như tập hợp các cá nhân quần tụ ví dụ như gia đình, lớp học, câu lạc bộ, nhân sự lao động, quân đội… và nhóm chịu sự tác động chính của cá nhân lãnh đạo chính thống hoặc phi chính thống, được ông gọi là “người gác cổng”. Những khảo sát của Lewin nhằm mục đích xây dựng các quy tắc về thuyết phục và vận động quần chúng trong đó có đề cập đến cách làm thay đổi vân hành tâm lý của cá nhân rồi dẫn dắt cá nhân hành động theo mục đích của người phát ra thông điệp. (trang 69-70).

Ngoài ra, sự xuất hiện của lý thuyết hệ thống vào năm 1933 nhờ vào công trình “Modern Theories of Development” (Những lý thuyết hiện đại về sự phát triển’ của nhà sinh học Ludwig von Bertalanffy đã củng cố thêm cho nhãn quan nhìn truyền thông như công cụ để tác động đến đại chúng. Lý thuyết hệ thống tham vọng hiểu được “tính tổng thể và những mối tương tác giữa các yếu tố” và “tính phức tạp của các hệ thống xét như là những tổng thể năng động có các mối liên hệ đa dạng và luôn thay đổi.” (trang 82). Ngành khoa học chính trị là ngành đầu tiên ứng dụng lý thuyết hệ thống vào nghiên cứu các vấn đề của truyền thông đại chúng để lý giải “hệ thống ứng xử” của các cá nhân đối nỗ lực đối phó và điều chỉnh hệ thống cũng như hệ thống tìm cách chế ngự. Dần dần hình thành trường phái nghiên cứu truyền thông theo lý thuyết hệ thống.

Giữa cuộc chạy đua các “phép thuật truyền thông” nhằm biến các cá nhân thành cỗ máy hoàn thành các chức năng, một tiếng nói mang tính ly khai đã được cất lên bởi C.Wright Mills (1916 – 1962). Tiếng nói của ông đánh dấu cuộc nổi dậy của diễn ngôn khác về truyền thông tại các trường đại học, trong đó Mills vạch trần “tam giác độc quyền” (bao gồm Nhà nước, quân đội và doanh nghiệp độc quyền) sử dụng truyền thông như công cụ kiểm soát xã hội.

Vào những năm 80s, nhà canh tân Everett Rogers đã đưa ra định nghĩa về truyền thông “như một sự “hội tụ”, “một tiến trình trong đó người tham gia sáng tạo và chia sẻ thông tin nhằm đạt đến một sự thông hiểu lẫn nhau”. Ông đề xuất thay thế mô hình truyền bá luận kiểu cũ bằng sự phân tích mạng lưới truyền thông bao gồm “các cá nhân nối kết vưới nhau thông qua dòng truyền thông được cấu trúc.” Mô hình này đòi hỏi sự xác định:

  • Nhóm tương tự nhau, hay còn được gọi là bè nhóm
  • Các cá nhân – cầu nối kết nối giữa các bè nhóm với nhau
  • Các cá nhân – kết nối không thuộc bất cứ nhóm nào.

(trang 211)

Nhưng, trên thực tế, mô hình mạng lưới của Rogers chỉ là sự làm mờ đi những chia rẽ sâu sắc trong xã hội và sự hi vọng vào một cách nhìn hài hòa về xã hội.

Phát triển tiếp ý tưởng của Rogers, Bruno Latour và Michel Callon thuộc Trung tâm xã hội học về sự canh tân tại Trường mỏ ở Paris đã “phác thảo một lối đặt vấn đề mạng lưới” bằng cách đề xuất mô hình “dịch thuật”, tức là “đặt những yếu tố dị biệt vào trong mạng lưới, thông qua việc dịch thuật, các yếu tố dị biệt được nắm bắt và được đưa vào một hệ thống tương thuộc.” Ông đề xuất các nhà canh tân phải liên kết với nhau về phát ngôn để tạo ra chuỗi liên minh mới mà bất cứ ai bước vào đó đều cảm thấy khả tín. (trang 214)

Xu hướng “hậu hiện đại” cũng được hai tác giả đề cập đến một cách ngần ngại đúng như tính chất phức tạp của xu hướng này. Mặc dù yếu tố “hậu hiện đại” xuất hiện nhiều trong nghệ thuật và văn hóa nhưng sự hình thành “xã hội hậu hiện đại” vẫn đang ở trong sự tranh cãi không phân định và mù mờ. Các nhà lý thuyết hậu hiện đại thường bám vào sự phát triển của công nghệ thông tin để lý giải cho sự đổ vỡ của các đại tự sự, khủng hoảng của các lý thuyết lớn, khủng hoảng của các diễn ngôn về chân lý, trò chơi ngôn từ và trí tuệ tập thể…

Khi thông tin có thể đo đạc

Với sự bùng nổ không thể kiểm soát của các phương tiện truyền thông, vấn đề nghiên cứu về bản chất của thông tin và cách thông tin được truyền đi cũng đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà toán học và tín hiệu học. Lý thuyết thông tin đã đưa ra những nhận thức mới về truyền thông và tách truyền thông khỏi các chức năng chính trị để khảo sát một cách độc lập bản chất sự lan truyền của thông tin.

 Claude Elwood Shannon, vào năm 1948 đã công bố chuyên khảo có tựa đề “The Mathematical Theory of Communication” (Lý thuyết toán học về truyền thông), trong đó đề xuất “hệ thống truyền thông tổng quát”. Theo ông truyền thông là “tái hiện lại ở một điểm nào đó, một cách chính xác hoặc gần chính xác, một thông điệp đã được lựa chọn ở một điểm khác”. Qúa trình thông tin được truyền đi là một chuỗi bao gồm các thành tố:

  • Nguồn (thông tin) sản sinh ra thông điệp
  • Thiết bị mã hóa hay phát tin giúp truyền thông điệp
  • Thiết bị giải mã hay nhận tin, giúp tái dựng lại thông điệp từ các tín hiệu
  • Đích là người hay vật mà thông điệp được chuyển tới

(trang 76,77)

Trong quá trình truyền tin có sự xuất hiện của Ồn hay còn gọi là nhiễu, ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhân thông tin chính xác. Từ lý thuyết của Shannon, các nhà xã hội học đã vay mượn các khái niệm của ông như “thông tin”, “truyền tin”, “mã hóa”, “giải mã”, “tái mã hóa”, “tiếng ồn gây nhiễu”, “tự do lựa chọn”. Và cũng từ lý thuyết thông tin của Shannon, ý thức về tính trung tính của nguồn phát tin và đích nhân tin mới được quan tâm.

Cũng vào năm 1948, người thầy của Shannon, Norbert Wiener, đã xuất bản cuốn “Cybernetics or Control and Communication and Machine” (Điểu khiển học hay sự kiểm soát và truyền thông ở động vật và máy móc. Trong tác phẩm của mình, Wiener đã tiên đoán về xã hội thông tin mà thông tin chính là nguyên liệu mới. Ông cũng cảnh báo về rủi ro của sự lệch lạc của xã hội này bằng khái niệm entrôpi – “xu hướng tự nhiên có khuynh hướng phá hủy trật tự và thúc đẩy sự thoái hóa sinh học và tình trạng mất trật tự của xã hội”. Ông viết như sau: “Khối lượng thông tin trong một hệ thống là thước đo mức độ của tổ chức, còn entropy là thước đo mức độ tan rã tổ chức, cái này là mặt trái của cái kia”. Xã hội thông tin theo như Wiener, không tương thích trong tình trạng bị phong tỏa thông tin hay bất bình đẳng trong tiếp cận thông tin. Ông không ngại tố cáo: “cái hệ thống vốn cần phải góp phần vào sự cân bằng nội môi xã hội hơn bất cứ hệ thống nào khác thì nay đã rơi vào tay những kẻ chỉ bận tâm đến quyền lực và tiền bạc”. (trang 87-88)

Kết hợp lý thuyết của Norbert Wiener và lý thuyết thông tin của Shannon, Abraham Moles (1920 – 1992), kỹ sư và nhà toán học đã đưa ra một định nghĩa truyền thông là “hành động đưa một tổ chức hay một hệ thống ở một điểm R tham giao vào các trải nghiệm (Errfahrungen) và các kích thích (stimuli) của môi trường của cá nhân khác hay một hệ thống vốn đang ở trong không gian khác và một thời gian khác, bằng sử dụng những yếu tố tri thức mà cả hai phía cùng có chung”. Định nghĩa này là nền tảng của ngành sinh thái học truyền thông, ngành khoa học về sự tương tác giữa các “loài truyền thông” khác trong bên trong một lĩnh vực. Hệ sinh thái có hai nhánh:

  • Nhánh 1: Coi cá thể như một đơn vị, quan tâm tới tương tác của cá thể trong phạm vi thơi gian và không gian.
  • Nhánh 2: Liên quan tới tổ chức các hệ thống giao dịch giữa các cá thể và quá trình lưu trữ các giao dịch này trong kho lưu trữ và thư viện.

(trang 85-86)

Từ mô hình phản hồi vòng tròn của Wierner, trường phái Palo Alto hay còn gọi là trường phái vô hình đã phát biểu rằng “cần phải trả lại lý thuyết toán học cho các kỹ sư viễn thông vốn là những người đã khám phá ra chúng, và truyền thông cần phải được nghiên cứu bởi các ngành khoa học nhân văn bằng cách xây dựng mô hình riêng cho nó.” Cụ thể, trường phái Palo Alto hình dung trong các tình huống giao tiếp đơn giản cũng phải đặt trong bối cảnh đa dạng, trong đó bên nhân tin cũng quan trọng như bên phát tin. Họ cố gắng giải thích một “tình huống tương giao toàn cầu” chứ không phải các biến số được trích xuất riêng lẻ. Trường phái vô hình dựa trên 3 giả thuyết:

Giả thuyết 1: “Bản chất của truyền thông nằm trong các quá trình liên hệ và tương giao”

Giả thuyết 2: “Mọi hành xử của con người đều có một giá trị truyền thông”

Giả thuyết 3: “Sự rối loạn tâm bệnh đều là dấu hiệu của những rối loạn truyền thông giữa cá nhân mang triệu chứng đó với những người xung quanh”

Như vậy theo trường phái này, truyền thông không chỉ là “một sự kiện biệt lập và một hành vi ngôn từ có ý thức và tự nguyện” mà còn là “một tiến trình xã hội đang tiếp dẫn, bao hàm nhiều phương thức ứng xử như lời nói, cử chỉ, nét mặt, không gian liên cá nhân”. Từ đó, họ quan tâm nhiều đến cử chỉ và không gian liên cá nhân, chứng minh rằng “những trục trặc trong cách cư xử của con người chính là những dấu hiệu phản ánh môi trường”.

Trong khi ấy, Stuart Hall nhà xã hội học da màu trong bài báo “Encoding/Decoding” (Mã hóa/Giải mã) được viết năm 1973 đã chia quá trình truyền thông thành 4 giai đoạn khác nhau bao gồm: Sản xuất -> Lưu thông -> Phân phối/Tiêu thụ -> Tái sản xuất. Trong đó, công chúng và là đối tượng tiếp nhân thông điệp lại đồng thời là nguồn phát, bởi vì, nguồn sản xuất cũng phải đáp ứng khả năng giải mã của công chúng trong quá trình truyền tin. Ông chia ra 3 loại hình giải mã:

  • Thống trị: Hiển nhiên có do trật tự xã hội.
  • Đối đầu: Xuất hiện khi gặp thế giới quan đối nghịch
  • Thương thảo: Pha trộn giữa yếu tố đối lập và thích nghi

(trang 146, 147)

Sự ra đời và phát triển của ngành khoa học tri nhận (cognition science, thường được dịch là khoa học nhận thức) có nền tảng từ sự kết hợp của toán học trong vân hành của thần kinh và lập luân, các lý thuyết truyền thông. Khoa học nhận thức coi trí thông minh giống như chiếc máy tính phân tích tất cả các hệ thống biểu trưng mà nó tiếp nhận, còn bộ não giống như thiết bị xử lý thông tin “phản ứng có chọn lọc đối với môi trường, đối với thông tin đến từ ngoại giới”. Khoa học nhận thức là nền tảng cho sự xây dựng các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) với đầu vào (inputs) tiếp nhân thông tin từ môi trường và tương tác với bên ngoài (outputs). (trang 216-217) Hai tác giả của cuốn sách tỏ ra lo ngại với nhãn quan của ngành khoa học nhận thức khi “đơn giản hóa” não bộ của con người thành một loại cơ giới, dần dần dẫn đến sự sinh học hóa xã hội tức là lại coi xã hội như một cơ thể, và lẽ tất yếu dẫn đến xu hướng ủng hộ thuyết tân tự do với mục đích tối đa hóa lợi nhuận. (trang 220)

Tương tác giữa văn hóa và truyền thông

“Khi đối diện với yêu cầu phải đo lường văn hóa, tôi đã thấy rằng văn hóa lẽ ra phải là điều kiện loại bỏ một lối tư duy có khả năng đo lường nó”

Đây là phát ngôn trong năm 1969 của nhà nghiên cứu âm nhạc đồng thời là triết gia Theodore Adorno (1903 – 1969). Ông phê phán truyền thông đại chúng đã biến văn hóa trở thành một phần của truyền thông đại chúng. Cụ thể, ông chỉ trích địa vị của nghệ thuật trong xã hội mà truyền thông đại chúng chi phối, trong đó nghệ thuật đóng vai trò tạo ra “thứ hạnh phúc ngụy tạo”. Nền công nghiệp văn hóa đã dẫn tới “sự thất bại của văn hóa và biến nó thành hàng hóa”. Nhận định này đến từ nhãn quan gắn nghệ thuật với sứ mệnh thiêng liêng nào đó của Adorno và những người theo xu hướng của ông.

Nhãn quan đã trở nên lỗi thời khi so sánh với nhân định của Walter Benjamin (1892 – 1940) thuộc trường phái Frankfurt. Trước những phát ngôn đổ lỗi cho nền công nghiệp văn hóa và truyền thông đại chúng làm suy đồi văn hóa, Benjamin đã chỉ ra rằng quá trình sản xuất công nghiệp hóa với phương thức tái sản xuất có vai trò trọng trong các ngành nghệ thuật mới như điện ảnh. Và thứ thực sự làm tổn thương đến nền văn hóa không phải là việc vận dụng phương thức tái sản xuất của công nghiệp mà là “mục tiêu sinh lợi về mặt kinh tế và kiểm soát xã hội.” (trang 103)

Thế giới được kỹ thuật hóa trong suốt thế kỷ 19 và 20 đã hình thành nên thứ “lý tính kỹ thuật” và “lý tính công cụ” gây ra những khuôn khổ áp đặt lên con người, “quy giản diễn ngôn và tư duy vào một chiều kích duy nhất, khiến cho sự vật trùng khớp với chức năng của nó, hiện thực trùng khớp với vẻ bề mặt nó của , bản chất trùng khớp với sự tồn tại”. Tác phẩm “L’Homme unidimensional” (Con người một chiều) của nhà triết học Herbert Marcuse (1898 – 1979) đã làm rõ vấn đề này. (trang 105) Từ tác phẩm của Adorno cho đến Marcuse, ta thấy dấy lên mối lo ngại về vấn đề công cụ hóa các cá nhân.

Trong bầu không khí lo ngại này, trường phái Frankfurt  đã đề cập đến “không gian công” như một không gian để trao đổi quan điểm giữa các cá nhân với nhau. Tác giả đề cập đến vấn đề này là Jurgen Habermas, một triết gia người Đức. Ông quan tâm đến “tính công khai” và làm thế nào để “công luân có thể biết những yếu tố thông tin mà mọi người đều quan tâm.” Habermas cũng như Marcuse và Adornor đều tỏ ra quan ngại trước tình trạng “chế tạo ý kiến” phục vụ mục đích thương mại hoặc chính trị, khi các cá nhân bị biến thành người tiêu dùng, bị định hướng theo các tiêu chuẩn xã hội và bị lái hướng theo các chiến dịch tung hô một cách cảm tính. Họ coi đó là sự “tái phong kiến hóa xã hội”. (trang 107,108)

Chỉ đến khi Daniel Bell với những phê phán trong tác phẩm “The end of ideology: On the Exhaustion of the Political Ideas in Fifties” (Kết thúc của ý thức hệ: Về sự kiệt quệ của các Ý tưởng Chính trị trong thập niên 50s) chỉ ra nghịch lý của những người phê phán xã hội công nghiệp nhưng vẫn là nhân tố của nền công nghiệp văn hóa và tác động tạo ra xã hội ấy. Từ đó, Bell đưa ra khái niệm “xã hội hậu công nghiệp” – một xã hội được xây dựng dựa trên công nghệ tri thức và công nghệ thông tin, vốn được xem là “nguyên liệu của tương lai.” (trang 112)

Sự phân tầng văn hóa cũng được đặt ra trong bối cảnh truyền thông đại chúng ngày càng có vị thế cao. Từ thế kỷ 19, học giả người Anh Matthew Arnold (1822 -1888) ra sự phân cấp văn hóa bao gồm thanh nhã – tầm thường – dung tục. Sự lên ngôi của văn hóa tầm thường và văn hóa dung tục nhằm phục vụ mục đích thương mại ở thế kỷ 20 đã khiến cho các nền văn hóa truyền thống (bao gồm cả văn hóa dân chúng và văn hóa tinh hoa) bị đe dọa. Trào lưu chống lại sự ảnh hưởng của tính thương mại trong truyền thông đại chúng này được gọi bằng cái tên Nghiên cứu văn hóa (Cultural Studies).  Trào lưu này phát triển dựa trên những công trình phê bình văn học của Frank Raymond Leavis (1895 – 1978) với mục đích chủ chốt là giúp các cá nhân nhận diện xã hội máy móc với những “tiểu thuyết xà phòng, “lao động tha hóa”, “quảng cáo ngu xuẩn” đã làm “u mê” con người như thế nào. Cùng với Leavis, một loạt các học giả khác cũng lên tiếng cảnh báo về sự hủy hoại của truyền thông đại chúng khi được sử dụng cho mục đích thương mại. (trang 136 – 137) Trường phái Birmingham đã kết hợp lý thuyết của trường phái Chicago và trường phái Frankfurt cùng các lập luân của Leavis để xây dựng nên hệ thống nghiên cứu truyền thông liên ngành và nối kết các công trình nghiên cứu của mình với phong trào xã hội, đặc biệt là phong trào nữ quyền. (trang 144)

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, truyền thông đại chúng được nhân rộng và gây nên tình trạng  trao đổi văn hóa bất bình đẳng và gia tăng sự phụ thuộc văn hóa. Mạng lưới truyền thông thực sự đã là một phần của mạng lưới thương mại toàn cầu và phơi bày tính “hướng tâm” của thế giới đã được sắp xếp theo trật tự thứ bậc dựa trên tiến bộ của phương tiện sản xuất. Một lĩnh vực mới được hình thành – truyền thông quốc tế đã hình thành nhằm nghiên cứu sự bất bình đẳng trong giao lưu văn hóa. Tác phẩm “Mass Communication and American Empire”(Truyền thông đại chúng và đế quốc Mỹ) của Herbert Schiller đã mở đầu cho chuỗi công trình nghiên cứu mối liên hệ của tổ hợp công nghiệp – quân sự với truyền thông đại chúng. Schiller tố cáo:

“Toàn bộ các quá trình thông qua đó một xã hội được đưa vào trong hệ thống thế giới hiện đại, và cách thức mà tầng lớp lãnh đạo của xã hội đó, do bị quyến rũ, bị áp lực, bị cưỡng ép hay bị mua chuộc, đã đi đến chỗ rập khuôn các định chế xã hội nhằm làm cho chúng thích ứng hoặc cổ xúy các giá trị và các cấu trúc của trung tâm thống trị của hệ thống đó.” (trang 154)

Nối tiếp Schiller, rất nhiều các nghiên cứu về điện ảnh, công cụ quảng cáo, dòng chảy tin tức… của nhiều nhà nghiên cứu truyền thông đã chỉ ra rằng tồn tại sự lệ thuộc văn hóa của nhiều quốc gia vào Mỹ do những chiến dịch thâm nhập thị trường bằng truyền thông đại chúng. Ở Mỹ Latin, để cưỡng lại sự áp bức văn hóa từ văn hóa Mỹ, các học giả đã đề xuất xu hướng truyền thông dân gian thông qua sự coi trọng hoàn cảnh của người học và mối liên hệ với các tổ chức dân gian. (trang 157,158). Tiếp đó, UNESCO đã trở thành  nơi thể hiện chủ yếu cuộc tranh luân về “sự mất cân bằng giữa các luồng thông tin và những sự trao đổi thông tin”.

Đối ngược với xu hướng của Schiller, xu hướng gắn truyền thông với mục đích kinh tế chính trị coi văn hóa như một loại hàng hóa và hàng hóa cũng chính là văn hóa. Việc sử dụng máy móc truyền thông đã trở thành tập quán và “mệnh lệnh kỹ thuật đã làm thay đổi xã hội”. Những diễn ngôn này được đưa ra bởi Marsshall McLuhan. Khái niệm “toàn cầu” như một tổng thể đã hình thành và được đồng nhất trong hình dung về thế giới, thay thế hoàn toàn cho khái niệm “đế quốc” vốn được dùng để chỉ mối quan hệ của Mỹ với phần còn lại của thế giới. (trang 166,167,168).

Xem xét qua góc nhìn ngôn ngữ

Thông điệp là yếu tố then chốt trong truyền thông, nên chắc chắn sự tham gia của các nhà ngôn ngữ trong nghiên cứu về truyền thông là tất yếu. Ferdinand de Saussure (1857 -1913), từ đầu thế kỷ 20 đã coi ngôn ngữ là một “định chế xã hội” và lời nói là một “hành vi cá nhân”.  Do đó, nghiên cứu  ngôn ngữ học là nghiên cứu các quy tắc ký hiệu ngôn ngữ và cách chúng sản sinh ra nghĩa trong đời sống xã hội. Đảm nhiệm những hình dung về ngôn ngữ học mà Saussure đưa ra, Roland Barthes (1915-1980) đã đưa ra 4 đề mục để sắp xếp tất cả các yếu tố của ngôn ngữ từ lời nói, cử chỉ, âm thanh, đồ vật được dùng theo nghi thức, nghi lễ…, bao gồm:

  • Ngôn ngữ và lời nói
  • Cái biểu đạt và cái được biểu đạt
  • Hệ thống và ngữ đoạn
  • Nghĩa trực chỉ và nghĩa biểu đạt

Trong đó hai đề mục quan trọng nhất là “cái biểu đạt và cái được biểu đạt” cùng với “nghĩa trực chỉ và nghĩa biểu đạt”. Bởi những yếu tố vượt ra ngoài ngôn ngữ và lời nói có tác động lớn đến nhân thức của đại chúng hơn rất nhiều. Trong tác phẩm “Những huyền thoại” của Barthes, thế giới quảng cáo được mô tả như thế giới của các “huyền thoại” khi các chiến dịch quảng cáo tạo ra các biểu tượng mới nhằm thu hút đám đông. Tác phẩm này đã mở đường cho phương pháp ký kiệu học mà các nhà nghiên cứu văn hóa đại chúng như Edgar Morin, George Friedman… hay các nhà công nghiệp quảng cáo đều ứng dụng.

Với vai trò quan trọng của ngôn ngữ trong truyền thông, nhà nước sớm ý thức được tính thiết yếu của sự kiểm soát. Trong một bài báo đăng trên tạp chí La Panseé (Tư tưởng) có tên “Ý thức hệ và các bộ máy ý thức hệ của nhà nước”, Louis Althusser (1918 – 1990) đã phân tích sự đối lập của “các công cụ trấn áp của nhà nước (cảnh sát, quân đội), những công cụ thực hiện hiện chức năng cưỡng chế trực tiếp, với các bộ máy thực hiện các chức năng ý thức hệ. Trong đó, các bộ máy thực hiện chức năng ý thức hệ bao gồm trường học, giáo hội, các phương tiện truyền thông đại chúng, và có thể là cả gia đình… đóng vai trò “trấn an, đảm bảo sự kéo dài độc quyền của bạo lực biểu tượng, thứ bạo lực diễn ra trên bình diện tinh thần, bằng cách che giấu sự võ đoán của thứ bạo lực ấy dưới tấm màn che của một tính chính đáng”. (trang 124) Cùng lúc ấy, Pierre Bourdieu cũng phân tích các “tập quán văn hóa” – thứ “góp phần vào quá trình tái sản xuất ra một trật tự xã hội đã được thiết lập với những sự bất bình đăng của nó”. Khi phân tích cách sử dụng máy ảnh trong xã hội, ông đã chứng minh rằng “tập quán giải trí tưởng như không liên quan đến mã tư tưởng thống trị có vẻ như mang lại một cơ hội cho sự thể hiện tự do cá nhân, thực ra lại chứng tỏ sự thống trị của những mã xã hội và những quy ước xã hội.” (trang 125)

Michel Foucault (1926 -1984) đã đi xa hơn trong phương thức thực thi quyền lực trong tác phẩm “Surveiller et Punir” (Kiểm soát và Trừng phạt) xuất bản năm 1975. Ông phân loại 2 hình thức giám sát xã hội:

Một là “kỷ luật – phong tỏa”, tức những cấm đoán, hàng rào, tôn ti thứ bậc, phân cách, đứt đoạn truyền thông…

Hai là “kỷ luật – cơ chế”, tức là những kỹ thuật kiểm soát phức tạp và chồng chéo một cách mềm dẻo bằng cách quá trình nội tâm hóa của cá nhân khi bị giám sát thường xuyên.

(trang 128)

Một điều đáng tiếc của cuốn sách “Lịch sử các lý thuyết truyền thông”, đó là những vấn đề của ngôn ngữ và cấu trúc trong truyền thông không được giới thiệu một cách kỹ lưỡng. Một phần có lẽ vì ngôn ngữ và thuyết cấu trúc đều trừu tượng và phức tạp. Một phần, hai tác giả không xâu chuỗi và lý giải được sự phát triển của ngôn ngữ học và thuyết cấu trúc trong truyền thông và giải thích mối liên quan mật thiết của chúng với chính trị. Hạn chế này của cuốn sách khiến cuốn sách trở thành một tập hợp thông tin mang tính liệt kê thay vì giúp độc giả hiểu rõ vấn đề.

Phương pháp luận thường nhân

Sự hạn chế trong các phương pháp luận nghiên cứu về truyền thông, đó là sự tách biệt và nằm ngoài đối tượng, do đó Harold Garfinkel (1917 – 1987) đã đưa ra phương pháp luận thường nhân (ethnomethodology) và phát biểu như sau:

“Lối nghiên cứu phương pháp luận thường nhân phân tích các hoạt động hằng ngày xét như là các phương pháp của các thành viên nhằm làm cho các hoạt động ấy trở nên duy – lý -hiển – nhiên – và-có-thể-giải-thích-được-bằng-những-mục-đích-thực-tiễn, nghĩa là có thể quan sát được và giải thích được xuets như những cách tổ chức các sinh hoạt hàng ngày. Tính phản tư của hiện tượng này là một sinh hoạt đặc thù của các hoạt động thực tế của hoàn cảnh thực tế, các tri thức thông thường, các cấu trúc xã hội và của lối lập luận xã hội học thực hành. Chính sự phản tư này cho phép chúng ta phát hiện và xem xét tình huống xuất hiện của chúng: với tư cách đó, nó tạo ra khả năng phân tích chúng”.

Do đó, “mối quan hệ giữa hành động và bối cảnh được nhìn nhân lại sâu sắc”: không chỉ có bối cảnh ảnh hưởng đến nội dung của hành động, mà “hành động cũng góp phần vào ý nghĩa dần dần được hình thành của bối cảnh, của bản thân tình huống”. Khi một sự kiện xã hội diễn ra thì không phải sự kiện có sẵn mà “làm kết quả của sinh hoạt của các tác nhân nhằm mang lại ý nghĩa cho những thực hành thường nhật của họ”. Đời sống thường nhật, nơi các tư duy và quan niệm thông thường chiếm ưu thế, nay trở thành đối tượng nghiên cứu và người nghiên cứu cần thâm nhập vào đó.

Nếu ngôn ngữ học cấu trúc coi nhẹ mối quan hệ giữa người nói và người nhận thì  ngôn ngữ học thường nhân đã “khôi phục lại chủ thể như là tác nhân của diễn ngôn”. Triết gia người Anh John L. Austin (1912 – 1960) trong tác phẩm “How to Do Things with Words” (Làm việc bằng các từ như thế nào, 1962) đã chỉ ra rằng ngôn ngữ thường hướng đến “hiện thực hóa điều gì đó”: “thông qua hành vi nói, người ta có thể tác động đến người khác, khiến họ hành động hoặc chính mình hành động.”(trang 185) Cùng với đó, người nhân thông tin cùng với khả năng tiếp nhận của mình cũng được xem xét đến bởi trường phái Constance của Đức. Những khía cạnh khác như nữ quyền, và sự hài lòng của người sử dụng… cũng dần được đào sâu.

Kết luận

Hai tác giả Armand & Michèle Mattelart đã đưa ra một nhận xét thế này: “Xã hội được định nghĩa bằng khái niệm truyền thông.” (trang 209) Nhân định đó có lẽ không cần phải chứng minh, một cảm thức mơ hồ cũng có thể cho ta thấy rằng truyền thông chi phối trọn vẹn đến đời sống của chúng ta, kể cả thức lẫn khi đi ngủ. Việc tìm hiểu về truyền thông ảnh hưởng đến đời sống không chỉ giúp cho các nhà chính trị, các tập đoàn, nhà canh tân, nhà vân động chính sách… mà còn đặc biệt quan trọng cho các cá nhân trong lẽ sinh tồn tinh thần giữa một thế giới được lấp đầy bởi các ảo giác truyền thông.

Hà Thủy Nguyên

Home 2021 Tháng Hai

Đối thoại của Krishnamurti và David Bohm về nguồn gốc của sự xung đột tâm lý

Lời người dịch: Đây là một đối thoại kỳ thú của bậc thầy tâm linh Krishnamurti và nhà vật lý lượng tử David Bohm. Cuộc đối thoại hé lộ cách tâm linh và khoa học đã tiến gần đến nhau để nhận diện sự thật. Những câu hỏi được đặt ra khi hai ông cùng trao đổi về lý do thế giới của loài người vận hành bằng cướp bóc và nô dịch, rồi sau đó dẫn đến nỗi ám ảnh về “sự trở thành” đầy vọng tưởng, và đi sâu vào lối tâm thức mắc kẹt trong thời gian của nhân loại. Có lẽ cuộc đối thoại này với Krishnamurti đã gợi mở cho David Bohm trong quá trình đề xuất thuyết vũ trụ toàn ảnh của ông.
Bức ảnh chụp Krishnamurti và David Bohm đang đối thoại với nhau.

KRISHNAMURTI: Thưa ông, chúng ta sẽ bắt đầu theo cách nào đây?

David Bohm: Tôi hiểu rằng ông có đôi điều muốn nói.

KRISHNAMURTI: Về rất nhiều thứ nhưng tôi không biết phải bắt đầu như thế nào.

DAVID BOHM: Ồ.

KRISHNAMURTI: Thưa ông, tôi muốn hỏi liệu nhân loại có đi sai hướng không.

DAVID BOHM: Một ngã rẽ? Chà, hẳn là phải thế, lâu lắm rồi, tôi nghĩ vậy.

KRISHNAMURTI: Đó là những gì tôi cảm thấy. Một thời gian dài trước đây nhân loại hẳn đã chuyển hướng.

DAVID BOHM: Vâng.

KRISHNAMURTI: Tôi chỉ đang hỏi.

DAVID BOHM: Có vẻ như vậy.

KRISHNAMURTI: Đó là cách đang diễn ra – tại sao? Ông thấy đấy, như tôi thấy, nhân loại luôn cố gắng trở thành một cái gì đó – sự trở thành.

DAVID BOHM: Cũng có thể. Ông thấy đấy, tôi nghĩ rằng, ông biết đấy, tôi đã bị ấn tượng bởi một điều mà tôi đã đọc cách đây rất lâu về việc con người đã sai lầm khi họ bắt đầu cướp bóc và nô dịch cách đây khoảng 5 hay 6 nghìn năm. Và sau đó mục đích tồn tại chính là bóc lột, cướp bóc và nô dịch.

KRISHNAMURTI: Đúng vậy, nhưng đó là một sự trở thành mang tính ích kỷ.

DAVID BOHM: Vâng, vì vậy chúng ta nên làm rõ mối liên hệ này. Loại trở thành nào liên đới tới việc đó? Thay vì kiến tạo và khám phá những công nghệ mới, vật liệu mới, và hơn thế nữa, họ thấy dễ dàng hơn khi cướp bóc láng giềng và nô dịch.

KRISHNAMURTI: Đúng thế, tất cả những điều đó.

DAVID BOHM: Bây giờ họ muốn trở thành gì?

KRISHNAMURTI: Do đó, xung đột là gốc rễ của tất cả những điều này.

DAVID BOHM: Có nhưng xung đột là gì? Ông thấy nếu chúng ta có thể đặt mình vào vị trí của những người xa xưa, ông sẽ thấy mâu thuẫn đó như thế nào?

KRISHNAMURTI: Đâu là gốc rễ của xung đột, không chỉ bên ngoài, mà cả xung đột nội tâm to lớn của con người? Gốc rễ của nó là gì?

DAVID BOHM: Chà, có vẻ như đó là những mong muốn trái ngược nhau.

KRISHNAMURTI: Không. Có phải tất cả chúng ta đều cố gắng … luôn luôn là như vậy, trong tất cả các tôn giáo, ông phải trở thành một cái gì đó? Ông phải đạt được.

DAVID BOHM: Vâng, nhưng điều gì khiến mọi người muốn làm điều đó? Tại sao họ không hài lòng với bất cứ điều gì họ là? Ông thấy rằng tôn giáo sẽ không được chú ý trừ khi nó lôi cuốn người ta trở thành một cái gì đó.

KRISHNAMURTI: Đó không phải là sự trốn tránh hay đúng hơn là không thể đối mặt với thực tế và thay đổi thực tế, mà thà là chuyển tới chỗ khác, mỗi ngày lại càng nhiều hơn.

DAVID BOHM: Vâng. Ông sẽ nói gì về thực tế là mọi người không thể chịu đựng?

KRISHNAMURTI: Thực tế là người ta không thể … Các Kitô hữu nói, tội tổ tông.

DAVID BOHM: Vâng, đó là một thời gian dài – nó đã xảy ra trước đó rất lâu.

KRISHNAMURTI: Rất lâu trước đó. Tôi chỉ đang nói. Trước đó rất lâu. Người theo đạo Hindu có quan niệm về Karma, ông biết đấy. Nguồn gốc của tất cả những điều này là gì?

DAVID BOHM: Chà, chúng tôi đã nói rằng có một sự thật mà mọi người không thể chịu đựng. Dù đó là gì họ cũng muốn tưởng tượng ra một điều gì đó tốt hơn.

KRISHNAMURTI: Vâng, một cái gì đó tốt hơn. Trở thành cái gì đó tốt hơn, hơn nữa, nữa nữa.

DAVID BOHM: Vâng. Và ông có thể nói rằng về mặt công nghệ, họ bắt đầu tạo ra các kỹ thuật để làm cho mọi thứ trở nên có ý nghĩa hơn, và sau đó họ mở rộng điều này mà không hề hay biết, và nói rằng ‘Tôi cũng phải trở nên tốt hơn, chúng ta, tất cả chúng ta đều phải trở thành …’

KRISHNAMURTI: Vâng, bên trong cũng trở nên tốt hơn.

DAVID BOHM: Tất cả chúng ta cùng nhau phải trở nên tốt hơn.

KRISHNAMURTI: Vâng, tốt hơn. Đúng rồi. Gốc rễ của tất cả những điều này là gì?

DAVID BOHM: Chà, tôi nên nghĩ rằng việc dự tính mục tiêu trở nên tốt hơn này là điều tự nhiên, rằng bản chất nó nằm trong cấu trúc của suy nghĩ.

KRISHNAMURTI: Có phải nó đang trở nên tốt hơn ở bên ngoài – nguyên tắc trở nên tốt hơn ở bên ngoài, hướng vào bên trong, cố gắng trở nên tốt hơn.

DAVID BOHM: Vâng, rõ ràng là con người không biết bất kỳ lý do gì họ lại không làm như vậy, ông thấy đấy.

KRISHNAMURTI: Vâng. Tôi biết, tất nhiên.

DAVID BOHM: Họ nói, nếu trở nên tốt hơn bên ngoài là điều tốt, thì tại sao tôi không nên trở nên tốt hơn bên trong.

KRISHNAMURTI: Tốt hơn bên trong. Đó là nguyên nhân của nó?

DAVID BOHM: Chà, điều đó đối với tôi. Nó đang đến gần hơn.

KRISHNAMURTI: Nó đang đến gần hơn? Thời gian có phải là yếu tố không? Thời gian như là ‘Tôi cần kiến ​​thức để làm – điều đó không quan trọng, bất kể nó là gì – tôi cần thời gian cho điều đó’. Nguyên tắc tương tự được áp dụng bên trong.

DAVID BOHM: Vâng. Chung nhận định khi nói rằng chúng ta dự kiến ​​một thứ gì đó tốt hơn ở bên ngoài đòi hỏi thời gian và do đó, điều tương tự cũng phải được thực hiện bên trong.

KRISHNAMURTI: Thời gian có phải là yếu tố không?

DAVID BOHM: Chà, bản thân thời gian, tôi không thể coi nó là yếu tố duy nhất.

KRISHNAMURTI: Không, không. Thời gian, đang trở thành đã ngụ ý thời gian.

DAVID BOHM: Đúng, nhưng người ta sẽ phải đặt một câu hỏi ở đây: thời gian tự nó – chúng tôi không thấy nó sẽ gây ra rắc rối như thế nào. Chúng tôi phải nói rằng thời gian bên ngoài không gây khó khăn gì.

KRISHNAMURTI: Nó gây ra đôi chút.

DAVID BOHM: Đôi chút chứ không phải không …

KRISHNAMURTI: Nhưng còn ý niệm bên trong về thời gian.

DAVID BOHM: Đúng vậy, chúng ta phải xem tại sao thời gian lại tàn phá nội tâm như vậy.

KRISHNAMURTI: Bởi vì tôi đang cố gắng trở thành một cái gì đó.

DAVID BOHM: Đúng, nhưng nếu tôi có thể nói thì hầu hết mọi người sẽ nói đó là điều đương nhiên. Chúng ta phải nói về việc trở thành tại sao lại sai trái.

KRISHNAMURTI: Trong đó có xung đột.

DAVID BOHM: Vâng. ĐỒNG Ý. Thế thì hãy nói về xung đột.

KRISHNAMURTI: Rõ ràng là khi tôi cố gắng trở thành một thứ gì đó thì đó là một cuộc chiến liên tục.

DAVID BOHM: Vâng. Chúng ta có thể đi sâu vào điều đó: tại sao nó là một trận chiến liên tục.

KRISHNAMURTI: Ồ, điều đó khá đơn giản.

DAVID BOHM: Ông thấy đó không phải là một trận chiến nếu tôi cố gắng cải thiện vị trí của mình ở bên ngoài.

KRISHNAMURTI: Bề ngoài, không.

DAVID BOHM: Đúng đó, vậy thì nó không phải là điều hiển nhiên. Ý tôi là sẽ rất tốt nếu làm thật rõ tại sao nó là một trận chiến khi chúng ta đang cố gắng làm điều gì đó bên trong.

KRISHNAMURTI: Có phải chúng ta đang hỏi tại sao bên ngoài nó ít nhiều đều đúng, nhưng bên trong khi áp dụng cùng một nguyên tắc thì nó lại mang đến một sự mâu thuẫn.

DAVID BOHM: Vâng. Và mâu thuẫn là?

KRISHNAMURTI: Giữa ‘cái là’ với cái ‘trở thành cái nên là’.

DAVID BOHM: Đúng vậy, nhưng bên ngoài dường như cũng có sự mâu thuẫn bởi vì chúng ta có một tình huống nào đó ở đây và chúng ta cố gắng biến nó thành một thứ khác. Bây giờ điều đó có vẻ ổn.

KRISHNAMURTI: Điều đó có vẻ bình thường, lành mạnh.

DAVID BOHM: Bây giờ khó khăn là tại sao nó là sự mâu thuẫn bên trong chứ không phải bên ngoài, hay ngược lại?

KRISHNAMURTI: Bên trong nó hình thành, phải không, một trung tâm, một trung tâm tự cao tự đại.

DAVID BOHM: Vâng, nếu chúng tôi có thể tìm ra lý do tại sao nó lại như vậy. Nó có diễn ra khi chúng ta làm điều đó bên ngoài không? Không cần, có vẻ như nó không cần phải làm.

KRISHNAMURTI: Không cần phải làm.

DAVID BOHM: Vâng. Bây giờ khi chúng ta đang làm điều đó bên trong thì chúng ta đang cố ép mình trở thành một thứ gì đó mà chúng ta không phải như vậy. Đúng chứ?

KRISHNAMURTI: Vâng.

DAVID BOHM: Và đó là một cuộc chiến. Thế là rõ ràng.

KRISHNAMURTI: Đó là một sự thật.

DAVID BOHM: Nhưng bề ngoài có vẻ như đó không cần phải là một cuộc chiến. Bởi vì vật chất sẽ cho phép chính nó được định hình – ông biết đấy, từ cái là gì đến cái nó phải như thế nào – phải không? Ông thấy chứ?

KRISHNAMURTI: Có phải bộ não của một người đã quá quen với xung đột đến mức người ta từ chối bất kỳ hình thức sống nào khác không?

DAVID BOHM: Chà, điều đó phải đến sau, nếu ông thấy nó, nhưng …

KRISHNAMURTI: Tôi hiểu điều đó, tôi hiểu điều đó.

DAVID BOHM: Sau một thời gian, mọi người đi đến kết luận rằng xung đột là không thể tránh khỏi và cần thiết, và tự nhiên họ sẽ …

KRISHNAMURTI: Nhưng nguồn gốc của xung đột, chúng ta đang đi sâu vào nó. Đó là nó. Nguồn gốc của xung đột là gì?

DAVID BOHM: Tôi nghĩ rằng chúng ta đã chạm vào nó khi nói rằng chúng ta đang cố gắng ép buộc bản thân. Một mặt, tôi nghĩ khi chúng ta là một thứ gì đó mà chúng ta muốn trở thành, và sau đó chúng ta cũng muốn trở thành một thứ khác, thứ gì đó khác biệt và do đó chúng ta muốn hai thứ khác nhau cùng một lúc. Điều đó có vẻ đúng?

KRISHNAMURTI: Tôi hiểu điều đó. Nhưng tôi đang cố gắng tìm ra nguồn gốc của tất cả sự khốn khổ, bối rối này – hiểu ý tôi chứ? – xung đột, đấu tranh – khởi đầu của nó là gì? Đó là lý do tại sao tôi đã hỏi ngay từ đầu: nhân loại đã đi nhầm đường chưa? Đó có phải là nguồn gốc của ‘Tôi không phải là Tôi’?

DAVID BOHM: Chà, điều đó có thể đang tiến gần hơn. Tôi nghĩ rằng điều đó đang tiến gần hơn đến sự tách biệt giữa ‘tôi không phải là tôi’.

KRISHNAMURTI: Vâng, chính là nó, chính là nó. Và cái ‘tôi’ – tại sao loài người lại tạo ra cái ‘tôi’ này chắc chắn sẽ gây ra xung đột này? ‘Tôi’ và ông, và tôi tốt hơn, vân vân, vân vân.

DAVID BOHM: Tôi nghĩ đó là một sai lầm đã mắc phải cách đây rất lâu, hay như ông gọi đó là một bước ngoặt sai lầm, một lần nữa đã tạo ra sự tách biệt giữa nhiều thứ khác nhau mà bề ngoài chúng ta không biết rõ hơn, thế mà mọi người vẫn tiếp tục làm.

KRISHNAMURTI: Tiếp tục đi.

DAVID BOHM: Không phải vì ác ý – mà chỉ đơn giản là không biết điều tốt hơn.

KRISHNAMURTI: Đúng, đúng, đúng.

DAVID BOHM: Không thấy điều họ đang làm.

KRISHNAMURTI: Đó có phải là nguồn gốc của tất cả những điều này không?

DAVID BOHM: Vậy là gần rồi. Tôi không chắc rằng đó là nguồn gốc. Ông cảm thấy như nào?

KRISHNAMURTI: Tôi có khuynh hướng quan sát rằng nó là … nguồn gốc là cái đó, bản ngã, ‘tôi’.

DAVID BOHM: Vâng, ông có thể nói, nhưng …

KRISHNAMURTI: Nếu không có bản ngã thì không có vấn đề, không có xung đột, không có thời gian – thời gian theo nghĩa trở thành, không trở thành, hiện hữu và không hiện hữu.

DAVID BOHM: Nhưng có thể chúng ta vẫn sẽ sa đà vào bất cứ thứ gì đã khiến chúng ta tạo ra bản ngã ngay từ đầu.

KRISHNAMURTI: Có phải – khoan đã, khoan đã, khoan đã. Có phải năng lượng quá rộng lớn, vô hạn, lại bị cô đặc hoặc thu hẹp lại trong tâm trí, và bản thân bộ não bị thu hẹp lại vì nó không thể chứa tất cả nguồn năng lượng khổng lồ này – ông vẫn bắt kịp những gì tôi đang nói chứ?

DAVID BOHM: Vâng

KRISHNAMURTI: Và do đó dần dần thu hẹp vào ‘tôi’..

DAVID BOHM: Tôi không hoàn toàn làm theo điều đó. Ý tôi là tôi hiểu rằng đó là những gì đã xảy ra nhưng tôi không hoàn toàn thấy tất cả lộ trình. Nếu ông nói rằng năng lượng rất rộng, rất lớn, và bộ não mà ông nói nó không thể xử lý, hay nó quyết định rằng nó không thể xử lý?

KRISHNAMURTI: Nó không thể xử lý.

DAVID BOHM: Nhưng nếu nó không thể xử lý, thì có vẻ như không có lối thoát?

KRISHNAMURTI: Không, không, khoan. Chờ đã, chờ đã, chờ đã. Chậm rãi. Tôi chỉ muốn thăm dò, thâm nhập vào nó một chút.

Tại sao bộ não, với tất cả suy nghĩ và đủ thứ, lại tạo ra cảm giác ‘tôi’ này? Tại sao? Bên ngoài, gia đình – ông thấy chứ? – bên ngoài nó phải như vậy.

DAVID BOHM: Chà, chúng ta cần một cảm giác nhận dạng chắc chắn để hoạt động.

KRISHNAMURTI: Vâng, hoạt động. Để hoạt động, để có một giao dịch, chức năng.

DAVID BOHM: Để biết nơi ông thuộc về.

KRISHNAMURTI: Đúng, và hơn thế. Và đó có phải là sự vân động đã mang lại điều đó? Sự vận động của bên ngoài, nơi tôi phải xác định – gia đình, ngôi nhà, v.v., dần dần trở thành ‘tôi’?

DAVID BOHM: Tôi nghĩ rằng năng lượng mà ông đang nói đến cũng được đưa vào nó.

KRISHNAMURTI: Vâng, tôi muốn dẫn một cách từ từ. Tôi có một ý niệm bên trong, tôi sẽ nói với ông sau.

DAVID BOHM: Bằng cách nào đó – ông thấy chắc chắn những gì ông nói là đúng rằng theo một cách nào đó, điều này dần dần được củng cố nhưng tự nó sẽ không giải thích được sức mạnh to lớn mà bản ngã có. Nó sẽ chỉ là một thói quen sau đó. Bản ngã trở nên thống trị hoàn toàn đòi hỏi nó phải trở thành tâm điểm của năng lượng cao nhất, ông biết đấy, năng lượng lớn nhất, trong tất cả các năng lượng?

KRISHNAMURTI: Có phải vậy không? Rằng bộ não không thể chứa năng lượng rộng lớn này.

DAVID BOHM: Giả sử bộ não đang cố gắng kiểm soát điều này, để nắm giữ, đưa nó vào trật tự.

KRISHNAMURTI: Năng lượng không có trật tự.

DAVID BOHM: Không, nhưng ông thấy nếu bộ não cảm thấy nó không thể kiểm soát được điều gì đó đang diễn ra bên trong, nó sẽ cố gắng thiết lập trật tự.

KRISHNAMURTI: Đó là trọng tâm điều tôi muốn nói… Ý tôi là, thưa ông, chúng ta có thể nói rằng bộ não – bộ não của ông, bộ não của anh ấy, bộ não của cô ấy – không chỉ mới sinh ra, mà nó rất rất cổ xưa?

DAVID BOHM: Chà, dù sao thì tôi cũng phải xem điều đó nghĩa là gì. Nó cổ xưa theo nghĩa nào?

KRISHNAMURTI: Theo nghĩa nó đã phát triển.

DAVID BOHM: Tiến hóa, vâng, tốt, từ động vật.

KRISHNAMURTI: Từ động vật, và hơn cả thế.

DAVID BOHM: Và động vật đã tiến hóa và vì vậy hãy cắt nghĩa toàn bộ quá trình tiến hóa bằng cách nào đó đã được chứa trong não.

KRISHNAMURTI: Tôi muốn đặt câu hỏi về sự tiến hóa. Tôi hiểu nói, từ xe bò đến máy bay phản lực – tôi hiểu điều ấy, sự tiến hóa đó.

DAVID BOHM: Vâng. Nhưng trước khi ông đặt câu hỏi, chúng ta phải xem xét rằng có bằng chứng về sự phát triển của một loạt các bước, ông có thể thấy con người phát triển qua một loạt các giai đoạn – ông không nghi ngờ điều đó, phải không?

KRISHNAMURTI: Không, tất nhiên là không, tất nhiên là không.

DAVID BOHM: Ý tôi là về mặt vật lý, rõ ràng là sự tiến hóa đã xảy ra theo một cách nào đó.

KRISHNAMURTI: Về mặt vật lý, có.

DAVID BOHM: Và bộ não đã lớn hơn.

KRISHNAMURTI: Đúng.

DAVID BOHM: Phức tạp hơn. Ông có thể đặt câu hỏi liệu sự tiến hóa về mặt tinh thần có bất kỳ ý nghĩa nào không. Tôi hiểu điều đó.

KRISHNAMURTI: Ông thấy đấy, thưa ông, tôi muốn xóa bỏ (cười) thời gian.

DAVID BOHM: Đúng vậy. Thôi, cứ tự nhiên.

KRISHNAMURTI: Về mặt tâm lý, ông hiểu không?

DAVID BOHM: Vâng, tôi hiểu.

KRISHNAMURTI: Đối với tôi đó là kẻ thù.

DAVID BOHM: Được rồi. Vâng, tôi hiểu điều đó rất rõ.

KRISHNAMURTI: Ông hiểu không?

DAVID BOHM: Vâng.

KRISHNAMURTI: Chà, đó là một cái gì đó! (Cười) Và đó có phải là nguyên nhân của nó không?

DAVID BOHM: Tôi không biết chúng ta muốn nói gì về ‘nguyên nhân’ nhưng đó là một điểm quan trọng.

KRISHNAMURTI: Không, nguồn gốc của sự khốn khổ của con người?

DAVID BOHM: Chà, chắc chắn là việc sử dụng thời gian này. Con người phải sử dụng thời gian cho một mục đích nhất định và anh ta đã lạm dụng nó.

KRISHNAMURTI: Điều đó có thể hiểu được. Tôi hiểu điều đó.

DAVID BOHM: Có phải vậy không?

KRISHNAMURTI: Ý tôi là nếu tôi phải học một ngôn ngữ thì tôi phải có thời gian.

DAVID BOHM: Nhưng còn việc lạm dụng thời gian bằng cách kéo dài nó ở bên trong.

KRISHNAMURTI: Vào bên trong, đó là điều tôi đang nói về.

DAVID BOHM: Vâng. Về bản chất.

KRISHNAMURTI: Đó có phải là nguyên nhân của điều này – sự nhầm lẫn của con người – coi thời gian như một phương tiện để trở thành, và ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, ngày càng tiến hóa hơn, ngày càng thân thuộc hơn? Ông vẫn đang nghe chứ?

DAVID BOHM: Vâng, vâng, tôi hiểu. Chắc chắn tôi nghĩ nếu chúng ta không làm thế thì toàn bộ cấu trúc sẽ sụp đổ.

KRISHNAMURTI: Sụp đổ, thế là xong.

DAVID BOHM: Nhưng liệu vẫn còn nguyên nhân nào khác không, tôi không biết.

KRISHNAMURTI: Chờ chút. Tôi muốn đi sâu vào vấn đề đó một chút. Nếu tôi – không, cá nhân tôi không nói về mặt lý thuyết. Đối với tôi, ý niệm về ngày mai không tồn tại, về mặt tâm lý.

DAVID BOHM: Đúng vậy.

KRISHNAMURTI: Tức là, thời gian là một chuyển động bên trong hoặc bên ngoài. Đúng chứ?

DAVID BOHM: Ý ông là thời gian tâm lý?

KRISHNAMURTI: Vâng. Thời gian tâm lý và thời gian hướng ngoại.

DAVID BOHM: Vâng. Và một mối quan hệ nhất định giữa hai điều đó.

KRISHNAMURTI: Tất nhiên. Bây giờ nếu thời gian tâm lý không tồn tại thì không có xung đột, không có ‘tôi’, không có ‘tôi’ là nguồn gốc của xung đột. Ông có hiểu không, thưa ông? Những gì tôi đang cố gắng đạt được là, bên ngoài chúng ta đã chuyển động, phát triển – micrô này, rồi đủ thứ.

DAVID BOHM: Và cả trong cấu trúc vật chất bên trong.

KRISHNAMURTI: Cấu trúc, mọi thứ. Nhưng về mặt tâm lý, chúng ta cũng đã hướng ra bên ngoài.

DAVID BOHM: Đúng vậy, chúng ta đã tập trung cuộc sống của mình vào đời sống bên ngoài. Có phải đó là những gì ông đang nói?

KRISHNAMURTI: Vâng.

DAVID BOHM: Chúng ta đã hướng sự chú ý ra bên ngoài.

KRISHNAMURTI: Không. Tôi đã mở rộng khả năng của mình ra bên ngoài.

DAVID BOHM: Ồ, vâng, chúng ta đã phát triển bề ngoài.

KRISHNAMURTI: Và bên trong nó cũng là chuyển động bên ngoài.

DAVID BOHM: Vâng, bất cứ điều gì chúng ta làm bên ngoài, chúng ta cũng làm nó bên trong.

KRISHNAMURTI: Vâng. Tôi không biết liệu tôi có đang truyền đạt điều này không.

DAVID BOHM: Tôi hiểu rằng để phát triển ra bên ngoài theo một cách nào đó thông qua thời gian và cơ chế, chúng ta phải áp dụng cấu trúc hướng nội đó.

KRISHNAMURTI: Vâng, bây giờ nếu không có chuyển động bên trong như thời gian, chuyển động, ngày càng trở nên nhiều hơn, thì điều gì sẽ xảy ra? Ông hiểu những gì tôi đang cố gắng truyền tải?

DAVID BOHM: Vâng. Vậy thì nếu chúng ta nói toàn bộ chuyển động của thời gian này ngừng lại – bất kể điều đó có nghĩa là gì – từ ‘ngừng’ là sai vì đó là thời gian.

KRISHNAMURTI: Thời gian kết thúc, hoặc bất kể nó là gì.

DAVID BOHM: Không có sự chuyển động của thời gian mà năng lượng là …

KRISHNAMURTI: Ông thấy chuyển động bên ngoài cũng giống như chuyển động bên trong.

DAVID BOHM: Vâng. Bất cứ điều gì ông làm bên ngoài, ông phải làm bên trong. Điều đó có vẻ đúng.

KRISHNAMURTI: Và nó là cùng một chuyển động.

DAVID BOHM: Vâng. Nó đang di chuyển vòng quanh lại vòng quanh.

KRISHNAMURTI: Vâng, vâng, liên quan đến thời gian.

DAVID BOHM: Vâng.

KRISHNAMURTI: Nếu chuyển động đó chấm dứt thì điều gì sẽ xảy ra? Tôi tự hỏi liệu tôi có đang truyền đạt bất cứ điều gì không. Có phải tất cả chúng ta đang nói những điều vô nghĩa? (Cười) Tôi không nghĩ mình đang nói vô nghĩa.

Thưa ông, chúng ta có thể nói theo cách này: chúng ta chưa bao giờ chạm vào bất kỳ chuyển động nào khác ngoài chuyển động bên ngoài.

DAVID BOHM: Vâng, nói chung là. Chúng ta đặt hầu hết năng lượng của mình vào chuyển động hướng ngoại.

KRISHNAMURTI: Hướng ngoại, và tâm lý cũng hướng ngoại.

DAVID BOHM: Chà, nó là sự phản ánh của chuyển động bên ngoài đó.

KRISHNAMURTI: Chúng ta nghĩ rằng nó hướng vào trong nhưng thực ra nó lại hướng ra ngoài – phải không?

DAVID BOHM: Vâng.

KRISHNAMURTI: Bây giờ nếu chuyển động đó kết thúc, như nó phải xảy ra, thì liệu có một chuyển động thực sự hướng vào trong – chuyển động không theo thời gian?

DAVID BOHM: Ông muốn nói: có một loại chuyển động khác không?

KRISHNAMURTI: Sự chuyển động. Đúng.

DAVID BOHM: Nó vẫn chuyển động nhưng không theo thời gian.

KRISHNAMURTI: Thời gian. Đúng rồi.

DAVID BOHM: Bây giờ chúng ta phải đi vào vấn đề đó. Ông có thể đi xa hơn.

KRISHNAMURTI: Nó không hẳn … Ông thấy đó từ ‘chuyển động’ có nghĩa là thời gian.

DAVID BOHM: Chà, nó có nghĩa là thực sự thay đổi địa điểm từ nơi này sang nơi khác. Nhưng dù sao thì ông vẫn có một số khái niệm không tĩnh. Bằng cách từ chối thời gian, ông không muốn quay trở lại trạng thái tĩnh, thứ vẫn là thời gian.

KRISHNAMURTI: Ông thấy bộ não của một người đã được huấn luyện, quen thuộc, trong nhiều thế kỷ để đi lên phía bắc, ví dụ thế. Và nó đột nhiên nhận ra rằng đi về phía bắc là một cuộc xung đột vĩnh viễn. Khi nó nhận ra nó di chuyển về phía đông. Trong chuyển động đó, bản thân bộ não đang thay đổi. Đúng chứ?

DAVID BOHM: Vâng, có gì đó thay đổi.

KRISHNAMURTI: Chất lượng của não thay đổi.

DAVID BOHM: Được rồi. Tôi có thể thấy nó sẽ thức dậy theo một cách nào đó theo một chuyển động khác – phải không?

KRISHNAMURTI: Vâng, khác. Lại một … chuyển động khác – ông thấy đó …

DAVID BOHM: Từ ‘dòng chảy’ có tốt hơn không?

KRISHNAMURTI: Nếu tôi không đi về phía bắc, và tôi đã đi về phía bắc suốt cuộc đời của mình, và việc đi về phía bắc sẽ bị ngừng lại, nhưng lại không đi về phía đông, hay nam hay tây. Sau đó xung đột chấm dứt. Đúng? Bởi vì nó không di chuyển theo bất kỳ hướng nào.

DAVID BOHM: Được rồi. Vì vậy, đó là điểm mấu chốt – hướng chuyển động. Khi chuyển động được cố định theo hướng, bên trong sẽ đi đến xung đột.

KRISHNAMURTI: Xung đột, đúng vậy.

DAVID BOHM: Bề ngoài chúng ta cần một hướng đi cố định.

KRISHNAMURTI: Tất nhiên, tất nhiên. Điều đó tôi hiểu.

DAVID BOHM: Vâng. Vì vậy, nếu chúng ta nói rằng nó không có hướng cố định thì nó đang làm gì? Nó có di chuyển theo mọi hướng không?

KRISHNAMURTI: Tôi hơi do dự khi nói về điều này. Có thể nói khi người ta thực sự đi đến trạng thái đó, đó là nguồn gốc của mọi năng lượng?

DAVID BOHM: Vâng, khi ông đi sâu hơn, hướng nội nhiều hơn.

KRISHNAMURTI: Đây là nội tâm thực sự, không phải chuyển động bên ngoài trở thành chuyển động bên trong mà là khi không có chuyển động bên ngoài và bên trong.

DAVID BOHM: Đúng vậy, chúng ta có thể phủ nhận cả bề ngoài và nội tâm, để nó dường như dừng lại ngay lúc đó.

KRISHNAMURTI: Đó có phải là nguồn gốc của tất cả năng lượng không?

DAVID BOHM: Vâng, có lẽ chúng ta có thể nói như vậy.

KRISHNAMURTI: Tôi có thể nói về bản thân mình một chút được không?

DAVID BOHM: Tất nhiên. Vâng.

KRISHNAMURTI: Xin thứ lỗi, nó có vẻ kì quặc.

DAVID BOHM: Ồ, không, không hẳn. Tôi muốn nói là nó vẫn có vẻ có ý nghĩa cho đến giờ.

KRISHNAMURTI: Trước hết, thiền định có ý thức không phải là thiền định. Đúng chứ?

DAVID BOHM: Ý ông là thiền có ý thức là gì?

KRISHNAMURTI: Đó là thiền có chủ định, thực hành và có chủ ý, đó thực sự là thiền định có tính toán. Đúng chứ? Có cách thiền nào không được định trước không? Đó không phải là bản ngã cố gắng trở thành một cái gì đó, hoặc bản ngã không cố gắng phủ định tiêu cực hay tích cực.

DAVID BOHM: Vâng. Bây giờ trước khi tiếp tục, chúng ta có thể tóm tắt thiền định là gì, bất cứ điều gì. Nó là một quan sát của tâm trí đang quan sát?

KRISHNAMURTI: Không, không, không. Nó đã vượt xa tất cả những điều đó.

DAVID BOHM: Vâng. Được rồi. Vì thế…

KRISHNAMURTI: Xin lỗi!

DAVID BOHM: Ý tôi là, được rồi, nhưng ông đã dùng từ ‘thiền định’.

KRISHNAMURTI: Tôi đang sử dụng thiền theo nghĩa trong đó không có chút nỗ lực nào, không có chút ý thức nào của việc cố gắng trở thành, đạt đến một cấp độ một cách có ý thức, v.v.

DAVID BOHM: Khi đó tâm trí chỉ đơn giản là với chính nó, im lặng.

KRISHNAMURTI: Đó là những gì tôi muốn đạt được.

DAVID BOHM: Nó không tìm kiếm gì cả.

KRISHNAMURTI: Đừng bận tâm, tôi không phiền, hai chúng ta đang nói chuyện. Tôi có thể là một con chim cúc cu (cười). Ông thấy đấy, tôi không thiền theo nghĩa thông thường của từ này. Những gì xảy ra với tôi là – Tôi không nói chuyện cá nhân, làm ơn, những gì xảy ra với tôi là, tôi thức dậy và thiền định.

DAVID BOHM: Được rồi, ở trạng thái đó.

KRISHNAMURTI: Và vào một buổi sáng, một đêm ở Thung lũng Rishi, tôi thức dậy – một loạt sự cố đã xảy ra, thiền định trong vài ngày – tôi thức dậy vào một đêm, vào giữa đêm, thực sự là mười hai giờ mười lăm phút (cười) , Tôi nhìn đồng hồ. Và tôi ngần ngại khi nói điều này bởi vì nó nghe có vẻ ngông cuồng và khá trẻ con: rằng nguồn năng lượng đã đạt đến. Và điều đó có một tác động phi thường đối với não bộ và cả thể chất. Phù! Xin lỗi khi nói về bản thân tôi nhưng ông hiểu tôi là gì …

DAVID BOHM: Được rồi…

KRISHNAMURTI: Chờ một chút, đợi một chút, tôi không phiền. Bây giờ tôi đang ở trong đó.

Và theo nghĩa đen là bất kỳ ý nghĩa nào về … Tôi không biết phải diễn đạt nó như thế nào – bất kỳ ý nghĩa nào về thế giới và tôi và điều đó – ông thấy không? – không có sự phân chia nào cả, chỉ có cảm giác về nguồn năng lượng to lớn này. Tôi không biết liệu tôi có đang truyền tải nó không.

DAVID BOHM: Vâng. Vì vậy, não đã tiếp xúc với nguồn năng lượng này.

KRISHNAMURTI: Vâng. Bây giờ, ở trái đất, như tôi đã nói chuyện trong sáu mươi năm, tôi muốn, không phải là giúp đỡ, tôi muốn người khác đạt được điều này – không đạt được nó – ông hiểu tôi đang nói gì không? Bởi vì tôi nghĩ rằng tất cả các vấn đề của chúng ta đều được giải quyết, chính trị, tôn giáo, mọi vấn đề đều được giải quyết bởi vì nó là năng lượng thuần túy ngay từ ban đầu. Tôi không biết nếu tôi …

DAVID BOHM: Vâng, ổn.

KRISHNAMURTI: Bây giờ tôi thế nào – không phải tôi, ông hiểu không? – làm thế nào để một người – không dạy dỗ, không giúp đỡ, không thúc ép, gây áp lực – làm thế nào để nói, ‘Cách này dẫn đến cảm giác hoàn toàn bình yên, tình yêu thương và tất cả những điều đó’? Tôi xin lỗi khi sử dụng tất cả những từ này. Thưa ông, ông có nó. Giả sử ông đã đến thời điểm đó và bộ não của ông đang đập rộn ràng với nó, ông sẽ giúp tôi như thế nào? Ông hiểu chứ? Giúp tôi, không phải lời nói, làm thế nào ông sẽ giúp tôi đi đến điều đó? Ông hiểu những gì tôi đang cố gắng nói?

DAVID BOHM: Vâng.

KRISHNAMURTI: Bộ não của tôi – bộ não, không phải của tôi – bộ não đã tiến hóa. Tiến hóa bao hàm thời gian và nó chỉ có thể suy nghĩ, sống trong thời gian. Bây giờ nó phủ nhận thời gian là một hoạt động to lớn không có vấn đề gì. Mọi vấn đề phát sinh, thắc mắc đều được giải quyết ngay lập tức. Không có thời gian của một vấn đề.

DAVID BOHM: Chà, điều này có được duy trì không? Tình trạng này có duy trì được không hay là trong khoảng thời gian đó?

KRISHNAMURTI: Rõ ràng là nó được duy trì, nếu không thì không có điểm nào trong nó. Nó không rời rạc, không liên tục và tất cả những điều đó. Bây giờ ông làm cách nào để mở hay đóng, bất cứ điều gì, ông thể hiện như thế nào, hãy giúp tôi nói, ‘Hãy nhìn xem, chúng ta đã đi sai hướng, chỉ có một sự bất động khác, và nếu điều đó xảy ra – ông vẫn nghe chứ? – mọi thứ sẽ đúng. ‘ (Cười) Nghe có vẻ ngớ ngẩn, tất cả những điều này.

DAVID BOHM: Vâng, vâng. Tôi nghĩ rằng tôi không thể biết liệu mọi thứ có đúng hay không. Thật khó để biết trước rằng mọi thứ sẽ chính xác. Nhưng dù sao thì chuyển động cũng có giá trị. Chắc chắn nó sẽ tạo ra một sự khác biệt lớn.

KRISHNAMURTI: Thưa ông, hãy quay lại những gì chúng ta đã bắt đầu. Đó là, nhân loại đã đi sai hướng, về mặt tâm lý, chứ không phải về mặt vật lý?

DAVID BOHM: Vâng, chúng ta đã đi vào điều đó – bước ngoặt bằng nhiều cách khác nhau mà chúng ta có thể chứng kiến, chứng kiến nó xuyên suốt.

KRISHNAMURTI: Có thể đảo ngược hoàn toàn ngã rẽ đó không? Hay dừng lại? Giả sử, bộ não của tôi đã quá quen với ý tưởng tiến hóa này rằng tôi sẽ trở thành một thứ gì đó, tôi sẽ đạt được một thứ gì đó, tôi phải có thêm kiến ​​thức, vân vân, vân vân, liệu bộ não đó có thể đột nhiên nhận ra không có thứ gọi là thời gian không? Ông hiểu những gì tôi đang cố gắng nói chứ?

DAVID BOHM: Vâng.

(Tạm ngừng)

KRISHNAMURTI: Một ngày nọ, tôi đã nghe Darwin nói trên tivi (cười), chuyến đi của ông ấy, và những gì ông ấy đạt được, vân vân, toàn bộ quá trình tiến hóa của ông ấy.

DAVID BOHM: Ồ, Darwin, vâng.

KRISHNAMURTI: Đối với tôi, dường như đó là một điều sai lầm về mặt tâm lý. Hoàn toàn không đúng sự thật.

DAVID BOHM: Một lần nữa có vẻ như ông ấy đã đưa ra bằng chứng rằng những loài này đã thay đổi theo thời gian. Bây giờ tại sao điều đó là không đúng sự thật?

KRISHNAMURTI: Tất nhiên điều đó là hiển nhiên.

DAVID BOHM: Vâng, về mặt đó thì đúng. Tôi nghĩ sẽ không đúng nếu nói tâm trí tiến hóa theo thời gian.

KRISHNAMURTI: Tất nhiên.

DAVID BOHM: Nhưng về mặt vật lý, có vẻ như rõ ràng đã có một quá trình tiến hóa.

KRISHNAMURTI: Vâng, đường cong đi lên.

DAVID BOHM: Và điều này đã làm tăng khả năng của não để làm những việc nhất định. Ví dụ, chúng ta không thể thảo luận điều này nếu bộ não không phát triển lớn hơn.

KRISHNAMURTI: Tất nhiên thưa ông, tôi hiểu tất cả những điều đó.

DAVID BOHM: Nhưng tôi nghĩ ông đang ám chỉ rằng tâm trí không bắt nguồn từ não bộ. Đó có phải là … nhưng bộ não có lẽ là một công cụ cho nó, cho tâm trí?

KRISHNAMURTI: Tâm trí. Và tâm trí không phải là thời gian.

DAVID BOHM: Tâm trí không phải là thời gian.

KRISHNAMURTI: Chỉ cần xem nó có nghĩa là gì. Chúng ta đang tiến gần hơn.

DAVID BOHM: Nó không tiến hóa bằng não.

KRISHNAMURTI: Không. Nghe có vẻ kỳ lạ, phải không? (Cười)

KRISHNAMURTI: Ông hiểu điều đó có nghĩa là gì chứ? Người Hindu nói Atman, Nguyên lý cao nhất ở con người, đó là tâm trí. Tôi có thể đang dịch sai, diễn giải sai. Và bộ não là của thời gian. Tôi đang diễn giải nó như vậy, họ có thể không diễn giải theo cách đó. Vậy đó có phải là nguồn gốc của xung đột?

DAVID BOHM: Chà, chúng ta phải xem tại sao điều đó tạo ra xung đột, ông thấy đấy. Không rõ ngay cả khi nói bộ não là của thời gian, nhưng đúng hơn là nó đã phát triển theo cách mà thời gian ở trong đó.

KRISHNAMURTI: Vâng, đó là ý tôi muốn nói.

DAVID BOHM: Nhưng không nhất thiết phải như vậy.

KRISHNAMURTI: Nó đã phát triển.

DAVID BOHM: Nó đã phát triển nên nó có thời gian tích tụ bên trong nó.

KRISHNAMURTI: Vâng, khi nó đã phát triển, thời gian là một phần của nó.

DAVID BOHM: Nó đã trở thành một phần của chính cấu trúc của nó.

KRISHNAMURTI: Vâng.

DAVID BOHM: Và điều đó là cần thiết. Và bây giờ tâm trí hoạt động mà không có thời gian, và bộ não do đó không thể.

KRISHNAMURTI: Không. Ông thấy điều đó có nghĩa là chúa ở trong con người và chúa chỉ có thể hoạt động nếu bộ não yên lặng, nếu bộ não không bị mắc kẹt trong thời gian.

DAVID BOHM: Chà, tôi không có ý đó. Tôi đang nói rằng bộ não có cấu trúc thời gian không thể phản ứng đúng với tâm trí. Đó thực sự là những gì dường như có liên quan ở đó.

KRISHNAMURTI: Liệu bộ não có thể tự nhận thấy rằng nó mắc kẹt trong thời gian và chừng nào nó đang di chuyển theo hướng đó thì xung đột là vĩnh viễn, vô tận? Ông làm theo những gì tôi đang nói?

DAVID BOHM: Vâng. Bây giờ chúng ta phải nói bộ não, lúc đó bộ não có nhìn thấy không?

KRISHNAMURTI: Đúng vậy, bộ não có khả năng thấy rằng những gì nó đang làm bây giờ, bị mắc kẹt trong thời gian, trong quá trình đó xung đột không kết thúc..

DAVID BOHM: Vâng. Ông sẽ không nói rằng bộ não không hoàn toàn bị mắc kẹt trong thời gian. Nó có thể đánh thức người khác … để xem.

KRISHNAMURTI: Điều đó có nghĩa là, có một phần của bộ não không thuộc về thời gian.

DAVID BOHM: Không bị mắc kẹt. Một số chức năng, hoặc một số …

KRISHNAMURTI: Người ta có thể nói điều đó không?

DAVID BOHM: Tôi không biết.

KRISHNAMURTI: Điều đó có nghĩa là – chúng ta quay lại cùng một điều bằng những từ ngữ khác – rằng bộ não, hoàn toàn không bị thay đổi bởi thời gian, vì vậy có một phần của bộ não …

DAVID BOHM: Chà, không phải một bộ phận, mà là các chức năng của não bị chi phối bởi thời gian nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là nó không thể thay đổi. Xu hướng chung là để thời gian thống trị bộ não.

KRISHNAMURTI: Vâng. Đó là, liệu bộ não, bị chi phối bởi thời gian, có thể không phụ thuộc vào nó?

DAVID BOHM: Đúng vậy. Trong khoảnh khắc đó nó đi ra ngoài thời gian. Và nó chỉ bị chi phối – tôi nghĩ bây giờ tôi có thể thấy điều này – nó chỉ bị chi phối khi ông cho nó thời gian, ông thấy suy nghĩ cần có thời gian bị chi phối nhưng mọi thứ nhanh chóng không bị chi phối.

KRISHNAMURTI: Vâng, đúng vậy. Khi bộ não đã quen với thời gian, nó có thể thấy rằng trong quá trình đó không có sự kết thúc xung đột, nó có thể thấy điều này không? Xem xét rằng nó có thể nhân ra không?  Nó sẽ nhận ra điều đó dưới áp lực? Chắc chắn không. Nó sẽ nhận ra điều đó dưới sự ép buộc và phần thưởng, hình phạt hay bất kỳ hình thức nào như vậy? Nó sẽ không. Nó sẽ kháng cự hoặc trốn thoát và tất cả phần còn lại của nó. Đúng chứ? Vì vậy, yếu tố nào sẽ khiến bộ não thấy con đường nó đã đi là không đúng – chúng ta hãy sử dụng từ này cho lúc này. Và điều gì sẽ khiến nó đột nhiên nhận ra rằng nó hoàn toàn tinh quái? Ông vẫn nghe chứ?

DAVID BOHM: Vâng.

KRISHNAMURTI: Điều gì sẽ tạo nên nó? Ma túy?

DAVID BOHM: Chà, rõ ràng là điều đó sẽ không hiệu quả.

KRISHNAMURTI: Thuốc, chắc chắn là không. Một số loại hóa chất?

DAVID BOHM: Chà, không, không có cái nào cả, tất cả đều ở bên ngoài …

KRISHNAMURTI: Vâng, vậy thôi. Tôi muốn nói rõ rằng đây đều là những áp lực bên ngoài. Sau đó, điều gì sẽ khiến bộ não nhận ra điều này?

DAVID BOHM: Bây giờ ý ông là ông đã nhân ra điều gì?

KRISHNAMURTI: Nhận ra rằng, con đường mà nó đã và đang đi sẽ luôn là con đường của xung đột.

DAVID BOHM: Vâng, tôi nghĩ điều này đặt ra câu hỏi rằng bộ não đang chống lại sự nhận thức như vậy.

KRISHNAMURTI: Tất nhiên, tất nhiên. Bởi vì nó đã quen với điều đó, trong nhiều thế kỷ đã sử dụng. Ông sẽ làm thế nào để bộ não nhận ra sự thật này? Ông hiểu không thưa ông? Nếu ông có thể làm điều đó, nó đã hoàn thành.

Ông thấy họ đã cố gắng, như ông hẳn đã nói chuyện với nhiều người, họ đã thử nhịn ăn, không sex, khổ hạnh, nghèo khó, khiết tịnh đúng nghĩa của nó, thanh tịnh, giữ tâm chính niệm; họ đã cố gắng từ bỏ; họ đã thử mọi thứ mà con người đã phát minh ra, nhưng không ai trong số họ thành công.

DAVID BOHM: Chà, ông nói gì? Rõ ràng đây đều là những mục tiêu hướng ngoại, chúng vẫn đang trở thành.

KRISHNAMURTI: Có, nhưng họ không bao giờ nhận ra nó là bề ngoài.

DAVID BOHM: Điều đó đang trở thành. Mọi người trong số đó đều nỗ lực để phá vỡ quá trình trở thành – một phần của tâm trí, phải không?

KRISHNAMURTI: Vâng, đúng vậy. Vậy có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn tất cả những điều đó.

DAVID BOHM: Ông thấy đấy, tôi nghĩ rằng để đi xa hơn, người ta phải phủ nhận chính khái niệm thời gian theo nghĩa hướng về tương lai, và quá khứ …

KRISHNAMURTI: Đó chỉ là nó thưa ông, chỉ là nó.

DAVID BOHM: Đó là toàn bộ thời gian và luôn thế.

 KRISHNAMURTI: Thời gian là kẻ thù. Đối mặt với nó và vượt ra ngoài nó. (Cười)

DAVID BOHM: Chối bỏ, đó là một tồn tại độc lập. Ông thấy đấy, tôi nghĩ rằng chúng ta có ấn tượng rằng thời gian tồn tại độc lập với chúng ta và chúng ta đang ở trong dòng thời gian và do đó sẽ có vẻ vô lý nếu chúng ta phủ nhận nó bởi vì đó là những gì chúng ta đang có, ông thấy đấy.

KRISHNAMURTI: Vâng, đúng đúng. Vì vậy, nó có nghĩa là thực sự chuyển động – xin nhắc lại alf – khỏi mọi thứ mà con người đã ghép lại như một phương tiện vượt thời gian.

DAVID BOHM: Vâng, phải nói rằng không có điều gì, phương pháp nào mà con người sử dụng bên ngoài có thể thực hiện được … (mất tiếng)

KRISHNAMURTI: Không, hoàn toàn không, hoàn toàn không.

DAVID BOHM: Bởi vì mọi phương pháp đều bao hàm thời gian.

KRISHNAMURTI: Tất nhiên, tất nhiên. Nó rất đơn giản, rõ ràng.

DAVID BOHM: Vì vậy, ông bắt đầu ngay lập tức bằng cách thiết lập toàn bộ cấu trúc của thời gian, toàn bộ khái niệm về thời gian được giả định trước trước khi ông bắt đầu.

KRISHNAMURTI: Đúng vậy.

Ông sẽ truyền đạt điều này cho tôi như thế nào? Làm thế nào ông hoặc ‘X’ với một người bị mắc kẹt trong thời gian và sẽ chống lại nó, chiến đấu với nó, anh ta nói, không còn cách nào khác, v.v., ông sẽ truyền đạt điều này cho anh ta như thế nào?

DAVID BOHM: Tôi nghĩ rằng ông chỉ có thể – ý tôi là mặc dù thời gian không phải là vấn đề – trừ khi ai đó đã nhìn vào điều này, ông biết đấy, và đi sâu vào nó, ông không có khả năng truyền đạt nó cho người nào đó mà ông chỉ gặp trên phố. (Cười)

KRISHNAMURTI: Thế thì chúng ta đang làm gì? Vì điều đó không thể được truyền đạt qua lời nói, vậy thì họ phải làm gì?

DAVID BOHM: Tôi nghĩ rằng cả ngôn từ và những gì bên ngoài ngôn từ, ông biết đấy, đều là một phần của sự giao tiếp, sự truyền đạt đó.

KRISHNAMURTI: Thưa ông, ông có thể giải quyết một vấn đề ngay lập tức khi nó phát sinh. Người ta phải đi vào điều đó bởi vì ông có thể giải quyết nó ngay lập tức, ông có thể làm điều ngu xuẩn nhất.

DAVID BOHM: Ông có thể nghĩ rằng ông đang giải quyết nó.

KRISHNAMURTI: Vâng, vâng, tôi đang nói điều đó. Ông có thể làm điều dại dột nhất và nghĩ rằng mình đã giải quyết xong.

DAVID BOHM: Bởi vì ông có thể có được cảm giác ngay lập tức từ thời gian, từ suy nghĩ bởi vì suy nghĩ mang lại cảm giác của bây giờ.

KRISHNAMURTI: Không cho phép thời gian. Giả sử tôi có một vấn đề, bất kỳ vấn đề nào, nó không quan trọng – một vấn đề tâm lý: trí óc có thể nhận ra, giải quyết nó ngay lập tức không? Không lừa dối bản thân, không chống lại nó – ông hiểu không? – tất cả. Để đối mặt với nó và kết thúc nó.

DAVID BOHM: Đúng vậy, đối với một vấn đề tâm lý, đó là cách duy nhất.

KRISHNAMURTI: Tôi đang nói về một vấn đề tâm lý.

DAVID BOHM: Bởi vì nếu không thì rõ ràng là chúng ta sẽ mắc vào chính nguồn gốc của vấn đề.

KRISHNAMURTI: Tất nhiên, tất nhiên, tất nhiên. Liệu hoạt động đó có phải là thời gian kết thúc – thời gian tâm lý mà chúng ta đang nói đến.

DAVID BOHM: Nếu chúng ta có thể thực hiện hành động tức thì này để giải quyết vấn đề mà ông gọi là vấn đề, đó là bản thân.

KRISHNAMURTI: Thưa ông, một người tham lam, hay đố kỵ, muốn chấm dứt nó ngay lập tức – tham lam, chấp trước, và vân vân, có hàng tá thứ. Thưa ông, điều tôi đang cố gắng truyền đạt là: điều đó sẽ không cho manh mối về sự kết thúc của thời gian sao?

DAVID BOHM: Vâng, bởi vì bất kỳ hành động nào không phải là ngay lập tức đã mang lại đúng lúc.

KRISHNAMURTI: Vâng, vâng, thưa ông. Tôi biết tất cả những điều đó.

DAVID BOHM: Thời gian kết thúc là ngay lập tức – phải không?

KRISHNAMURTI: Tất nhiên là ngay lập tức. Liệu điều đó có chỉ ra bước ngoặt sai lầm mà nhân loại đã thực hiện?

DAVID BOHM: Vâng, mang theo thời gian và suy nghĩ để điều hòa tâm lý … (không nghe được)

KRISHNAMURTI: Vâng, chúng ta đang nói chuyện về mặt tâm lý, hãy giữ điều đó.

DAVID BOHM: Nếu con người cảm thấy có điều gì đó không ổn về mặt tâm lý thì anh ta mang ý niệm về thời gian và ý nghĩ về việc trở thành, và điều đó tạo ra vô số vấn đề.

KRISHNAMURTI: Liệu điều đó có mở ra cánh cửa – đây là một cụm từ – sẽ mở ra cánh cửa cho cảm giác này, thời gian không có vị trí bên trong? Ông thấy đấy, có nghĩa là thưa ông, tư tưởng không có chỗ đứng ngoại trừ bên ngoài, đúng không?

DAVID BOHM: Nếu ông định nói rằng suy nghĩ là một quá trình liên quan đến thời gian …

KRISHNAMURTI: Tất nhiên là như vậy.

DAVID BOHM: Vâng, ý tôi là không phải ai cũng sử dụng ý tưởng đó, sử dụng nó theo cách đó, nhưng …

KRISHNAMURTI: Ông sẽ không nói rằng suy nghĩ là tiến trình của thời gian ư? Bởi vì suy nghĩ dựa trên kinh nghiệm, kiến ​​thức, trí nhớ và phản ứng, là toàn bộ thời gian.

DAVID BOHM: Đúng vậy, nhưng chúng tôi vẫn thường thảo luận về một loại suy nghĩ sẽ là phản ứng của trí thông minh. Nhưng suy nghĩ như chúng ta thường biết – chúng ta hãy thử đặt vấn đề rằng suy nghĩ như chúng ta thường biết nằm bên trong thời gian.

KRISHNAMURTI: Suy nghĩ như chúng ta biết bây giờ là thời gian.

DAVID BOHM: Vâng. Vâng, có thể mọi người có thể đã biết nó hơi khác theo thời gian. Nhưng tôi sẽ nói một cách tổng quát.

KRISHNAMURTI: Nói chung, cho đến bây giờ, (cười) suy nghĩ là thời gian.

DAVID BOHM: Nó dựa trên ý niệm về thời gian, thời gian là trên hết.

KRISHNAMURTI: Vâng, được rồi, dựa trên ý niệm. Đối với tôi chính nó là thời gian.

DAVID BOHM: Được rồi. Chính suy nghĩ tạo ra thời gian, đúng.

KRISHNAMURTI: Có nghĩa là khi không có thời gian thì không có suy nghĩ?

DAVID BOHM: Chà, không suy nghĩ nào thuộc dạng đó.

KRISHNAMURTI: Không, không có suy nghĩ – tôi chỉ muốn chậm, chậm, chậm, chậm lại đã.

DAVID BOHM: Bởi vì nếu không, chúng ta có thể mâu thuẫn với một số điều khác, ông thấy đấy.

KRISHNAMURTI: Tất nhiên, tất nhiên, tôi biết tất cả những điều đó.

DAVID BOHM: Chúng ta có thể nói rằng có một loại suy nghĩ bị thời gian chi phối – ông biết đấy – mà chúng ta đã sống trong đó. Đúng không?

KRISHNAMURTI: Vâng. Nó đã kết thúc.

DAVID BOHM: Vâng. Có thể có một kiểu suy nghĩ khác không bị chi phối bởi thời gian, ông biết đấy, nhưng đó sẽ là … bởi vì ông đang nói rằng ông vẫn có thể sử dụng suy nghĩ để làm mọi việc.

KRISHNAMURTI: Tất nhiên, thưa ông, đó là …

DAVID BOHM: Vâng, đúng vậy. Chúng ta phải cẩn thận để không nói rằng suy nghĩ nhất thiết bị chi phối bởi thời gian.

KRISHNAMURTI: Không. Tôi phải đi từ đây đến đó, đến nhà của tôi, điều đó cần thời gian, suy nghĩ, tất cả những thứ còn lại. Tôi không nói về loại thời gian đó.

DAVID BOHM: Vâng. Được rồi. Vì vậy, hãy làm rõ ràng rằng ông đang nghĩ về suy nghĩ trong tâm trí, mà nội dung của nó là trật tự của tâm trí.

KRISHNAMURTI: Vâng, vâng.

DAVID BOHM: Và chúng ta sẽ nói rằng suy nghĩ đó rõ ràng là thời gian.

KRISHNAMURTI: Vâng. Ông có thể nói, để tôi nói … kiến ​​thức là thời gian?

DAVID BOHM: Vâng, tốt, kiến ​​thức …

KRISHNAMURTI: Tất cả kiến ​​thức là thời gian.

DAVID BOHM: Chà, cho đến nay nó đã được biết đến và có thể dự kiến ​​trong tương lai, v.v.

KRISHNAMURTI: Tất nhiên, tương lai, quá khứ. Kiến thức là thời gian. Qua thời gian kiến thức được tiếp thu. Khoa học, toán học, bất kể nó là gì, triết học – Tôi đọc triết học, tôi đọc cái này cái kia. Vì vậy, toàn bộ sự vận động của tri thức đều tham gia vào thời gian. Đúng? Hãy xem nó …

DAVID BOHM: Ông thấy đấy, tôi nghĩ rằng một lần nữa chúng ta …

KRISHNAMURTI: Đã hiểu, kiến ​​thức, cách làm một chiếc ghế …

DAVID BOHM: Không chỉ vậy, mà tôi nghĩ rằng chúng ta nói rằng con người đã đi sai hướng và mắc vào loại kiến ​​thức này, thứ bị chi phối bởi thời gian bởi vì nó là kiến ​​thức tâm lý.

KRISHNAMURTI: Vâng. Vì vậy, họ sống trong thời gian.

DAVID BOHM: Họ sống trong thời gian bởi vì họ đã cố gắng tạo ra kiến ​​thức về bản chất của tâm trí.

KRISHNAMURTI: Vâng, vâng.

DAVID BOHM: Bây giờ ông đang nói rằng tâm trí không có kiến​​thức thực sự về tâm trí. Ông sẽ đặt nó theo cách đó?

KRISHNAMURTI: Đó là gì?

DAVID BOHM: Không có kiến ​​thức về tâm trí, ông có thể nói theo cách đó không?

KRISHNAMURTI: Khoảnh khắc ông sử dụng từ ‘kiến thức’, nó ngụ ý thời gian.

DAVID BOHM: Vâng, và khi đó ông đang nói rằng tâm trí không phải là thời gian.

KRISHNAMURTI: Không. Khi ông kết thúc thời gian, theo nghĩa mà chúng ta đang nói đến, không có kiến ​​thức nào là kinh nghiệm.

DAVID BOHM: Chúng ta phải xem từ ‘kinh nghiệm’ nghĩa là gì.

KRISHNAMURTI: Trải nghiệm, trí nhớ – trải nghiệm.

DAVID BOHM: Mọi người nói, ‘Tôi học hỏi bằng kinh nghiệm, tôi trải qua một cái gì đó.’ Tôi trải nghiệm …

KRISHNAMURTI: Cái đang trở thành.

DAVID BOHM: Chúng ta hãy làm cho nó rõ ràng. Ông thấy rằng có một loại kinh nghiệm ông có được trong công việc của mình, chẳng hạn, nó trở thành kỹ năng và nhận thức.

KRISHNAMURTI: Tất nhiên, điều đó hoàn toàn khác thưa ông.

DAVID BOHM: Vâng, vậy thì chúng ta phải nói rằng không có ích gì khi có kinh nghiệm về tâm trí, về kinh nghiệm tâm lý.

KRISHNAMURTI: Vâng, hãy nói theo cách đó. Đó là, kinh nghiệm tâm lý nằm trong thời gian.

DAVID BOHM: Đúng, và nó không có ích gì bởi vì ông không thể nói, ‘Khi tôi trở nên thành thạo trong công việc của mình, tôi sẽ trở nên thành thạo trong việc vận hành tâm trí của mình’.

KRISHNAMURTI: Đúng vậy, đúng vậy.

DAVID BOHM: Theo một cách nào đó, ông trở nên có kỹ năng suy nghĩ nhưng về cơ bản thì không trở thành kỹ năng.

KRISHNAMURTI: Vâng. Vì thế. Ông hiểu không, thưa ông, điều này dẫn đến đâu? Giả sử tôi nhận ra kiến ​​thức là thời gian, bộ não nhận ra nó, và thấy tầm quan trọng của thời gian theo một hướng nhất định, và không có giá trị nào của thời gian theo một hướng khác, thì đó không phải là một mâu thuẫn. Đúng?

DAVID BOHM: Vâng, tốt, được. Tôi muốn nói rằng giá trị của thời gian được giới hạn trong một hướng hoặc một khu vực nhất định và xa hơn nữa nó không có giá trị.

KRISHNAMURTI: Vâng. Vậy trí óc hay bộ não không có kiến ​​thức là gì? Ông hiểu chứ?

DAVID BOHM: Không có kiến ​​thức, kiến ​​thức tâm lý?

KRISHNAMURTI: Vâng, tôi đang nói chuyện tâm lý.

DAVID BOHM: Đúng vậy, không phải là thời gian mà không có kiến​​thức tâm lý để tự tổ chức.

KRISHNAMURTI: Vâng.

DAVID BOHM: Vì vậy, chúng ta đang nói rằng bộ não cảm thấy nó phải tự tổ chức bằng cách hiểu biết về tâm lý của chính nó.

KRISHNAMURTI: Sau đó có phải tâm trí, não bị rối loạn đúng không? Chắc chắn không.

DAVID BOHM: Không. Nhưng tôi nghĩ mọi người có thể cảm thấy, khi đối mặt với điều này, sẽ có sự rối loạn.

KRISHNAMURTI: Tất nhiên.

DAVID BOHM: Ông thấy đấy, tôi nghĩ rằng điều ông đang nói là khái niệm kiểm soát tâm lý bản thân không có ý nghĩa gì.

KRISHNAMURTI: Vì vậy, kiến ​​thức của ‘tôi’ là thời gian.

DAVID BOHM: Vâng, tốt, kiến ​​thức …

KRISHNAMURTI: Kiến thức tâm lý.

DAVID BOHM: Vâng, tôi hiểu rằng, kiến ​​thức của ‘tôi’, toàn bộ tri thức, là ‘tôi’, là thời gian.

KRISHNAMURTI: Vâng. Vậy thì tồn tại là gì khi không có điều này?

DAVID BOHM: Vâng.

KRISHNAMURTI: Ông hiểu những gì …

DAVID BOHM: Vâng. Được, vậy …

KRISHNAMURTI: Không có thời gian, không có kiến ​​thức – theo nghĩa tâm lý, làm ơn, không có ý thức về ‘tôi’, vậy thì ở đó là gì? Nói đến điểm đó, thưa ông, hầu hết mọi người sẽ nói, ‘Thật là kinh dị.’

DAVID BOHM: Vâng, có vẻ như sẽ không có gì cả, ông thấy đấy.

KRISHNAMURTI: Không có gì. Ông đã dẫn chúng tôi đến một bức tường trống.

DAVID BOHM: Thật là buồn tẻ! (Cười) Nó sợ hãi hoặc nó ổn.

KRISHNAMURTI: Nhưng nếu một người đã đi đến điểm đó thì điều gì ở đó? Một lần nữa nó có vẻ khá sáo mòn và hô hào nhưng thực tế không phải vậy. Ông sẽ nói là do không có gì là tất cả mọi thứ?

DAVID BOHM: Vâng, tôi chấp nhận điều đó. Tôi biết điều đó. Đó là sự thật, nó có tất cả …

KRISHNAMURTI: Không, nó không là gì cả.

DAVID BOHM: Ông thấy đấy.

KRISHNAMURTI: Không sao, đúng vậy (cười).

DAVID BOHM: Và cho đến nay, một điều là có giới hạn và đây không phải là một điều bởi vì không có giới hạn. Ý tôi là là ít nhất nó có mọi thứ tiềm năng, theo một nghĩa nào đó.

KRISHNAMURTI: Chờ đã, thưa ngài. Nếu nó không là gì và vì vậy mọi thứ, vì vậy mọi thứ đều là năng lượng.

DAVID BOHM: Vâng. Nền tảng của mọi thứ là năng lượng.

KRISHNAMURTI: Tất nhiên. Mọi thứ đều là năng lượng. Và nguồn gốc của thứ này là gì? Hay là không có nguồn năng lượng nào? Chỉ duy có có năng lượng.

DAVID BOHM: Năng lượng chỉ là. Năng lượng là thứ nó là.

KRISHNAMURTI: Tôi không hoàn toàn đồng ý …

DAVID BOHM: Năng lượng là cái gì. Không cần nguồn. Đó là một trong những cách tiếp cận.

KRISHNAMURTI: Không. Nếu không có gì và do đó có mọi thứ, và mọi thứ đều là năng lượng – chúng ta phải rất cẩn thận bởi vì ở đây người Hindu cũng có ý tưởng này, đó là Brahman là tất cả. Ông hiểu không thưa ông? Điều đó trở thành một ý niệm, một nguyên lý và sau đó được thực hiện và tất cả những điều đó. Nhưng thực tế là, nếu không có gì thì sẽ có mọi thứ và tất cả những gì là năng lượng vũ trụ. Nhưng điều gì đã bắt đầu năng lượng này?

DAVID BOHM: Đó có phải là một câu hỏi có ý nghĩa không?

KRISHNAMURTI: Không. Điều gì đã bắt đầu?

DAVID BOHM: Nhưng chúng ta không nói về thời gian.

KRISHNAMURTI: Không, tôi biết chúng ta không nói về thời gian nhưng ông thấy những người theo đạo Cơ đốc sẽ nói, ‘Chúa là năng lượng và Ngài là nguồn của mọi năng lượng.’

DAVID BOHM: Vâng.

KRISHNAMURTI: Và con trai của ông ấy đã đến để giúp thế giới, blah blah blah. Bây giờ là …

DAVID BOHM: Chà, những người theo đạo Thiên Chúa có ý tưởng về cái mà họ gọi là tiếng thiêng, chính là cội nguồn của Chúa, ông thấy đấy, họ còn đi xa hơn.

KRISHNAMURTI: Và cả những người theo đạo Hindu cũng có điều này. Ý tôi là thế giới Ả Rập và thế giới Do Thái cũng có ý niệm này. Chúng ta có đang đi ngược lại tất cả những điều đó không?

DAVID BOHM: Chà, nghe có vẻ giống nhau ở một số khía cạnh.

KRISHNAMURTI: Và không tương tự. Chúng ta phải hết sức cẩn thận.

DAVID BOHM: Vâng. Chúng ta phải làm cho nó rõ ràng, ông thấy. Nhiều điều như thế này đã được nói qua nhiều thời đại.

KRISHNAMURTI: Tôi biết, tôi biết.

DAVID BOHM: Đó là một khái niệm quen thuộc, ông thấy đấy.

KRISHNAMURTI: Vậy thì chỉ một người đang đi trong sự trống rỗng? Một người đang sống trong sự trống rỗng?

DAVID BOHM: Chà, điều đó không rõ ràng.

KRISHNAMURTI: Không có gì cả và mọi thứ đều là năng lượng. Cái này là cái gì?

DAVID BOHM: Chà, đây là một dạng bên trong năng lượng.

KRISHNAMURTI: Vì vậy, điều này không khác với năng lượng. Điều này.

DAVID BOHM: Cái gì? Vâng, vâng – cơ thể, vâng.

KRISHNAMURTI: Nhưng điều bên trong nói, ‘Tôi khác với điều đó’.

DAVID BOHM: Ông phải làm cho điều đó rõ ràng hơn.

KRISHNAMURTI: Cái ‘tôi’ nói, ‘Tôi hoàn toàn khác với tất cả những thứ này’.

DAVID BOHM: Đúng vậy, cái ‘tôi’ bao quanh chính nó và nói, ‘Tôi khác biệt, tôi là vĩnh cửu.’

KRISHNAMURTI: Bây giờ hãy đợi một chút. Tại sao nó khiến điều này diễn ra?

DAVID BOHM: Chà, chúng ta đã đi vào điều đó, bởi vì nó bắt đầu, ý niệm về sự tách biệt này.

KRISHNAMURTI: Tại sao nó lại phát sinh. Có phải sự tách biệt đã nảy sinh, bởi vì bề ngoài tôi xác định với một ngôi nhà, vân vân và nó đã di chuyển vào bên trong?

DAVID BOHM: Vâng. Và điểm thứ hai là một khi chúng ta thiết lập một khái niệm về điều gì đó bên trong thì cần phải bảo vệ điều đó.

KRISHNAMURTI: Để bảo vệ điều đó và tất cả phần còn lại của nó.

DAVID BOHM: Và do đó, điều đó đã tạo nên sự tách biệt.

KRISHNAMURTI: Tất nhiên.

DAVID BOHM: Bên trong rõ ràng là thứ quý giá nhất và sẽ phải được bảo vệ bằng tất cả năng lượng của ông.

KRISHNAMURTI: Tôi hiểu thưa ông. Vậy nó có nghĩa là chỉ có sinh vật sống, đó là một phần năng lượng? Không có chữ K nào cả, ngoại trừ Hộ chiếu, tên và hình thức, nếu không – không có gì cả. Và do đó mọi thứ và do đó tất cả năng lượng. Ông vẫn nghe chứ thưa ông?

DAVID BOHM: Đúng vậy, hình thức không tồn tại độc lập.

KRISHNAMURTI: Vâng. Không không. Tôi đang nói rằng chỉ có hình thức.

DAVID BOHM: Chỉ có hình thức, vâng.

KRISHNAMURTI: Đó là tất cả.

DAVID BOHM: Cũng có năng lượng, ông thấy đấy.

KRISHNAMURTI: Đó là một phần của năng lượng.

DAVID BOHM: Vâng.

KRISHNAMURTI: Vì vậy, chỉ có cái này, cái vỏ bên ngoài.

DAVID BOHM: Có dạng năng lượng bên ngoài.

KRISHNAMURTI: Vâng. Ông có nhận ra những gì chúng ta đã nói không? (Cười)

DAVID BOHM: Vâng.

KRISHNAMURTI: Đây có phải là phần cuối của cuộc hành trình?

DAVID BOHM: Chà, thật khó để … Không, tôi nghĩ là không.

KRISHNAMURTI: Phải chăng nhân loại đã trải qua hàng thiên niên kỷ để đi đến điều này: rằng tôi không là gì cả và do đó tôi là tất cả và tất cả năng lượng?

DAVID BOHM: Chà, nó không thể là kết thúc theo nghĩa mà nó có thể là khởi đầu.

KRISHNAMURTI: Chờ đã, đợi đã, đó là tất cả những gì tôi đang nói. Đó là tất cả. Tôi muốn ông bắt đầu với điều đó. Đó là duy nhất – kết thúc có một khởi đầu. Đúng? Bây giờ, tôi muốn đi sâu vào vấn đề đó một chút.

Đó có phải thời gian không?

DAVID BOHM: Tôi có thời gian, phải không? 05 giờ 15.

KRISHNAMURTI: Ông thấy sự kết thúc của tất cả điều này, sự kết thúc của thời gian mà chúng ta sẽ gọi nó một cách ngắn gọn, nó có phải là … có một sự khởi đầu mới. Đó là gì? Bởi vì điều này dường như hoàn toàn vô ích trong một khoảnh khắc.

DAVID BOHM: Cái gì?

KRISHNAMURTI: Toàn bộ tôi là năng lượng và chỉ cái vỏ tồn tại, và thời gian đã kết thúc. Tôi chỉ nghĩ vậy thôi. Dường như là vậy…

DAVID BOHM: Tôi hiểu rằng nếu ông dừng lại ở đó …

KRISHNAMURTI: Vâng, vậy thôi.

DAVID BOHM: Tôi nghĩ rằng điều đó thực sự dọn sạch mặt sàn vương đầy các mảnh vụn, của tất cả sự nhầm lẫn.

KRISHNAMURTI: Vâng, vâng. Vì vậy, kết thúc là một sự khởi đầu. Đó là gì? Bắt đầu cũng có nghĩa là thời gian.

DAVID BOHM: Không nhất thiết. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã nói rằng có thể có một chuyển động không có thời gian.

KRISHNAMURTI: Thời gian. Đó là lý do tại sao tôi muốn nói rõ.

DAVID BOHM: Vâng, nhưng rất khó để diễn đạt nó. Vấn đề không phải là tĩnh, là tĩnh mà ở một khía cạnh nào đó lại chuyển động không theo trật tự của thời gian. Tôi nghĩ chúng ta sẽ phải nói điều đó ngay bây giờ.

KRISHNAMURTI: Vâng. Vì vậy, chúng ta sẽ sử dụng từ ‘bắt đầu’ và tước bỏ thời gian của nó.

DAVID BOHM: Vâng, bởi vì kết thúc và bắt đầu không có thời gian đặc thù. Chúng có thể là bất kỳ lúc nào hoặc không.

KRISHNAMURTI: Không có thời gian, không có thời gian.

DAVID BOHM: Không có thời gian, đúng vậy, không có thời gian.

KRISHNAMURTI: Sau đó, điều gì xảy ra? Điều gì xảy ra? Điều gì đang xảy ra sau đó? Không phải với tôi, không phải não của tôi. Điều gì đang xảy ra?

DAVID BOHM: Ý ông là năng lượng?

KRISHNAMURTI: Thưa ông, chúng ta đã nói khi người ta phủ nhận thời gian thì sẽ không có gì cả. Sau cuộc nói chuyện dài này, không có gì có nghĩa là tất cả. Mọi thứ đều là năng lượng. Và chúng ta dừng lại ở đó. Nhưng đó không phải là kết thúc. Đúng?

DAVID BOHM: Không.

KRISHNAMURTI: Không. Đó là tất cả. Đó không phải là kết thúc. Sau đó, những gì đang xảy ra? Thưa ông, chúng ta có thể tiếp tục vào ngày mai.

DAVID BOHM: Đúng vậy.

KRISHNAMURTI: Tôi nghĩ chúng ta nên dừng lại. Tôi muốn tiếp tục với nó nhưng tốt hơn chúng ta nên dừng lại.

DAVID BOHM: Được.

KRISHNAMURTI: Đó có phải là sự sáng tạo không?

DAVID BOHM: Vâng, đại loại là thế.

KRISHNAMURTI: Không phải nghệ thuật tạo ra chữ viết, tôi không nói về nó …

DAVID BOHM: Vâng, nếu chúng ta thảo luận về ý nghĩa của việc sáng tạo. Có lẽ chúng ta có thể làm được điều đó.

KRISHNAMURTI: Chúng ta sẽ làm điều đó vào ngày mai.

Hà Thủy Nguyên

Nguồn bài: https://jkrishnamurti.org/content/roots-psychological-conflict

*Tranh minh họa lấy từ nhân vật Dr Manhattan trong bộ truyện tranh “Watchmen”.

Home 2021 Tháng Hai

Chuyển đổi hay Khải huyền (tản mạn trong những ngày đại dịch Covid-19)

Khải huyền không phải một sự chấm dứt. Khải huyền không phải sự bắt đầu. Đó là cuộc tấn công mang tính cưỡng chế của tự nhiên (hoặc các vị thần, hoặc Thiên Chúa, hoặc bạn thích gọi là cái gì thì nó là cái ấy) với mục đích rõ rệt: Có chuyển đổi đang diễn ra đồng bộ từ tinh thần đến vật chất, và nếu chúng ta cố níu kéo đời sống cũ kỹ đã được mặc định thành truyền thống, thành trật tự… thì tự nhiên buộc phải giáng những đòn mạnh mẽ. Và đáng lý thời đại chuyển đổi trong hài hòa, thì bấy giờ lại chuyển đổi khốc liệt. Khải huyền là sự chuyển đổi khốc liệt tới mức con người run sợ.

Con người run sợ bởi họ không sẵn sàng. Tại sao phải thay đổi, khi họ đang rủng rỉnh tiền bạc, đang được chăn êm đệm ấm, đang tự đắc với những suy nghĩ điên rồ được lây lan chỉ để mua vài cuộc vui trần thế…? Những cảnh báo của môi trường, của xã hội lướt qua tai họ và họ cố tình lờ đi. Nếu những cảnh báo quá nhiều, họ sẽ lý luận và bao biện bằng các lý thuyết, các mô hình. Hay tệ hơn, họ tặc lưỡi: “Cứ vui đi! Sợ gì! Quan trọng là mình vui trong từng khoảnh khắc”. Nhưng tất cả chuỗi ngày phè phỡn và phởn phơ sẽ chấm dứt khi khải huyền rơi trúng đầu. Mọi sở hữu đều là hư vô, mọi khoái lạc không cứu rỗi được con người khỏi cơn run sợ.

Những lý lẽ này dường như quá cũ kỹ. Người xa xưa truyền lại rất nhiều kịch bản tận thế: đại hồng thủy, dịch bệnh, núi lửa, động đất… Các nhà văn khoa học viễn tưởng cũng dày công xây dựng nhiều kịch bản hậu tận thế, khi người còn sống sót xây dựng lại thế giới từ tàn dư. Nhưng lịch sử loài người dường như không vận hành theo cách ấy.

Khải huyền và ám ảnh tận thế…

Những đại nạn diễn ra với con người có thể mang tính cục bộ ở một vài địa phương.

Trong xã hội cổ đại, với dân số thưa thớt và co cụm, thiếu tương tác với các nhóm dân cư xa xôi khác, thì một đại nạn xảy ra cũng có thể dẫn đến tận thế.

Một trận lũ kinh hoàng nhấn chìm một thành bang có thể đã là đại hồng thủy. Một dịch bệnh lạ xảy đến với những bộ lạc châu Mỹ xa xôi vốn thiếu ý thức về vệ sinh và không có các phương pháp y học thích hợp cũng chính là ngày tận thế của các thổ dân. Động đất và phun trào núi lửa ở một đô thành xây dựng trên nền đất chưa ổn định, gây ra cái chết đột ngột của toàn bộ hoàng gia và người dân, tận thế cũng đã từng diễn ra theo cách ấy. Những đại nạn trầm trọng trong cộng đồng, qua lớp khúc xạ của tâm thức nguyên thủy, bỗng nhiên trở thành sự hủy diệt mà con người phải đón nhận bởi sự phẫn nộ của các vị thần hay Thiên Chúa. Kẻ được lợi là những tư tế của các vị thần hay Thiên Chúa. Và con người chỉ biết níu bám niềm tin vào các thế lực siêu hình ấy, hi vọng rằng mình sẽ không phải trải qua cơn run sợ hãi hùng trước khải huyền, để họ lại tiếp tục vui lòng với trật tự cũ của mình. Cho tới khi, đại nạn lại xảy đến, và có lẽ họ sẽ đổ lỗi cho niềm tin tổ tông mình đã chọn, rồi chạy tới bấu víu một niềm tin mới.

Đó là cách con người chúng ta đối phó với cơn ám ảnh tận thế trong những kỷ nguyên bị chia cắt và mông muội.

Đại nạn có thể xảy đến với một địa bàn rộng lớn khi con người mở rộng tương tác.

Dịch hạch là đại dịch đầu tiên trên thế giới có mức độ ảnh hưởng lớn trên lục địa Á – Âu. Vó ngựa của quân Mông Cổ đã đưa dịch hạch – Cái Chết Đen từ Trung Quốc, đến Trung Đông, Bắc Phi và Châu Âu. Ước tính, đại dịch này đã giết chết gần 60% dân số thế giới bấy giờ trong suốt thế kỷ 14. Cái Chết Đen còn nhiều lần quay lại Châu Âu cho đến thế kỷ 17. Nhưng Cái Chết Đen không được coi là tận thế. Bởi vì khi một đại nạn xảy đến trên diện rộng tới vậy, nó đã thách thức dân cư của nhiều nền văn minh, và việc tìm ra thuốc chữa hay biện pháp phòng ngừa liên tục được thử nghiệm. Kết quả xử lý triệt để giải quyết dịch bệnh là điều khả thi hơn so với một địa phương riêng biệt phải hứng chịu. “Sự cứu rỗi” không thuộc độc quyền của một tôn giáo hay một chính quyền, mà được lan truyền qua tri thức. Ở ý nghĩa khải huyền, Cái Chết Đen chính là chung cuộc cho đêm trường Trung Cổ, mở cửa cho ánh sáng tri thức hé lộ. Sau cơn kinh hoàng Cái Chết Đen, Châu Âu bước vào thời kỳ Phục Hưng, thời kỳ lên ngôi của tri thức, nền tảng của những thành tựu vĩ đại của thế giới hiện đại. Cái Chết Đen dù không được coi là tận thế, nhưng nó chính là khải huyền cho Châu Âu.

Nếu không có Cái Chết Đen, châu Âu sẽ thế nào? Tri thức sẽ tiếp tục bị chìm lấp trong bóng tối? Đã nhiều lần trong suốt sự cai trị của Công giáo tại Châu Âu, nhu cầu tri thức được đòi hỏi bởi chính các quý tộc và thầy tu, nhưng sự thay đổi không diễn ra. Cái Chết Đen là một cưỡng chế man rợ để chấm dứt thể chế man rợ được vận hành bởi những kẻ man rợ.

Tự nhiên sẽ vui khi gây ra cái chết của nhiều con người ư? Tự nhiên chỉ làm việc của mình. Nếu con người không thay đổi, đại nạn sẽ còn tiếp diễn. Nếu con người thuở ấy không chấp nhận để tri thức dẫn hướng sinh mệnh của họ thay vì quyền lực mờ mịt của Thiên Chúa, thì đại dịch sẽ tiếp tục tận diệt châu Âu.

Câu hỏi là: khi nào thì thế giới đến ngưỡng phải chuyển đổi? Khoan hẵng, ta cần trả lời một câu hỏi khác.

Chiến tranh thế giới thứ II liệu có phải là một cuộc khải huyền? Những tên độc tài điên rồ cai trị đám đông người dân bị thôi miên bởi lý tưởng dân tộc xông vào giết chóc đến chết. Tri thức trở thành tay sai cho ác quỷ, nghệ thuật chẳng làm được gì ngoài rên xiết, triết học rơi tõm vào thứ hiện sinh hư vô. Sau tất cả, vẫn những tên độc tài điên rồ, vẫn đám đông dân chúng đầy mặc cảm và kỳ thị… mọi thứ vẫn vậy. Chiến tranh thế giới thêm nhiều lần nữa, con người vẫn không tỉnh ngộ, mà sẽ chỉ tiếp tục dùng chiến tranh để giải quyết chiến tranh. Không thể thuyết phục những tên độc tài về hòa bình, bởi vì hòa bình không thỏa mãn lòng tham của cộng đồng mà hắn cai trị. Chiến tranh chỉ kết thúc, hoặc khi có kẻ thắng người bại, hoặc khi chiến tranh tốn kém nhiều hơn những gì thu về. Không có bài học nào loài người có thể rút ra từ những cuộc chiến. Chỉ rải rác các cá nhân đơn lẻ dần dần ngộ được một điều rằng: tốt nhất đừng để những tên độc tài dắt mũi.

Như vậy thì thế giới không đến ngưỡng chuyển đổi khi một quốc gia này giàu có vượt trội hơn quốc gia khác và quốc gia khác phải đánh chiếm để cướp bóc.

Sự chuyển đổi bắt đầu khi có những ý tưởng đột phá giúp cộng đồng con người vận hành theo hướng tốt hơn, tối ưu hơn, nhân văn hơn. Nếu cộng đồng cho phép ý tưởng ấy được bén rễ và thử nghiệm, hệ thống sẽ tự chuyển đổi. Nếu cộng đồng trì trệ cản trở, thế thì sự cưỡng chế có thể diễn ra theo nhiều kịch bản khác nhau. Đây là một bí ẩn siêu hình không lời giải. Không thể giải thích điều này một cách khoa học và lý trí, chỉ có thể trực nhận.

Đại dịch COVID-19 như cuộc khải huyền mới…

Thế giới của chúng ta ngày nay cũng đang phải trải qua một cuộc cưỡng chế của tự nhiên: Chuyển đổi hay không chuyển đổi, hãy chọn đi!

Đại dịch Covid-19 là sự cưỡng chế của tự nhiên. Đó là khải huyền!

Đại dịch hé lộ cho chúng ta biết rằng dường như nền học thuật được coi là chính thống của phương Tây đang có vấn đề. Chính phủ các nước phương Tây đã đặt niềm tin không phải vào toàn bộ giới học thuật mà chỉ một vài thế lực học thuật thân tín, chẳng khác nào sự mê tín của nhà thờ trong thế kỷ 14, và chắc chắn chẳng thể ngăn ngừa Cái Chết Đen theo lối ấy. Nền học thuật ấy đa chiều nhưng lại chỉ một vài tiếng nói có quyền lực. Cách thức vận hành giới chuyên gia đó cần phải được thay đổi.

Cũng hé lộ cho chúng ta thấy rằng hóa ra nhiều thành phần của nền kinh tế không mang lại giá trị thực tiễn mà chỉ tiềm ẩn vô số nguy cơ. Có ý nghĩa gì những trận đua xe  F1, những lễ hội, những cuộc trình diễn thời trang, những trận bóng, những thành phố du lịch phù phiếm… Có ý nghĩa gì những vật dụng thời trang đắt tiền? Bao nhiêu tiền chúng ta đã lãng phí cho đủ loại nhu cầu không thực sự cần thiết cho sự sống và sự bồi đắp tinh thần?

Và Chúa hay thần thánh không cứu giúp con người khỏi nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, thế thì tụ tập cầu cúng đông người, phỏng có ích gì? À, có thể những đám đông ấy đang giúp cho tự nhiên thành toàn sứ mệnh cưỡng chế của mình.

Chúng ta nhận ra rằng thế giới hóa ra có thể vận hành theo cách khác. Học và làm việc online, xem hòa nhạc online, mua bán online…có hề gì nhỉ! Tại sao hệ thống xã hội trước đây không chính thống hóa cách vận hành này? Họ có đủ những lập luận để ngăn cản, rằng con người sẽ thiếu tương tác khi làm việc online, rằng online có nhiều hạn chế… Và giờ đây, khi dịch bệnh đến, họ buộc phải online hóa các tác vụ, thì họ lúng túng không thể quản lý. Lỗi không phải do những nhược điểm của hệ thống online, mà lỗi tại họ quá quen với nhịp độ có sẵn tới mức chưa bao giờ chuẩn bị cho hệ thống mới.

Nếu bạn quan sát bản thân mình thật kỹ trong những ngày đóng cửa ở nhà phòng ngừa dịch bệnh, bạn sẽ thấy hóa ra cuộc đời trước đây của mình là một chuỗi ngày lãng phí. Bao nhiêu lần chúng ta ra đường vì thật sự thấy cần thiết? Bao nhiêu người chúng ta tương tác hàng ngày là những người chúng ta cần phải trò chuyện và gặp gỡ? Bao nhiêu câu chuyện trong đó đáng để nói? Bao nhiêu bữa tiệc tùng đáng để tham gia? Rốt cuộc, chúng ta đã làm gì cho cuộc đời của mình?

Và hãy nhìn những con phố tĩnh lặng, sạch sẽ mà thường ngày chẳng mấy khi ta được tản bộ. Bạn có tự hỏi chúng ta đã làm gì với thành phố nơi chúng ta sống? Điên rồ lao theo một trật tự không tối ưu, một trật tự chỉ mang đến sự tiêu tốn tài nguyên và ô nhiễm môi trường.

Chiêm tinh học và các nhà tâm linh có nhiều lý giải khác nhau về sự chuyển đổi này, nhưng đều thống nhất với nhau ở một điểm: chúng ta đang bước vào thời đại mới. Từ những năm 1960s, những tiên đoán về sự chuyển dịch sang  Kỷ nguyên Bảo Bình đã được đưa ra. Cứ khoảng hai ngàn năm, một kỷ nguyên mới lại bắt đầu theo trật tự của vòng hoàng đạo. Trước kỷ nguyên Bảo Bình, nhân loại ở trong kỷ nguyên Song Ngư, kỷ nguyên của những niềm tin tập thể và sự tương tác mang tính cảm xúc. Sự rung động của kỷ nguyên Song Ngư đã mang đến cho nhân loại những tôn giáo lớn, những vần thơ bay bổng lãng mạn, và cũng mang đến cho nhân loại những kẻ vĩ cuồng dẫn dắt đám đông mông muội tàn phá thế giới. Sự rung động của kỷ nguyên Bảo Bình có lẽ đã mang đến nhiều chuyển đổi đang biểu hiện trên thế giới giao thoa hiện nay.

Khi thế giới hoàn toàn rung động theo thiết lập của chòm sao Bảo Bình, con người sẽ cá nhân hơn và đòi hỏi nhiều không gian cá nhân hơn, trong đó, khoa học công nghệ góp phần chủ chốt để phục vụ sự cá nhân hóa này. Những giá trị tập thể và sự gắn kết tập thể buộc phải đặt trên bàn cân giá trị. Bao nhiêu trong số các hoạt động tập thể là cần thiết với cá nhân? Bảo Bình cũng là chòm sao không ưa thích xung đột và chiến tranh, mà thích ổn định và hài hòa, nên thay vì hung hăng gây chiến, Bảo Bình sẽ chứng minh bản thân bằng sự vượt trội trong ý tưởng sáng tạo và khoa học công nghệ.

Sự chuyển đổi này đã manh nha nhiều thập kỷ với tuyên ngôn của nhiều nhà tư tưởng, nghệ sĩ, ca ngợi tự do cá nhân và lối sống tâm linh dựa trên giác ngộ thay vì dựa trên niềm tin mù quáng, thậm chí đề xuất những hướng đi mới cho trật tự xã hội để con người có cơ hội được cá nhân hơn, phát minh nhiều công cụ để gia tăng khả năng tiếp cận thông tin cũng như khả năng biểu hiện của mỗi cá nhân. Nhưng con đường chuyển đổi ấy không êm ả.

Những yếu tố của kỷ nguyên Bảo Bình manh nha trong suốt kỷ nguyên Song Ngư, nhưng chỉ tồn tại trong bóng tối và yếu thế. Cái Chết Đen dù đã thay đổi Châu Âu, nhưng không mang lại sự thay đổi triệt để, vì xã hội ngay lập tức quay trở lại đồng hóa các cá nhân trở thành công cụ của những niềm tin tập thể mới. Từ đó đến hết thiên niên kỷ trước, ta chỉ thấy biết bao thế hệ con người cá nhân vùng vẫy đòi quyền của mình nhưng ta không thấy họ bước ra ánh sáng. Sự vùng vẫy ấy khiến họ bị phân mảnh, bị rơi vào các thái cực điên rồ của tâm lý, và các nhà phê bình những tưởng đó là sự tiến bộ trong tâm thức của con người. Không có tiến bộ trong đó, chỉ có nỗi đau.

Và kể cả khi bước sang thế kỷ 21, những ý tưởng mới được chấp nhận, được thử nghiệm thì rào cản lớn nhất lại đến từ chính con người. Con người không dễ dàng gì quen với cái mới. Họ có thể nắm giữ công nghệ hiện đại trong tay, nhưng tư duy của họ vẫn ở thời mông muội, họ vẫn đang rung động theo thiết lập cũ. Họ tin rằng họ là con người khi ở trong tập thể và hoạt động theo cách vận hành của đại đa số. Bên ngoài những thứ đó, dường như họ không còn là họ nữa. Thứ mà họ tin là chính họ thực ra không phải họ, mà chỉ là chồng chất các ký ức được cài đặt trong tâm trí họ.

Sự cưỡng chế xảy ra để đưa con người vào một trật tự trong đó chúng ta có thể tận hưởng rung động của kỷ nguyên Bảo Bình. Dịch bệnh này giật chúng ta khỏi những cuộc tụ tập mang tính tập thể mà chúng ta đang quen thuộc, nhốt chúng ta trong không gian riêng biệt, để ta phải tự đối diện với cá nhân ta, và tự xử lý các vấn đề của cá nhân. Mọi công cụ đã có sẵn để phục vụ nhu cầu cá nhân, còn chúng ta có biết tận dụng hay không thì lại là vấn đề khác.

So với nhiều cuộc khải huyền khác, COVID-19 đã được tự nhiên sắp đặt một cách tinh vi và có chiến lược. Khởi điểm ở một thành phố công nghiệp và du lịch của Trung Quốc, nơi con người vận hành thuần túy theo trật tự tập thể. Sự cảnh báo đã được đưa ra từ sớm, nhưng chính quyền Trung Quốc đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân của từng người dân, và hậu quả là sự bùng phát. Tiếp tục, dịch bệnh lây lan sang Nhật và đặc biệt là Hàn Quốc. Tại Hàn Quốc, dịch bệnh bùng phát trong một giáo phái mà người ta đề cao sự tụ tập để thực hiện các nghi lễ cuồng tín hơn sự tự giác ngộ. Và rồi Iran, lại một quốc gia cuồng tín và coi thường giá trị cá nhân khác. Sau đó là đến thế giới Âu Mỹ với sự tự mãn vào hệ thống y khoa và đang kiếm bộn tiền nhờ những hoạt động tụ tập hạng sang từ giải trí đến tôn giáo. Thay vì cảnh giác, thế giới Âu Mỹ vẫn tiếp tục những cơn tụ tập điên rồ của những tập thể thừa mứa tiền bạc và đặt lòng tin vào hệ thống học thuật độc quyền. Giờ đây đã là cả thế giới. Bất cứ nơi đâu con người còn đeo bám niềm tin rằng chúng ta cần phải tụ tập để thực hiện một hoạt động nào đó thì sự lây nhiễm diễn ra.

Chúng ta nên lấy làm may mắn khi dịch bệnh COVID-19 không diễn ra trong thời gian chiến tranh, bởi vì nếu dịch bệnh diễn ra trong thời chiến thì chúng ta sẽ hoàn toàn không thể kiểm soát và hệ lụy của nó chắc chắn kéo dài nhiều thế kỷ giống như trường hợp Cái Chết Đen.

Nếu sau dịch bệnh, con người vẫn cố chấp không chịu học hỏi, thì có lẽ một đại nạn khác lại tiếp tục diễn ra cho đến khi con người ý thức được rằng mình cần phải thay đổi từ cốt lõi bên trong. Hoặc tệ theo hướng này: tự COVID-19 sẽ biến đổi thành phiên bản khác lợi hại hơn để tiếp tục duy trì tình trạng “giam cầm” này với nhân loại.

Thế đấy, sến súa đau thương không ích gì! Nương theo thời thế, trục lợi kiếm thêm vài đồng bạc không ích gì! Lạc quan tếu cũng chẳng ích gì! Sự công kích cá nhân và gây hấn, đổ tội cho nhau, kì thị nhau, lại càng không ích gì!

Điều quan trọng là chuyển đổi. Chuyển đổi từ bên trong đến bên ngoài, từ tinh thần đến thể xác, từ cá nhân đến xã hội.

Dịch bệnh COVID-19 là kịch bản khải huyền mềm dẻo mà tự nhiên đã sắp sẵn cho chúng ta. Hãy tưởng tượng những kịch bản tệ hại hơn! Biến đổi khí hậu diện rộng trên toàn thế giới gây ra thời tiết quái gở liên miên. Hay ô nhiễm môi trường gây ra khói bụi trong toàn bộ bầu khí quyển? Hay tệ hơn nữa là những cơn địa chấn lớn làm sụp đổ hàng loạt các thành phố?… Với những kịch bản như vậy, sức người dường như khó có thể ngăn cản hơn. Nhưng có thể, đó là kịch bản cho kỷ nguyên khác với các đặc tính khác và để mang tới sự chuyển đổi khác. Và cũng có thể, con người sẽ phải đối mặt với sự tận thế thực sự khi Trái Đất và hệ mặt trời không còn vận hành theo cách này, nhưng hiện nay chưa tới thời điểm chúng ta phải thực hiện sự chuyển đổi lớn đến thế.

Dịch bệnh diễn ra, bởi vì nó phải diễn ra, không thể oán trách, không thể đổ lỗi, không thể nguyện cầu cứu rỗi.

Hà Thủy Nguyên

Đọc thêm về Kỷ nguyên Bảo Bình

https://bookhunterclub.com/ky-nguyen-bao-binh-va-su-chuyen-dich-lon-cua-lich-su-nhan-loai/

Home 2021 Tháng Hai

Từ tín ngưỡng thờ nữ thần đến tín ngưỡng thờ Mẫu

Tín ngưỡng thờ nữ thần không phải là một hiện tượng độc đáo trong đời sống tâm linh của người Việt, trái lại, rất phổ biến trên toàn thế giới. Tượng thờ nữ thần cổ xưa nhất được tìm thấy của người Cro-Magnon tại Hohle Fels có niên đại khoảng 35.000 năm với bộ ngực, bụng và âm hộ phóng đại. (1) Ở thời kỳ đồ đá, nữ thần giữ vai trò tối cao – đấng Sáng Thế, Nuôi Dưỡng và Hủy Diệt và luôn hùng mạnh hơn các nam thần. Sự phồn thịnh hay suy tàn của một xã hội cổ sơ được cho là nhờ vào sự ban phước của các nữ thần. (2) Ngay cả khi đã bị thay thế bởi hệ thống thần nam quyền, nữ thần vẫn đóng vai trò ban phước chủ chốt ngay trong các tôn giáo có xu hướng không coi trọng phụ nữ như Công giáo, Phật giáo…

Tượng nữ thần Venus ở Hohle Fels cho thấy tín ngưỡng thờ nữ thần tại khu vực Địa Trung Hải thời cổ đại.

Tại Việt Nam, tuy không tìm được những bằng chứng chứng minh vai trò to lớn của nữ thần như ở các nền văn hóa khác, nhưng các nữ thần vẫn đóng vai trò trọng yếu trong đời sống tâm linh và có những biểu hiện đa dạng hơn do những biến thể đặc thù của một vùng văn hóa giao hội giữa hai nền văn minh lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, giữa chế độ nam quyền chưa toàn thiện và hệ thống mẫu hệ vẫn còn tàn dư.

Không có các tư liệu lịch sử miêu tả về tổ chức xã hội của người Việt trước khi trở thành một bộ phận thuộc địa của người Hán. Các sự kiện trước thời thuộc Hán mang tính huyền sử, xen giữa sự kiện được ghi chép qua loa trong chính sử Trung Quốc với những truyền thuyết dân gian không rõ niên đại xuất xứ. Những mảnh vụn về xã hội trước thuộc Hán thường được soi chiếu lại qua màng lọc của các Nho sĩ từ thế kỷ thứ 9 trở về sau, và được viết – phiên âm theo tiếng Hán, do đó rất nhiều chi tiết không thể xác nhận được. Ví dụ như: Cương vực của nước Văn Lang và nước Âu Lạc như thế nào, Hùng Vương là nam hay nữ, những cấp bậc vua quan thời trước Hán thuộc như thế nào… tất cả đều mơ hồ. Tuy nhiên, vẫn có những dấu vết cho thấy vị trí đặc biệt quan trọng của người phụ nữ trong xã hội ấy.

Trước tiên phải kể đến sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ. Tích truyện của Lạc Long Quân và Âu Cơ đều được ghi lại trong “Việt Điện U Linh” và “Lĩnh Nam chích quái”. Ở cả hai cuốn sách này đều ghi nhận chi tiết người con cả nằm trong số năm mươi người theo mẹ Âu Cơ lên núi (chứ không phải theo cha Lạc Long Quân xuống biển). Chi tiết này cho thấy người con theo mẹ có địa vị cao hơn và chủ chốt trong cộng đồng hơn. Tuy nhiên, cũng có thể lý giải rằng câu chuyện chỉ là một phần được kể lại của người Âu Việt cổ mà thôi.

Trong cuộc tranh giành của Sơn Tinh và Thủy Tinh để lấy Mỵ Nương (cách gọi chung để chỉ con gái vua Hùng) cũng cho thấy vị trí của Mỵ Nương trong cộng đồng cổ. Mỵ Nương không phải cô công chúa đem gả bán, mà là công chúa có quyền được tuyển chọn chồng dựa trên năng lực của mỗi người đàn ông tới cầu hôn.

Trong truyền thuyết về An Dương Vương và Mỵ Châu – Trọng Thủy, Mỵ Châu, khi thua trận, An Dương Vương chỉ mang theo Mỵ Châu để chạy trốn. Và khi Mỵ Châu qua đời, thân hình hóa thành tảng đá cụt đầu được thờ ở đền Cổ Loa, trở thành một vị nữ thần, thì cũng đủ để ta thấy vai trò của Mỵ Châu đối với các cư dân Âu Lạc.

Khi bước vào thời kỳ thuộc Hán, cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng và các nữ tướng khắp nơi từ Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc) tới toàn bộ khu vực miền Bắc Việt Nam (vai trò các nam tướng không đáng kể) vào khoảng năm 40-43 SCN là bằng chứng khẳng định vị thế thống lĩnh của các nữ chúa trong xã hội cổ sơ ấy, khi mà sự đô hộ của triều Hán vẫn chưa thiết lập vức chắc và chưa thoán đoạt quyền thống trị của phụ nữ tại vùng đất này. Tình trạng này vẫn còn kéo dài tới khởi nghĩa của Bà Triệu vào thế kỷ thứ 3 SCN dù cho chính quyền đô hộ đã vững chắc hơn. Vị trí của người phụ nữ được đề cao trong xã hội là những dấu vết còn lưu lại của thời kỳ mẫu hệ, khi mà phụ nữ có quyền uy tối cao hơn so với đàn ông. Xuất phát từ chính vị thế ấy, những vị nữ thần hẳn nhiên có một vị trí đặc biệt trong văn hóa Việt Nam. Nhưng sự đặc biệt ấy sẽ không phải chủ đề chính của bài viết này. Tôi quan tâm đến khía cạnh chuyển đổi các mô hình nữ thần ở Việt Nam và cách tín ngưỡng sùng bái nữ thần bị bóp méo, sai lệch trong dòng lịch sử cố cưỡng lại chế độ nam quyền của mình.

Mô hình quyền uy: Những vị nữ thần định đoạt số phận dân tộc

Tuy nữ thần không đóng vai trò như Đấng Sáng Thế trong văn hóa của người Việt Nam, nhưng một hình tượng nữ thần được người Việt Nam thờ như người mẹ sáng tạo ra người dân Việt lại rất phổ biến, đó là Âu Cơ. Âu Cơ là con gái của Đế Lai (hậu duệ Thần Nông thị Viêm Đế) và là vợ của Lạc Long Quân (cũng một hậu duệ khác của Viêm Đế). Âu Cơ đã thụ thai từ Lạc Long Quân và đẻ ra bọc trăm trứng, từ trăm trứng nở ra trăm người con. Ghi chép cổ nhất với các chi tiết này chính là “Lĩnh Nam chích quái” tương truyền được biên soạn vào thời nhà Trần, sau này thành tư liệu tham chiếu cho “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sỹ Liên thời Lê. (3)

Một phiên bản cổ xưa hơn của câu chuyện Âu Cơ đẻ trăm trứng trăm con là “Lục Độ Tập Kinh”. “Lục Độ tập kinh” hay còn gọi là “Lục Độ vô cực kinh” là cuốn truyện giảng giải các giáo lý Phật giáo do thiền sư Khương Tăng Hội dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán ở thời Đông Ngô dưới sự cai trị của Tôn Quyền, tức khoảng thế kỷ thứ 3 SCN. Cuốn kinh này  có nhắc đến tích “trăm trứng trăm con” như sau:

Xưa có mẹ góa, làm thuê cho một nhà giàu, trông coi vườn ruộng. Người chủ có việc, cho ăn quá giờ. Đến lúc định ăn, sa môn tới xin. Lòng nghĩ: “Người này dứt dục bỏ tà, nết hạnh thanh chân. Cứu người đói bốn biển không bằng cúng một chút cho bậc chân hiền giới hạnh thanh tịnh”. Bèn đem phần ăn để hết vào và một cành hoa sen để lên bát mà dâng. Đạo nhân hiện thần thông, phóng ra ánh sáng. Người mẹ vui vẻ khen: “Đây đúng là bậc thần thánh sao? Nguyện tôi sau này sinh được một trăm người con như vậy”.

Mẹ goá chết, hồn đi, muốn làm con nối dõi người phạm chí, nên hồn tụ lại chỗ tiểu tiện của phạm chí. Con nai liếm tiểu tiện, liền cảm thụ thai. Mãn ngày, sinh một bé gái. Phạm chí nuôi nấng, lúc hơn mười tuổi, mặt mày sáng rỡ, dáng vẻ yêu kiều, ở nhà giữ lửa. Cô chơi với nai, không ngờ lửa tắt. Cha về giận dữ, sai đi xin lửa. Cô đến xóm người, mỗi bước mọc một hoa sen. Người chủ có lửa nói: “Cô đi ba vòng nhà ta, ta sẽ lấy lửa cho cô. Cô đi theo lời, hoa mọc trên đất quanh nhà ba vòng. Hành giả nghỉ chân, không ai không lấy làm lạ. Phút chốc tiếng đồn đến tai quốc vương. Vua sai thầy tướng xem tướng sang hèn. Thầy nói: “Ắt có con nối giòng thánh truyền ngôi vô cùng. Vua sai hiền thần đủ lễ rước về. Mặt hoa đẹp đẽ, cung nhân không ai bằng.

Mang thai đủ ngày, sinh ra một trăm cái trứng, hoàng hậu cung phi cho đến tì thiếp không ai là không ghét. Bèn chặt cây chuối khắc hình tượng quỉ, đợi khi sinh, lấy tóc phủ lên mặt, bôi nước bùn dơ lên cây chuối rồi đem trình vua. Bọn yêu che sáng, vua lầm tin theo.

Lũ tà lấy hũ đựng trứng, bịt kín miệng lại, quăng xuống giòng sông. Trời Đế Thích xuống lấy ấn đóng miệng lại, chư thiên theo giữ, xuôi dòng dừng lại như trụ cắm đất. Vua nước hạ lưu đang ở trên đài, xa thấy giữa dòng có hũ trôi xuống, ánh sáng rực rỡ, như có oai trời. Bèn vớt lên xem, thấy dấu ấn Đế Thích, mở có trăm trứng, ra lệnh trăm người đàn bà ấp nuôi ấm nóng. Đủ ngày thành hình, nở ra trăm người con trai, sinh ra đã có trí thượng thánh, không dạy mà vẫn tự biết, nhan sắc hơn đời, tướng tốt hiếm có, tài cán thế lực hơn người trăm lần, tiếng nói vang như sư tử rống.

Vua liền sắm đủ một trăm voi trắng, yên cương bảy báu, để cho con thánh nối dòng, khiến đi chinh phạt lân quốc. Bốn phương hàng phục, đều đến xưng thần. Lại đi đánh nước mình sinh ra. Cả nước lớn bé không ai là không run sợ. Vua hỏi: “Ai có khả năng chống lại lũ địch này?”. Phu nhân nói: “Đại vương đừng sợ, hãy xem quân địch từ đâu, công thành hướng nào thì đến đó dựng đài quan sát. Tôi sẽ vì vua mà hàng phục chúng. Vua liền ra xem quân địch từ đâu, rồi cho dựng đài. Người mẹ lên đài, cất tiếng nói: “Tội lớn phản nghịch có ba. Không xa bọn tà, đời sau chịu tội, đó là một. Sống không biết cha mẹ, làm ngược hiếu hạnh, đó là hai. Ỷ thế giết cha mẹ, độc ác với ba ngôi báu, đó là ba. Ôm giữ ba nghịch, ác ấy không gì che nổi, các ngươi há miệng, chứng cớ hiện ngay”. Người mẹ nắm vú mình, trời khiến sữa bắn, khắp miệng trăm con. Cảm sự tinh thành, uống sữa lòng buồn. Tất cả đều nói: “Đây chắc mẹ ta”. Nước mắt ràn rụa, chắp tay bước lên, cúi đầu hối lỗi. Mẹ con mới gặp, không ai là không khóc lóc. Hai nước hòa thuận, tình hơn anh em, tám phương vui mừng, không ai là không khen hay. (4)

Ngoài chi tiết “Trăm trứng trăm con” tương đồng giữa phiên bản của “Lĩnh Nam chích quái” và “Lục độ tập kinh”, còn có chi tiết người cha đem vứt bọc trứng đi  cũng tồn tại ở cả hai bản này. “Lĩnh Nam chích quái” hoặc chính dân gian đã lược bỏ vai trò của Đế Thích và xuất xứ là người phạm chí (tức Bà La Môn) ra khỏi câu chuyện để phù hợp với bối cảnh Nho giáo thời Trần. Như vậy, có khả năng, nguyên mẫu nữ thần Âu Cơ có xuất xứ từ Ấn Độ. Tôi thử tìm kiếm trong thần thoại Ấn Độ một câu chuyện tương tự và tôi đã bắt gặp lần nữa tích về người mẹ đẻ ra trăm đứa con.

Sử thi MahaBharata có nhắc đến Gandhari, công chúa của vương quốc Gandhara, mẹ của một trăm người con trai Kauravas (nghĩa là người thừa kế của vua Kuru). Gandhari có thai trong một thời gian lâu bất thường và trong lúc Gandhari đau khổ khi chứng kiến vợ chồng người em trai của chồng mình sinh con, nàng đã đẻ ra một bọc màu xám. Veda Vyasa đã đem cái bọc màu xám này chia thành 100 phần, ủ xuống đất và sau đó từ 100 phần, những đứa trẻ “thần thánh” đã ra đời.  Câu chuyện về nàng công chúa xứ Gandhara có lẽ đã ảnh hưởng đến Phật giáo ở vương quốc này dưới thời của vương triều Qúy Xương và sau đó được các thầy tu ghi chép lại trong “Lục độ tập kinh”, rồi qua nhiều lần được nhào nặn với các lớp thần thoại về gốc tích của người Việt mà hình thành nên tích Hồng Bàng thị mà “Lĩnh Nam trích quái” ghi chép.

Công chúa Gandhari và 100 người con trong Sử thi MahaBharata có thể liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại Việt Nam

Tuy nhiên, qua từng lớp khúc xạ, hình mẫu người mẹ đẻ ra trăm đứa con đã được biến chuyển để mang những lớp ý nghĩa khác nhau. Ở Ấn Độ, Gandhari được thờ không phải với vị thế như một nữ chúa tối cao của vũ trụ (vốn đã có nhiều nữ thần đảm nhiệm vị trí này), mà được thờ như một vị nữ thần đại diện cho tình yêu dành cho người chồng và cho con. Trong “Lục Độ Tập Kinh”, người mẹ đại diện cho tinh thần hướng đạo và tình yêu thương có thể thuần hóa được những đứa con. Còn trong truyền thuyết về Hồng Bàng thị, mẹ Âu Cơ đơn thuần đại diện cho hình ảnh người mẹ của toàn bộ dân tộc Việt, nhằm đoàn kết các bộ tộc khác nhau sống ở miền Bắc Việt Nam thành một khối thống nhất. Theo như Liam Kelly, một học giả chuyên nghiên cứu về thần thoại và văn hóa Việt Nam, những ghi chép về Hồng Bàng thị chỉ được ghi nhận vào thế kỷ 15 và ông gọi đây là “truyền thống được kiến tạo” bởi giới tinh hoa Nho học thời bấy giờ. (5) Những yếu tố kì dị đã được thu thập từ nhiều nguồn để bồi đắp cho sự kiến tạo này và một trong các nguồn ấy chính là từ Ấn Độ. Hình ảnh vị nữ thần Âu Cơ – mẹ của người Việt là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết dân tộc mà các Nho sĩ nhà Lê ở thế kỷ 15 muốn quảng dương. Tinh thần ấy có lẽ đã ảnh hưởng tới lớp thần thoại của người Mường trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước” khi người Mường ở Bá Thước, Thanh Hóa truyền miệng câu chuyện về chim Ây và cái Ứa đẻ ra trăm ngàn trứng nở ra vạn vật, trong đó có trăm trứng nở ra người Mường và người Kinh.

Ở vùng đất phương Nam của Việt Nam, nữ thần cũng đóng vai trò định đoạt số phận của dân tộc dù trải qua nhiều lớp văn hóa. Trước sự tồn tại của vương quốc Chăm pa, người Chân Lạp đã xây dựng một quốc gia tại giải đất nam trung bộ và nam bộ. Về sau, với sự lớn mạnh của vương quốc Chăm pa, người Chân Lạp bị dồn xuống khu vực nam bộ và đã xây dựng ở đó một quốc gia riêng. Người Chân Lạp có một truyền thuyết kỳ quặc về một vị nữ thần và các ông vua dễ gợi ta nhớ đến truyền thuyết về sử thi anh hùng Beowulf của Bắc Âu. Sử sách ghi chép về Chân Lạp không nhiều, đa phần là các tài liệu tiếng Hán. Trong một cuốn sách du ký của một vị quan nhà Nguyên vào thế kỷ 13 là Chu Đạt Quan, ông đã kể lại về vị nữ thần ấy như sau:

Trong nội có tháp vàng, ban đêm quốc chủ nằm phía trên. Người bản địa đều nói rằng trong tháp có xà tinh chín đầu, ấy là chúa đất đai cả nước, đêm đêm hiện lên thành hình người con gái, quốc chủ trước tiên cùng nằm và giao cấu với nó, vợ vua cũng không dám vào. Đến trống canh hai thì vua ra, bấy giờ mới có thể ngủ với thê thiếp. Nếu con tinh một hôm không thấy hiện lên thì tức là ngày chết của phiên chúa đã đến, nếu phiên chúa một đêm không đến thì ắt chịu tai họa. (6)

Câu chuyện mà Chu Đạt Quan nhắc đến có truyền thống bắt nguồn từ vị tổ tiên sáng lập vương quốc Preah Thong đã lấy nữ thần rắn chín đầu làm vợ.  Vua Preah Thong (Kaundinya I) và Neang Neak (Nữ hoàng Soma), biểu tượng của người Khmer cổ, được cho là đã thành lập nên đế quốc Phù Nam phồn thịnh. Preah Thong đã lấy cây cung ma thuật của Neang Neak, con gái của vua rắn Naga chín đầu, sau đó lấy nàng làm vợ, và lập ra vương triều của mình, cùng nhau cai trị. (7) Lớp huyền thoại này có ảnh hưởng trực tiếp từ phía Nam Ấn Độ và có ảnh hưởng đến không chỉ miền Nam Việt Nam mà cả cộng đồng người Khmer ở Đông Nam Á. Vị nữ hoàng hay nữ thần rắn Soma – Neang Neak đã giữ vị trí tối cao trong đời sống chính trị và tâm linh người Khmer.

Như vậy có một sự tương đồng giữa hai vị nữ thần ở miền bắc là Âu Cơ và nữ thần ở miền nam là Soma – Neang Neak: cả hai đều là những người mẹ của một quốc gia và không đại diện cho sức mạnh vũ trụ mà đại diện cho sức mạnh quyền uy của vương triều. Mô hình nữ thần này không tồn tại trong thế giới các vị thần của Chăm pa vốn chịu ảnh hưởng lớn từ Hindu giáo vốn coi quyền uy vương triều thuộc về đàn ông và biểu tượng phụ nữ dành cho sự phồn thực.

Mô hình tưởng nhớ trong tín ngưỡng thờ nữ thần tại Việt Nam

Sự thờ cúng những nữ thần cũng như các nam thần chịu sự ảnh hưởng của văn hóa thờ cúng tổ tiên và người có công với cộng đồng từ văn hóa bản địa hay từ Nho giáo đều mang tính chất tưởng nhớ: Một liệt nữ, một nữ anh hùng cứu dân giúp nước, một cô gái chung tình son sắt… tất cả đều là đối tượng của mô hình thờ cúng mang tính chất tưởng nhớ. Các vị nữ thần này thường là các nhân thần (được ghi chép trong lịch sử hay truyền thuyết), đều đại diện cho các giá trị đạo đức mà người dân Việt Nam tôn trọng. Hiện tượng này chủ yếu phổ biến ở người Việt ở miền Bắc Việt Nam và chỉ lan đến miền Nam cùng lớp dân di cư sau thời cai trị của các chúa Nguyễn tại vùng đất này (thế kỷ 16 trở về sau).

Núi Vọng Phu ở Khánh Hòa , một hình thức tưởng nhớ tương đương với tín ngưỡng thờ nữ thần

Bảng danh sách ngắn các vị nữ thần được tưởng nhớ phổ biến tại  Việt Nam (không đề cập đến các vị thành hoàng làng,tổ nghề, nữ hoàng và hoàng hậu nắm quyền lực,  các nữ sĩ nổi tiếng)

Khu vựcTên nữ thầnCâu chuyện liên quanÝ nghĩa
Bắc BộTrưng Trắc & Trưng Nhị cùng các nữ tướngCuộc khởi nghĩa chống lại nhà Hán của Hai Bà Trưng (40 – 43 SCN). Cuộc khởi nghĩa thất bại, Hai Bà Trưng nhảy xuống Hát Môn, tự vẫn. Dân lập đền thờ ở huyện An Hát (tức Phúc Thọ, Hà Nội ngày nay). Vua Lý Anh Tông gặp lúc hạn hán, cầu mưa thì thấy hai bà hiển linh, do đó cho xây đền ngay tại Kinh thành Thăng Long. (8) Cùng với Hai Bà Trưng, các nữ tướng tham gia cuộc khởi nghĩa cũng được thờ rải rác khắp Bắc Bộ và phía bắc Bắc Trung Bộ.Tinh thần yêu nước
 Tây Thiên Quốc Mẫu Lăng Thị TiêuBóc tách Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu khỏi lớp vỏ Đạo Mẫu mới tiếp nhận từ thế kỷ 19 đến nay, ta sẽ thấy rằng đây là một nữ thần của bộ tộc Sán Dìu có gốc Quảng Đông sống ở vùng núi Tam Đảo với vai trò như một thủ lĩnh và có tu luyện ma thuật. Những người Sán Dìu di cư đến Tam Đảo cách đây hơn 300 năm trước và đã tổ chức những nghi lễ thờ cúng bà tại đây, duy trì đến tận ngày nay. (9)Cố kết cộng đồng Sán Dìu tha hương tại Tam Đảo
 Mỵ ÊKhi Lý Thái Tông tiến đánh Chiêm Thành (1044), giết được vua Chiêm là Sạ Đẩu, bắt được vợ của Sạ Đẩu là nàng Mỵ Ê. Thấy Mỵ Ê xinh đẹp, Lý Thái Tông muốn nạp nàng làm thiếp. Mỵ Ê không chịu, đi qua Châu Giang (Phủ Lý), nàng nhảy xuống sông tự tử. Lý Thái Tông thương tiếc người phụ nữ trinh liệt nên cho lập đền thờ cúng. (10)Đức hạnh trinh liệt
 Chúa Thác Bờ Đinh Thị VânĐinh Thị Vân là con gái của một chẩu mường ở Kim Bôi, Hòa Bình đã có công giúp Thái Tổ Lê Lợi  trong quá trình ông tiến đánh Đèo Cát Hãn vào thế kỷ 15. Bà kêu gọi nhân dân quyên góp lương thực, tổ chức chèo thuyền đưa nghĩa quân vượt sông Đà, tổ chức khao quân. Lê Lợi đã dùng kiếm Thuận Thiên khắc bài thơ cảm khái công lao của bà lên đá, hiện phiến đá đang được lưu ở Viện Bảo tàng văn hóa Mường tỉnh Hòa Bình. (11)Công lao giúp triều đình nhà Lê đánh giặc
 Ngọc Hân công chúaLê Ngọc Hân (1770 – 1799) là công chúa được Lê Hiển Tông gả cho làm vợ của Quang Trung Nguyễn Huệ khi ông tấn công miền Bắc năm 1786 để kiểm soát quyền lực của quân Tây Sơn. Khi nhà Lê mất, Ngọc Hân vẫn trung thành với quân Tây Sơn. Khi triều Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh đã cho giết bà cùng với nhiều hoàng thất, quan lại phục vụ Tây Sơn. Hài cốt của Ngọc Hân được người dân miền bắc cướp lại và đem giấu ở đền Ghềnh (Gia Lâm) và đền Nành (Ninh Hiệp), đều trong khu vực Hà Nội. (12)Thương xót cho số phận hồng nhan và sự thủy chung
 Mỵ ChâuCon gái của An Dương Vương, tương truyền bị An Dương Vương chém đầu khi phát hiện ra nàng chính là người đã đưa nỏ thần cho Trọng Thủy và rắc lông ngỗng để Trọng Thủy có thể tìm được cha con Mỵ Châu. Sau khi Mỵ Châu mất, nàng hóa thành tảng đá cụt đầu, máu nàng đổ xuống biển khiến những con trai ăn được và tạo thành ngọc trai.Thương xót vì tình yêu chung thủy bị lợi dụng trong chiến tranh
Bắc Trung BộBà TriệuTriệu Thị Trinh hay Triệu Ẩu (tên gọi không chính xác) khởi nghĩa chống lại sự cai trị của nước Đông Ngô vào thế kỷ thứ 3 nhưng thất bại. Sau khi bà tuẫn tiết, những người dân ở quanh khu vực núi Nưa, Thanh Hóa đã thương tiếc và thờ bà cho đến nay. (13)Tinh thần yêu nước
 Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích ChâuTương truyền đây là sủng phi bị Trần Duệ Tông hiến tế ở cửa biển Xích Lỗ để tàu chiến có thể đi qua trong chiến dịch của nhà Trần đánh Chiêm Thành vào cuối thế kỷ 14. Tuy nhiên, chi tiết này không được ghi lại trong chính sử hay bài thơ đề của Lê Thánh Tông khi đến thăm đền Chế Thắng. Những chi tiết về nàng Bích Châu đầu tiên chỉ được đề cập đến trong “Truyền kỳ Tân Phả” của Đoàn Thị Điểm ở thế kỷ 18, vốn là một câu chuyện được viết với bút pháp truyền kỳ, mang nhiều yếu tố hư cấu. (14)Tinh thần yêu nước và trinh liệt
Nam Trung Bộ và Nam BộHuyền Trân công chúaHuyền Trân công chúa (1287 – 1340) là một công chúa triều Trần được gả sang Chiêm Thành để đổi lấy hai châu Ô – Lý, tức từ đèo Hải Vân đến Quảng Trị ngày nay.  Khi vua Chiêm Thành là Chế Mân chết, Huyền Trân được đưa về Thăng Long và đi tu. Huyền Trân được thờ ở Nam Định để tưởng nhớ sau khi mất và đặc biệt là ở Huế vào thời Nguyễn như một thần mẫu. (15)Tinh thần hi sinh vì đất nước
 Đá Vọng PhuChúng ta thường biết về đá Vọng Phu tức nàng Tô Thị ở Lạng Sơn với câu chuyện người vợ chờ chồng nhưng người chồng thực ra là người anh trai đã lưu lạc của cô. Tuy nhiên, sự tích cổ xưa nhất ghi chép về đá Vọng Phu được lưu trong “Lĩnh Nam chích quái” lại cho biết địa điểm ban đầu của đá Vọng Phu thuộc huyện Vũ Xương, cửa biển Thuận Hóa (tức Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ngày nay). (16)Sự chung thủy của người phụ nữ
 Võ Thị SáuVõ Thị Sáu (1933 – 1952) là một nữ chiến sĩ Cách mạng bị Pháp bắt vì ám sát nhiều sĩ quan Pháp, và giam ở Côn Đảo. Sau khi Võ Thị Sáu bị xử tử, nhiều chi tiết ly kì và huyền bí đã đưa Võ Thị Sáu lên trở thành một vị nữ thần được thờ cúng ở vùng biển quanh Côn Đảo. Tín ngưỡng thờ Võ Thị Sáu được khơi dậy bởi tỉnh trưởng Côn Đảo thời Việt Nam Cộng Hòa là Tăng Tư do ông này cầu “chị Sáu” giúp đều được linh ứng. Về sau, khi Việt Nam thống nhất, Võ Thị Sáu được thờ như nữ anh hùng đã đấu tranh và hi sinh cho đất nước. (17)Tinh thần bất khuất và hi sinh cho đất nước

Mô hình chủ đạo: Nữ thần mang lại phồn thực, phồn thịnh và bảo hộ cho cộng đồng và các cá nhân

Đây là mô hình chủ yếu của các nữ thần tại Việt Nam, cho dù những nguyên nhân người dân lựa chọn thờ họ ban đầu không hoàn toàn đến từ ý nghĩa phồn thực và phồn thịnh mà có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác như nỗi sợ hãi, sự tưởng niệm, hay tích truyện kì dị… Sự phồn thực chủ về sinh đẻ, phồn thịnh chủ về giàu có, bảo hộ chủ về sinh mệnh dài lâu, tất cả tạo nên một mô hình thờ cúng nữ thần tích hợp giữa cầu mưa thuận gió hòa phục vụ đời sống nông nghiệp với vị thần mang lại giàu có và khỏe mạnh, trừ tai họa cho các cá nhân trong cộng đồng. Mô hình này đặc biệt phổ biến ở tất cả các trường hợp nữ thần tại Việt Nam và là mô hình thờ nữ thần chủ đạo của Đạo Mẫu.

Bảng danh sách ngắn các nữ thần phồn thực, phồn thịnh và bảo hộ (không thống kê các thần trong đạo Mẫu, thành hoàng làng,tổ nghề, nữ hoàng và hoàng hậu nắm quyền lực,  các nữ sĩ nổi tiếng)

Lớp văn hóaNữ thầnTích truyện và sự chuyển biếnKhu vực thờ cúng
Ảnh hưởng từ Ấn ĐộMan Nương và Tứ PhápNàng Man Nương do tư thông với Khâu Đà La nên có con, Man Nương đem người con cho Khâu Đà La. Khâu Đà La đặt đứa con vào một gốc cây dâu, gốc cây dâu nuốt trọn đứa con. Một lần mưa bão, cây dâu bị đổ và trôi theo nước lũ. Người dân lấy cây dâu đẽo thành tượng là Tứ Pháp  và thường tổ chức lễ rước để cầu mong mưa thuận gió hòa. (18)Đồng bằng Bắc Bộ
 Thiên Y A Na (Bà Chúa Ngọc, Poh Nagar)Poh Nagar có nghĩa là bọt biển, là một vị nữ thần trên trời giáng thế. Bà xây cung điện và có nhiều chồng ở hậu cung, cũng đẻ nhiều con. Khi được Việt hóa, Poh Nagar có tên là Thiên Y A Na và được kể rằng có một đoạn tình yêu với vị thái tử trần tục. Khi bà và hai người con về trời, thái tử hành hạ dân phải tìm bà, người dân cầu bà thì thấy linh ứng. (19)Nam Trung Bộ
 Quán Thế Âm nghìn mắt nghìn tayTrong Phật giáo, Quán Thế Âm không phải là một nữ thần nhưng khi du nhập sang Việt Nam thì đã mang màu sắc nữ giới, đại diện cho tinh thần cứu khổ cứu nạn và ban phước.Toàn quốc
Ảnh hưởng từ Trung QuốcQuan Âm Nam HảiCũng tương tự như Quán Thế Âm nghìn mắt nghìn tay, khi Quán Thế Âm du nhập tới vùng biển phía Nam Trung Hoa thì được mang nhân dạng nữ với y phục màu trắng và đại diện cho sự bảo hộ người đi biển, mang lại sự giàu có cho ngư dân.Toàn quốc
 Thiên Hậu hay còn gọi là Ma Tổ hay Mẫu TổTên thật là Lâm Mặc Nương, một cô gái có phép thần thông, cảm hóa các ác thần. Nhưng cô gái này mất sớm, từ lúc mới mười sáu tuổi, ở ngoài biển. Nguyên nhân cái chết không rõ ràng. Người dân lập đền, thấy linh ứng nên thường thờ cúng. ( 20)Ven biển cả nước, đặc biệt là Nam Trung Bộ và Nam Bộ
 Tứ vị thánh nươngTứ Vị Thánh Nương có gốc tích không rõ ràng, chỉ biết là xác một người phi của một vị vua Tống Bắc và hai công chúa, một cung nữ bị trôi dạt vào bờ biển Việt Nam. Dân thương xót lập miếu. Về sau họ thành vị thần bảo hộ cho những người đi biển ở miền Trung. (21)Ven sông Hồng và biển Bắc Trung Bộ
Xuất hiện để phò tá các vị vuaVạn Phúc, Vạn Lộc, Vạn Thọ phu nhânVạn Phúc, Vạn Lộc là hai công chúa của Lý Nam Đế, theo học pháp thuật với Vạn Thọ Phu Nhân Ma thị. Theo truyền thuyết, họ giao chiến với hồ ly tinh ở hồ Tây dành chiến thắng, nhờ thế vùng hồ Tây mới được yên. Họ được xây đền thờ phụng ở ngay khu vực hang hồ ly xưa. (22)Hồ Tây (Am Gia Hội hay miếu Ba Bà)
 Bà Chúa KhoLà một hệ thống những nữ quản kho xuất hiện trong các cuộc chiến tranh, nổi tiếng nhất là Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh và ở Hà Nội. Tuy nhiên, ý nghĩa tưởng niệm bị mất hoàn toàn mà đã bị thay thế bằng các hình thức cầu tài và vận may.Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội.
 Chúa Thác BờTích truyện đã nhắc ở bảng trên. Xin nói thêm: Hiện nay Chúa Thác Bờ cũng bị thay đổi ý nghĩa thờ cúng, từ tưởng nhớ sang hình thức cầu xin tài lộc.Hòa Bình
 Hậu Thổ phu nhânKhi Lý Thánh Tông đem quên đánh Chiêm Thành (Thế kỷ 11), khi đi đến cửa biển Hoàn Hải gặp mưa bão không đi được. Lý Thánh Tông nằm mơ thì gặp một vị nữ thần đến xin được thờ bái, sẽ giúp vua vượt biển. Lý Thánh Tông đi tìm gỗ để làm tượng nữ thần thì gặp khúc gỗ có hình người y như nữ thần trong mơ. Lý Thánh Tông rước về Hà Nội để thờ. Đến thời Trần Anh Tông, gặp lúc hạn hán, cầu mưa tại đền có linh ứng. Từ đó vị nữ thần này mang chức năng cầu mưa. Tuy nhiên, gần đây sự sùng bái vị nữ thần này cũng chuyển sang mục đích cầu tài lộc. (23)Đình Ứng Thiên, Láng Hạ, Hà Nội
 Hai Bà TrưngTích truyện như bảng trên. Xin nói thêm, sau thời Lý Anh Tông, Hai Bà Trưng trở thành vị thần làm mưa.Vĩnh Phúc, Hà Nội
Ảnh hưởng từ KhmerBà chúa XứKhông có tích cụ thể. Người dân tình cờ nhặt được một bức tượng, hực ra là tượng nam thần Khmer. Khi thờ thì thấy linh ứng nên ngày càng phổ biến. Đây là vị thần chuyên ban tài lộc.Đồng bằng sông Cửu Long
 Bà ĐenTương truyền là một thiên kim tiểu thư tên là Thiên Hương được một người con trai là Lê Sỹ Triệt cứu khi bị giặc cướp vây hãm. Thiên Hương muốn lấy Lê Sỹ Triệt vì cảm kích chàng, nhưng chưa kịp thành hôn thì người chồng phải tòng quân. Ở nhà, Thiên Hương bị kẻ xấu vây hãm, phải nhảy xuống núi tự tử. Sau khi mất, hồn nàng báo mộng cho sư trụ trì trên núi. Tuy nhiên khi xuất hiện, hồn nàng đen đúa, nên từ đó người ta gọi nàng là Bà Đen và núi cũng có tên nôm là núi Bà Đen. Có thuyết khác cho rằng đó là tên bà chủ của núi là Re Đeng, sau đọc trại ra thành Đen. Thuyết thứ ba cho rằng có một người con gái tên là Đênh, bị cọp vồ chết ở trên núi và ăn thịt, từ đó người ta thờ bà trên núi. Chữ Đênh đọc trại lại là Đen. Bà Đen là vị thần mang lại vận may về tình duyên. (24)Đồng bằng sông Cửu Long
Dân gianCác oan hồn thiếu nữ, được gọi là các CôKhắp cả nơi trên cả nước đều có rất nhiều những oan hồn thiếu nữ, người vì bệnh tật, người vì bị giết, người tự tử, người bị chôn sống để hiến tế hoặc làm thần giữ của. Những oan hồn này được lập miếu thờ và người dân cầu mong họ giúp bản thân có được sự giàu có, may mắn, tránh được tai ương.  (Ví dụ như trường hợp Bà Đen ở trên)Khắp cả nước

Từ tín ngưỡng thờ nữ thần đến sự hình thành tín ngưỡng thờ Mẫu

Những liệt kê ở trên chỉ là một phần mang tính đại diện của số lượng lớn các nữ thần tại Việt Nam. Trong bảng thống kê năm 1984 của nhà nghiên cứu Đỗ Thị Hảo, sơ lược có 75 vị nữ thần được thờ ở hơn 250 di tích trên cả nước. (25) Các vị nữ thần ở Việt Nam thường được gọi bằng những danh xưng khác nhau, tùy theo cấp bậc do dân gian phong.

Bảng danh xưng ứng với cấp bậc các nữ thần

Danh xưngĐặc điểmVí dụ
Mẫu/Thánh mẫuMẫu hay Thánh mẫu là cách gọi Hán Việt của danh xưng “Mị” dùng để chỉ những người phụ nữ có địa vị cao được tôn thờ trong cộng đồng Việt cổ vốn có cùng gốc với Thái. (26)Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Âu Cơ, Phật Mẫu Man Nương… Về sau các nữ thần khác như Poh Nagar hay Bà Đen cũng được phong là Mẫu: Mẫu Thiên Y A Na hay Linh Sơn Thánh Mẫu…
Bà ChúaNhững nữ thần có địa vị cao ở một khu vực địa phương nào đóBà Chúa Thác Bờ, Bà Chúa Kho, Bà Chúa Ngọc…
Cách gọi trang trọng những vị nữ thần nói chungBà Đen, Bà Dâu, Bà Đậu, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Bà Hỏa…
Vốn dĩ từ “Cô” dùng để gọi những “Bà Cô” tức những người phụ nữ chết trẻ trong một dòng tộc phù trợ hoặc ám ảnh người trong dòng tộc ấy. Tuy nhiên, dần dần, từ này được sử dụng chung để gọi những người phụ nữ chết trẻ được thờ cúng nhưng không rõ thân phận.Cô Bơ, Cô Bé, Cô Chín…

Như vậy, ta thấy rằng “mẫu” là một khái niệm để chỉ một nữ thần có địa vị tối cao trong lòng của một cộng đồng dân cư nào đó. Vì vậy, việc có hay chăng tồn tại một hệ thống đạo Mẫu  cố định theo mô hình Tam Phủ – Tứ Phủ  trong lịch sử đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, ta có thể biết rằng từ đầu thế kỷ 20, mô hình này đã khá phổ biến nhưng không có đền miếu chính thức mà chỉ ở trong các nhà riêng của thầy đồng. Tình trạng này kéo dài đến năm 1989. (27)

Mô hình Tam Phủ – Tứ Phủ hay đạo Mẫu là một tổ hợp tách biệt với các tín ngưỡng thờ nữ thần khác ở Việt Nam dù có sử dụng chung khái niệm “mẫu” để chỉ vị nữ thần tối cao. Nhiều người, do cách gọi tên này đã đồng nhất các vị nữ thần khác vào chung với hệ thống đạo Mẫu, từ đó gây lầm tưởng rằng đạo Mẫu là một chỉnh thể tín ngưỡng mang tính phổ quát và có gốc rễ lâu đời ở Việt Nam. Đạo Mẫu có lịch sử chưa đến 500 năm và cũng không có nhiều bằng chứng xác thực về sự tồn tại của Mẫu Liễu Hạnh – vị nữ thần có thể được coi là người sáng lập đạo Mẫu.

Những ghi chép sớm nhất về Liễu Hạnh được biết đến nay là “Truyền kỳ tân phả” của Đoàn Thị Điểm. “Truyền kỳ tân phả” kể lại ba kiếp giáng sinh của Liễu Hạnh và những đối đáp văn thơ giữa Liễu Hạnh và một Nho sinh nổi tiếng thời Lê Trung Hưng là Phùng Khắc Khoan (28). Mối quan hệ giữa một nhân vật mang tính truyền thuyết với một nhân vật lịch sử đã gia tăng thêm nhiều xác tín về sự tồn tại của Liễu Hạnh. Ở giai đoạn khai tông lập phái, theo truyền thuyết, Liễu Hạnh phải trải qua một cuộc chiến phép thuật với ba vị đạo sĩ trong Nội Đạo tràng và thua cuộc, nên phải quy y theo Phật pháp. Trong quá trình đối kháng lại tín ngưỡng khác, đạo Mẫu đã du nhập mô hình Tam Phủ: Thiên – Địa – Thủy vốn thờ nam thần phổ biến ở miền Bắc Việt Nam sang mô hình nữ thần tương ứng mà chúng ta biết đến là ba vị nữ thần Mẫu Thiên – Mẫu Địa – Mẫu Thoải hiện nay. (29) Sau đó, đạo mẫu tiếp nhận thêm vĩ nữ thần cai quản rừng nổi tiếng ở khu trung du miền Bắc là Mẫu Thượng Ngàn vào hệ thống, để Mẫu Thượng Ngàn đóng vai trò như Mẫu Địa. Để làm dầy dặn thêm thế lực của mình và chính thống hóa dần dần, đạo Mẫu bắt đầu đưa các vị nữ thần và nam thần ở các địa phương khác nhau vào hệ thống mặc dù trước đó truyền thuyết và lịch sử không ghi nhận bất cứ mối liên hệ nào với đạo Mẫu. Cho đến nay, tiến trình này vẫn đang tiếp tục được diễn ra thông qua quá trình các con nhang đệ tử của đạo Mẫu giúp “trùng tu”, “tôn tạo” các di tích.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao một hệ thống tín ngưỡng mơ hồ như đạo Mẫu lại tồn tại và phát triển lớn mạnh như vậy? Bỏ qua những lý giải hàn lâm về tâm thức người mẹ hay tính nữ, tôi đi tìm một lý do gần gũi hơn. Một cách dễ thấy, các thầy đồng của đạo Mẫu sở hữu những kỹ năng tốt trong bói toán và tư vấn cho những “khách hàng” của mình. Họ xem bói, hướng dẫn phương pháp trừ tà, nhảy đồng, gọi hồn, cầu cúng… theo mọi yêu cầu. Đạo Mẫu hứa hẹn mang lại tài lộc và sức khỏe cho những con nhang đệ tử đi theo, và nhờ đó ngày càng lan rộng trong dân chúng, đặc biệt trong suốt 500 năm phát triển tương ứng với giai đoạn chiến tranh loạn lạc và đói kém liên miên. Nhưng có thể đó chỉ là bước phát triển rộng rãi của đạo Mẫu, thuở ban sơ, đạo Mẫu có lẽ đã phát triển nhờ vào một “thị trường ngách” nào đó. Tôi tìm được câu trả lời khi đọc những ghi chép của linh mục Leopold Cardiere khi ông tới Việt Nam truyền giảng. Qua những ghi chép của ông, tôi biết được rằng đạo Mẫu sở dĩ có được vị trí vững chắc là nhờ vào khả năng giúp những người phụ nữ khó có con cón thể thụ thai một cách bí ẩn. Ông viết:

Hầu như những nơi thu hút quần chúng  đến cầu đảo, mọi chốn tụ họp hành hương như Kiếp Bạc, Hương Tích, Phủ Giầy ở miền Bắc, Phố Cát ở Thanh Hóa, Hòn Chén ở Thừa Thiên, rồi vô số những điện miếu địa phương, ít nổi tiếng hơn, đều là những nơi đặc biệt để cầu tự. Thánh Mẫu, Bà Chúa Cửu Trùng, Bà Chúa Liễu Hạnh, Bắc Thần và nhiều vị khác đều có phép khiến cho các bà già khụ có thể thai nghén. Tại các nơi ấy có bán các y phục hay yếm có những bí tự và các bà mua, mang một cách thành kính; người ta còn xin bùa để mang vào cổ, khâu vào áo, những bùa yêu để nuốt vào miệng; họ dâng cúng của lễ, đốt hương, bói toán hậu vận bằng nhiều cách, lên đồng, thôi miên trong những trạng thái kỳ lạ. (30)

Vì mục đích cầu tự lúc ban sơ, nên ta có thể thấy các vong linh Cô Bé, Cậu Bé có mối liên hệ mật thiết với đạo Mẫu hơn những vị nữ thần và nam thần khác. Cô Bé và Cậu Bé trong đạo Mẫu không chỉ đóng vai trò như những vị tiểu thần phục vụ các Mẫu mà còn đóng vai trò chủ chốt trong quá trình phục vụ nhu cầu cầu tự của các “khách hàng”. Nhờ thế, đạo Mẫu đã có những “khách hàng” nổi tiếng, mà nổi tiếng nhất là Bà chúa Chè Đặng Thị Huệ, vợ của Trịnh Sâm. Đặng Thị Huệ đã tới Sùng Trân tự tức đền Sòng để cầu tự và sau đó đẻ ra chúa Trịnh Cán, giúp bà leo lên tột đỉnh quyền lực. Đặng Thị Huệ đã đưa đền Sòng từ vị trí “ngoài luồng”, chỉ lén lút phục vụ các bà các cô lên vị trí được thừa nhận một cách chính thống, tạo tiền đề cho đạo Mẫu mở rộng và thực hiện quá trình tích hợp (31)

Bảng danh sách các vị thần trong đạo Mẫu (Dựa trên sách “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ: chốn thiêng nơi cõi thực” của Thạc sĩ Trần Quang Dũng chủ biên)

Nhóm thầnTên thầnNguồn gốc/Vai tròMàu đại diện
Các MẫuMẫu Liễu Hạnh (Thánh Mẫu thần chủ)Sáng lập đạo MẫuĐỏ hoặc Vàng
 Mẫu Thượng Ngàn (Thánh Mẫu Nhạc Phủ)Du nhập từ hệ thống tín ngưỡng thờ thánh Tản ở Ba Vì và các truyền thuyết ở trung du miền núi phía Bắc. Mẫu Thượng Ngàn cai quản vùng rừng núi, đại diện cho yếu tố đất trong bộ ba Thiên – Địa – Thủy.Xanh
 Mẫu Thượng Thiên (Thánh Mẫu Cửu Trùng). Tên gọi khác: Thanh Vân công chúaCó thuyết cho rằng chính là Cửu Thiên Huyền Nữ trong Đạo giáo Trung Quốc. Tuy nhiên, có thể đây là một biến thể từ vị nam thần đại diện cho Thiên phủ đã đề cập ở trên.Đỏ
 Mẫu Thoải (Thủy Cung Thánh Mẫu). Tên gọi khác: Xích Lân Công chúaĐây là một biến thể từ vị nam thần đại diện cho Thủy phủ đã đề cập ở trên. Tích truyện liên quan đến Mẫu Thoải có gốc tích từ “Liễu Nghị truyện”, một truyện truyền kỳ thời Đường.Trắng
Ngũ VịTôn QuanQuan Lớn Đệ NhấtCai quản Thiên phủĐỏ
 Quan Lớn Đệ Nhị Giám SátCai quản miền rừng núi thượng ngàn, giám sát tam giới, nắm sổ sinh tử của trần gianXanh
 Quan Lớn Đệ TamCai quản miền sông nước. Thần tích cho biết ông là con vua Thủy quốc, có công giúp vua Hùng đánh giặc ngoại xâm.Trắng
 Quan Lớn Đệ Tứ Khâm SaiCó quyền Khâm sai bốn phủ, là vị thần từ Thiên cung được giao cai quản đất đai nơi con người sinh sống.Vàng
 Quan Lớn Đệ Ngũ. Tên gọi khác: Quan Lớn Tuần TranhSự tích cho biết ông là một vị tướng trấn giữ ở bến sông Tranh. Sau ông bị oan, nên bị đày lên Kỳ Cùng (Lạng Sơn) và qua đời. Ông hiển thánh, linh ứng, có phép thuật, cai quản âm binh, ra oai trừ quỷ nên được dân thờ phụng.Xanh da trời
 Quan Lớn Điều ThấtTruyền thuyết ghi nhận ông là tướng có công giúp vua Hùng dẹp giặc ngoại xâm, sau khi mất lại hiển linh trừ tà, nên được người dân thờ cúng. 
 Quan Lớn Đệ BátTruyền thuyết kể ông là con trai Bát Hải Động Đình, thường kề cận vua cha, hiển linh hàng ma phục yêu, cứu độ nhân gian. 
 Quan Lớn Triệu TườngĐây là trường hợp tích hợp chúa Nguyễn Hoàng vào hệ thống đạo Mẫu. 
Tứ phủ Chầu BàChầu Đệ Nhất Quế Hoa công chúaKệ cận Mẫu Thượng Thiên (khi ở Thiên phủ) và Mẫu Liễu Hạnh, được giao quyền giữ sổ tam tòa, cầm cân định tội phúc của thế gian.Đỏ
 Chầu Đệ Nhị Thượng NgànThường xuyên xuống đồng ban tài, tiếp lộc cho đệ tử. Bà là Khâm Sai của Mẫu Thượng Ngàn.Xanh
 Chầu Đệ TamThường cứu bệnh và độ thương cho nhân gian. Bà là Khâm Sai của Mẫu Thoải.Trắng
 Chầu Đệ Tứ Khâm Sai. Tên gọi khác: Chiêu Dung công chúaLà vị thánh chầu thuộc Địa Phủ, giữ sổ Tứ phủ, cai quản bản mệnh các thanh đồng, ra tay trừ quỷ, ban phát tài lộcVàng
 Chầu Đệ Ngũ hay Chầu Năm Suối LânGiúp dân làm ăn, hàng phục ma quái.Xanh da trời
 Chầu Lục hay Lục Cung nương nươngTương truyền là người Nùng, giáng sinh vào nhà họ Trần ở Lạng Sơn. Thường hay chấm đồng, cho thuốc chữa bệnh, cho lộc buôn bán, chứng lễ cho các con nhang đệ tửLam hoặc tím
 Chầu Bảy hay Chầu Bảy Kim GiaoTương truyền sinh ra trong gia đình dân tộc Mọi ở Mỏ Bạch, Thái Nguyên, có công giúp Hai Bà Trưng dẹp giặc, dạy dân canh tác. Có khả năng đây là vị nữ thần của dân tộc Mọi được tích hợp vào.Xanh tính hoặc vàng
 Chầu Bát hay Tiên Chúa Bát Nàn, Bát Nàn Đông Nhung Đại tướng quânTương truyền chính là nữ tướng Vũ Thị Thục trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Đây là trường hợp đạo Mẫu tích hợp vào hệ thống.Vàng
 Chầu Cửu hay Chầu Chín Cửu Tỉnh, Quỳnh Hoa công chúaTương truyền là thần tiên trên trời hiển linh, hỗ trợ Liễu Hạnh trong cuộc chiến Sòng Sơn.Hồng
 Chầu Mười hay Chầu Mười Đồng MỏTương truyền là người Thổ ở vùng Đồng Mỏ giúp Lê Lợi đuổi giặc Minh. Sau khi công thành thì lại về trời. Vai trò là thường phát lương cho trần gian no ấm. Đây có khả năng là vị thần được tích hợp vào hệ thống đạo Mẫu.Vàng
 Chầu BéCai quản tòa sơn trang Thượng Ngàn. Truyền thuyết kể rằng Chầu Bé vốn là người Nùng giáng sinh ở Bắc Lệ, Lạng Sơn.Chàm, xanh lam hoặc đen
 Chầu Thủ Đền (một số quan niệm là Chầu Bé Thoải)Cai quản đền, điện, phủ trong đạo MẫuMàu áo tùy vào từng phủ
Tứ phủ Thánh HoàngÔng Hoàng Cả hay Hoàng Cả Thượng ThiênThuộc thiên phủĐỏ
 Ông Hoàng ĐôiThuộc Nhạc phủ. Tương truyền là người Mán, có công dẹp giặc cứu dân. Từng cùng với Hoàng Bảy Bảo Hà dẹp giặc dưới thời vua Lê.Xanh
 Ông Hoàng Bơ hay Ông Hoàng Bơ Thoải CungGiáng phúc cho dân, ban lộc cho người buôn bán, cho người đi học đỗ đạt.Trắng
 Ông Bắc quốc hay Ông Bơ Bắc quốcVị tướng triều Minh lánh nạn sang nước ta, sau đó mất, có công giúp nước ta chống lại quân Thanh.Kiểu áo Tàu, màu không rõ
 Ông Hoàng Bảy hay Ông Hoàng Bảy Bảo HàTên húy là Nguyễn Hoàng Bảy, là vị quan triều đình traasn giữ Lào Cai, Yên Bái dưới thời Lê. Sau khi mất, ông hiển linh giúp nước nên được phong là thượng đẳng thần. Đây là vị thần được tích hợp vào đạo Mẫu.Lam, tím chàm hoặc hồng, đỏ
 Ông Hoàng BátTương truyền chính là Nùng Trí Ca. Đây là vị thần được tích hợp vào đạo Mẫu.Vàng
 Ông Hoàng Chín Hay Ông Chín Cờn MônTích không rõÁo the khăn xếp màu đen hoặc the hồng khăn xếp đỏ
 Ông Hoàng Mười hay Ông Hoàng Mười Nghệ AnCó nhiều tích, trong đó phổ biến nhất cho rằng ông là Lê Khôi hoặc Nguyễn Xí (tướng nhà Lê trong khởi nghĩa Lam Sơn). Tuy nhiên, các thủ từ giữ đền và con cháu của Lê Khôi và Nguyễn Xí đều phủ nhận mối liên đới với Ông Hoàng Mười. Đây là trường hợp đạo Mẫu tích hợp chưa toàn vẹn một nhân vật lịch sử và gặp phải sự phản kháng.Vàng
Tứ Phủ Thánh CôCô Đệ Nhất hay Cô Đệ Nhất Thượng ThiênTheo hầu Mẫu Liễu Hạnh và Chầu Đệ Nhất, thay Liễu Hạnh chấm lính, bắt đồng.Đỏ
 Cô Đôi hay Cô Đôi Thượng NgànLà thị nữ của Mẫu Thượng Ngàn. Tương truyền giáng sinh ở Ninh Bình trong một gia tộc họ Hà, có phép thuật, giúp nhân dân vùng núi làm ăn sinh sống, cai quản kho lộc sơn lâm nên thường ban tài lộc cho bách gia.Áo ngắn màu xanh, quầy đen
 Cô Bơ hay Cô Ba BôngLà thị nữ của Mẫu Thoải. Tương truyền có tham gia giúp Lê Lợi những năm đầu kháng chiến và có ước hẹn với ông, nhưng ông không trở lại.  Cai quản ngã ba Bông ở Thanh Hóa, giúp tàu thuyền qua lại dễ dàng.Trắng
 Cô Tư hay Cô Tư Ỷ La, Thánh Cô Đệ Tứ Khâm Sai, Cô Tư Tứ Tổng Tây HồThị nữ của Thánh mẫu đền Ỷ LaVàng cam hoặc vàng
 Cô Năm hay Cô Năm Suối LânLà thị nữ của Chầu Năm, chuyên coi sóc đền Suối Lân và giúp Chầu Năm cai quản rừng Suối Lân, Lạng Sơn.Xanh da trời
 Cô Sáu hay Cô Sáu Sơn Trang, Cô Sáu Lục CungLà thị nữ của Chầu Lục Cung nương, có tài chữa bệnh và bốc thuốc cứu người, vì vậy nhân dân vẫn đến xin thuốc trị bệnh.Lam hoặc chàm tím
 Cô Bảy hay Cô Bảy Kim Giao, Cô Bảy Tân LaLà thị nữ của Chầu BảyTím
 Cô Tám hay Cô Tám Đồi ChèTương truyền là người con gái hái chè ở Hà Trung, Thanh Hóa từng có công giúp vua Lê Lợi dẹp giặc, nên được thờ.Màu xanh theo lối người Mường Thanh Hóa
 Cô Chín hay Cô Chín Suối Rồng, Cô Chín Sòng Sơn, Cô Chín GiếngTheo hầu Liễu Hạnh, cai quản chín giếng thiêng làm nên dòng suối tự nhiênHồng
 Cô Mười hay Cô Mười Mỏ BaThị nữ của Chầu Mười, cùng tham gia với Chầu Mười xông pha trận mạcVàng
 Cô Bé (nhiều danh hiệu tùy từng địa phương) Thổ cẩm
 Cô Cam ĐườngHai cô gái giáng sinh trong gia đình buôn tơ vải ở Đình Bảng, Bắc Ninh có công giúp dẹp giặc cứu dân, rồi hóa ở Cam Đường, Lào Cai. Hai cô ban tài lộc nên được dân thờ phụng.Trang phục liền chị quan họ
Tứ Phủ Thánh CậuTên phụ thuộc ở từng vùngVốn là những cậu bé mất khi còn nhỏ tuổi ở nhiều khu vực khác nhau, được thờ trong các đền điện thuộc tín ngưỡng đạo Mẫu.Màu áo tùy khu vực đền thờ
Ngũ HổĐông Phương Giáp Ất Mộc Đức Thanh Hổ Thần quanTrấn phía đông. Du nhập từ Đạo giáo.Xanh
 Nam Phương Bính Đinh Hỏa Đức Xích Hổ Thần quanTrấn phía nam. Du nhập từ Đạo giáo.Đỏ
 Trung Ương Mậu Kỷ Thổ Đức Hoàng Hổ Thần quanTrấn ở trung tâm. Du nhập từ Đạo giáo.Vàng
 Tây Phương Canh Tân Kim Đức Bạch Hổ Thần quanTrấn phía tây. Du nhập từ Đạo giáo.Trắng
 Bắc Phương Nhâm Qúy Thủy Đức Hắc Hổ Thần QuanTrấn phía bắc. Du nhập từ Đạo giáo.Đen
Ông LốtThanh Xà Đại Tướng quânDu nhập từ Đạo giáo.Xanh
 Bạch Xà Đại Tướng quânDu nhập từ Đạo giáo.Trắng
 Các biến thể tùy từng khu đền mà có Hoàng Xà hay Hắc Xà  

Qua thống kê, ta có thể thấy số lượng và vị thế của các nữ thần áp đảo hơn hẳn so với nam thần. Các nam thần thường có vị thế nhỏ, chức năng hoạt động không rõ ràng, chủ yếu như một biểu hiện rằng các nam thần (hầu hết là những danh tướng) đều làm việc dưới trướng các bậc nữ nhi. Như vậy, ta có thể xem sự trỗi dậy của Đạo Mẫu giống như một sự phản kháng về mặt tôn giáo của những người phụ nữ Việt Nam trong dòng lịch sử vốn đang thuộc về hệ thống nam quyền. Do tính chất phản kháng này, Đạo Mẫu chấp nhận tình trạng “phát triển nóng” với một hệ thống kém tính hệ thống, không có lề luật rõ ràng và sẵn sàng cho phép tình trạng mê tín dị đoan lừa đảo bùng phát thông qua các hình thức nhập đồng, bói toán. Sự ca tụng đạo Mẫu trong thời gian gần đây của các học giả cũng được gợi hứng từ chính tinh thần phản kháng ấy, kết hợp với những tự ti dân tộc về một đất nước không có một tôn giáo của riêng mình. Dần dà, thứ tôn giáo mới có tên là “đạo Mẫu” ra đời và ngay từ những buổi sơ khai đã mang một hình hài chắp vá và chứa đầy bệnh hoạn.

Hà Thủy Nguyên

Chú thích

  1. https://www.nytimes.com/2009/05/14/science/14venus.html
  2. Từ điển Tôn giáo và các thể nghiệm siêu việt – Rosemary Ellen Guiley (NXB Tôn giáo 2005), Goddess, trang 354 & 355.
  3. Lĩnh Nam chích quái – Trần Thế Pháp, bản dịch của Đinh Gia Khánh & Nguyễn Ngọc San (NXB Trẻ & NXB Hồng Bàng 2013), Hồng Bàng thị, trang 35,36,37,38.
  4. Lục Độ Tập Kinh, Khương Tăng Hội, bản dịch của Lê Mạnh Thát. Link đọc online: https://thuvienhoasen.org/p55a24492/quyen-ba
  5. Tiểu luận “Hồng Bàng thị truyện như một truyền thống được kiến tạo của người Việt Nam thời Trung Đại”, Liam Kelly https://bookhunterclub.com/hong-bang-thi-truyen-nhu-mot-truyen-thong-duoc-kien-tao-cua-nguoi-viet-nam-thoi-trung-dai/
  6. Chân Lạp phong thổ ký – Chu Đạt Quan, bản dịch của Hà Văn Tấn (NXB Thế giới & DTBooks, 2017), Cung thất, trang 34.
  7. The Journal of the Bihar Research Society, 1917, Volume 54, trang 68 https://books.google.com.vn/books?id=fHlDAAAAYAAJ&q=ligor+kingdom&dq=ligor+kingdom&hl=en&sa=X&redir_esc=y
  8. Việt điện u linh, Lý Tế Xuyên, bản dịch của Trịnh Đình Rư (NXB Hồng Bàng, 2012), Nhị Trưng phu nhân, trang 57.
  9. https://thegioidisan.vn/vi/quoc-mau-tay-thien.html
  10. Việt điện u linh, Lý Tế Xuyên, bản dịch của Trịnh Đình Rư (NXB Hồng Bàng, 2012), Hiệp Chính Hựu Thiện Trinh Liệt Chân Mãnh Phu Nhân, trang 58,59,60.
  11. https://kienthuc.net.vn/giai-ma/su-la-o-den-tho-chua-thac-bo-227493.html
  12. https://baomoi.com/ngoi-chua-ben-song-hong-va-so-phan-bi-oan-cua-nang-cong-chua-ngoc-han/c/27741974.epi
  13. https://nguoihanoi.com.vn/mot-ngay-voi-nui-nua-xu-thanh_235150.html
  14. Nguyên mẫu Chế Thắng phu nhân – Trần Thị Băng Thanh (Tạp chí Hán Nôm; Số 6 (85) 2007; Tr. 37 – 44) https://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1411&Catid=590
  15. https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=765200
  16. Lĩnh Nam chích quái – Trần Thế Pháp, bản dịch của Đinh Gia Khánh & Nguyễn Ngọc San (NXB Trẻ & NXB Hồng Bàng 2013), Truyện thần núi Vọng Phu, trang 149
  17. https://cand.com.vn/Cong-an/Huyen-thoai-ve-co-Sau-linh-thieng-389032/
  18. Lĩnh Nam chích quái – Trần Thế Pháp, bản dịch của Đinh Gia Khánh & Nguyễn Ngọc San (NXB Trẻ & NXB Hồng Bàng 2013), Truyện Man Nương, trang 84, 85, 86
  19. Lược theo lời kể của Quách Tấn, Bước lãng du, Nhà xuất bản Trẻ, 1996, tr. 438-440
  20. docstoc.com/docs/2623355/THIEN–HAU–NUONG-NUONG
  21. https://www.vjol.info/index.php/khxhvn/article/viewFile/24805/21227
  22. https://mobile.coviet.vn/detail.aspx?key=am+Gia+H%E1%BB%99i&type=A0
  23. Lĩnh Nam chích quái – Trần Thế Pháp, bản dịch của Đinh Gia Khánh & Nguyễn Ngọc San (NXB Trẻ & NXB Hồng Bàng 2013), Truyện Ứng Thiên Hóa Dục Hậu Thần, trang 146,147.
  24. https://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/Huyen-tich-Linh-Son-Thanh-Mau-nui-Ba-den-381839/
  25. Văn hóa thờ nữ thần ở Việt Nam và châu Á: Bản sắc và giá trị (Hội Folklore Châu Á & Trung tâm nghiên cứu & bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam & NXB Thế Giới, 2013), Đạo mẫu Việt Nam: Từ nữ thần, mẫu thần đến Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ – Ngô Đức Thịnh, trang 30
  26. Tiểu luận từ ngữ Thái (Tai) và vị trí của người Thái trong quá khứ của người Việt Nam, Liam Kelly https://leminhkhaiviet.wordpress.com/2013/12/26/tu-ngu-thai-tai-va-vi-tri-cua-nguoi-thai-trong-qua-khu-cua-nguoi-viet-nam-full/
  27. Cung văn và điện thần, Lê Y Linh (NXB Khoa học xã hội, 2015)
  28. Tiểu luận Vân Cát Thần Nữ Truyện của Đoàn Thị Điểm: Truyện giải phóng phụ nữ, Olgar Dror https://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/van-cat-than-nu-truyen-cua-doan-thi-diem-truyen-giai-phong-phu-nu
  29. Bài viết Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ: Một vài đặc trưng, TS Nguyễn Ngọc Mai https://tiasang.com.vn/-van-hoa/Thuc-hanh-tin-nguong-tho-Mau-Tam-phu-Mot-vai-dac-trung–10485
  30. Văn hóa tín ngưỡng và thực hành tôn giáo Việt – Leopold Cardier, Đỗ Trinh Huệ dịch (NXB Thuận Hóa, 2015), trang 101.
  31. https://bimson.gov.vn/ct/Default.aspx?ctl=Article&aID=10971
Home 2021 Tháng Hai

Truyền thông đã định hướng 9 truyền thống của văn hóa Tết Nguyên Đán dẫn đến chủ nghĩa tiêu dùng, hài rẻ tiền và tâm thức nguyên thủy tại Việt Nam

Văn hóa Tết Nguyên Đán được định vị bằng một loạt những hình ảnh: bánh chưng, sum vầy, mâm cúng, lì xì, lời chúc, quà Tết, màu đỏ, cầu may, chơi hoa. Hết năm nay qua năm khác, người dân lặp đi lặp lại những thói quen và tự gọi đó là “truyền thống cha ông để lại”, dần dần trở thành một văn hóa Tết ăn sâu vào tâm thức xã hội, thành một định chế áp đặt lên toàn bộ người dân. Định chế ấy giống như một thứ xác sống trồi dậy từ nấm mồ của xã hội Nho giáo, đáng lẽ đã bị chôn vùi sau chiến tranh, nhưng vì động cơ chính trị nào đó hoặc bản thân những con người chuyên chính vô sản không đủ sức thoát ra khỏi văn hóa Tết nên thay vì bị gạt bỏ thì lại được tôn vinh, bảo tồn và nuôi dưỡng bằng các chính sách văn hóa “tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.

“Truyền thống” luôn là cái cớ được viện dẫn nhiều nhất để duy trì từng chi tiết của văn hóa Tết, nhưng truyền thống về bản chất là một cái gì đó mơ hồ. Truyền thống không tự thân hiện diện, truyền thống luôn đến từ những định chế văn hóa bị áp đặt. Một truyền thống cũ mất đi, một truyền thống mới được hình thành, trên thực tế chỉ là sự thay đổi của những định chế văn hóa do sự dẫn hướng của định chế chính trị. Mà công cụ hữu hiệu nhất để duy trì một truyền thống, ấy chính là truyền thông.

Chữ “truyền” 傳 có trong cả “truyền thông” và “truyền thống”, với ý nghĩa là “giao cho, dạy cho, trao cho” được ghép từ bộ “nhân” đứng  亻(có nghĩa là con người) và chữ “chuyên” 專 (có nghĩa là chú ý vào một việc, đều đặn). Toàn bộ động từ “truyền” đã bao hàm một sự điều hướng con người vào một lộ trình được vạch ra. Chữ “thống” 統 nghĩa là sự truyền đời hết thế hệ này thế hệ khác, quy tắc ngàn đời, sự dẫn đầu. Nhưng chẳng có gì là mãi mãi, kể cả những thứ ngàn đời, và cuộc sống không phải là sự lặp đi lặp lại mà luôn có biến chuyển và sàng lọc. Một cách tự nhiên, những gì không cần thiết cho cuộc sống, luôn cần phải  bị sàng lọc. Quay lại với chữ “thông” trong “truyền thông”, đây là một từ hoàn toàn vô nghĩa do sự ghép vụng về của “truyền” và “thông tin”, mà trong đó chữ “thông” được viết là 信, với nghĩa lá thư, lòng thành, tin báo, tín ngưỡng…Với ý nghĩa ấy, toàn bộ hệ thống thống truyền thông dường như đang đảm nhân một nhiệm vụ là truyền đi những thứ cũ kỹ từ ngàn đời trước đến đời nay một cách đều đặn, sao cho xã hội mới không thực sự sống mà chỉ nỗ lực mô phỏng lại tổ tiên, tiêu tốn thật nhiều nguồn lực xã hội để duy trì những trật tự cũ, những định chế cũ, những quyền lực cũ.

9 truyền thống luôn được hệ thống truyền thông sử dụng để định vị cho văn hóa Tết Nguyên Đán ngày nay

Những truyền thống của văn hóa Tết Nguyên Đán này đã được duy trì qua nhiều thế hệ, qua nhiều lần di cư văn hóa, được lặp đi lặp lại đến mức chúng ta không cần biết đến nguồn gốc của chúng, mà chỉ bắt chước theo lối “monkey see, monkey do” mà hệ thống truyền thông điều hướng. Nhưng trước khi đi sâu vào mỗi truyền thống này, chúng ta hãy thử xem xét trọng điểm mấu chốt nhất: tại sao ta phải ăn TẾT NGUYÊN ĐÁN?

Tết Nguyên Đán với ý nghĩa là ngày đầu tiên của thời khắc sang xuân, theo Âm lịch – lịch nông nghiệp của người Trung Hoa cổ đại. Và xin các bạn đừng tự ái khi người phương Tây gửi cho bạn những lời chúc “Happy Chinese New Year”, bởi vì đích thực đây là một ngày lễ xuất phát từ văn hóa Trung Hoa. Chúng ta không còn biết chúng ta có thực sự thuộc về một sắc tộc định danh bằng Âu Việt và Lạc Việt hay không, chúng ta cũng không biết giống nòi Âu – Lạc ấy có ăn Tết hay không, chúng ta chỉ còn lưu lại chút dấu vết qua truyền khẩu và tích hợp vào nghi lễ Tết Nguyên Đán, vốn bị (hoặc được) áp đặt từ các quan  đô hộ cách đây hơn 2000 năm. Mặc dù, trong những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã cố gắng để bao biện rằng Tết Nguyên Đán mà chúng ta thường xuyên tổ chức chẳng liên quan gì đến Trung Hoa, nhưng cho dù bao nhiêu luận cứ được đưa ra thì cũng chẳng có chút luận chứng nào ngoài tục cúng bánh chưng.

Bánh chưng là nét văn hóa Tết đặc sắc mà ta vẫn còn có cảm giác rằng ta là người Việt Nam chứ không phải người Trung Quốc trong suốt mấy ngày Tết.

Chúng ta được “truyền” dạy trong nhà trường rằng bánh chưng có hình vuông, tượng trưng cho đất, và nó được chàng Lang Liêu sáng tạo nên để dâng lên vua Hùng Vương. Câu chuyện này được nhắc đến trong “Lĩnh Nam chích quái” – đây có lẽ là văn bản cổ nhất (nếu có văn bản khác cổ hơn nhắc đến thì mong các bạn đọc có thể bổ sung), một tác phẩm được viết bởi các nhà Nho nỗ lực dựng nên một gia phả Văn Lang để phân biệt với phương Bắc. Và bởi vì đây là nỗ lực của các nhà Nho được nhào nặn bởi hệ thống học thuật từ “mẫu quốc”, nên toàn bộ lớp văn hóa Văn Lang cũng mang màu sắc Nho giáo, thậm chí hao hao các truyền thuyết về thời Viêm – Hoàng của Trung Quốc và dăm ba truyện truyền kỳ mang màu sắc ngôn tình của thời Đường (ở một bài viết khác, tôi sẽ đi sâu vào vấn đề này sau). Thế là “bánh chưng” cũng được Nho giáo hóa.

https://bookhunterclub.com/hong-bang-thi-truyen-nhu-mot-truyen-thong-duoc-kien-tao-cua-nguoi-viet-nam-thoi-trung-dai/

Chuyện là, có lẽ xưa kia, cái thời dân Âu và Lạc chưa biết chữ Nho, cái bánh chưng không có hình vuông. Nó có hình thuôn dài, tương trưng cho dương vật của đàn ông, và nằm trong một cặp tương xứng với bánh dầy tượng trưng cho âm hộ. Tuy không còn văn bản nào khẳng định điều này, nhưng cụ Trần Quốc Vượng trong những khảo sát về tập tục cúng Tết của người Mường đã đưa ra nhận định như vậy. Tôi hoàn toàn đồng ý với cụ Trần Quốc Vượng ở điểm này. Trong đời sống tín ngưỡng của các xã hội nông nghiệp, việc thờ cúng sinh thực khí bao gồm dương vật và âm hộ khá phổ biến dưới nhiều hình thái khác nhau. Trong thói quen ẩm thực của người Việt, cặp sinh thực khí này còn xuất hiện ở giò – chả, trong đó giò dài như dương vật còn chả thì tròn và dẹt như âm hộ. Hiến tế bánh chưng – bánh dầy và giò – chả vào đầu xuân là một phần của nghi lễ tính giao cầu cho đất – trời (một cặp âm – dương khác) mưa thuận gió hòa. Nho giáo luôn coi các hoạt động tính giao là xa rời lời Khổng Tử dạy, thiếu sự thanh nhã, do đó đã các nhà Nho Việt Nam biến tướng bánh chưng hình dương vật là hình vuông, quy định bánh chưng đại diện cho đất; còn bánh dầy vốn là cái âm hộ được ví với trời. “Trời tròn – đất vuông” là cặp âm dương trong thế giới quan cổ đại của người Trung Hoa, mà đồng tiền hình tròn khoét hình vuông ở giữa là sự mô phỏng quen thuộc.

Bánh chưng đen là đặc sản của đồng bào dân tộc Tày vào dịp Tết cổ truyền.
Bánh chưng của người Tày có hình dạng giống bánh tét, với ý nghĩa biểu trưng cho dương vật – Dấu vết của tín ngưỡng phồn thực của cư dân Âu và Lạc. Nguồn ảnh: Internet.

Dần dần, không rõ từ bao giờ, đa số người dân Việt đã “quên” bánh dầy là một cặp với bánh chưng. Chúng ta có một biểu tượng truyền thông được lặp đi lặp lại là quây quần bên nồi bánh chưng, nhưng không có cảnh quay quần giã bánh dày. Thay vì bày lên mâm cỗ cúng bánh chưng – bánh dày, chúng ta sẽ thắp hương cặp bánh chưng. Ý nghĩa phồn thực của nghi lễ hiến tế bị mất đi, và hãy thử hình tính giao giữa cặp dương vật – dương vật (nếu theo tín ngưỡng phồn thực), và “âm vật – âm vật” (nếu ta coi bánh chưng đại diện cho đất).

Nhưng tại sao bánh chưng lại được ưa chuộng hơn bánh dầy trên phương tiện truyền thông? Tôi cho rằng lý do đến từ ám ảnh một thời thiếu đói của thời bao cấp. Bố mẹ tôi vẫn kể lại niềm vui của bánh chưng nhân thịt mỡ – đậu xanh được phân cho các gia đình cán bộ ngày Tết, một điểm sáng trong suốt năm ròng ăn hạt bo bo và cơm độn ngô. Trong cơn ám ảnh thiếu đói ấy, bánh dầy chỉ được làm bằng gạo nếp giã nhuyễn không phải là thứ gì đó quá hấp dẫn. Cơn đói đã làm lu mờ đi truyền thống cúng tế mong cầu giao hòa âm dương, mà thay bằng đồ hiến tế vừa to hơn, vừa nhiều dinh dưỡng hơn, lại vừa bảo quản được lâu hơn.

Tiện đây, tôi xin đề cập thêm về mâm cúng trong văn hóa Tết Nguyên Đán.

Mâm cúng ngày Tết và nhiều ngày lễ khác luôn là một dấu hỏi lớn đối với tôi. Tại sao phải cúng xôi – gà, tại sao phải cúng nguyên con cá chép, tại sao phải có nem (một món ăn mà sau khi hạ lễ, rán lại, tôi thực không muốn ăn nữa), tại sao phải canh măng sườn hay canh bóng, tại sao phải mâm ngũ quả? Mâm cúng ngày Tết là một sự mô phỏng truyền thống Tết của người Trung Quốc mà không cần phải biết tại sao. “Mâm cao cỗ đầy” là một biểu tượng để thể hiện “lòng thành” của con cháu đối với người đã khuất, và cũng để chứng minh với từng thành viên trong gia đình rằng gia đình ta đã rất thành công trong năm qua, ẩn sau đó là một nỗi sợ mơ hồ rằng nếu đồ cúng mà đạm bạc thì các cụ sẽ buồn, hoặc sẽ quở và biết đâu năm tới mình chẳng có được sự may mắn nữa. “Mâm cao cỗ đầy” cúng tổ tiên không phải là văn hóa Tết của người Trung Quốc cổ xưa, mà có lẽ cũng chỉ mới thịnh lên trong giai đoạn bao cấp tại nước này.

Image result for Mâm cúng ngày Tết
Mâm cúng ngày Tết ngồn ngộn thức ăn. Những mâm cúng thế này sẽ xuất hiện tràn lan khi bạn search keyword “mâm cúng ngày Tết” qua Google. Nguồn ảnh: Internet.

Khổng Tử đề xuất cách thức cúng tế tổ tiên rất đơn giản và mang tính tưởng nhớ “Vào mùa xuân và mùa thu, người xưa trang trí bàn thờ tổ tiên. Họ bày các đồ đồng mà tổ tiên đã sử dụng và các quần áo tổ tiên đã mặc. Họ dâng cúng các thức ăn và hoa trái theo mùa.” (Trích sách “Trung Dung”) Nho giáo duy trì tín ngưỡng thờ tổ tiên xa xưa có trong tất cả các bộ tộc và bộ lạc nguyên thủy (ở các dân tộc Mường – Thái của Việt Nam gọi là cúng ma nhà). Việc lựa chọn đồ cúng cũng dựa trên thực phẩm theo mùa và theo thói quen của người quá cố, vốn dĩ rất khác với những quy chuẩn mới về tài lộc và các kiêng kỵ tránh điều xui mà người Việt hiện nay thường tin. Nào thì: không cúng tôm vào Mồng Một vì tôm có cứt trên đầu, không cúng mực vì sợ đen đủi, cúng các loại quả màu đỏ cho hên (nên giờ mới có cả bưởi đỏ, dứa đỏ…), cúng nhiều lá để được “lộc”… Và đặc biệt, một loạt các đồ ăn được bày biện trên mâm cúng ngồn ngộn thịt thà, cao lương mĩ vị – những món đặc biệt phù hợp cho không khí cỗ bàn, rượu chè, liên hoan dịp đầu năm mới (thêm chút Karaoke nữa thì xôm tụ phải biết)!

Cùng với “mâm cúng”, “quà biếu” cũng trở thành một nét văn hóa Tết Nguyên Đán ở Việt Nam từ lúc nào chẳng rõ.

Tôi cho rằng thói quen biếu nhau ngày Tết mới chỉ xuất hiện từ sau thời kỳ Đổi Mới – khi mà nhân viên phải biếu sếp, trò phải biếu thầy cô, và các cơ quan phải biếu nhân sự của mình…, dần dần người trong họ cũng biếu quà Tết cho nhau. Không thấy ghi chép nào về quà biếu ngày Tết trong văn hóa Tết Nguyên Đán cổ truyền. Thị phần quà biếu Tết luôn mang lại doanh thu “khủng” cho các đơn vị bán hàng và sản xuất, bởi vì chẳng có thứ đồ nào trong Tết mà người ta sẵn sàng mua số lượng lớn, không cần chất lượng cao, chỉ cần bao bì đẹp, như quà Tết. Nếu may mắn, nhiều món trong gói quà Tết ấy sẽ được đặt lên cùng mâm cúng. Còn nếu không, chúng sẽ được “tái sử dụng” bằng cách đem tặng nhà khác. Xui xẻo nhất, đó là chúng sẽ bị vứt vào sọt rác sau mấy ngày Tết.

Một giỏ quà biếu Tết phổ biến ở tất cả các siêu thị vào trước ngày Tết

Hiểu được tâm lý ấy, tất cả các nhãn hàng trong ngành ẩm thực đều coi Tết là mùa bội thu với đủ các chiến lược marketing kích cầu, đua tranh chiếm một cái lướt nhìn của khách hàng: khuyến mại – gắn thông điệp sản phẩm với “rinh lộc” – thay bao bì lòe loẹt với các hình ảnh đại diện cho Tết – tham gia hội chợ – đổ nhiều tiền vào quảng cáo… ôi thôi đủ cả! Nếu ngày thường, người mua hàng còn cân nhắc, thì những ngày trước Tết họ mua sắm không tiếc tay bằng tiền lương tháng thứ mười ba. Và tiếp đó là những giây phút mệt mỏi nhất của các bà, các mẹ, các chị em phụ nữ, khi họ phải đầu tắt mặt tối nấu cỗ và rửa bát.

Mẹ tôi kể rằng, hồi mẹ tôi còn bé (mẹ tôi là người Đô Lương, Nghệ An), sáng Mồng Một người ta không cúng thịt thà, mà cúng các loại bánh thanh đạm: bánh chè lam, bánh trôi, bánh dày – bánh chưng, chè con ong, xôi chè… Mỗi người phụ nữ trong nhà làm một món bánh thể hiện được tay nghề của mình và cúng cho tổ tiên. Tôi cho rằng đó là một mâm cúng xinh xắn, ý nghĩa, thành tâm và thanh nhã mà ngay cả các mâm cúng chay cũng không thể sánh bằng. Tiếc là mâm cúng ấy chỉ nằm trong ký ức xa xôi, mà mẹ tôi dù có thích thú với mâm cúng như vậy cũng không dám quay trở lại tinh thần ấy.

Mâm cúng ngày Tết đã chuyển từ mâm cúng thể hiện lòng thành, thể hiện sự khéo léo thì dần dần đã trở thành mâm cúng thể hiện chủ nghĩa tiêu dùng, nỗi khao khát giàu có và lối sống ăn nhậu bừa phứa của con cháu. Mùi dầu mỡ, thịt thà lựng bàn thờ, át cả hương trầm hương hoa. Đó là còn chưa kể những hộp bánh, hộp trà đỏ chói mắt khoe thương hiệu, chẳng hề là biểu hiện cho chút lòng thành nào, được xếp đầy ngồn ngộn bên cạnh đèn treo với ánh sáng ma quái như ở động yêu tinh. Một bàn thờ đại diện cho văn hóa Tết Nguyên Đán vô văn hóa nhất trên thế giới, đại diện cho “nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” kém cỏi, cổ hủ và lạc hậu nhất.

Vâng, màu đỏ chính là màu kích thích tiêu dùng trong ngày Tết.

Tone màu nóng, gây ấn tượng thị giác đáng kể, tương phản với bầu trời cuối năm u ám, thực sự là cách tân dụng thông minh màu sắc trong marketing, nhất là lựa chọn này tương thích với thói quen văn hóa Tết ngàn đời. Theo truyền thuyết xa xưa, vào ba mươi Tết hàng năm, có loai quái thú gọi là con Niên, thường xuất hiện phá hoại dân làng. Tương truyền, một bà tiên đã chỉ cho người dân cách đuổi con Niên bằng việc dán giấy đỏ trong nhà, thắp nến sáng và đốt pháo. 

Image result for màu đỏ ngày Tết
Sắc đỏ chói mắt ở tất cả các không gian công cộng vào ngày Tết. Nguồn ảnh: Internet

Nhưng giấy đỏ thuở xưa thường được cắt nhiều hình thù tinh xảo, dán trước cửa nhà, hoặc người xưa treo đèn lồng đỏ trước cửa nhà để đuổi quái thú tên Niên vô hình; chứ không phải tất cả mọi đồ đạc và vật dụng đều được nhuộm đỏ để may mắn. Chiến lược bán hàng tồn cuối năm đã khiến đại đa số các nhãn hàng chuyển hàng cũ sang bao bì đỏ để đánh vào insight ngày Tết của người dân vốn tinh tưởng một cách ngu muội rằng màu đỏ ấy tương đồng với số đỏ, tức là sang năm mới sẽ gặp nhiều may mắn. Thế là, trong ngày đầu năm mới, người ta e ngại tặng nhau đồ màu đen hay màu vàng (vì coi rằng đó là màu của sự tàn úa, già nua, chết chóc), sáng Mồng Một thì kiêng mặc áo trắng – đen (vì đó là tone màu của đám ma).

Chơi hoa ngày Tết dù lãng phí nhưng có lẽ là nét văn hóa Tết Nguyên Đán đỡ lố lăng nhất.

Những bông hoa vẫn tươi đẹp dù chúng bị tra tấn cỡ nào bởi thẩm mỹ tệ hại của người trồng, người bán và người chơi. Thật may, hoa không giúp kích thích tiêu dùng ngày Tết, ngoài việc trở thành họa tiết trang trí trên bao bì của hộp quà hay làm hình nền trong ảnh quảng cáo. Thế nhưng cái sự lãng phí của hoa thì không thể kể hết được. Hãy nghĩ xem, vào lúc xuân về, thay vì để hoa đơm thành quả và sinh trưởng tiếp, thì ta lại cắt hoa vào cắm trong những chiếc lọ chật hẹp, để rồi úa tàn và vứt vào sọt rác. Xưa kia, khi dân cư còn ít, nhà còn thưa thớt, nhà nào cũng có một khoảnh vườn, ngắm cây hoa đào, hoa mai trổ bông ngoài vườn, hay cây quít lủng lẳng quả lúc xuân về tạo nên cảm giác hồ hởi và vui tươi. Thú chơi hoa đương nhiên là đặc quyền của những ai sở hữu đất đai và có thời gian rảnh rỗi, còn dân nghèo bữa ăn chẳng đủ, làm gì có thú vui tao nhã ấy.

Sau Cách mạng, phố phường thành chốn nương thân của dân nghèo, những người dân bấy lâu nay bần hàn giờ có cơ hội được sống như những ông chủ bà chủ, và họ bắt đầu tập tành thói quen cũ. Nhưng “phố phường chật hẹp, người đông đúc”, lấy đâu ra khoảnh sân để cây cối được trồng dưới đất? Và thế là họ bắt đầu chặt cành đào cành mai, họ bứng những cây quất ra khỏi mảnh đất sinh trưởng để nhét vào những cái chậu. Thậm chí, họ tập tành theo ông Nguyễn Tuân ngày xưa ngồi tỉa thủy tiên để cố học vẻ tao nhã.

Tiếc là tiếc cho phận cây cối, hoa lá bị phí hoài…

Image result for đào vứt sau Tết
Những cành đào khô chưa úa tàn những đã bị vứt bỏ trên vỉa hè vì Tết đã hết. Nguồn: Internet.

Cùng với màu đỏ, thông điệp liên quan đến sự “sum vầy” cũng xuất hiện trong tất cả các mẩu quảng cáo ngày Tết.

Các bạn có để ý quảng cáo của Cocacola trong chiến dịch hàng bán Tết? Cocacola màu đỏ rực rỡ luôn xuất hiện cùng mâm cỗ gia đình với thông điệp mang ý nghĩa đón Tết sum vầy. Không chỉ Cocacola, mà thương hiệu Chocopie, Lu, Comfort… thậm chí cả Vinfast (vốn mặt hàng chẳng liên quan đến mua sắm trong Tết) cũng tung ra clip quảng cáo đua xe vội về nhà sum vầy cùng mẹ ngày Tết do Ngô Thanh Vân thủ vai.

Nếu chúng ta nhìn một loạt các ngày lễ tiết của người xưa, ta sẽ thấy rằng đa phần các ngày ấy đều mong cầu sự “sum vầy”: Nguyên Tiêu, Thanh Minh, Vu Lan, Trung Thu và đương nhiên là cả Nguyên Đán. Những cuộc “sum vầy” này, đều nằm ở thời điểm chuẩn bị gieo trồng hoặc thu hoạch vụ mùa, cần sự tập hợp nguồn nhân lực đông đảo. Những người rời quê làm ăn hoặc học hành ở trong các đô thành cũng nhân dịp này tiện về quê, vừa để thăm hỏi, vừa để đỡ đần người nhà. Lúc ấy, đàn ông làm các việc nặng, còn phụ nữ đảm nhận lo cơm nước (vốn là những việc nhẹ nhàng hơn so với canh tác). Không còn thói quen nông nghiệp, đàn ông thì uống rượu chém gió, còn việc của phụ nữ vẫn cứ xoay quanh cỗ bàn.

Biểu tượng “sum vầy” được Cocacola và nhiều nhãn hàng khác sử dụng để định vị khuôn mẫu hạnh phúc trong ngày Tết. Nguồn ảnh: Internet

Mặc dù nhiều gia đình không làm nông nữa, mặc dù phương tiện vận chuyển cho phép người ta về quê bất cứ khi nào người ta muốn, nhưng áp lực “sum vầy” vẫn cứ là nỗi ám ảnh của không ít người, không hoàn toàn do truyền thống mà do sự thổi phồng của truyền thông. Nực cười nhất là các gia đình cả năm lúc nào cũng ở bên nhau, gần như bữa ăn nào cũng đoàn tụ với nhau, nhưng Tết vẫn cứ phải “sum vầy”. Và để “sum vầy”, người ta phải tước bỏ đi đời sống cá nhân yêu thích, để quần quật dọn dẹp, chuẩn bị cỗ bàn, chụp ảnh selfie cả nhà đoàn tụ bên chậu hoa ngày Tết và đồng bộ trang phục màu đỏ chói lọi còn hơn cờ Cách Mạng.

“Sum vầy” với nhau rồi sẽ làm gì cùng nhau? Những khác biệt và mâu thuẫn thế hệ luôn ủ sâu trong mối quan hệ gia đình, tới mức người trong gia đình không thể nào nói chuyện vui cười một cách tự nhiên. Thậm chí, các thế hệ còn khác biệt nhau trong thú vui ngày Tết. Như ở nhà tôi, nếu bố mẹ tôi thấy vui trong hoạt động cùng nhau chuẩn bị mâm cúng Tết thì tôi lại chỉ thấy vui khi ngồi thưởng trà sáng tác vào khoảnh khắc giao mùa, còn con gái tôi chỉ thấy vui nếu gia đình cùng nhau chơi một trò chơi nào đó. Sẽ rất khó khăn để cùng chia sẻ niềm vui. Còn bố mẹ bên nội ở quê, trưởng thành trong một nền văn hóa khác với văn hóa mà vợ chồng tôi sống, do đó không thể chia sẻ với vợ chồng tôi những tâm tư tình cảm để mà cùng ngồi với nhau tâm sự thân tình. Tôi nghĩ, tình trạng “vênh” này là phổ biến trong mọi gia đình của người Việt.

Nhưng, vì áp lực “sum vầy” ngày Tết, người ta không thể cho phép nhau được đóng cửa trong phòng riêng để làm thứ mình thích, đã thế, cuộc “sum vầy” miễn cưỡng ấy phải tràn ngập tiếng cười thì mới được coi là Tết, thế thì cần phải có những thứ lấp đầy khoảng trống giao tiếp ấy. Lẽ tất nhiên: truyền hình, mà cụ thể là hài Tết. Tôi đã từng làm việc trong hoạt động truyền hình, nên tôi biết, hài Tết là miếng mồi béo bở cho các nhãn hàng, các diễn viên hài, các đơn vị sản xuất phim. Không cần chất lượng quay phức tạp, không cần kịch bản sâu sắc, chỉ cần những câu nói bông đùa tếu táo là đủ để gia đình cười xòa với nhau, và quan trọng hơn đó là một cuộc làm ăn lãi lớn với chi phí sản xuất thấp mà biên độ lợi nhuận lại cao ngút do cuộc chạy đua quảng cáo của các thương hiệu. Hài Tết thịnh hành bắt đầu từ những băng đĩa hài của Xuân Hinh, Hoài Linh trong thập niên 90s, sau đó phát triển mạnh mẽo nhờ các nhà sản xuất và diễn viên của Gặp nhau cuối tuần vào đầu thế kỷ 21, đến nay vẫn thống trị màn ảnh nhỏ của mỗi gia đình.

Image result for Gặp nhau cuối năm
Chương trình “Gặp nhau cuối năm” thường tấu hài vào Giao Thừa hàng năm, dù càng ngày càng nhạt, càng lố, nhưng vẫn chiếm sóng truyền hình.

Hài Tết thường kệch cỡm, với những gương mặt diễn viên méo mó, chọc cười bằng điệu bộ quái gở, với kịch bản chỉ xoay quanh sex joke, giễu nhại, quê mùa, đá xoáy… Tất cả những tâm thức bệnh hoạn nhất, vô văn hóa nhất, tục tĩu nhất, đều được nhồi nhét vào tâm trí của các gia đình liên tục trong mấy ngày Tết. Và thế là, dân tộc Việt Nam ta dần hình thành nên một truyền thống văn hóa Tết mới: xem hài. Vâng, đích thực đến giờ, xem hài đã trở thành truyền thống văn hóa Tết đặc trưng của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thế rồi, từ Mồng Một trở ra, hàng xóm, họ hàng, đồng nghiệp… bắt đầu tới thăm hỏi và lì xì cho người già – trẻ nhỏ.

Lì xì là bính âm của 利市 với phiên âm Hán Việt là “lợi thị”, có nghĩa là lợi nhuận, có lợi, tốt lành, vận tốt. Dù với nghĩa nào thì về bản chất “lì xì” vẫn là hoạt động mang tính chất trọng lợi vào đầu xuân, và mặc định rằng cái lợi ấy là được tiền. Đây là phong tục du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam đi theo bộ truyền thống Tết Nguyên Đán. Tâm thức “trọng lợi” ấy sau mấy ngàn năm vẫn không thay đổi, bởi nó được gieo vào tâm thức của mỗi người, đặc biệt là trẻ con vào đầu mỗi năm. Hãy tưởng tượng các gia đình lì xì cho con cái của nhau trong các cuộc thăm hỏi trông thật không khác nào một cuộc đổi tiền. Các phụ huynh cũng tính toán số tiền bỏ trong hồng bao sao cho không bị thiệt và cân đối với số con trong nhà mình và nhà người. Cộng trừ một hồi, ta sẽ thấy thấm thía sâu sắc câu nói đùa “tiền chỉ chuyển từ túi người này sang túi người khác”, chung quy vẫn về không, và có khi còn âm.

Năm 2019, tôi và Book Hunter có tổ chức vận động Lì xì sách cho trẻ vào ngày Tết với mong muốn rằng lì xì sách sẽ làm thay đổi văn hóa Tết Nguyên Đán tại Việt Nam. Nhưng, ngay cả khái niệm “lì xì” đã mang sẵn ý nghĩa kiếm lợi bằng đồng tiền, thì làm sao sách có thể thay thế được. Vậy là tôi không “lì xì sách” nữa, tôi chỉ đơn giản là để kệ ngày Tết trôi qua. Đôi món quà nhỏ, tôi sẽ tặng cho lũ trẻ thân thiết với tôi trước Tết, còn chúng hóng lì xì ở nơi khác là việc của chúng. Mồng Một, tôi dành thời gian cho viết lách và làm việc để trốn những tiếng cười nói thăm hỏi vô duyên của khách.

https://bookhunterclub.com/li-xi-sach-thay-tien-mot-xu-huong-moi-da-va-dang-hinh-thanh/

Lời chúc luôn là một thảm họa ngày Tết.

Họ chúc nhau bằng các câu cửa miệng. Ngày xưa thì chúc “phúc như Đông Hải, thọ tỉ Nam Sơn”, với ý nghĩa gặp nhiều may mắn và sống lâu. Ngày nay thì chúc “Tiền vào như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin”, hoặc các từ ngữ loảng xoảng vô nghĩa như may mắn, hạnh phúc, an yên, khỏe mạnh… Có những lời chúc mang tính cá nhân hơn như “chúc sớm lập gia đình”, “chúc sớm đỗ đạt”, “chúc sớm lên chức”… Người chúc nói ra lời chúc mà tâm không thật mong muốn thế, chỉ bắt chước nói theo nhau như vẹt. Tệ hại hơn, họ thường chúc người khác điều mà họ muốn, không phải điều người khác muốn. Tôi thường hay phải nghe những câu chúc kiểu: “Chúc chị năm mới sinh em bé nhé! (điều mà tôi thấy kinh hãi nhất) hay là “Chúc em năm nay lên báo nhiều nhiều, thêm nổi tiếng” (mà tôi vẫn không hiểu lên báo đều đều để làm gì!) Chưa ai trong số họ chúc tôi viết được tác phẩm thật hay, nhưng lại chúc tôi “bán được nhiều sách”. Thế đấy, lời chúc là thứ tệ hại nhất ngày Tết vì nó thể hiện cho sự giả dối và phù phiếm của xã hội.

Image result for Chúc thịnh vượng 2021
Lời chúc điển hình thường thấy vào ngày Tết.

Rồi thì, thật nực cười thì thấy các nhãn hàng thi nhau đưa ra lời chúc khách hàng một năm mới thịnh vượng. Vâng, thật thú vị: các nhãn hàng kích thích tinh thần làm giàu của toàn xã hội, để họ cũng nhờ đó mà thêm giàu vì bán được nhiều hàng hóa. Tôi khá chắc chắn lời chúc thịnh vượng có tần suất xuất hiện nhiều nhất trên bao bì và poster của các nhãn hàng trong đợt bán Tết, dù không có bằng chứng số liệu cụ thể. Các bạn chỉ cần cứ chú ý quan sát đến lời chúc của các nhãn hàng và đếm thử số lần từ khóa “thịnh vượng” xuất hiện, sẽ thấy điều tôi nói không phải là vô căn cứ.

Và rồi, với một tâm thức trọng lợi, ước ao giàu có, người ta đi lễ đền, lễ chùa vào ngày Tết.

Đây cũng là mùa kiếm bộn của đền chùa với lượng du khách thập phương đổ về nườm nượp. Nếu kì nghỉ lễ của dân công sở kết thúc sau Mồng Năm thì Tết đối với đền chùa có thể kéo dài đến hết Tháng Giêng, thậm chí nhiều nơi là hết tháng Ba. Tại các địa điểm thờ cúng cộng đồng này, người ta cầu đủ thứ mà chủ yếu là cầu làm ăn phát đạt, sớm có tình duyên, sinh con quý tử, gặp dữ hóa lành… tóm lại là chỉ muốn cầu may và tránh họa. Từ đó, sinh ra một loạt các dịch vụ xem bói, hầu đồng, giải hạn… Mặc dù các kênh truyền thông chính thống hay truyền thông quảng cáo không tân dụng nét văn hóa Tết Nguyên Đán này cho mục đích riêng, nhưng chiến lược phát triển du lịch tâm linh của các địa phương thì không ngừng quảng bá, không chỉ trên báo chí địa phương mà còn qua hình thức truyền miệng phổ biến trong nhóm các bà các mẹ, hay những người làm ăn mong muốn được thuận lợi vừa nhàn vừa giàu.

Phủ Tây Hồ ngày Tết lúc nào cũng đông nườm nượp. Nguồn ảnh: Internet.

Du lịch tâm linh luôn là món lợi lớn cho ngành kinh tế các địa phương nhưng đi kèm với đó là một loạt các tệ nạn mê tín dị đoan, lừa đảo… Nguy hiểm hơn, hoạt động này nuôi dưỡng tâm thức nguyên thủy man dã của người dân, khi người dân tin rằng những vận may về tiền bạc và thành đạt không đến từ năng lực tự thân mà đến từ thế lực cõi âm. Hệ lụy lâu dài của xã hội tất yếu: xã hội sẽ đầy rẫy những kẻ phất lên nhờ vận may và sự ngu dốt của cộng đồng.

Những địa điểm thiêng vào ngày xuân có ý nghĩa quan trọng trong cộng đồng nhưng không phải là nơi để cầu cúng. Tại các địa điểm này, người dân được gắn kết với nhau trong các hoạt động chung bao gồm phần Lễ (do các ông từ có học thức, có đức hạnh tổ chức) và Hội (người dân tham gia vào các trò chơi cộng đồng để kết nối và thi thố bản thân). Dần dà, phần Lễ bị mai một, còn phần Hội thì chỉ còn mang tính hình thức, địa điểm thiêng trở thành nơi kinh doanh dịnh vụ mê tín dị đoan dán nhãn “du lịch tâm linh”.

Đáng lẽ, văn hóa Tết Nguyên Đán có thể sẽ khác…

Tết Nguyên Đán có thể sẽ khác nếu nhà nước đặt ra một cách nghiêm túc các câu hỏi về những truyền thống phổ biến. Không có truyền thống nào không thể thay đổi, chỉ các bộ ngành quản lý văn hóa và các nhà nghiên cứu văn hóa thực sự nghiêm túc trong xây dựng nếp văn hóa Tết Nguyên Đán văn minh dựa trên các triết lý về nhân văn, tử tế và bền vững.

Nhớ lại năm 1994, sắc lệnh cấm pháo được ban bố, người dân đã từng than thở rằng Tết sẽ không còn là Tết nữa khi cấm pháo. Thế nhưng chỉ một năm sau đó, chẳng ai còn nhớ đến tiếng pháo nữa, và sắc lệnh này đã cứu nhiều thế hệ khỏi thương tật do pháo gây ra. Đến nay, pháo đã bị loại khỏi danh mục truyền thống văn hóa Tết Nguyên Đán. Sự chấm dứt của pháo là minh chứng rõ rệt cho lời khẳng định của tôi: không có truyền thống nào là không thể thay đổi, chỉ cần chính quyền và các nhà quản lý văn hóa thực sự muốn.

Hãy tưởng tượng về một cái Tết mà mâm cúng không còn là áp lực nặng nề, mỗi người đều có nhiều khoảng thời gian để tân hưởng niềm vui cá nhân, các gia đình cùng ngồi với nhau để trò chuyện về những tâm tư của mỗi thành viên, không có những núi rác xả ra đường, không ồn ào nhậu nhẹt, không hài bẩn rẻ tiền, không cầu khấn tham lam, không chúc nhau điều vô nghĩa, không vung tiền vào mặt con trẻ, không mê tín dị đoan… Vâng, hẳn đó phải là một cái Tết không bị truyền thông chi phối. Ồ, đến đây, tôi chợt nhớ, năm 2020, hình như tôi đã từng có cái Tết như vậy: một cái Tết khi dịch bệnh Covid-19 mới bùng phát và ai cũng sợ sệt tới mức quên hết những truyền thống phù phiếm của ngày Tết.

Thế nhưng, thật tai hại khi chính quyền và các nhà quản lý văn hóa cũng chỉ là nạn nhân của vòng lặp truyền thông ngày Tết. Khi ấy, sẽ không có gì thay đổi: Tết không còn những nét đẹp cổ xưa mà những nét đẹp của nếp sống mới cũng chẳng hình thành. Để rồi, dấu ấn ngày Tết mà chính quyền Cộng hòa xã hội Việt Nam để lại sẽ chỉ là chủ nghĩa tiêu dùng, hài rẻ tiền và mê tín dị đoan.

Hà Thủy Nguyên