Home 2021

Thị trường sách Việt Nam (9): Đàm phán xuất bản sách, cần thận trọng với tác quyền

Đã hơn 2 năm rồi tôi không bàn về thị trường sách, dù rằng 2 năm vừa qua thị trường sách thật sôi động và lắm “drama”. 2 năm, có lẽ tôi cũng nhặt nhạnh thêm được kha khá vấn đề của thị trường sách Việt Nam, và đã đến lúc “khai bút” trở lại, và xin được bắt đầu bằng vấn đề tác quyền.

Tôi đặt ra vấn đề tác quyền và đàm phán xuất bản sách khi dư luận trên facebook đang xôn xao sự việc cuốn sách của tiến sĩ giáo dục Nguyễn Quốc Vương bị đăng bán ở định dạng ebook trên chuyên trang sách điện tử Waka suốt 3 năm qua mà tác giả không hay biết gì, và đương nhiên cũng không được nhận khoản nhuận bút nào. Sự việc dấy lên mối lo ngại về một thực trạng mà bao nhiêu năm nay vẫn thế của thị trường sách Việt Nam. Tương tự như ebook, sách nói (audio book) cũng được phát hành lậu nhan nhản trên những nền tảng trực tuyến mà các tác giả không hề hay biết.

Ảnh chụp màn hình bài đăng của TS Nguyễn Quốc Vương về sự việc

Khốn nỗi, mức độ các đơn vị kinh doanh sách phớt lờ các vấn đề về tác quyền cũng song hành với sự non kém của tác giả trong quá trình đàm phán và theo dõi tác phẩm của mình. Điều này khó tránh, bởi vì tác giả nào cũng chỉ hào hứng với sáng tạo nội dung và đưa nội dung ấy đến bạn đọc, chứ ít khi quan tâm đến vấn đề pháp lý. Thông thường, ở các quốc gia có nền xuất bản sách chuyên nghiệp, hoạt động pháp lý này sẽ do bên thứ ba đảm nhiệm và bảo hộ. Nhưng tại Việt Nam, các tác giả chỉ có thể một mình đương đầu, tự đàm phán, tự PR, tự tổ chức sự kiện, đôi khi còn phải tự bán sách… và vì thế, câu chuyện tác quyền trở thành một thứ xa xỉ ít ai để ý đến… cho đến khi sự cố xảy ra.

Bắt đầu từ giai đoạn đàm phán

Câu chuyện tác giả (nhất là những tác giả trẻ) đàm phán với đơn vị xuất bản sách luôn khiến tôi liên tưởng đến những bộ phim pháp sư đàm phán với quỷ. Con quỷ sẽ luôn thắng thế khi pháp sư non tay không để ý đến các tiểu tiết trong quá trình thỏa thuận vì bị mờ mắt với những viễn cảnh đầy hứa hẹn mà con quỷ tô vẽ nên. Vâng, tiểu tiết “chí mạng” ấy chính là vấn đề tác quyền.

Khi chúng ta đàm phán với các đơn vị làm sách, chúng ta đặc biệt cần chú ý đến định dạng của sách. Thường thì các đơn vị xuất bản sách ở Việt Nam chỉ có chức năng xuất bản sách giấy, và các nhà xuất bản thông thường cũng chỉ cấp phép xuất bản và phát hành cho sách giấy. Nếu đơn vị xuất bản muốn phát hành các định dạng phái sinh khác như sách điện tử hay sách nói, họ sẽ phải thỏa thuận lại hợp đồng với tác giả, đồng thời xin giấy phép phát hành ở định dạng sách điện tử, sách nói. Trường hợp đáng bàn cãi nhất, đó là nếu ý tưởng cuốn sách được sử dụng để làm truyện tranh, hoạt hình, phim điện ảnh hoặc truyền hình, thì ai là người được quyền cho phép?

Như tôi đã đề cập, hãy cẩn thận với thỏa thuận của mình, đặc biệt trong từ ngữ được sử dụng trong văn bản thỏa thuận. Tác giả khi thỏa thuận với đơn vị xuất bản sẽ có hai lựa chọn cần xem xét: hoặc tự thân giữ tác quyền và ủy quyền cho đơn vị xuất bản trong giới hạn, hoặc trao toàn quyền sử dụng tác quyền cho đơn vị xuất bản.

Hãy cẩn thận với lựa chọn thứ hai. Lựa chọn trao toàn quyền sử dụng tác quyền cho đơn vị xuất bản sẽ cho bạn nhiều món lợi, vì đơn vị kinh doanh sách sẽ mạnh dạn hơn để lăng xê bạn trên truyền thông cho mục tiêu kiếm lời dài hạn của họ, và đương nhiên, điều này đi kèm với rủi ro. Hãy xem xét kỹ lưỡng cơ chế nhuận bút mà họ trả cho bạn, đặc biệt chú ý đến khoản tiền bạn nhận được khi sách được tái bản. Nếu chính đơn vị làm sách ấy chủ động “in lậu” sách của bạn, thì bạn sẽ không hề được nhận khoản nhuận bút này, và bạn cũng chẳng có cách nào kiểm soát được “đối tác” ấy có tuân thủ đúng thỏa thuận hay không. Ngoài ra, nếu sách của bạn được xuất bản ở các định dạng phái sinh, liệu bạn có được nhận phần trăm nhuận bút nào không? Tất cả những điều này cần được quy định rất rõ theo từng đầu mục, nếu không, bạn sẽ chỉ nhận được một khoản tiền ban đầu và toàn bộ sẽ nằm trong túi tiền của nhà xuất bản. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu bạn tự ý đăng tải tác phẩm của bạn ở định dạng khác, bạn đã vi phạm hợp đồng. Và ngay cả khi bạn muốn chuyển thể thành phim, truyện tranh… bạn cũng cần sự cho phép của đơn vị đã sở hữu tác quyền của bạn.

Nhiều tác giả trẻ non kinh nghiệm, mong muốn nhanh chóng nổi tiếng và bán được nhiều sách, rất dễ lựa chọn phương án trao tác quyền cho nhà xuất bản toàn quyền xử lý. Điều này có thể đến từ việc họ không bận tâm lắm đến lợi nhuận và đề cao danh tiếng bản thân hơn tác phẩm, hoặc cũng có thể đến từ những sơ sót trong quá trình đàm phán.

Lựa chọn thứ nhất là ủy thác quyền xuất bản tác phẩm cho đơn vị xuất bản. Lựa chọn này đòi hỏi bạn phải chủ động với tác phẩm của mình, chấp nhận mức nhuận bút thấp (thường là 7-10% giá bìa). Đơn vị xuất bản lúc này không sở hữu tác quyền, mà chỉ nhận ủy thác trong thời hạn thỏa thuận (thường là 5 năm), do đó họ sẽ không nhiệt tình PR tác phẩm cho bạn, mà chỉ thực hiện các hoạt động căn bản hỗ trợ bán sách và quản lý phân phối trên các kênh bán. Nếu bạn lựa chọn hình thức này, hãy lưu ý, họ không có quyền xuất bản các định dạng khác sách giấy như audio book, ebook… hay các hình thức phái sinh như chuyển thể phim, truyện tranh… Trong trường hợp bạn phát hiện ra sai phạm của họ, bạn hoàn toàn có thể khởi kiện. Và đương nhiên, họ cũng không có quyền kiện cáo bạn nếu bạn thỏa thuận với các đối tác khác để phát hành những định dạng sách hay sản phẩm phái sinh khác. Do đó, một lần nữa, tôi muốn nhắc các bạn tác giả non kinh nghiệm, hãy đọc kỹ lưỡng từng điều khoản và nếu bạn không chắc chắn, hãy tìm một luật sư tư vấn cho mình.

Bên cạnh đó, một số trường hợp khác, ví dụ như tác giả tự bỏ tiền đầu tư sách và thuê đơn vị xuất bản đứng ra đại diện, hay nhà xuất bản thuê tác giả viết sách theo yêu cầu…, cũng cần được xem xét từng điều khoản theo hai chiều hướng lựa chọn trên.

Tìm hiểu thêm quy định pháp luật về tác quyền: Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2019 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (thuvienphapluat.vn)

Hỗn loạn vi phạm tác quyền

Không phải chỉ trong thị trường sách mà khắp nơi tại Việt Nam, vi phạm tác quyền đã thành thói quen phổ biến. Ở đây, tôi sẽ không bàn về vấn đề đạo văn, bởi vì những tranh cãi liên quan đến đạo văn là một câu chuyện dài, mà có lẽ ở kỳ sau tôi sẽ bàn kỹ lưỡng hơn. Ở đây, tôi sẽ chỉ đề cập đến tác quyền.

Khái niệm “tác quyền” là một khái niệm mới tại Việt Nam. Chỉ đến khi Việt Nam tham gia công ước Berne vào năm 2004, từ khóa “tác quyền” có lẽ mới bắt đầu được đề cập đến. Trước đó, mọi “tác quyền” đều thuộc về nhân dân, có nghĩa là dù tên tác giả được xác định gắn liền với tác phẩm, nhưng tác phẩm có thể dễ dàng được lan truyền dưới nhiều hình thức định dạng và ngôn ngữ khác nhau mà không phải trả bất cứ chi phí nào cho tác giả, và tác giả dường như cũng không quan tâm lắm đến khoản tiền mình sẽ được nhận ngoài nhuận bút của nhà xuất bản. Thói quen này đến nay vẫn còn phổ biến, và các tác giả đôi khi sẽ chọn “kệ”, miễn sao tác phẩm và danh tiếng của mình được càng nhiều người biết đến càng tốt.

Thái độ “kệ” này của nhiều tác giả đã hình thành nên thói quen bất chấp của nhiều đơn vị xuất bản. Họ tự cho mình quyền được chèn ép tác giả non kinh nghiệm ngay khi có thể, bởi vì họ cho rằng nếu không có họ thì các tác giả sẽ chẳng có cơ hội xây dựng danh tiếng và bán sách. Cả tác giả và đơn vị xuất bản đều quên mất rằng giá trị cốt lõi tạo nên thương hiệu của một đơn vị xuất bản chính là các cây viết.

Nghịch lý gây hài hước đó chính là các độc giả chân chính dường như lại thông thạo các vấn đề về tác quyền hơn tác giả và đơn vị xuất bản.  Chính những độc giả này là “quan tòa” thông thái trong các cuộc phân xử liên quan đến tác quyền hay đạo văn, và cho dù người sai phạm tìm cách xóa dấu vết dư luận hay mua chuộc những nhà quản lý ngành thì các độc giả cũng truyền tai nhau về “kẻ xấu” vi phạm thỏa thuận. Tòa án chính thống có thể làm ngơ, nhưng tòa án dư luận sẽ vẫn còn đó, và thương hiệu sẽ luôn phải gánh chịu sự trừng phạt chính là vết nhơ khó tẩy xóa trong trí nhớ của dư luận.

Đọc thêm: Thị trường sách Việt Nam (7): Khi văn hóa đọc thiếu nền tảng học thuật và pháp luật – Hà Thuỷ Nguyên (hathuynguyen.com)

Hà Thủy Nguyên

Đọc toàn bộ chùm bài Thị trường sách Việt Nam tại đây: Thị trường sách Việt Nam Archives – Hà Thuỷ Nguyên (hathuynguyen.com)

*Nguồn ảnh: Copyright Alliance

Home 2021

Thèm ngủ và mơ mộng

Trà chớm nhạt
Ta thèm cơn ngủ cũ
Ảo mộng vừa qua chẳng đọng lại cõi tâm
Bày biện ruột gan góc chợ nghèo chật hẹp
Thèm mây ngàn xao động chốn sơn lâm

Hồn ta nay đã cũ rồi
Những tâm tư già nua mệt mỏi
Những hơi trà vô vọng chẳng kéo nổi thời gian

Hôm nay ta lại buồn tràn
Thế gian tròng trành câu thơ nghiêng ngả
Ánh mùa thu hắt giấc mộng chẳng thành cơn

Hôm nay ta cứ dỗi hờn
Lắng tai nghe tiếng đời đi trước ngõ
Kéo tấm chăn đắp này cuộc ngủ vùi

Có kẻ rủ ta mỗi cuối chiều
Lang thang bước lạc lối rừng thẳm sông
Giương cánh cung hướng mũi trăng vô vọng
Lại mỉm cười
Chinh chiến cũng vừa xong
Ồ không chỉ là cơn mộng
Còn ta vẫn đây nơi góc chợ chiều chật hẹp
Xôn xao đổi trao vô nghĩa
Chỉnh trang mặt nạ lọc lừa

Ta đang lạc đường đấy ư
Cung tên rao bán ai mua bây giờ?

Hà Thủy Nguyên

Home 2021

Xõa

Bước nhẹ vào đêm nhạc loang loang rớt ánh vàng trăng sao biền biệt
Ta vuốt một cung đàn lặng phím chùng tơ tưởng cõi thần linh
Ba ngàn thế giới giáng trần
Linh lung thơ lóe lòng phàm

Giọt đêm, giọt đêm,
Vào mắt ai lay
Bóng gió vờn cố đô ám niên vạn kỷ

Ta lần lữa một cung đàn cũ
Tóc huyền linh buông xõa bởi đâu
Mắt ơ hờ bất động bởi đâu
Ta lại bước vào ta sâu thăm thẳm tháng năm

Ta bới nếp nhăn ký ức
Chẳng còn vết trần ai
Phong kín khúc điệu dài
Tóc phủ

Tìm mãi một cơn say cũ
Tìm mãi một phút đau xưa
Lòng ta lỡ chết
Đơ
Điệu đàn vô tình khúc
Đến hồi thơ…

Home 2021

Lọt…

Chẳng thế giới nào hồn ta lọt
Hẹp quá ai ơi mấy cõi đời
Uốn éo vo viên dòng ý thức
Gò chật thân trần một cuộc chơi

Khe trời ai rạch mà đỏ rướm
Nứt toác vầng mây ố buồn loang
Có thành núi cũ vừa nát bấy
Sơn hà vắng lặng cũng vừa hoang

Âm hồn rỉ rả chân núi vọng
Hồng đăng dẫn lối vết quỷ trôi
Mỉm cười nhịp tịnh hồn sông núi
Bung vỡ phàm thân dứt cuộc chơi

Vô vàn thế giới dần huyễn ảo
Nới rộng mênh mông mặc kệ đời
Một giọt rừng rơi vào kẽ mộng
Phơn phớt mây trời lộ thời trôi

Quỷ thành cửa khép hờ
Lại lại qua qua không thành vết
Xác thân rời rã
Ngắm đời mơ…

Hà Thủy Nguyên

*Viết nhân một lần đi chơi Ba Vì vào ngày 3-4/7. Hà Nội vừa qua một đợt dịch, bỗng thả cho bà con chạy rông, rồi nay lại thắt. 5 năm rồi mới leo lại lên núi này, thấy tan hoang hơn trước. Mỗi lần đi là một lần thấy nó thêm phần tan hoang.  Ảnh minh họa không liên quan gì đến Ba Vì, vì Ba Vì còn gì đâu mà chụp. 

Home 2021

Đêm đại mạc

Miên trường tung điệu xoay gió cát
Trăng tơ một mảnh vỡ sơn hà
Mông mênh lòng trải cùng vô hạn
Ô kìa trăng ánh vệt cát mơ

Bốn ngàn thế giới nghe chừng vụn
Kết lại vào đây một thể tinh
Dạ quang đáy gió hoàng kim lộng
Lồng chút chân tâm dưới đáy hồn

Vệt cát trôi mờ cố nhân phiêu
Ngà ngà trông bốn bể tiêu điều
Đô thành vãn bóng người xưa ấy
Chỉ chút thơ này với cô liêu

Mà trăng chớm nụ à hoang lĩnh
Sa mạc sói tru điệu vũ tình
Xoay xoay vô hạn thâu tầm mắt
Sơn hà uyển chuyển bước lặng thinh

Đêm hoang đại mạc dài bất diệt
Bước người chẳng tiếng bóng hồ xa
Lốc gió vuột qua năm kẽ ngón
Ta rung giọng hát giữa sơn hà…

Hà Thủy Nguyên

Home 2021

Phong thủy

Ta rơi một cơn hoang loạn
Khói trầm ướt bão loang
Thần mỏi thức vừa chợp mắt
Sơn hà đẫm cuộc mơ màng

Gió vắt ngang trời xoáy động
Vút mưa kín mắt
Rồng gầm đáy sông
Giọt cát lăn đều thời chuyển thế
Mây mưa vừa gắn mạch sơn hà

Thiền chốt định cơn giông xoáy nhịp
Át phàm ngôn
Ngôi mộ mới vừa chôn
Một chút tôi phụt tắt
Mà sơn hà kịp trắng phủ tang
Mà sợi tóc cũng kịp màu tang
Miệng rung rung nhẹ quá nụ cười

Nước đọng nước vết trầm tàn lả tả
Sơn hà di một cuộc tân thời
Ngôi mộ mới chợt đâm chồi nảy lộc
Áo tang bay còn sót phận này thôi

Hà Thủy Nguyên

Home 2021

Động thơ

Văng tiếng đời rơi hiên phàm
Mang mang phong linh
Nhạc cũ chảy dài khóe cửa

Động cánh chuồn gánh mưa
Ngược dòng đạm thủy
Vô ô kìa cực

Gió lọt qua khe đáy sâu vừa
Mây mưa ướt sũng một giấc trưa
Đẩy hứng thơ tràn cơn xác thịt
Hoa bung cánh mướt hứng tình mưa

Phong linh lặng
Lây phây giọt đời chạm khẽ
Ai vừa ôm ấp mộng đầu

Hà Thủy Nguyên

Home 2021

Quanh co mưa

Gió hầy hây hẩy lộng đại phong
Bạt ngàn nước động ướt trời đông
Gào loạn giang sơn thần kinh động
Trượt tay chén vỡ
Vụn
Toang thời

Giáng phàm một cuộc ngàn năm mộng
Rượu loãng tu hoài chẳng được say
Dặm mưa hài cũ đâu hằn dấu
Gót mòn thân mỏi bóng lãng nhân
Cơn mộng chập chờn tia chớp giật
Nẩy giọt rơi tàn
Cuộc hơn thua
Mà men rượu cũng chua
Mùi thời gian phai lạt

Ta cứ thế
Tròn ngày qua
Bốn bể chẳng là nhà
Tha nhân ai mà chẳng
Để lại bóng lưng
Đổ dài dặm vắng

Quanh co ai ở ai về…

Hà Thủy Nguyên

Home 2021

Vũ trụ thơ

Bóng tạt ngang
Ký ức mập mờ
Rỏ chút thơ một cơn ngẩn ngơ nghe bước đời đi mãi chẳng qua chặng đường xa

Một khúc thơ
Triệu hồi bóng mờ vết dấu tang thương
Này thi sĩ
Chớp hàng mi
Và nghe chạm lên thanh âm thật khẽ

Nhòa bầy ma lẩm cẩm đói một trận bay
Đói một khắc nghiêng nghiêng thế giới say
Đói cơn nứng tình loạn dục
Rồi cũng nhòa dần trang giấy
Trắng tinh khôi
Hận cũng tan rồi
Kim Thủy Mộc Hỏa Thổ rồi Tả
Nghiêng nghiêng ngả ngả khói cay lời nghiệt
Lảm nhảm lời ma lẩm cẩm
đáy mồ
Tắt lịm
Im

Nhòa hết cả
Cơn văn vần tập thể
Mũi tên bay đứt con lắc miên man
Ngàn thế giới suy tàn màu giả dối
Bầy xác qua cuốn manh chiếu tả tơi
Vừa hết một tiếng ngân dăm ba vần cũ nát
Nào ai kéo bè kết đảng
Nào ai lũ lượt qua đời

Nhòa sạch rác thơ mùi điên đại
Mảnh vụn tinh thần lỡ tay rơi
Ai ơi hứng vội
Sinh táng thành phân một kiếp đời
Mà tân hình thức cũng rã rời

Ô kìa con chim từ xứ lạ
Ngứa cổ lời chắp vá
Ve vãn gáy hè oi ả
Cắn ngập răng nuốt trọn khắc thời
Cũng nhoà dần cơn ríu rít
Ôi đại ngàn im bặt vệt mây trôi

Khắp tám cõi khung kính lồng hư ảnh
Đập tan hoang nát bấy tắt thời gian
Lòng thơ thẩn nơi một chiều gió loãng
Và dâng dâng hồn ngập vũ trụ rồi
Chiết được chút thơ thôi
Vừa hay khều thế giới
Chiều nay

Hà Thủy Nguyên

Home 2021

Kéo hàn lâm gần văn hóa đại chúng hay nâng đại chúng gần tri thức hàn lâm?

Trong quá trình vận động của văn hóa, dường như luôn luôn có sự phân cực giữa hàn lâm và đại chúng: Ở thái cực hàn lâm, các kiến thức và vấn đề được đề cập một cách phức tạp với những cấu trúc ngôn từ phức tạp và sự đa chiều. Ở thái cực đại chúng, cấu trúc của kiến thức bị giản lược hóa thành các chỉ dẫn bằng ngôn từ thông thường và dễ hiểu.

Khi giới hàn lâm của thế giới chạm vào văn hóa đại chúng và làm thay đổi nhận thức của người dân

Thế kỷ 20, cùng với bùng nổ của phương tiện thông tin đại chúng, tri thức hàn lâm đứng trước một sự xâm lấn của văn hóa phẩm phục vụ đại đa số. Cứ mỗi một phương tiện thông tin đại chúng ra đời, mỗi một giao thức trao đổi được hình thành, người đọc càng trở nên gặp nhiều khó khăn hơn trong tiếp cận các kiến thức phức tạp.

Từ khi có TV và truyện tranh, người ta càng trở nên ít đọc các tác phẩm kinh điển dày và càng khó đọc thơ hơn. Sự xuất hiện của facebook khiến các bài báo dài trở nên “lỗi thời” bởi người đọc quen dần với sự lướt tin nhanh chóng thay vì nghiền ngẫm thông tin và câu từ.

Nhà triết học người Canada Marshall McLuhan phát biểu: “Chúng ta định hình nên các công cụ để rồi những công cụ định hình chúng ta”, và càng ngày, sự phát triển của phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là Internet, càng minh chứng rõ ràng cho luân điểm của ông.

Sách (bao gồm cả sách giấy và sách điện tử) bị cạnh tranh bởi các phương thức tiếp nhận thông tin khác như phim ảnh, video, truyện tranh, game, thậm chí là các đoạn văn  ngắn được đăng tải trên mạng xã hội (và chúng đang ngày càng ngắn đi).

Những phương thức tiếp nhận thông tin này tạo ra cho người thụ hưởng chúng thói quen tư duy khác, và việc sử dụng lặp đi lặp lại các phương tiện truyền thông đại chúng đã khiến tư duy của họ trở nên xa lạ với dòng sách khó đọc vốn thuộc về thế giới hàn lâm.

Cuốn sách "Nước Mỹ chuyện chưa kể" do Book Hunter dịch và ấn hành tháng 12 năm 2020.

Sự lên ngôi của văn hóa đại chúng bị dẫn hướng bởi một loạt các hoạt động quảng cáo và giải trí tại Mỹ vào đầu thế kỷ 20 đã mang đến tình trạng dân trí tệ hại ngay tại quốc gia được coi là cường quốc quan trọng nhất trên thế giới.

Trong cuốn sách “Nước Mỹ chuyện chưa kể” của hai tác giả Oliver Stone & Peter Kuznick đã phác họa lại một khung cảnh tồi tệ về tình trạng dân trí của Mỹ đầu thế kỷ 20 với người dân chỉ biết xem các chương trình truyền hình giải trí trên TV, dễ dàng tin các mẩu quảng cáo, và rồi đi đến kết quả là: Sau một thập kỷ quảng cáo và giải trí phù hợp thị hiếu đại chúng, chính phủ Mỹ đã tạo ra một thế hệ với 30% số binh lính không biết chữ, 47% người da trắng và 89% người da đen ở tình trạng “đần độn”.

Trước tình trạng ấy, các nhà làm phim, nghệ sĩ, trí thức Mỹ… đã tìm một lối đi: Thay vì tách biệt thế giới hàn lâm và thế giới giải trí, họ đã đưa ngôn ngữ, kiến thức và các chủ điểm vốn chỉ quen thuộc với giới hàn lâm đến gần với đại chúng.

Không hề xa lạ khi những bộ truyện tranh, phim hoạt hình, phim điện ảnh của Marvel và DC lại chứa trong chúng các kiến thức sâu sắc chỉ xuất hiện trong các cuộc thảo luân của những nhà vật lý hàng đầu, ví dụ như vật lý lượng tử, vũ trụ song song, khoa học tế bào…

Và không hề ngạc nhiên khi chúng ta bắt gặp trong một bộ phim giải trí như “The Matrix” (Tên tiếng Việt: Ma Trận) những câu hỏi triết học sâu sắc thách thức bất cứ bộ não triết học lớn nào…

Không chỉ Mỹ, thế giới manga của Nhật không chỉ dừng ở giải trí, mà là kênh để truyền tải mạnh mẽ các quan điểm triết học Á Đông, hệ thống thần thoại, các vấn đề thuộc phân tâm học…

Một câu thoại trong bộ truyện tranh Watchmen của DC. Tạm dịch: "Việc rủi xảy đến. Mọi người vẫn nói thế. Nhưng trong vũ trụ lượng tử, không có điều gì là tai nạn, chỉ là các khả năng và xác suất bị ý niệm thiết lập".
Một câu thoại trong phim Ma Trận. Tạm dịch: "Không phải cái thìa bị cong. Chỉ là chính anh thôi!"

Trung Quốc trong quá trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ và mở cửa với thế giới cũng nhanh chóng nhận ra rằng thay vì cần đại chúng hóa các kiến thức hàn lâm để phù hợp với tình trạng dân trí thấp, thì nên hàn lâm hóa đại chúng.

Lấy nền tảng từ các tiểu thuyết chương hồi kinh điển, kết hợp với thủ pháp dân gian từ sân khấu kinh kịch, cùng nghệ thuật làm phim phương Tây, những bộ phim truyền hình dài kỳ đã hấp dẫn độc giả bình dân và dần dần tạo cho họ những nhận thức về lịch sử, chính trị, văn hóa truyền thống…

Cùng với đó, Trung Quốc đại lục đã tiếp nhận những tiểu thuyết kiếm hiệp “ba xu” đã từng chinh phục giới anh chị giang hồ tại Hồng Kông với các cây bút lớn như Kim Dung, Cổ Long, Ngọa Long Sinh…tạo ra dòng phim truyền hình kiếm hiệp với chất lượng quay tầm cỡ điện ảnh có tính thẩm mỹ cao, đạt được tính nhã nhặn – đặc trưng của văn hóa hàn lâm Trung Hoa thời phong kiến.

Với nền tảng ấy, cho đến nay, các tiểu thuyết ngôn tình cổ trang, tiểu thuyết trinh thám đạo mộ, âm nhạc cổ phong và Trung Quốc phong, phim truyền hình cổ trang, phim truyền hình trinh thám… đều ẩn chứa các điển tích phức tạp trong văn học trung đại cổ; triết học của Bách gia chư tử; Thiền học; các thú chơi tao nhã như cổ cầm, cờ vây, trà nghệ, thư pháp…

Sự đầu tư để duy trì việc đưa các yếu tố hàn lâm vào sản phẩm đại chúng ở Trung Quốc không hề giảm mà ngày càng tăng với cấp độ phức tạp hơn.

Điều đặc biệt là khán giả đại chúng của Trung Quốc không hề quay lưng với các sản phẩm văn hóa đòi hỏi độ phức tạp của tư duy, thậm chí đòi hỏi họ phải đọc thêm tài liệu, đọc thêm sách…để có thể hiểu.

Điều này tương tự với công chúng tại Mỹ, Nhật, hay các nước phát triển khác trên thế giới, nhưng dường như lại quá khó khăn đối với văn hóa đại chúng Việt Nam.

Nếu công chúng khó hiểu các chi tiết, chỉ cần lược bỏ đi?

Năm 2009, bộ sitcom “Những người độc thân vui vẻ” (VFC sản xuất, phát sóng giờ Vàng VTV3) bị ngừng sản xuất. Đây là bộ hài kịch truyền hình được Việt hóa từ một bộ phim ăn khách của Trung Quốc, thế nhưng đã hoàn toàn thất bại khi chinh phục khán giả Việt, bởi vì những yếu tố gây hài của Trung Quốc đã bị lược bỏ.

Những yếu tố gây hài ấy lại nằm trong lối chơi chữ, câu đối, điển tích, điển ngữ… – các yếu tố mà người Việt đã lãng quên từ lâu. Khi bị gọt bỏ các yếu tố gây hài này, “Những người độc thân vui vẻ” không còn vui vẻ nữa.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, trong lần trả lời phỏng vấn báo Công An Nhân Dân đã chia sẻ: “Ban đầu chúng tôi thấy Trung Quốc – Việt Nam là hai quốc gia láng giềng có cách sống gần gũi nên tưởng có những nét tương đồng về văn hóa nhưng hoàn toàn không phải…Khi chúng tôi nhận thấy điều này và muốn thay đổi bằng cách lược bớt các nhân vật cũ, đưa nhân vật mới vào với các vấn đề của xã hội Việt Nam để phim tươi mới hơn, gần gũi hơn, chúng tôi lại tính sai.”

Cách tính toán phù hợp với đại chúng này khá phổ biến trong giới giải trí và các sản phẩm truyền thông đại chúng. Nỗ lực giản lược hóa tối đa các yếu tố hàn lâm như lịch sử, văn chương, Thiền học, triết học… để phù hợp với nhân thức của đại đa số người đọc, người xem không khiến một sản phẩm văn hóa trở nên hấp dẫn hơn mà chỉ khiến nó mãi mãi là một sản phẩm, không thể bước lên hàng tác phẩm.

Trong khi ấy, không ít sản phẩm văn hóa của Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản có xuất phát điểm thuần giải trí nhưng nhờ các nghệ sĩ vượt qua cơn ám ảnh vừa lòng đại chúng để vươn tới tầng sâu của trí tuệ mà sản phẩm đã trở thành tác phẩm.

Trong xã hội giao thoa liên tục hiện nay, khán giả và độc giả Việt Nam có nhiều cơ hội để tiếp cận với nền văn hóa đại chúng trên thế giới. Dẫu rằng giữa thị hiếu của họ và văn hóa hàn lâm vẫn còn một khoảng cách lớn, nhưng họ đã quen thuộc với các văn hóa phẩm có chất lượng nội dung tốt hàm chứa nhiều kiến thức phức tạp.

Trong khi ấy, văn hóa giải trí tại Việt Nam vẫn đang loay hoay với những vấn đề được cho là “gần gũi với cuộc sống”.

Nếu chúng ta thấy các siêu anh hùng trong phim Mỹ bàn về vũ trụ song song hay vật lý lượng tử, các soái ca trong phim ngôn tình Trung Quốc bàn về Đạo học, nhân vật truyện tranh của Nhật bàn về lẽ hư vô, ca khúc nhạc thị trường cổ phong phổ thơ Lý Bạch hoặc bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng, thì các sản phẩm giải trí Việt vẫn chỉ dừng ở chuyện gia đình và công ăn việc làm, với ngôn ngữ giao tiếp đơn giản thuần túy.

Liệu trong tương lai, có hay chăng tình trạng khán giả và độc giả sẽ tiến nhanh và xa hơn trên nấc thang thị hiếu so với những người sáng tạo?

Hà Thủy Nguyên

 

Mời các bạn đọc thêm 3 bài viết review phim "Lang Gia Bảng":